10 tháng 5, 2013

Hoa Phấn -Loài hoa dành cho “cung nữ”

         
          Là loại hoa phấn để làm đẹp cho các nữ giới ngày xưa, còn lưu giữ và trồng tại Miên Thẩm Tùng Thiện Vương (là phủ thờ Hoàng tử Tùng Thiện Vương, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng).



Ông Bửu Tộ người đã trồng cây hoa phấn hơn 20 năm nay tại phủ.

          Trong cơn mưa phùn của xứ Huế, chúng tôi tình cờ gặp một người đàn ông cao to đang hát bài “Mưa trên phố Huế” với giọng trẻ trung. Miệng thì hát mà tay vẫn làm, người đàn ông ấy đang chăm sóc vườn hoa xanh tươi dưới cơn mưa phùn lách tách xứ Huế, đó là…

           Ông Bửu Tộ (68 tuổi), Trưởng ban quản trị là cháu 4 đời của Tùng Thiện Vương cho biết: “Cây hoa này có thể tạo ra loại “mỹ phẩm” chuyên làm đẹp cho các “cung nữ” chốn hoàng cung trong Triều đình ngày xưa…(!?)”.Ông Bửu Tộ bộc bạch về loài hoa phấn “tuyệt chiêu” còn lưu lại trong khuôn viên phủ: “Trong một lần về thăm ngôi chùa Diệu Đế, cách đây hơn 20 năm, tôi đã phát hiện ra loài hoa rất lạ, có màu hồng rất đẹp. Vì thế tôi quyết định lần mò, tìm hỏi trụ trì chùa mới biết đó là một loại cây dùng để tạo ra “mỹ phẩm” cho nữ giới xưa…”.


           Điều tôi bất ngờ nhất khi vị trụ trì cho biết, loại hoa “đặc sản” chuyên nở vào buổi chiều. Điều lạ, ở loại hoa này bất kể nắng hay mưa, cứ vào đầu giờ chiều thì cây cho ra hoa và tàn dần vào sáng hôm sau, khi cây nở hoa nó “tạo thành” theo từng chùm và hoa có màu huyết dụ rất đẹp.

            Sau gần 3 tháng, cây cho ra quả dạng hạt giống như hạt tiêu, lúc hạt chín có màu đen sậm. Lúc ông Tộ giới thiệu và cắn vở hạt ra, trong lòng hạt chứa một thứ bột màu trắng mịn như phấn, chính thứ bột này có thể tạo ra “mỹ phẩm”.


           Cũng theo ông Tộ, lấy phấn này đem bôi lên da thì nó sẽ tạo ra sự láng mịn và có cảm giác mát dịu. Còn riêng, hoa của cây hoa phấn chà vào lòng bàn tay tạo thành nước màu hồng, từ đó cho bôi lên má làm cho da mặt của các “cung nữ” với màu hồng tự nhiên rất xinh…

        Tìm đến nhân chứng xác thực về tác dụng của loài hoa phấn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước làn da hiếm có của cụ bà. Đã bước sang tuổi 90, người đàn bà từng có thời gian là cung nữ trong triều Huế chia sẻ với chúng tôi bí quyết để có một làn da chống lại sự bào mòn của thời gian. ở cái tuổi đại thọ, làn da của cụ vẫn đẹp và không hề có một vết đồi mồi nào. Không quá cầu kỳ, không nhiều công đoạn, mà lại rất an toàn, phấn được ẩn bọc trong những quả màu đen của cây hoa này đã mang lại cho các cung tần, mỹ nữ hậu cung triều Nguyễn một làn da mịn màng mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mơ ước. Đã có không ít cô gái trẻ tìm đến cụ bà để xin bí quyết.
        Thời nay, các cô gái trẻ thường trang điểm rất kỹ càng, trông cô nào cũng xinh xắn. Tuy phấn trang điểm bây giờ đẹp, có tác dụng giữ lớp trang điểm trên da lâu, nhưng đổi lại, nó rất độc và hại da. Nhiều phụ nữ bây giờ lạm dụng loại phấn này, nếu trang điểm thường xuyên rồi thì không dám bỏ lớp trang điểm ra nữa. Vì hễ bỏ ra, làn da của các cô gái đó đều nhợt nhạt, thiếu sức sống. Không phải các mỹ nữ xưa không biết đến những loại phấn trang điểm, nhưng họ rất hạn chế sử dụng.
           Ngay từ cái thời xã hội còn lạc hậu, họ đã biết trong các loại phấn trang điểm đó có rất nhiều chì. Dùng càng nhiều da mặt càng bị bì ra, nhợt nhạt, lỗ chân lông trên mặt to hơn. Những cung nữ, Hoàng hậu từng dùng phấn từ loài hoa này đều thừa nhận tác dụng tuyệt vời của nó. Có lẽ vì vậy mà người xưa rất trung thành với loại mỹ phẩm cây nhà lá vườn mà ông Tộ đang ra sức bảo tồn.

           Bên cạnh đó, cây hoa phấn có “đặc thù” khá dễ trồng, chỉ cần trồng trên một khu đất tốt là cây phát triển rất nhanh và cho ra hoa kết “trái” quanh năm. Chính vì thế, ông Tộ quyết định xin trụ trì đem về trồng ở khuôn viên của phủ. Cũng chính nơi đây, nơi thờ tự Ngài cùng mẹ và hai cô em gái. Miên Thẩm Tùng Thiện Vương, đã trở thành địa chỉ tham quan của du khách mỗi khi đến Huế. Ngoài ra, Miên thẩm Tùng Thiện Vương còn lưu giữ hơn 1.000 văn bản Hán- Nôm trên gỗ, vốn là một di sản thơ văn khá đồ sộ – lớn nhất cố đô.





               Toàn cảnh kiến trúc xưa của phủ Miên Thẩm Tùng Thiện Vương.

          Miên Thẩm Tùng Thiện Vương sinh ra vào thời Gia Long, sống qua các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Thời kỳ mà đất nước và triều đình nhà Nguyễn xảy ra nhiều sự kiện nổi bật, nhiều biến cố lịch sử dồn dập. Mặc dù là hoàng tôn, hoàng tử, hoàng thúc, nhưng suốt cuộc đời mình, Miên Thẩm Tùng Thiện Vương không màng đến lợi danh, không dính dáng đến vòng xoáy chính trị của triều đình. Ông là một người có đạo đức cao, tri thức uyên bác, có uy tín lớn đối với triều đình và xã hội. Sinh thời, ông đến với mọi người, mọi tầng lớp xã hội bằng tấm lòng chân thật, rộng mở, không phân biệt địa vị quyền thế, quý phái hay nghèo nàn, bình dân. Miên Thẩm Tùng Thiện Vương là một người nặng tình với quê hương, đất nước.

  Với không gian luôn xanh tươi, hai bên lối đi là dãy hàng cây cao chót vót. Không chỉ cây hoa phấn làm đẹp giới nữ xưa và lưu giữ 1.000 văn bản Hán- Nôm mà phủ Miên Thẩm Tùng Thiện Vương còn có một cây mai trên 130 năm tuổi, do chính Tùng Thiện Vương trồng trước khi qua đời.Ông Bửu Tộ cho biết thêm: “Cách đây vài năm, Trường Đại học Nông Lâm- Huế đã tới xin một số cây giống loại hoa phấn này đem về trường để nghiên cứu”. Đặc biệt, phủ đã từng vinh dự đón tiếp Đại sứ Nhật Bản về thăm vào ngày 5/8/2001, trong chuyến thăm đó chúng tôi cũng giới thiệu về cây hoa phấn này.

         Điều ông Tộ tâm sự: “Mong sao có ai đó quan tâm và nghiên cứu, biết đâu có thể nó tạo ra một loại “mỹ phẩm” nổi tiếng của kinh thành Huế từ loại cây hoa phấn này, mà tôi còn lưu giữ và chăm sóc cho tận bây giờ…”.

                                                                   Loan Nguyễn - Hoàng Ngọc



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét