27 tháng 5, 2013

Bạch công tử - ông hoàng khi chết không có đất chôn


         Bạch công tử (tên thật Lê Công Phước, còn có tên Tây là George Phước) cùng với Hắc công tử (tức Trần Trinh Huy - công tử Bạc Liêu) hợp thành bộ đôi ăn chơi phóng đảng nhất ở “Lục tỉnh nam kỳ” qua mọi thời đại. Vào thời vàng son (khoảng thập niên 1920 và 1930), khi Trần Trinh Huy nổi lên với biệt danh “công tử Bạc Liêu”, thì Lê Công Phước cũng đình đám không kém với biệt danh “ông hoàng ăn chơi”. Bộ đôi này đã để lại giai thoại bất hủ “đốt tiền làm đuốc tìm tiền” và “đốt tiền nấu chè”. 

        Trong khi Hắc công tử còn duy trì được cuộc sống phong lưu cho tới khi chết vì tuổi già (năm 1973), chỉ đến đời các con ông mới bị khánh kiệt, nghèo khổ, thì những đam mê “tứ đổ tường” đã làm cho Bạch công tử sớm trắng tay khi còn khá trẻ và chết trong nghèo khổ, bệnh tật (năm 1950), khi chết không có đất để chôn. Câu chuyện của Bạch công tử (và cả Hắc công tử) làm người đời quan tâm theo dõi vì nó là bài học dễ thấy nhất, dễ thuộc nhất về luật nhân quả của cuộc đời.

        Thời hoàng kim, Lê Công Phước (sinh năm 1901) được giới ăn chơi khắp Nam, Trung, Bắc tôn sùng là “ông hoàng” vì phong cách ăn chơi rất phong lưu mang dáng dấp của giới quý tộc phương Tây. Không chỉ nổi tiếng trong nước, ngay tại Paris tráng lệ Lê Công Phước cũng được xem là ông hoàng khi luôn xuất hiện ở những nơi ăn chơi nổi tiếng dành cho giới quý tộc, thượng lưu, bên tay luôn kè kè 1 cô gái Nga xinh đẹp dòng dõi quý tộc Sa hoàng…

Đi du học… nhảy đầm

        Bây giờ, khi về vùng Chợ Gạo – Tiền Giang, hỏi thăm mộ của Bạch công tử, nhiều người lớn tuổi đều biết. Không những biết nơi ông được chôn nhờ sau khi chết vì không còn đất nhà để chôn, các cụ già ở Chợ Gạo – Tiền Giang còn có thể ngậm ngùi kể hàng giờ về cuộc đời “lên voi xuống chó” chỉ trong chớp mắt của con người nổi tiếng ăn chơi bậc nhất vùng đất trú phú bên bờ sông Tiền này. Lê Công Phước là con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng, người ở làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho trong “Nam kỳ lục tỉnh”, nay thuộc phường 3, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. 

        Theo các sử liệu còn lưu lại, Lê Công Sủng là người gốc miền Trung, có thể Quảng Nam hoặc Bình Định, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm quận trưởng quận Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho) vào đầu thập niên 1880. Sau đó được chuyển về làm quận trưởng quận Chợ Gạo (cũng thuộc tỉnh Mỹ Tho) và cất nhà định cư tại đây. Ban đầu, khi mới vào Mỹ Tho làm quan, Đốc phủ Sủng chưa phải là người giàu có. 

        Ông có nhiều vợ, trong đó có bà Đào Thị Linh là người ở Chợ Cũ, thành phố Mỹ Tho, có quốc tịch Pháp, hai người có 1 đứa con chung là Lê Công Phước, tức George Phước. Bà Linh bất ngờ bị bệnh lao, là bệnh nan y lúc bất giờ, và chết khi còn rất trẻ, để lại cho cha con ông Sủng một gia tài lớn vốn là của hồi môn khi lấy chồng. Với thế lực của mình, cũng là người có máu làm ăn, chẳng bao lâu Đốc phủ Sủng trở nên giàu có nhất nhì vùng Gò Công – Mỹ Tho, ruộng đất “cò bay thẳng cánh”. 
f
Lê Công Phước thời vàng son.

        Vào lúc giàu có tột bậc ấy, Đốc phủ Sủng không thể nào hình dung nỗi chỉ ba bốn chục năm sau, người con trai kế nghiệp mình lại nghèo khổ tới mức chết không có đất chôn, phải chôn nhờ trên phần đất của người khác vốn trước đây là sở ruộng của Đốc phủ Sủng. Lúc ấy, là người có thế lực và giàu có trong vùng, Đốc phủ Sủng đã được cử làm đại diện cho tỉnh Mỹ Tho đi dự hội chợ bên Pháp năm 1909, đó là vinh dự rất lớn thời ấy mà không phải ai có tiền hay có quyền cũng có thể lo được. Chuyến đi hội chợ du lịch ấy đã là duyên cớ để Đốc phủ gửi đứa con quý tử Lê Công Phước sang Pháp du học sau đó mấy năm. Dường như đó không phải là quyết định sáng suốt trong cuộc đời Đốc phủ Sủng, bởi vì nó là cơ duyên cho sự ăn chơi trụy lạc, vô độ đến mức tán gia bại sản của Lê Công Phước.

        Do sớm xa gia đình, lại sẵn tiền bạc gia đình cung phụng vô điều kiện, Lê Công Phước đã sớm học đòi thói ăn chơi giữa chốn Paris tráng lệ, còn học hành chỉ cho có lệ. Sau nhiều năm “học tập”, cậu Tư Phước về nước mà không đỗ đạt được bằng cấp gì, ngoài “bằng cấp” ăn chơi và nhảy đầm. Ông  Đốc phủ Sủng rất tức giận, ông từng kỳ vọng đứa con trai “du học bên Tây” về sẽ làm nên chuyện lớn – chấn hưng kinh tế nước nhà, mà với đầu óc của vị quan có ít nhiều tinh thần dân tộc, ông rất muốn làm nhưng không biết phải làm bằng cách nào và bắt đầu từ đâu. Thời ấy giới nhà giàu, quan lại ở miền Tây Nam bộ xem việc cho con đi du học ở “mẫu quốc” là mốt thời thượng, họ sẵn sàng chịu tốn kém để được tiếng có con đi Pháp du học, và khi con học thành đạt trở về họ đón rước long trọng, xem đó là sự kiện lớn, là niềm, tự hào của gia đình, dòng họ. Thế nhưng, không ít con cái của giới địa chủ, nhà giàu khi ấy đi Tây chơi giỏi hơn học, mà điển hình là Hắc công tử và Bạch công tử. Sau khi đón rước rỉnh rang đứa con đi học bên Pháp về, Đốc phủ Sủng khi biết con mình không học hành nên trò trống gì, đã giận tới mức bắt phạt cậu “quý tử” gánh hồ phục vụ cho thợ xây khi ông cất ngôi nhà mới ở thành phố Mỹ Tho. 

        Dù rất bất bình, nhưng cũng do biết lỗi của mình, cậu Tư Phước đã chịu làm “cu li” phụ hồ mấy tháng trời cho đến khi cất xong ngôi nhà, nhờ đó mà ông Đốc phủ Sủng nguôi giận. Nếu như ông Đốc phủ Sủng không qua đời sớm vào cuối thập niên 1920, khi mà cậu Tư Phước còn quá trẻ, thì có lẽ sản nghiệp của Đốc phủ Sủng để lại không sớm tiêu tan vì đứa con yêu quý của ông sa vào con đường ăn chợi trụy lạc, rồi chết không có đất để chôn. 

        Một cụ già gần 90 tuổi ở ấp Thạnh Khiết - xã An Thạnh Thủy – huyện Chợ Gạo, nơi có ngôi mộ nhỏ của Bạch công tử, sau khi kể chuyện cuộc đời của “cậu Tư Phước”, đã bùi ngùi nói: “Ngày trước ruộng đất vùng này là của cậu Tư Phước, ba má tui từng làm tá điền cho ổng. Rồi ruộng đất bị ổng bán dần cho người khác để lấy tiển ăn chơi. Đến khi ổng chết đem về đây chôn nhờ trên đất của ông Nguyễn Ngọc Phi, tui có đi đưa tang, dù không thân thuộc gì nhưng tui cứ chảy nước mắt khi chứng kiến cái kết cục bi thảm của ổng”. Đứng trước ngôi mộ nhỏ trong góc một khu vườn không có người chăm sóc trong một xóm nghèo heo hút, trên tấm mộ bia ghi: “Bạch công tử - George – Lê Công Phước”, tôi cố hình dung một thời George Phước từng sống như ông hoàng giữa Paris tráng lệ.

Ông hoàng quý tộc phương Tây

        Sau khi Đốc phủ Sủng mất, được toàn quyền thừa hưởng gia sản kếch sù của cha mẹ để lại, Goerge Phước bắt đầu con đường ăn chơi vô độ của mình. Không chỉ ăn chơi, cậu Tư Phước còn luôn tỏ ra hào phóng, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người túng thiếu đến xin tiền cậu, xem đó như là cái mốt thời thượng của những kẻ lắm tiền, nhiều của. Có lẽ nhờ sự hào phóng với bạn bè, những người xung quanh, mà không bao lâu sau, khi Lê Công Phước trở nên khánh kiệt, nghèo khó và bệnh tật, ông đã được nhiều người bạn cưu mang, chạy chữa bệnh cho ông. Rồi khi ông qua đời trong cô độc, không còn miếng đất để chôn, một người bạn của ông đã đem ông về chôn cất trên đất nhà mình và cử người chăn sóc mả mồ, thờ cúng hàng năm.
d
Ngôi nhà của Đốc phủ Sủng ngày trước, nay là trụ sở cơ quan của huyện Chợ Gạo.

        Trở lại câu chuyện khi ông Đốc phủ Sủng mới qua đời, cậu Tư Phước bất ngờ ngồi trên một đống tiền của, cậu tính chuyện quay lại Paris tráng lệ để thỏa chí chơi bời mà khi còn là cậu học sinh du học cậu phải dừng lại ở chừng mực cho phép. Dịp đi Pháp đã tới, khi đại bang (tiếng gọi đoàn hát cải lương lớn thời đó) Phước Cương được mời qua Pháp biểu diễn năm 1931. Là người rất ham mê cải lương, lại đang có ý định trở lại Pháp ăn chơi một chuyến, cậu Tư Phước tình nguyện đi Pháp cùng đoàn Phước Cương để hướng dẫn đoàn lưu diễn. Khi sang Pháp, George Phước đem theo cả một người đầu bếp để nấu riêng cho mình bữa ăn trưa hàng ngày, chỉ bữa ăn trưa mà thôi, vì các bữa ăn còn lại đều diễn ra ở những nơi ăn chơi sang trọng, nổi tiếng nhất Paris. 

        Vốn đã từng ở Paris nhiều năm, nay trở lại với rủng rỉnh tiền bạc trong va li, Lê Công Phước nhanh chóng kết thân với nhiều người sở tại, kể cả người Việt định cư tại Pháp và dân Pháp. Trong số đó có cả giới trí thức, quý tộc Paris, nhờ đó George Phước ăn chơi mang phong cách một nhà quý tộc Châu Âu đúng nghĩa. Trong gần suốt 2 năm 1931 – 1932 “đập phá” trên đất Pháp, không biết Lê Công Phước đã tiêu tốn bao nhiêu tiền, không biết bao nhiêu mẫu ruộng ở Mỹ Tho – Gò Công mà ông Đốc phủ Sủng dày công gầy dựng, đã đội nón ra đi. Chỉ biết là sau chuyến đi ấy, George Phước trở về nước với biệt danh “ông hoàng ăn chơi”. 

        George Phước đã nổi tiếng với danh hiệu này ngay từ khi còn ở Paris, những người Việt tại Pháp và cả giới ăn chơi Paris tôn sùng Lê Công Phước là “ông hoàng”, một phần do không biết nhờ đâu mà ông đã “sắm” được cho mình một người tình quý tộc thuộc dòng dõi Nga Hoàng Nicolai II, một cô gái Nga tuyệt đẹp tên là Princesse Olga. Lúc ấy dân ăn chơi quý tộc ở Pháp gọi George Phước là "Ông Hoàng xứ Galles" (Prince de Galles), là tước hiệu danh giá của giới quý tộc Châu Âu cho tới tận ngày nay. 

        Thời gian ở Paris, mỗi ngày George Phước đều mặc một bộ đồ khác nhau, là những kiểu trang phục quý tộc nổi tiếng thời đó ở Châu Âu, như Habit hay Smoking. Cùng với trang phục “không đụng hàng”, lúc nào George Phước cũng đội nón Flécher, ngậm xì-gà, tay cầm ba-ton bằng gỗ mun bịt vàng. Mùa lạnh George Phước khoác thêm áo khoác ngoài bằng da thú hoặc bằng loại vải đắt tiền nhất lúc ấy ở Pháp. George Phước thuê hẳn phòng đặc biệt tại 1 khách sạn ở trung tâm Paris để ở dài hạn. 

        Hàng ngày ông và nhóm bạn Tây có, Việt có chỉ ăn uống buổi trưa tại khách sạn nơi ở do người bếp ông đưa từ Việt Nam sang nấu. Còn buổi tối họ đến các nhà hàng danh tiếng để ăn nhậu, mà nơi họ thích nhất là nhà hàng Table des Mandarins. Sau khi ăn tối họ kéo nhau đi nhảy đầm, George Phước luôn khoác tay người tình Psincesse Olga tại các hộp đêm ở khu Montmartre hay khu Saint Germain des Prés, khu Champs Élysée....

        Một người bạn thân người Việt ở Paris của Lê Công Phước là Chu Mậu, một thanh niên tài hoa, ăn chơi đúng mức ở đất Paris nhờ nghề cắt may các bộ đồ đúng mốt thời đó (như Habit, Smoking) mà vẫn phải bái phục “ông hoàng” George Phước. Sau này Chu Mậu kể lại: Mỗi ngày cậu Tư Phước xuất hiện với hình ảnh một nhà quý tộc khác nhau nhờ vận những bồ đồ khác nhau, khi là bá tước, khi công tước, lúc là hầu tước…Trong những đêm dạ hội, George Phước đúng nghĩa là một ông hoàng, khi cùng “công chúa’ Olga, cây đinh của những buổi tiệc tùng sang trọng, khoác tay nhau trước bao cặp mắt thèm thuồng, ganh tị. Trong gần 2 năm ăn chơi ở Âu Châu, “ông hoàng xứ Galles” George Phước có một lịch trình hưởng các lạc thú khắp nơi trên đất Pháp. 

        Vào mùa hè, ông cùng các bạn tự lái xe xuống phía Nam, hưởng không khí trong lành tại các thành phố biển nổi tiếng của Pháp nằm bên bờ Địa Trung Hải như Canne, Nice... Ban ngày họ tắm biển, thuê du thuyền đi ra biển câu cá, có khi ngủ đêm trên biển. Họ cũng không bỏ qua các hộp đêm sang trọng ở các thành phố biển. Không chỉ “quậy phá” trên nước Pháp, để tăng thêm cảm giác, Goerge Phước còn cùng Pricesse Olga vượt rặng núi Pyrénées qua Tây Ban Nha xem đấu bò hoặc khiêu vũ cùng những võ sĩ bò tót. Đến mùa Đông, George Phước thích cùng Olga hưởng riêng lễ Giáng Sinh tại Paris, sau đó hai người đi trượt tuyết ở núi Alpes hoặc các khu du lịch, thể thao mùa đông nổi tiếng khác. 

        Một người bạn tên Thanh của George Phước còn lưu lại lịch trình 1 ngày của “ông hoàng xứ Galles” như sau: Khoảng 4 giờ chiều, George Phước cùng cả nhóm đến họp bạn tại một quán cà phê ở khu Montmartre. Tại đây, chủ nhà hàng luôn kê sẵn hai bàn dài trải thảm đỏ chỉ dành riêng cho họ. sau đó, từ 5 giờ chiều đến khoảng 7 – 8 giờ tối, cả nhóm kéo nhau đi “trà vũ”. Rồi họ đến một nhà hàng quen thuộc Tables des Mandarins dùng cơm tối. Sau đó họ đi khiêu vũ cho đến 1 gìờ khuya. Ăn khuya xong, họ về khách sạn thay đồ Smoking hoặc Habit để đi đến các hộp đêm cho tới sáng. Khoảng 6 giờ sáng, họ ăn điểm tâm nhẹ, thường là món Soupe d’oignons. 

        Xong, họ kéo vào rừng Boulogne chèo thuyền trên những chiếc hồ nhỏ hoặc câu cá giải trí. Khoảng 8 – 9 giờ họ về khách sạn ngủ đến 2 - 3 giờ trưa. Thức dậy, George Phước ra vườn hoa đi bách bộ, tập thể dục, trong khi ở khách sạn người đầu bếp riêng từ Việt Nam sang đang làm sẵn cho ông bữa ăn trưa với nhiều món ăn thuần Việt. Không biết do ăn chơi mãi rồi cũng chán hay do chi phí ăn chơi ở “thủ đô ánh sáng” Paris quá tốn kém, mà vào cuối năm 1932 Lê Công Phước rời nước Pháp trở về “cố quốc”, bỏ lại nàng công chúa xinh đẹp dòng dõi Sa hoàng. 

Lừng danh khắp 3 kỳ

        Sau gần 2 năm ăn chơi trên khắp nước Pháp, trở về nước Lê Công Phước nổi danh “ông hoàng”, không có đối thủ về ăn chơi, ngoại trừ công tử Bạc Liêu. Về nước, Lê Công Phước “vừa làm vừa chơi” bằng cách lập gánh hát Huỳnh Kỳ, đi lưu diễn khắp miền lục tỉnh. Thời đó đường bộ chưa phát triển, việc đi lại ở miền Tây chủ yếu bằng đường sông. Các đại điền chủ ở miền Tây thường đi lại bằng ghe bầu, ai sang lắm thì sắm ca nô, nhưng riêng cậu Tư Phước, nhờ học lóm ở bên Pháp, đã đặt đóng cho riêng mình một chiếc du thuyền để đi lại trên sông, thường đậu túc trực dưới sông Bảo Định trước chợ Mỹ Tho.

         Do lúc đó du thuyền của Pháp chưa nhập vào Việt Nam, mà cũng có thể George Phước không đủ khả năng đặt mua du thuyền trị giá hàng triệu đồng bảng Pháp, nên ông đã sáng kiến đặt đóng chiếc ghe bầu loại lớn, cao 2 tầng, trang bị đầy đủ các tiện nghi giống như du thuyền, có cả phòng ngủ riêng từng người, nhà vệ sinh, chỗ ăn uống, nơi ngồi câu cá giải trí…Tất nhiên là “du thuyền” này di chuyển bằng máy động cơ nhập từ Pháp về, chứ không giống như hầu hết ghe bầu trên sông rạch miền Tây di chuyển còn bằng chèo tay. Khỏi phải nói, chiếc “du thuyền” 2 tầng có cả đèn điện của George Phước đi tới đâu là gây xôn xao ở đó, người dân miền Tây cứ trồm trồ về chiếc “ghe bầu nhà lầu” của cậu Tư Phước.

        Cũng chính Lê Công Phước từ nước Pháp trở về đã mang theo một trào lưu mới trong lối sống của giới nhà giàu trong nước, đó là ai cũng “sắm” cho mình những võ sĩ theo bảo vệ như các nhân vật quan trọng trong chính phủ các nước Châu Âu, mà họ thường gọi là "garde corps". Riêng cậu Tư Phước có 2 võ sĩ người Phi lai Pháp tên Puncher và Kid Demsey. Học theo George Phước, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy cũng “cò măng” cho riêng mình 1 vệ sĩ tên Batandier vốn là lính Tây của trung đoàn thuộc địa đóng ở Cần Thơ. 
d
Mộ Bạch công tử (màu hồng) trong một khu vườn không người chăm sóc ở xã An Thạnh Thủy – huyện Chợ Gạo.

        Một lần, vào năm 1933, Goerge Phước đưa gánh hát Huỳnh Kỳ từ Mỹ Tho đi lưu diễn các tỉnh miền Tây, ghé lại diễn ở nhà lồng chợ Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng ngày nay). Từ du thuyền bước lên chợ Sóc Trăng, cậu Tư Phước luôn được người vệ sĩ Phi lai Pháp theo sát làm "garde corps", ngoài dáng vóc cao lớn, người vệ sĩ còn rất oai vệ với khẩu súng lục hiệu Browning 6 mm 35 luôn kè kè bên hông. Một bữa sáng, cậu Tư Phước tự cầm lái chiếc xe thể thao hiệu Fiat chở ban tham mưu gánh hát Huỳnh Kỳ đi ăn sáng tại một nhà hàng trên đường Đại Ngải – Sóc Trăng. Chiếc Fiat của cậu Tư đậu không sát lề, bị một cảnh sát công lộ địa phương tới đòi xử phạt.

        Là một người lịch lãm, hiểu biết luật pháp, cậu Tư Phước nhìn nhận mình có lỗi và móc tiền đóng phạt, nhưng người vệ sĩ người Pháp lai ấy có vẻ bực tức, nhất là khi viên cảnh sát công lộ ghi giấy phạt với thái độ hống hách. Không cầm được lòng, người vệ sĩ của George Phước nổi nóng bật tiếng chửi thề. Viên cảnh sát cũng không vừa, hất hàm thách đố người vệ sĩ: “Mày ỷ có súng, nhưng dám bắn tao không?”. Người vệ sĩ phân trần bằng tiếng Việt trước hàng trăm người dân bu quanh: “Bà con cô bác làm chứng dùm, tôi không chọc ghẹo anh ta, nhưng nếu anh ta thách tôi, tôi bắn ráng chịu”.

        Viên cảnh sát không vừa, thách tiếp: “Mày giỏi bắn con … tao nè!”. Tức thì một tiếng nổ chát chúa vang lên, viên cảnh sát ngã quỵ trên vũng máu trước sự kinh hãi của mọi người. Sau đó, cậu Tư Phước chở viên cảnh sát đi bệnh viện và chở người cận vệ đến sở cảnh sát nộp mình. Thời đó, xâm hại đến cảnh sát là tội rất nặng, nhưng chỉ mấy năm sau, có lẽ nhờ cậu Tư Phước lo lót, mà người vệ sĩ được ra tù, tiếp tục làm vệ sĩ cho ông đến năm 1945. Khi Pháp trở lại chiếm Nam Kỳ, người vệ sĩ ấy trở thành cảnh sát trưởng một quận ở tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).

        Chính George Phước chứ không ai khác đã lần đầu tiên đưa cải lương ra Bắc để thử thị hiếu khán giả ngoài ấy. Năm 1932, George Phước đưa gánh hát Phước Cương của mình ra Hà Nội, Hải Phòng trình diễn và được dư luận đánh giá là 1 trong 3 sự kiện văn hóa – xã hội nổi bật trong năm trên đất Bắc (hai sự kiện còn lại là Hội chợ Kẹch Mếch (hay còn gọi là Hội chợ Bạch Yến, tại Hà Nội) và Chợ phiên trong vườn Bách thảo). Tại Hà Nội, George Phước được các bạn bè từng quen biết bên Tây tiếp đón trọng thể như một ông hoàng. Vào thập niên 1930, ở Hà Nội có phong trào đổi mới báo chí do nhóm Hoàng Tích Chu từ Pháp về khởi xướng, có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội. Sau khi Hoàng Tích Chu mất sớm, nhóm tan rã. Một số người trong họ tách ra lập nhóm Dân Mới.

        Trong hoạt động của nhóm Dân Mới, có "Câu Lạc Bộ 15" gồm 15 thành viên có chung một quan niệm, thú vui giải trí gồm cả những thanh niên người Việt từng học ở Pháp và những người Pháp sống ở Hà Nội. Nhóm 15 này thường lui tới nhà hàng Taverne Royal, khách sạn Métropole, nhà hàng cơm Tàu Asia... Chủ nhân khách sạn Métropole - ông Jean - tình nguyện dành cho Câu Lạc Bộ 15 một phòng danh dự đặc biệt làm nơi nhóm họp và một phòng thượng hạng để đón tiếp khách quý phương xa. Trong nhóm có Chu Mậu nỗi danh là một “công tử xứ Bắc”, ông từng là bạn thân của George Phước hồi bên Pháp giai đoạn 1931 – 1932.

        Ra Hà Nội cùng với đại bang Phước Cương, cậu Tư Phước được Câu Lạc Bộ 15 đón tiếp đặc biệt trọng thể. Khách sạn Métropole của Jean, thành viên câu lạc bộ, tình nguyện dành riêng cho cậu Tư Phước một căn phòng danh dự mà không lấy tiền trong suốt thời gian lưu lại trên đất Bắc. Đáp lại, cậu Tư Phước sẵn sàng đem gánh hát với những cô đào lừng danh trong làng kịch nghệ phương Nam phục vụ mọi lúc mọi nơi theo yêu cầu của nhóm Câu lạc bộ 15. Nhờ tiếng tăm “ông hoàng George Phước” và nhờ sự lăng xê của Câu lạc bộ 15 mà đoàn hát Phước Cương đã gây tiếng vang khi lần đầu tiên đem cải lương ra Bắc. Sự kiện này đã khơi mào cho những đợt sóng cải lương đi lưu diễn miền Bắc trong những thập niên sau đó, kéo dài cho tới năm 1954. Sau ngày miền Nam giải phóng 1975, cải lương tiếp tục được khán giả phía Bắc đón nhận với tình cảm yêu thương, một phần nhờ những kỷ niệm đẹp của cải lương trên đất Bắc từ thập niên 1930, 1940. Không những thế, việc đưa cải lương ra phục vụ khán giả phía Bắc từ thập niên 1930 đã là tiền đề để bộ môn nghệ thuật này cắm rể và phát triển trên một nửa đất nước cho tới ngày nay.
    
                                                                                                                           Thiên Thanh

Công tử Bạc liêu - Những phát hiện mới.

                                       “Hai Lúa” mua xe như Vua Bảo Đại
      Hãng bán xe hơi ngay ngã tư Charner - Bonard (ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, quận 1, TPHCM ngày nay) không thật niềm nở khi có hai người khách trong bộ dạng nhà quê ghé vào.
      Người lớn tuổi trong bộ đồ bà ba “lục soạn” trắng ngả màu phèn, ôm khư khư chiếc giỏ đệm, bên trong là cái mo cau. Ông già nhà quê và người thanh niên đi cùng xem khắp lượt các loại xe hơi đậu trong hãng.
công tử Bạc Liêu, Nhà Lớn, Bảo Đại, 5 tấn vàng, Trần Trinh Trạch, Trần Trinh Quy

      Sau một hồi ngắm ngắm nghía nghía, người thanh niên kéo ông già nhà quê tới bên chiếc xe “Huê Kỳ” (xe hơi) hiệu Chevrolet loại mới nhập cảng ở Mỹ qua, chưa ai có ở Nam Kỳ.
      Ông già ra lệnh cho mấy thằng Tây bán xe mở cửa xe cho ông lên ngồi, bọn chúng trố mắt ngạc nhiên nhưng vẫn làm theo khách hàng. Xong ông bảo chúng chạy một vòng quanh chợ Bến Thành.
      Đến chừng đã ưng ý, ông kêu sốp-phơ chạy trở về hãng, xong mở mo cau ra đếm tiền, cả cọc giấy bạc bộ lư (loại 100 đồng Đông Dương). Bọn Tây trố mắt kinh ngạc, chúng đâu biết rằng, ông già nhà quê kia là một đại điền chủ giàu nhất Nam Kỳ khi ấy, ở xứ Bạc Liêu.
      Ông chính là Hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch) - người đang nắm trong tay hơn 100 ngàn hécta ruộng lúa và khoảng 50 ngàn hécta ruộng muối.
      Ông Hội đồng Trạch mua xe mới là để đón đứa con đi học bên Tây thành tài về nước cho nó đúng điệu. Trước đó gia đình ông Trạch có chiếc Ford tuy chưa cũ nhưng đã thua kém xe của nhiều điền chủ khác, trong khi chiếc Chevrolet chỉ mới Vua Bảo Đại có.
      Chiều ngày hôm trước, người tài xế lái chiếc Ford đưa ông bà Hội đồng Trạch và mấy người con từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, đêm ngủ ở khách sạn Nam Kỳ, để sáng nay đi mua xe hơi. Ngày hôm sau “cậu Ba” Quy sẽ về đến cảng Sài Gòn.
       Vào đầu tháng 7, cậu Ba Quy đánh dây thép từ Pháp về cho biết đã học “thành tài” và chuẩn bị lên tàu về nước. Thông tin đó làm xôn xao Nhà Lớn (Nhà Lớn là tên mà người dân Bạc Liêu đặt cho tòa nhà đồ sộ, nguy nga nằm bên sông Bạc Liêu).
       Đó là một biệt thự lớn, có lầu, kiến trúc theo kiểu Tây, tuy thua về diện tích khuôn viên, nhưng về kiến trúc và mức độ đồ sộ thì ăn đứt dinh thự của quan chủ tỉnh người Tây. Đó là cơ ngơi của ông đại điền chủ Trần Trinh Trạch.
       Ông Hồi đồng Trạch cho tu sửa, dọn dẹp lại nhà cửa để chuẩn bị yến tiệc lớn mừng ngày đứa con quý tử của ông “vinh quy bái tổ” từ Pháp trở về. Ông Trạch có 3 người con trai, nhưng ông cưng nhất là cậu Ba Quy vì có “đầu óc hơn người”, được đi Tây học.
       Ông Trạch (“trạch” là tên một loài cá, cá trạch, có nhiều ở miền Tây Nam Bộ) thích đặt tên con theo các loài thủy tộc giống như mình, vì ông quan niệm “muốn giàu nuôi cá”. Đứa con trai đầu lòng ông đặt tên Trần Trinh Đinh (“đinh” là tên một loài giống như rùa, nhưng lớn hơn, sống ở ven biển Nam Bộ). Đứa con thứ ba là Trần Trinh Quy (“quy” nghĩa là rùa).
       Đứa con trai út, ông cũng đặt tên một loài thủy tộc khác là Trần Trinh Khương, nhưng người đời quen gọi là Tám Bò. Cậu Hai Đinh được học tới Đip-lôm (trung học), rồi học ban tú tài, nhưng ông Hội đồng Trạch không cho cậu học tiếp, mà bắt ở nhà trông coi điền đất cho ông. Ông quan niệm, học nhiều đậu kỹ sư, bác sĩ cũng không kiếm tiền nhiều bằng mấy ông chủ điền.
      Trần Trinh Quy cũng học tới đậu bằng Đip-lôm, ông Hội đồng Trạch định bắt nghỉ học ở nhà làm điền chủ, nhưng Ba Quy nhất mực đòi cha cho đi học bên Tây. Ba Quy nói: “Nhà mình bạc chứa cả kho mà ba hà tiện làm gì? Để cho con một bụng chữ còn hơn để mấy chục ngàn mẫu ruộng.
       Nếu ba cho con qua Tây học thì thiên hạ khắp nơi trên xứ Nam Kỳ lục tỉnh này ai cũng kính nể ba”. Nghe con nói chí lý, ông Hội đồng Trạch đã mở kho lấy cả valy bạc nén cho con đi Tây du học. Thấm thoắt mà đã 3 năm, cậu Ba Quy đã học “thành tài”, sắp trở về “vinh quy bái tổ”. Một mặt, ông Hội đồng Trạch cho sửa soạn lại nhà cửa, trang hoàng thật lộng lẫy, một mặt ông sắm chiếc xe hơi loại mới nhất để ra bến cảng Sài Gòn đón cậu Ba Quy đưa về Bạc Liêu.
                                          Lái xe, lái cả máy bay
      Chiếc tàu Aramis của hãng Messageries Maritimes chạy tuyến Marseille - Sài Gòn cập bến vào lúc 9h sáng ngày 10.8.1930. Bến cảng Nhà Rồng đông nghẹt người tới đón thân nhân từ Pháp về. Gia đình Hội đồng Trạch đi trên 2 chiếc xe Huê Kỳ ra bến cảng đón con: Chiếc Ford đi bấy lâu và chiếc Chevrolet mua mua ngày hôm trước.
       Trong bãi xe đậu trên bến cảng, chiếc Chevrolet của Hội đồng Trạch là nổi bật hơn cả, thiên hạ kéo tới trầm trồ ngắm nhìn. Sau mấy hồi còi vang dài trên sông Sài Gòn, chiếc tàu Aramis xuất hiện, từ từ rẽ sóng tiền về bến Nhà Rồng. Từ trên boong tàu, cậu Ba Quy xuất hiện thật sang trọng, giống như tài tử trên màn bạc trong rạp chiếu bóng.
công tử Bạc Liêu, Nhà Lớn, Bảo Đại, 5 tấn vàng, Trần Trinh Trạch, Trần Trinh Quy
Nhà Lớn (gồm 2 tòa nhà) của Hội đồng Trần Trinh Trạch, nay là khách sạn Công Tử Bạc Liêu.
       Vừa ôm chầm lấy con, ông Hội đồng Trạch vừa hỏi: “Mầy coi oai như Tây. Có dẫn con đầm nào về không?”. Cậu Ba lắc đầu, mắt đượm buồn vì ông Hội đồng Trạch đã vô tình gợi lại cảnh chia ly giữa cậu và mẹ con cô gái Tây tên Maria trên bến cảng Marseille cách đó gần 1 tháng.
      Ba Quy hơi bất ngờ khi được gia đình đưa tới chiếc Chevrolet mới toanh, loại xe này ở bên Pháp chỉ những nhà quý tộc mới dám mua. Ba Quy không chịu chui vào hàng ghế sau ngồi cùng cha, mà đẩy sốp-phơ sang một bên, rồi ngồi vào sau vô-lăng, trước cặp mắt kinh ngạc của ông Hội đồng Trạch: “Mầy cũng biết chạy xe nữa à?”.
       Không nói không rằng, Ba Quy depart rồi từ từ lăn bánh một cách điệu nghệ. Trên con đường thiên lý từ Sài Gòn về miền Tây, chiếc Chevrolet chạy như bay, qua mặt tất cả các xe đò lục tỉnh. Tốc độ tăng lên 80, rồi 90km/h, chiếc Chevrolet bỏ lại sau lưng những chiếc xe đò của các hãng Ứng Ký, Đại Đồng nổi tiếng anh chị.
       Thuở ấy, xe đò Ứng Ký có sốp-phơ Ba Thẹo nổi tiếng cừ khôi, chưa từng thua bất cứ xe nào trong các cuộc đua trên con đường thiên lý. Khi thấy có chiếc xe Huê Kỳ thúc đít, Ba theo cười ngạo nghễ lạng qua lạng lại, ra chiều chọc tức chiếc xe phía sau, vừa chạy hết tốc lực, vừa cản đường không cho qua.
        Nhưng chỉ vài đường lạng lách là chiếc Chevrolet vọt qua như ánh chớp. Sôp-phơ Ba Thẹo trố mắt nhìn người lái xe mặc áo veste, đeo cà-vạt, mắt kính gọng vàng, đầu đội nón Mossant có giá bằng tiền lương sốp-phơ cả tháng.
       Ông Hội đồng Trạch chỉ biết bấu tay vào thành ghế, nhiều lúc không dám mở mắt khi Ba Quy đua cùng xe đò. Đến khi qua được chiếc xe đò, ông Hội đồng Trạch mới thở phào nhẹ nhõm, hỏi con: “Thằng Ba mầy học hồi nào mà lái còn hơn sốp-phơ xe đò?”. Ba Quy trả lời: “Con còn lái được cả máy bay nữa kìa.
       Ở bên Tây các chủ điền lớn thường đi thăm ruộng bằng máy bay. Mai mốt con sẽ mua máy bay để lái đưa ba đi thăm ruộng như ở bên Tây”.
       Ông Hội đồng Trạch đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khi đi đón con, ông cũng lo sợ cậu Ba Quy qua Tây chỉ ăn chơi lêu lổng chứ không học hành gì, như con một số điền chủ khác mà ông đã từng nghe nói.
       Đến bây giờ thấy cậu Ba Quy lái xe hơi như bay, lại còn lái được cả máy bay, ông đã có thể yên tâm. Ông Hội đồng Trạch còn chưa biết, ngoài 2 bằng lái xe và lái máy bay, Ba Quy còn có mấy tấm bằng chứng nhận về nhảy đầm, kết quả của 3 năm ròng ăn chơi bạt mạng giữa thủ đô Paris hoa lệ, ngoài ra không có bất cứ bằng cấp kỹ sư, bác sĩ gì cả.
                                                            Nhà Lớn mở tiệc
       Sau một ngày ngơi nghỉ, ông Hội đồng Trạch bàn với cậu Ba Quy về việc đãi tiệc nhân ngày cậu học “thành tài” về nước. Ông Hội đồng Trạch tính mời tất cả người Pháp và giới đại điền chủ trong tỉnh và cả Nam Kỳ, nhưng chỉ mời đàn ông thôi, không mời vợ.
       Với đầu óc Tây học, cậu Ba Quy khuyên cha nên mời cả 2 vợ chồng, như thế Tây họ mới nể trọng, mà giới đại điền chủ Nam Kỳ cũng kính phục vì sự tân tiến của cha con Hội đồng Trạch. Cậu Ba Quy đề nghị tổ chức nhảy đầm.
       Cậu nói: “Đãi tiệc Tây mà thiếu nhảy đầm thì coi như mới đãi có một nửa. Cái gì chớ chuyện nhảy đầm thì các maitre-danseur (vũ sư) ở Paris đều phải kiêng nể con. Để đó con lo”. Chu đáo hơn, Ba Quy còn bàn với cha cho sốp-phơ đi Sài Gòn chở về 6 cô vũ nữ thượng hạng để cho khách tha hồ nhảy trong bữa đại tiệc. Cậu Ba cũng cho mời cánh nhà báo, cả Tây lẫn Việt, từ Sài Gòn xuống lăng-xê cho bữa tiệc.
       Ngày đại tiệc đã tới. Khoảng 500 quan khách đến từ khắp tỉnh Bạc Liêu và cả Nam Kỳ ngồi kín vòng trong, vòng ngoài khu Nhà Lớn. Khách sạn Tràng An ở ngay đầu đường lớn nhất thị xã Bạc Liêu xe hơi đậu chật kín.
       Xôm tụ nhất có lẽ là chiếc xe chở đám vũ nữ và cánh báo chí đến từ Sài Gòn. Cậu Ba chạy ra bắt tay từng nhà báo rồi đưa họ vào giới thiệu với các quan khách đã an vị. Thực đơn đãi tiệc toàn món Tàu do đầu bếp nhà hàng Chợ Lớn đích thân tới nấu.
       Theo sắp xếp thì ông bà Hội đồng Trạch đứng ra chào đón quan khách, sau đó cậu Hai Đinh đọc diễn văn giới thiệu ý nghĩa của bữa đại tiệc là chào mừng ngày về của cậu Ba.
       Gia đình Hội đồng Trạch bấy giờ mới thấy hết giá trị của cánh nhà báo cả Tây cả ta. Họ đeo lỉnh kỉnh máy ảnh, ghi ghi chép chép, chia nhau đến mọi ngõ ngách của buổi tiệc, phỏng vấn người này, hỏi người kia, đưa máy ảnh lên hết chụp ông bà Hội đồng Trạch, tới chụp cậu Hai, rồi chụp cậu Ba.
       Chính cánh nhà báo đã làm cho buổi đại tiệc trở nên long trọng chưa từng thấy, các đại điền chủ khách chỉ biết há hốc mồm mà nhìn cha con Hội đồng Trạch phô diễn. Bấy giờ Hội đồng Trạch mới thấy phục “thằng Ba” con ông sát đất, nó học cao hiểu rộng, lường hết mọi chuyện, mấy trăm đồng ông bỏ ra để rước cánh nhà báo xuống dự tiệc quả là đáng đồng tiền bát gạo.
       Cậu Ba Quy đọc diễn văn chào mừng và cảm ơn quan khách. Cậu soạn sẵn bài diễn văn cầm tay để chứng tỏ mình tôn trọng khách, nhưng chỉ cầm tờ giấy cho có lệ, còn lại cậu ứng khẩu phát biểu một bài toàn tiếng Tây lưu loát.
       Bài diễn văn vắn tắt nhưng sắc sảo đã làm vừa lòng mọi người, đại ý: Xứ Bạc Liêu quê mùa chứ người không quê; dân Nam có truyền thống trọng văn khinh võ, gia đình nào cũng cố gắng nuôi con ăn học thành tài theo truyền thống để cho con mớ chữ thánh hiền còn hơn để gia tài ruộng sâu trâu nái; gia đình Trần Trinh rất vinh dự khi trong buổi tiệc có sự hiện diện của các nhà trí thức đã khéo nuôi dạy con học thành tài như bác sĩ Lê Quang Trình, kỹ sư Bùi Quang Chiêu...
       Rồi cậu Ba Quy chuyển sang cánh nhà báo với giọng chân tình, đại ý: Gia đình rất vinh dự được sự quan tâm của giới ngôn luận; các hiệp sĩ ngôn luận của quyền tự do thứ tư đã không ngại đường xa tới nơi cuối đất để chào mừng đứa con của đồng ruộng du học từ Pháp về; hai giới báo chí và nhà nông tuy xa cách nhau mà lại có điểm giống nhau là nhà nông lo cho bao tử, còn báo chí lo cho bộ óc của đồng bào; không có báo chí thì dân quê sống trong u tối, ngu dốt, nhờ có nhật trình mà đời sống nông thôn có chút ánh sáng văn minh...
        Bài diễn văn của Ba Quy được mọi người vỗ tay tán thưởng nhiều chập. Các nhà báo cả Tây lẫn ta đến bắt tay chúc mừng và cảm ơn Ba Quy vì đã đề cao nghề nghiệp của họ.
        Đến phần phát biểu cảm tưởng của quan khách, mở đầu là quan tham biện chánh chủ tỉnh. Ông ta nói tiếng Pháp, cậu Ba Quy dịch sang tiếng Việt. Quan tham biện khen ngợi Hội đồng Trạch là người tiêu biểu nuôi con học hành đỗ đạt, điều đó minh chứng hùng hồn sứ mạng khai hóa của người Pháp. Sau đó, nhiều vị khách khác đã lần lượt lên chúc mừng gia tộc Trần Trinh vừa có hào con vừa có hào của.
       Tiệc kéo dài đến tối, nối tiếp là buổi dạ vũ sôi động. Sáu cô vũ nữ từ Sài Gòn xuống là hạt nhân cho các quan khách cả Tây lẫn ta bu quanh. Buổi dạ vũ kéo dài suốt đêm, đèn điện sáng một góc thị xã, các ngọn cây trong vườn cũng được gắn hàng ngàn bóng đèn li ti đủ màu như bầy đom đóm lập lòe trên ngọn bần ven sông Bạc Liêu.
        Sáng hôm sau, cậu Ba tổ chức tắm biển Bạc Liêu cách đó chừng 7 cây số. Dân vùng biển Mỹ Thanh lần đầu tiên thấy người Sài Gòn mặc đồ tắm nhảy ùm xuống bãi biển nước đậm màu bùn.
       Cậu Ba đem theo nhiều súng hơi để cho khách trổ tài bắn cò, bắn chim đậu đầy quanh các vườn nhãn trên bãi biển. Rồi họ kéo vào các vườn nhãn đặc sản, loại trái to, cơm dày, hạt nhỏ để thưởng thức hương vị Bạc Liêu... Mọi người thầm thán phục, chỉ có cậu Ba Quy từ Pháp về mới tổ chức chu đáo đến nhường ấy, làm cho họ có một tiệc vui nhớ đời.
        Trong bữa đại tiệc ngày 29.9.1930 tại Nhà Lớn mừng ngày cậu Ba Quy từ Pháp trở về, người ta thấy cậu Ba trao danh thiếp cho khách, trên đó ghi: Trần Trinh Huy - Proprietaire foncier - Bạc Liêu. Cậu Ba giải thích: Lật từ điển Hán - Việt ra xem, thấy “Quy” có nghĩa là rùa, nhưng cũng còn có nghĩa là quy đầu (của dương vật). Vẫn biết đó là bộ phận tối quan trọng của người đàn ông, không có nó thì không có sự sống, nhưng cậu Ba nhất định không chịu lấy nó làm tên cho mình, mà chọn một cái tên khác có âm gần giống là Huy.
       Chữ Huy ở đây có nghĩa là ánh sáng mặt trời, còn có nghĩa khác là ngọc (trong chữ huy thạch). Vậy là từ đó, cậu Ba Quy chính thức đổi tên là Trần Trinh Huy, cái tên gắn bó với danh tiếng Công tử Bạc Liêu còn lưu truyền đến hậu thế.
                                                                               (Theo Lao động)

       Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của Việt Nam. Tên gọi “Bạc Liêu”, đọc giọng Triều Châu là "Pô Léo", có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là “Bạc” và Léo phát âm là “Liêu”.
       Vùng đất này còn gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài Dạ cổ hoài lang đặt nền móng cho sự phát triển của nền cổ nhạc Nam Bộ. Bạc Liêu được nhiều người biết đến bởi nghề làm muối, muối Bạc Liêu xưa nay vốn nổi tiếng về chất lượng do không có vị đắng, chát và ít lẫn tạp chất.
        Nói tới Bạc liêu, người ta thường liên tưởng tới một nhân vật nổi tiếng là Công tử Bạc Liêu, lại không thể không nhớ tới bài hát dễ thương của Vũ Đức Sao Biển, đó là bài Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang với giọng ca truyền cảm của Cẩm Ly.( Gành hào là một thị trấn phía tây nam của Bạc liêu, giáp với Biển và Cà Mau.)
  



23 tháng 5, 2013

Mấy con đường Saigon xưa.




        Những năm tháng học Đại học ở Saigon trước 1975, có những con đường thân quen vẫn thường hay qua lại. Nay một số đã thay tên. Góp nhặt vài tư liệu về những con đường đó như một hoài niệm của thời Sinh viên .

                               1/ Đường Lê Văn Duyệt:

        Tả quân Lê Văn Duyệt, như tên người dân thường gọi, là một công thần dưới triều nhà Nguyễn, người đã có công rất lớn giúp vua Gia Long xây dựng nên cơ đồ. Ông sinh năm Quý Mùi (1763), và mất vào ngày 1 tháng 8 năm Nhâm Thìn (30-8-1832), khi đang tại chức Tổng Trấn Gia Định Thành. Ở Saigon trước đây có 2 con đường mang tên Lê Văn Duyệt. Nếu tính từ trung tâm thành phố, đó là:

        - Đoạn đường từ Ngã Sáu Saigon đến ranh tỉnh Gia Định cũ được đặt tên là đường Lê Văn Duyệt từ ngày 22-3-1955, cho đến ngày 14-8-1975 , đổi thành đường Cách Mạng Tháng 8. Đây là một trong những con đường xưa nhất của Saigon, thoạt đầu được gọi là Đường Sứ. Chẳng phải là con đường chuyên bán đồ sứ, mà đây là con đường xưa kia các sứ thần Chân Lạp đi qua nước ta để giao hảo. Thời Pháp thuộc đường được chia ra từng đoạn đặt những tên tiếng Việt, rồi tên Pháp như Verdun (kỷ niệm trận đánh Pháp thắng Đức năm 1916). Chanson (đoạn từ Phan Thanh Giản bây giờ là Điện Biên Phủ đến Hòa Hưng)...

      Chính quyền Saigon cũ đặt tên đường này là đường Lê Văn Duyệt cũng có nguyên do của nó.Thứ nhất thời Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn Gia Định Thành, sứ thần Chân Lạp phải đi qua con đường này để đến dinh Tổng Trấn Gia Định (dinh Tổng Trấn Gia Định thời ấy nằm phía đường Lê Duẩn gần dinh Thống Nhất bây giờ). Thứ nhì là đường Lê Văn Duyệt chạy ngang qua công viên Tao Đàn, thời Pháp gọi là vườn Bờ Rô, trong dân gian quen gọi là vườn Ông Thượng (Ông Thượng chính là Thượng công Lê Văn Duyệt).


                                                                    Vườn Tao đàn

      - Đoạn đường từ Cầu Bông cho đến đường Phan Đăng Lưu quận Bình Thạnh bây giờ, từ ngày 22-3-1955 cũng được chính quyền Saigon đặt tên là đường Lê Văn Duyệt, tên cũ của nó được người Pháp đặt từ năm 1874 là Avenue de l'Inspecction. Dân chúng quen gọi là đường Hàng Thị vì có dãy cây thị trồng hai bên đường. Và sở dĩ đặt tên đường là Lê Văn Duyệt, như các bạn ở Saigon đã biết, vì đường chạy ngang qua bên hông lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, nơi có mộ phần của Ông và phu nhân, dân chúng quen gọi là Lăng Ông. Trước năm 1975 trên đoạn đường này cũng có một ngôi trường nữ Trung học công lập được mang tên ông, đó là trường Nữ trung học Lê Văn Duyệt, cùng hai ngôi trường nữ Trung học công lập khác ở Saigon là Gia Long và Trưng Vương, nơi đã đào tạo nhiều nữ sinh Saigon một thời, "có chất lượng" về học vấn và "công-dung-ngôn-hạnh".


                                            Cổng vào Lăng Ông ở Bà Chiểu

      Sau năm 1975 thì cả hai đoạn đường mang tên Lê Văn Duyệt kể trên đều không còn trên bản đồ của thành phố Saigon, đường Lê Văn Duyệt chạy ngang vườn Tao Đàn được đổi tên thành đường Cách Mạng Tháng 8, còn đường Lê Văn Duyệt chạy ngang Lăng Ông đổi tên thành đường Đinh Tiên Hoàng.

                                       2/ Đường Trương Tấn Bửu:

           Đây là một con đường khá lớn sầm uất nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận, bắt đầu từ ranh giới quận 3, giáp đường Trần Quang Diệu (Trần Quang Diệu là một võ tướng theo giúp nhà Tây Sơn chống lại Nguyễn Ánh), đến đường Chiến Thắng. Thời Pháp thuộc đường mang tên Capitaine Faucon, từ năm 1955 chính quyền tỉnh Gia Định đổi thành đường Trương Tấn Bửu. Ngày 4-4-1985, UBND TP. HCM đổi thành đường Trần Huy Liệu.

           Trương Tấn Bửu, một võ tướng quê ở Bến Tre đã theo giúp Nguyễn Ánh, ông đã có công khai khẩn vùng đất Nam bộ, và đã làm tới chức Phó Tổng Trấn Gia Định Thành. Lăng nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận nơi con đường bây giờ mang tên Nguyễn Thị Huỳnh. Đây là một con đường nhỏ gần sát đường Trần Huy Liệu bây giờ, trước năm 1975 đường Trần Huy Liệu là đường Trương Tấn Bửu. Vì thế nên tên của ông đã được đặt cho một trục đường chính của quận Phú Nhuận, gần kề nơi lăng mộ của ông, để tưởng nhớ công lao của một con người đã có công với miền đất mới Nam bộ, và với vùng Saigon-Gia Định.




                                                       Lăng Trương Tấn Bửu

          Con đường Trương Tấn Bửu quận Phú Nhuận đã không còn, nhưng tên của ông thoạt đầu được đặt cho một đoạn đường rất ngắn dài khoảng 100m và khá xô bồ tại quận 6, trước Bến xe Miền Tây. Nhưng rồi sau đó mặt tiền đường này cũng được nhập vào đường Lê Quang Sung, chỉ còn các số nhà trong hẻm là còn mang tên ông. Như vậy trên bản đồ thành phố cũng không còn con đường nào mang tên Trương Tấn Bửu.

                                              3/ Đường Võ Di Nguy:

         Đây là một con đường huyết mạch nối vào trung tâm thành phố, hình thành ngay từ khi có thành Gia Định. Đường bắt đầu từ cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận, sang đến đường Nguyễn Kiệm bây giờ thì gọi là Võ Di Nguy nối dài. Thời Pháp đường tên Blanchy, đến thời Bảo Đại (1954) được đổi thành Võ Di Nguy. Ngày 4-4-1985 được đặt là Phan Đình Phùng.


                                                            Lăng Võ Di Nguy

      Võ Di Nguy cũng là một võ tướng có tài về thủy quân theo giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn. Ông là người miền Trung sinh năm 1745, gốc ở huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên. Được truy tặng Bình Giang Quận Công. Ông mất năm 1801 trong trận chiến ở cửa Thị Nại Bình Định, trước khi Nguyễn Ánh chiến thắng quân Tây Sơn và lên ngôi. Sở dĩ con đường này trước năm 1975 được mang tên Ông, vì còn một khu lăng mộ của Võ Di Nguy nằm trên đường Cô Giang (quận Phú Nhuận), đường Cô Giang là một con đường nhánh nhỏ ăn thông ra đường Võ Di Nguy cũ.


                                                                                           Tư liệu : Internet


13 tháng 5, 2013

Vườn hoa rực rỡ lớn nhất thế giới


           Cùng ngắm nhìn vườn hoa Dubai Miracle với diện tích 72.000m2 và hơn 45 triệu bông hoa vô cùng rực rỡ và sắc màu.

           Vườn hoa Dubai Miracle có diện tích 72.000m2 với 45 triệu bông hoa rực rỡ sắc màu. Đến đây, du khách dễ dàng bị choáng ngợp bởi những tạo hình độc đáo như hình trái tim hoa bao trùm lên khu vườn, những túp lều tuyết, kim tự tháp, xe hơi, các ngôi sao và một dòng sông kì lạ với màu đỏ...
            Bạn đừng bao giờ thử hái một bông hoa nào trong khu vườn này bởi đó là điều bị cấm. Vườn Dubai Miracle luôn cố gắng nhằm mục đích phá vỡ kỷ lục Guinness cho bức tường hoa dài nhất thế giới.

Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 1
Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 2
Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 3
Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 4
Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 5
Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 6
Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 7
Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 8
Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 9
Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 10
Ngắm nhìn vẻ rực rỡ của vườn hoa tự nhiên lớn nhất thế giới 11  

  (Công Lý)

10 tháng 5, 2013

Hoa Phấn -Loài hoa dành cho “cung nữ”

         
          Là loại hoa phấn để làm đẹp cho các nữ giới ngày xưa, còn lưu giữ và trồng tại Miên Thẩm Tùng Thiện Vương (là phủ thờ Hoàng tử Tùng Thiện Vương, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng).



Ông Bửu Tộ người đã trồng cây hoa phấn hơn 20 năm nay tại phủ.

          Trong cơn mưa phùn của xứ Huế, chúng tôi tình cờ gặp một người đàn ông cao to đang hát bài “Mưa trên phố Huế” với giọng trẻ trung. Miệng thì hát mà tay vẫn làm, người đàn ông ấy đang chăm sóc vườn hoa xanh tươi dưới cơn mưa phùn lách tách xứ Huế, đó là…

           Ông Bửu Tộ (68 tuổi), Trưởng ban quản trị là cháu 4 đời của Tùng Thiện Vương cho biết: “Cây hoa này có thể tạo ra loại “mỹ phẩm” chuyên làm đẹp cho các “cung nữ” chốn hoàng cung trong Triều đình ngày xưa…(!?)”.Ông Bửu Tộ bộc bạch về loài hoa phấn “tuyệt chiêu” còn lưu lại trong khuôn viên phủ: “Trong một lần về thăm ngôi chùa Diệu Đế, cách đây hơn 20 năm, tôi đã phát hiện ra loài hoa rất lạ, có màu hồng rất đẹp. Vì thế tôi quyết định lần mò, tìm hỏi trụ trì chùa mới biết đó là một loại cây dùng để tạo ra “mỹ phẩm” cho nữ giới xưa…”.


           Điều tôi bất ngờ nhất khi vị trụ trì cho biết, loại hoa “đặc sản” chuyên nở vào buổi chiều. Điều lạ, ở loại hoa này bất kể nắng hay mưa, cứ vào đầu giờ chiều thì cây cho ra hoa và tàn dần vào sáng hôm sau, khi cây nở hoa nó “tạo thành” theo từng chùm và hoa có màu huyết dụ rất đẹp.

            Sau gần 3 tháng, cây cho ra quả dạng hạt giống như hạt tiêu, lúc hạt chín có màu đen sậm. Lúc ông Tộ giới thiệu và cắn vở hạt ra, trong lòng hạt chứa một thứ bột màu trắng mịn như phấn, chính thứ bột này có thể tạo ra “mỹ phẩm”.


           Cũng theo ông Tộ, lấy phấn này đem bôi lên da thì nó sẽ tạo ra sự láng mịn và có cảm giác mát dịu. Còn riêng, hoa của cây hoa phấn chà vào lòng bàn tay tạo thành nước màu hồng, từ đó cho bôi lên má làm cho da mặt của các “cung nữ” với màu hồng tự nhiên rất xinh…

        Tìm đến nhân chứng xác thực về tác dụng của loài hoa phấn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước làn da hiếm có của cụ bà. Đã bước sang tuổi 90, người đàn bà từng có thời gian là cung nữ trong triều Huế chia sẻ với chúng tôi bí quyết để có một làn da chống lại sự bào mòn của thời gian. ở cái tuổi đại thọ, làn da của cụ vẫn đẹp và không hề có một vết đồi mồi nào. Không quá cầu kỳ, không nhiều công đoạn, mà lại rất an toàn, phấn được ẩn bọc trong những quả màu đen của cây hoa này đã mang lại cho các cung tần, mỹ nữ hậu cung triều Nguyễn một làn da mịn màng mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mơ ước. Đã có không ít cô gái trẻ tìm đến cụ bà để xin bí quyết.
        Thời nay, các cô gái trẻ thường trang điểm rất kỹ càng, trông cô nào cũng xinh xắn. Tuy phấn trang điểm bây giờ đẹp, có tác dụng giữ lớp trang điểm trên da lâu, nhưng đổi lại, nó rất độc và hại da. Nhiều phụ nữ bây giờ lạm dụng loại phấn này, nếu trang điểm thường xuyên rồi thì không dám bỏ lớp trang điểm ra nữa. Vì hễ bỏ ra, làn da của các cô gái đó đều nhợt nhạt, thiếu sức sống. Không phải các mỹ nữ xưa không biết đến những loại phấn trang điểm, nhưng họ rất hạn chế sử dụng.
           Ngay từ cái thời xã hội còn lạc hậu, họ đã biết trong các loại phấn trang điểm đó có rất nhiều chì. Dùng càng nhiều da mặt càng bị bì ra, nhợt nhạt, lỗ chân lông trên mặt to hơn. Những cung nữ, Hoàng hậu từng dùng phấn từ loài hoa này đều thừa nhận tác dụng tuyệt vời của nó. Có lẽ vì vậy mà người xưa rất trung thành với loại mỹ phẩm cây nhà lá vườn mà ông Tộ đang ra sức bảo tồn.

           Bên cạnh đó, cây hoa phấn có “đặc thù” khá dễ trồng, chỉ cần trồng trên một khu đất tốt là cây phát triển rất nhanh và cho ra hoa kết “trái” quanh năm. Chính vì thế, ông Tộ quyết định xin trụ trì đem về trồng ở khuôn viên của phủ. Cũng chính nơi đây, nơi thờ tự Ngài cùng mẹ và hai cô em gái. Miên Thẩm Tùng Thiện Vương, đã trở thành địa chỉ tham quan của du khách mỗi khi đến Huế. Ngoài ra, Miên thẩm Tùng Thiện Vương còn lưu giữ hơn 1.000 văn bản Hán- Nôm trên gỗ, vốn là một di sản thơ văn khá đồ sộ – lớn nhất cố đô.





               Toàn cảnh kiến trúc xưa của phủ Miên Thẩm Tùng Thiện Vương.

          Miên Thẩm Tùng Thiện Vương sinh ra vào thời Gia Long, sống qua các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Thời kỳ mà đất nước và triều đình nhà Nguyễn xảy ra nhiều sự kiện nổi bật, nhiều biến cố lịch sử dồn dập. Mặc dù là hoàng tôn, hoàng tử, hoàng thúc, nhưng suốt cuộc đời mình, Miên Thẩm Tùng Thiện Vương không màng đến lợi danh, không dính dáng đến vòng xoáy chính trị của triều đình. Ông là một người có đạo đức cao, tri thức uyên bác, có uy tín lớn đối với triều đình và xã hội. Sinh thời, ông đến với mọi người, mọi tầng lớp xã hội bằng tấm lòng chân thật, rộng mở, không phân biệt địa vị quyền thế, quý phái hay nghèo nàn, bình dân. Miên Thẩm Tùng Thiện Vương là một người nặng tình với quê hương, đất nước.

  Với không gian luôn xanh tươi, hai bên lối đi là dãy hàng cây cao chót vót. Không chỉ cây hoa phấn làm đẹp giới nữ xưa và lưu giữ 1.000 văn bản Hán- Nôm mà phủ Miên Thẩm Tùng Thiện Vương còn có một cây mai trên 130 năm tuổi, do chính Tùng Thiện Vương trồng trước khi qua đời.Ông Bửu Tộ cho biết thêm: “Cách đây vài năm, Trường Đại học Nông Lâm- Huế đã tới xin một số cây giống loại hoa phấn này đem về trường để nghiên cứu”. Đặc biệt, phủ đã từng vinh dự đón tiếp Đại sứ Nhật Bản về thăm vào ngày 5/8/2001, trong chuyến thăm đó chúng tôi cũng giới thiệu về cây hoa phấn này.

         Điều ông Tộ tâm sự: “Mong sao có ai đó quan tâm và nghiên cứu, biết đâu có thể nó tạo ra một loại “mỹ phẩm” nổi tiếng của kinh thành Huế từ loại cây hoa phấn này, mà tôi còn lưu giữ và chăm sóc cho tận bây giờ…”.

                                                                   Loan Nguyễn - Hoàng Ngọc