30 tháng 9, 2013

Trường xưa Dalat.


Tháng 8-1970 lên Dalat học trường Sư phạm  ở Viện Đại Học Dalat. 
Lần đầu tiên nhìn thấy Dalat trong trí tưởng tượng. 

                                       Trước cổng Viện Đại học Dalat lúc đó còn hai câu :

Thập niên chi kế, thụ mộc.
Bách niên chi kế, thụ nhân.

được lấy ra từ câu của Quản Trọng, thừa tướng nước Tề (cũng là nhà chính trị, tư tưởng lớn) thời Xuân Thu, Trung Quốc:

               Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; 
               Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; 
               Chung thân chi kế, mạc như thụ nhân. 
               Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã; 
               Nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã; 
               Nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã. 
               Ngã cẩu chủng chi, như thần dụng chi, 
               Cử sự như thần, duy vương chi môn.

               Kế hoạch 1 năm, không gì hơn trồng ngũ cốc; 
               Kế hoạch 10 năm, không gì hơn trồng cây;
               Kế hoạch cả đời, không gì hơn trồng người. 
               Trồng 1 thu hoạch 1 là ngũ cốc; 
               Trồng 1 thu thoạch 10 là cây; 
               Trồng 1 thu hoạch 100 là người. 
           Nếu ta chú trọng trồng người thì sử dụng như thần vậy,
          mọi sự đều thành công trôi chảy như thần, đây là cánh cửa duy nhất để làm vua. 


                                                           Cổng trường Đại học Dalat




                                    Cổng mới lần ghé thăm 2011

      Lịch sử Viện Đại học Đà Lạt bắt nguồn từ Trường Thiếu Sinh Quân Hỗn hợp Âu Á (École d’Enfants de Troupe de DaLat – thành lập năm 1939), Viện Đại học Đà Lạt ra đời năm 1957 và bắt đầu hoạt động từ năm 1958. Đây là trường đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam. Với mục tiêu trồng người, trường mang tên Thụ Nhân (Bách niên chi kế mạc như thụ nhân), dần dà hình thành nên năm khoa: Sư phạm, Văn khoa, Khoa học, Chính trị Kinh doanh, và Thần học.



Nhà A25, nơi có tháp Sao - trầm mặc giữa những đồi thông.
Tháp Sao sừng sững với thời gian và là biểu tượng của trường ĐH Đà Lạt.

Viện Đại học Đà Lạt tọa lạc trên ba ngọn đồi, mang tên A, B và C. Khu vực A ( Đường Phủ Đổng Thiên Vương ) rộng gần 40 hecta là khu chính có những tòa nhà nằm rải rác dọc theo những con đường nhỏ quanh co uốn khúc trong rừng thông.      
   



            Các tòa nhà được dùng làm giảng đường và cơ sở hành chính mang tên Minh Thành, Tri Nhất, Thụ Nhân, Thượng Chí, Đôn Hóa...với hàm ý giáo dục . Lúc ấy, nhiều người xem Viện Đại học Đà Lạt là một trong những trường đại học đẹp nhất Đông Nam Á.


Nhà A1 - Khu nhà văn phòng xây dựng cách đây gần 50 năm.


Hầu hết những ngôi nhà có "tuổi" trong trường thường duy trì được hoạt động từ những ngày xây dựng.

               Nơi đây còn là một trong những thắng cảnh thơ mộng, hữu tình của thành phố hoa Đà Lạt với những tòa nhà lớn nhỏ có kiến trúc đa dạng ẩn hiện dưới thông xanh, với những con đường uốn lượn quanh co xanh thắm màu tùng, bách hoặc rực hồng sắc anh đào. Không gian yên tĩnh, êm đềm trong khuôn viên Trường rất thuận lợi cho môi trường học tập, nghiên cứu.


                                                         
       Thời gian đầu lên Dalat cùng với bạn Cu Lương ( gọi thân mật), ở tạm nhà bà dì của Lương trên đường Phan Đình Phùng. Mỗi ngày đi bộ đến trường, ngang qua chùa Linh Sơn, trường nữ TH  Bùi Thị Xuân, qua ngã năm đại học rồi lên  Phù đổng Thiên vương để tới trường. Mãi đến tháng 2-1971 mới  xin được vào ở trong Đại học xá, nằm trong khuôn viên trường Đại học nên đi học cũng tiện. Mỗi phòng có 4 giường cho 4 Sinh viên. Mua một xấp phiếu cơm ngày hai bữa xuống nhà ăn gần đó. Cơm nước cũng đạm bạc nhưng như vậy là quá tốt rồi. May cũng có mấy anh em bạn cũng ở BMT lên ở chung ĐHX như Hải, Thanh, Chung, Nghiệm, Lộc nên cũng rất vui. Một số ở ngoài như Thái Tokyo, cu Lương,  Kim Thu, Hồ Ngọc Tuấn.v.v... Đám bạn bè  ở BMT chủ yếu học ở 2 trường : Chính trị-Kinh Doanh và Sư phạm.








Thư viện cũ


Giảng đường Thụ Nhân


Văn phòng Đôn Hóa

        Hồi đó Dalat rất lạnh nhưng cũng sớm thích nghi . Sức thanh niên nên nhiều hôm trời ít lạnh, ở Ký Túc xá , nửa đêm ra nhà tắm xối nước ào ào. Những ngày lạnh giá là phải xuống phố ghé mấy nhà tắm công cộng tắm nước nóng mới chịu nỗi.



Giảng đường Thượng Hiền



Giảng đường Hội Hữu

( Dãy này trước kia là Ký túc xá Sinh viên., người viết ở phòng gần nhất, lúc đó chưa xây thêm phòng vuông ở đầu dãy )

                     
Giảng đường Tri Nhất
          
         Thỉnh thoảng , vào buổi sáng mai nào đó, từ trường đi bộ ra tới bến xe Tùng Nghĩa, phía sau rạp hát Hòa bình, ghé quán cóc ngồi nhâm nhi một ly cà phê sữa nóng, vài chiếc bánh mì que nhỏ xíu còn nóng hổi, vàng ươm và  giòn rụm trong cái rét căm căm của buổi sáng Dalat mù sương, thêm một điếu PallMall nữa. Ui !  Một điều thú vị không thể nào quên. Cũng giống như năm 1974, lên Pleiku dạy học, ghé bến xe Kontum , quán nhỏ Dinh điền uống cà phê vậy. Gần đó có quán cà phê Tùng nổi tiếng  nhưng đối với Sinh viên xa nhà , vào đó là cả một sự xa xỉ.


         Những lúc rảnh rỗi, mấy anh em lại tụ họp với cây đàn ghi ta, nghêu ngao những bài hát của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên và cả Lê Uyên-Phương  Đêm Noel tụ tập lại ăn uống, hát hò .Nhớ lại thật là vui.


Đêm Noel 24-12-1970

         Năm đó học ở Dalat xong chứng chỉ  dự bị SPCN là về Saigon. Suốt năm cặm cụi với bài vở nên ít đi đâu chơi ngoài mấy góc phố Dalat, hồ Xuân Hương, đồi Cù. Những cái tên đã nghe nói tới như Hồ Than thở, Suối vàng và thậm chí như nhà thờ Con Gà, Lycée Yersin...cũng chưa từng ghé qua. Quanh quẩn trong khuôn viên  của Viện Đại học Dalat  nên sau này nhớ về Dalat, ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh những lối đi quanh co, những giảng đường quét vôi vàng buồn tẻ, những ngày lang thang trên đồi Cù tìm những loài thực vật với tên La tinh khó nhớ như Cucurbitacea, Amaranthaceae, Apocynacea ...mang về ép làm mẫu vật chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm. Lúc đó cũng lần đầu tiên thấy được những loài cây ăn thịt mọc rất nhiều trên đồi Cù như cây nắp ấm, cây bắt ruồi...


                             
                                                                         Đồi Cù Dalat

         Có lần anh Lê Cung Bắc , lúc đó đang học năm thứ 3 Chính trị - Kinh doanh, cùng ban văn nghệ  Thụ Nhân tổ chức buổi trình diễn vỡ kịch "Những người không chịu chết" của Vũ Khắc Khoan tại giảng đường Thụ Nhân. Cả trường có mặt để coi chật ních, thiệt là hoạt náo.


                                            Giảng đường Spellman

      Nhưng vui nhất vẫn là kỷ niệm khó quên về ngày công bố kết quả cuối năm. Cả lớp SPCN ngồi rãi rác trước văn phòng khoa , đã phải chờ thêm 30 phút nữa so với thông báo. Lý do là Hội đồng chấm thi đang cân nhắc có nên  chọn một cô SV khác có số điểm thấp hơn 1/2 điểm cho đỗ Thủ Khoa khóa này không vì anh chàng kia chữ viết quá là xấu. May quá, không có gì thay đổi. Con trai đầu đặt tên Khôi Nguyên.

       Sau này  có vài lần về Dalat , đi chơi nhiều nơi nhưng chỉ ghé lại trước cổng trường xưa, đã không còn như xưa, chụp một tấm hình rồi thôi. Chắc hẳn trong khuôn viên trường đã thay đổi nhiều và hiện đại hơn nhưng thà rằng không thấy để còn mãi giữ được trong lòng những hình ảnh cũ của trường xưa.

                                                                                                         (Một số ảnh: Net )

28 tháng 9, 2013

Loài Begonia (Thu Hải Đường) "mọc lông" lạ lùng chỉ có ở Việt Nam và Thu Hải Đường lá thầu dầu.


      Loài cây kì dị mới được phát hiện này đang khiến giới sưu tầm cây cảnh quốc tế mê mẩn.Trong tự nhiên, loài cây này chưa được phát hiện ở quốc gia nào khác ngoài Việt Nam. 
        Dáng vẻ kì lạ cùng sự quý hiếm khiến nó trở thành đối tượng được nhiều nhà sưu tầm thực vật quốc tế săn lùng. 



Đó là loài cây có tên khoa học là  Begonia sizemorea ( thuộc Chi Thu Hải Đường), được nhà thực vật học người Mỹ Mary Sizemore phát hiện bên bờ suối tại một khu vực ngoại vi Hà Nội vào năm 1996. 


Đặc điểm  của loài cây thân bò này là chúng có rất nhiều lông, trên cả phần cuống lá cũng như bề mặt lá. Những sợi lông của chúng trắng như cước, dài tới trên 1cm


Những chiếc chồi non mới nhú đã chi chít lông. 


Hoa Begonia sizemorea mọc thành chùm màu hồng, nhụy vàng  khá đẹp và... không có một cọng lông nào.
                                                                                         (Ảnh : Net )


Thu hải đường (danh pháp khoa học: Begonia) là tên của một trong 2 chi của  họ thực vật có hoa Begoniaceae với khoảng 1.400 loài.

Đối chiếu với một chậu  Thu Hải Đường lá thầu dầu ( Begonia heracleifolia-được Cham. & Schltdl. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1830.) trong vườn nhà, có những nét tương đồng :


Cuống lá dài hơn và đầy lông nhọn




kể cả dưới cuống lá




Những chiếc chồi non mới nhú cũng  chi chít lông. 


  Thu hải đường lá Thầu dầu có Hoa chùm  màu trắng., nhụy vàng.






30 tháng 6, 2013

CHUYỆN CŨ NUÔI HEO

                                                                 


                                                        DƯỠNG TRƯ CỐ SỰ
       Đất Bình Minh có thư sinh Đỗ Cựu, người gốc Cố Kinh, sống trong thời binh lửa nhưng vẫn theo đuổi nghiệp bút nghiên. Sau bao năm miệt mài kinh sử, qua được kỳ thi Hương. Lại về tận Sài kinh ôn tập, ứng thí , lọt đước kỳ thi Hội , làm Thái học sinh. Tính hai năm sau tham dự khoa thi Đình kiếm chút công danh. Nhưng giữa chừng, có lịnh quan Giáo thụ đất Sài kinh bổ về làm giáo học ở xứ La Kiều Sơn Thị.


            Nhiếp La Kiều thị giáo, chu bát duyệt nguyệt thuỷ tập thảo đường, 

                                                   tài tất công nhi ngộ binh tiển,

           ( Làm giáo học La Kiều thị, tròn tám tháng mới dựng một nhà tranh, 
                                           vừa làm xong thì gặp nạn binh lửa. )

Dư nhiếp Tân An quận giáo, chu tam duyệt tuế thuỷ tập thảo đường, tài tất công nhi ngộ binh tiển, cảm cựu ngẫu thành-Tôi làm giáo thụ quận Tân An, tròn ba năm mới dựng một nhà tranh, vừa làm xong thì gặp nạn binh lửa, ngẫu nhiên làm thơ 


     Nhiếp giáo tam niên quan xá vô,                 Lênh đênh nghề giáo mấy năm ròng,
     Dân gia khách phố bão kiều cư.                  
Quán khách, nhà dân trọ khắp vòng.
     Minh luân đường vũ kinh doanh thuỷ,          
Nhà chính khang trang còn tính dở,
     Dạ tức mao đình phác trác sơ.                   
Túp lều lụp xụp mới làm xong.
     Vị cập bán sàng thinh dạ vũ,                      
Chưa qua quít khỏi cơn mưa tối,
     Khả liên nhất cự cánh yên khư.                  
Đã não nùng thay trận lửa hồng.  
     Không dư đề vịnh thi thiên tại,                   Còn sót dăm bài thơ thưởng ngoạn,
     Cảm cựu linh nhân phú Tử Hư.                  
Cửa nhà không lại vẫn hoàn không.
                                                                                             Phạm Hữu Dật )

        Vài tháng sau , hòa bình lập lại, Đỗ vẫn tiếp tục làm giáo học ở La Kiều. Kinh tế chung cực kỳ khó khăn , nhà Đỗ lại có tám miệng ăn lớn nhỏ, lương chỉ 60 quan tiền mới. Khẩu phần gạo được mua của hai vợ chồng cũng chừng mười mấy cân gạo. Còn một nữa thì hoặc là khoai lang khô, hoặc sắn mì khô nhưng thường là được bột mì viện trợ từ xứ Gia nã đại . Cho nên thường mỗi ngày được một bữa cơm nấu từ nữa cân gạo, chia đều thành tám bát. Bữa còn lại thường là bánh mì tự nhồi và nướng ở nhà thành những bánh nhỏ, không nở xốp như bánh ở lò mà khô cứng khó ăn; hoặc là cán mỏng , xắt sợi nấu bánh canh, cho thêm ít rau cải và tí thịt vụn thẻo ra từ lò làm chả. 


       Lúc bấy giờ trong khu cư xá giáo học có Nguyễn Lý Sư , bày chuyện nuôi heo để cải thiện đời sống. Con heo con đầu tiên xuất hiện ở cư xá thuộc giống heo bò, lông màu vàng nâu, mau ăn chóng lớn dù thức ăn cho nó chỉ là cám, cá mắm  loại hạng bét., những thứ các Thầy Cô không thể ăn được. Cả cư xá ngạc nhiên và thích thú mỗi lần Nguyễn Lý Sư lấy dây cột nách chú heo , cho đi tới đi lui trên con hẽm nhỏ giữa hai dãy phòng dành cho gia đình các giáo học. Vài ba hôm, Nguyễn lại công bố chú heo đã tăng trọng trung bình mỗi ngày nửa cân.  Thông tin này làm cả xóm xôn xao. Vậy là có mấy nhà mua heo về nuôi trong những căn hộ chật chội, bề ngang chỉ bảy thước rưỡi, bề dài chừng mười hai thước rưỡi - ( 3mx5m ).








        Hai vợ chồng Đỗ  cũng tính chuyện nuôi heo. Tom góp được ít tiền, hai vợ chồng dắt nhau ra chợ La Kiều. Thấy bán một cặp heo con lông trắng rất là vừa mắt, người bán lại cam đoan là giống heo tốt. Kỳ kèo bớt một thêm hai, ngã giá bốn mươi quan tiền. Hai vợ chồng Đỗ hí hửng mang heo về nhà. Căn hộ bé tẹo chứa đã 8 người, nay lại thêm hai con heo con. Có một vách ngăn phòng trên với nhà bếp. Trước vách là giường ngủ, sau vách là thềm tắm giặt. Đỗ làm một hàng rào thấp bằng những thanh gỗ nhỏ để nhốt hai chú heo vào  chỗ đó, không cho chúng chạy ra ngoài bếp và lên nhà trên. Nói là bếp nhưng chỉ là một chiếc bàn nhỏ đặt một cái lò than bên cạnh đường đi. 


      Từ đó có thêm nghề nấu cháo heo. Mua vài cân cám để sẳn cùng ít cá mắm khô, Mỗi ngày nấu một nồi cám nhỏ đặc sệt. Ngày hai bữa múc ra thau trộn thêm nước lạnh làm loãng để hai chú heo con ăn. Chúng cực kỳ khó tính, xục mỏ ăn hết mấy miếng cá khô , mút chụt chụt mấy cái rồi nhất định không ăn nữa. Lại mua rau lang, rau muống về. Người thì ngắt mấy đọt non để ăn, còn lại dành cho heo, như vậy lại phải mất thêm một khoản chi phí. Lúc bấy giờ khó lòng mà kiếm được thức ăn thừa từ nhà khác. Có thừa gì đâu nữa mà xin.

                                                                  Heo Ba Xuyên hay heo bông
         Có nguồn gốc từ huyện Vị Xuyên – tỉnh Sóc Trăng; là con lai giữa lợn Bershire với lợn địa phương từ năm 1930.

       Để bảo đảm vệ sinh, lại phải theo dõi, lúc nào chúng ỉa, đái là lo hốt phân , xịt nước rữa đít cho heo, xịt nước rửa  sàn nhà tắm cho sạch boong.
        Hai tháng trời ròng rã như thế, ngày nào cũng đứng ngắm heo, mong cho chúng mau lớn để bán  nhưng hỡi ơi, heo cũng chỉ to được một chút. Không phải to vì tăng trọng mà to vì lớp lông heo, ngày mỗi dài và cứng, mọc chia chỉa như  bàn chải giặt đồ. Thôi rồi, đã mua trúng hai con heo còi. Mang ra chợ bán lại, chỉ thu về được 30 quan tiền.



  •                       Nguồn gốc : Hà Cối (huyện Đầm Hà), Tiên Yên (Đông Triều) tỉnh Quảng Ninh

        Vẫn không nãn, lần này rút kinh nghiệm, Đỗ giáo học thăm dò trong đám học trò, tìm mua được một con heo, giống cũng cực tốt , lông thưa, mũi ngắn, da dẻ đỏ hồng. Lại chăn dắt, nấu cám, bẩy chuột nướng lên cho nó ăn, hốt phân, rữa đít heo. May thay lần này con heo mau lớn , phổng phao. Độ một tuần lại bỏ vào bao tải treo vào cân xách  thấy cũng tăng được khoảng trên 3 cân. Vậy là đạt yêu cầu rồi, vợ chồng Đỗ giáo học cũng đỡ mất mặt với anh em.

  •              Lợn Mường Khương . Nguồn gốc : Huyện Mường Khương – tỉnh Lào Cai.

       Thiệt tình chú heo con cũng thật đáng yêu.Trắng hồng, sạch sẽ lại biết vâng lời. Mỗi buổi chiều  mở cửa chuồng, chú heo mừng rỡ phóng chạy ra khỏi nhà, chạy hết cuối sân đến đầu sân mấy vòng. Gọi là ngoan ngoãn chạy vào chuồng. Lúc bấy giờ đến mùa đông, trời La Kiều lạnh lắm.Phải đóng lên vách một bao bố bằng sợi gai cho rủ nửa cái xuống thềm. Đến giờ ngủ , chú heo lại chui vào đó nằm yên tới sáng. Mỗi lần cho ăn  không chê thứ gì. Rất thích món thịt chuột nướng. Chỉ cần nghe mùi thịt nướng cháy thơm phức là dù đang nằm im trong bao bố cũng chui ra ngay, nghếch mỏ hít hà ra vẻ thèm thuồng.



  •                                                       Lợn cỏ Mini
    • Nguồn gốc : huyện Pakô và Vân Kiều tỉnh Quảng Trị
        Mấy tháng như vậy, chú heo trở thành thân thiết như một thành viên trong căn hộ chật chội đó. Một ngày, sau khi cân được 66 cân, chú heo bỗng dưng trở chứng , bỏ ăn. Mua thức ăn ngon về cũng không thèm để mắt. Coi chừng giấc mơ có chú heo nặng một tạ không xong rồi, Đỗ đành gọi người bán thịt ở khu chợ nhỏ vào bán. Lúc chị ta chở heo đi, cả nhà buồn đứt ruột. May mà chưa ai khóc như lần con chó Lucky ở nhà bị kẻ xấu bỏ bã chết sau này.

                                             Lợn ỉ pha, nguồn gốc Nam định

      Chị hàng thịt mang tới nhà nửa cân thịt biếu. Lúc bấy giờ mỗi anh chị giáo học cũng như mấy vị làm nhà nước, tem phiếu mỗi tháng cũng chỉ được một cân thịt, một kg đường, vài lạng bột ngọt để rắc vào nồi canh lỏng bỏng nước, lều phều mấy lát thịt hay mấy chú tôm khô. Cho nên nửa cân thịt heo là một món quà quý. Nhưng hỡi ơi, đó là thịt của chú heo thân yêu của nhà Đỗ. Ăn mà không thấy ngon lành. 

                                                                  Lợn Sóc Tây Nguyên, Heo Sóc, Heo Êđê

        Nuôi heo trong nhà là một trong những chuyện vui buồn của anh em giáo học xứ La Kiều những tháng năm khốn khó. Sau này mọi người  lần lượt rời bỏ cái cư xá  ổ chuột đó và cũng chấm hết sự nghiệp nuôi heo. Cuộc sống có tốt hơn xưa nhưng mỗi lần nhắc đến, ai cũng bùi ngùi. 



                                     Lợn Mẹo là giống lợn của người H’Mông



                                      Lợn có bộ lông xoăn như cừu.
                                                                                        (Ảnh: NET )

23 tháng 6, 2013

ÔI ! XÔI SÀI GÒN

                                                            ( Theo Monngonvietnam)




     Những ngày đầu năm, Sài Gòn dường như còn nắm níu chút hơi lạnh mùa đông. Buổi sáng, tiết trời cứ se sắt khiến hơi ấm của chiếc giường càng quyến rũ hơn bao giờ hết. Trời thế này ăn những món nước nóng hổi mới "đã" khẩu cái, nhưng không hiểu sao tôi vẫn bị quyến rũ bởi làn khói mỏng bốc lên từ chõ xôi ven đường. Không phải chờ đợi lâu lắc, không phải dừng xe gạt chống bước vào tiệm ăn tìm chỗ ngồi, chỉ tốn dăm phút đã có gói xôi nóng hổi, có thể mang đến giảng đường vừa "gạo" bài vừa ăn.


                                                                   Xôi gà(ảnh NET)

      Sáng sáng, xôi Sài Gòn có một dãy khá thơ mộng gồm khoảng chục chiếc xe xôi, mỗi chiếc như một palét màu của họa sĩ, với những màu dịu dàng nhưxanh lá dứa, hồng phớt, vàng nhạt, đậu dọc từ ngã tư Cách Mạng Tháng 8 - Võ Văn Tần đến ngã ba Cách Mạng tháng 8 - Nguyễn Thị Diệu. Nhưng là những ngày yên ả kìa, sóng lặng gió yên, xe xôi như những chiếc ghe neo nghỉ ở bến. Những xe xôi Sài Gòn bây giờ cũng tiến hóa theo thời đại tạo sự chọn lựa đổi món cho người mua: có nhiều loại xôi,nhiều màu sắc.Rải rác các con đường Sài Gòn còn có các điểm bán “xôi vò nhận đặt” phục vụ khách không cần bước xuống xe - y như những điểm thức ăn drive-in ở Mỹ. Cụ thể hơn chút nữa thì nếu ăn xôi mặn nên tìm đến chiếc xe xôi của hai anh em trên đường Nguyễn Tri Phương.Chiếc xe khá to và bề thế, nhưng hơi cập kênh, cứ lắc lư hai đầu theo nhịp gói hàng của hai anh em. Đặc điểm ngộ nghĩnh ấy đã theo hàng xôi này trong suốt bao năm qua. Đến tận bây giờ, khi các hàng xôi khác đều dùng giấy lót ni-lon, hoặc giản tiện hơn nữa là bỏ hộp, thì xe xôi này vẫn chung thủy với màu lá chuối truyền thống. Những hạt nếp ngỗng trắng ngànổi bật giữa lớp lá chuối xanh mướt, lại được điểm thêm màu đỏ của lạp xưởng,của tôm khô, màu xanh của mỡ hành và màu vàng của hành phi. Xôi gói trong lá chuối có vị thơm ngon đặc biệt.



        Bạn hảo xôi ngọt? Tôi chỉ bạn tới gánh của bà cụ bán trên lề đường Đặng Văn Ngữ. Đã gần 20 năm qua, gánh xôi của bà vẫn không có nhiều thay đổi. Có chăng là thúng xôi nhỏ hơn và người bán cũng đã già hơn.



       Bà chỉ bán 3 loại xôi với rất nhiều đậu. Xôi đậu phộng, vừa dẻo vừa béo. Hạt đậu chỉ vừa chín tới, hơi sần sật ăn không ngán. Xôi đậu xanh hoàn toàn không bỏ màu, chỉ là hạt nếp Bắc dẻo thơm với ít đậu xanh cà, thêm nắm đậu xanh giã tơi rắc ở trên và chút đường,chút muối mè ém kế gói xôi, ai ăn mặn ngọt thì tự thêm vào tùy ý. Xôi đậu đen là những hạt đậu đen bóng, óng ánh giữa lớp nếp thấm màu đen, lại rắc thêm ít dừa trắng tươi, nạo ngay tại chỗ bằng cây đũa cả có một đầu gắn chiếc nắp phéng. Có bao nhiêu hàng xôi vỉa hè như thế? Tôi không rõ. Nhưng chắc hẳn không người bán hàng nào thân thương với tôi như bà cụ. Nhìn bà, tôi như thấy lại hình ảnh mình và bạn bè những ngày tung tăng đi bộ đến trường, ghé gánh xôi dõng dạc: “Cho con 200 đậu xanh!”




         Nếu nói về việc ăn sáng ở Sài Gòn, người ta chọn ăn xôi có lẽ chỉ đứng sau việc ăn cơm tấm và bánh mì mà thôi.Có lẽ vì do ăn xôi chắc bụng, còn trong thời buổi củi châu gạo quế này xôi là thức ăn sáng bình dân nhất. Chẳng phải ngoa khi có anh thợ điện sảng khoái nói : “chỉ tốn vài ngàn là đủ sức leo cột điện tới trưa rồi. Ngồi ăn gói xôi lá chuối, hớp li cà phê đen,là mát trời ông địa luôn”


                         Có bao nhiêu thức xôi ?
          Xôi - thịt hon, xôi bắp, xôi cốm, xôi đậu đen, xôi đậu phộng, xôi đậu xanh, xôi gà, xôi gấc, xôi hoa cau, xôi khúc, xôi lá dứa, xôi lạp xưởng, xôi lúa, xôi nếp than, xôi thập cẩm, xôi vị, xôi vò, xôi vò sầu riêng, xôi xiêm. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong quyển Nữ công thắng lãm năm 1769, đã hướng dẫn ngắn gọn 16 kiểu nấu xôi... Ta cứ ngắn gọn kêu là xôi ngọt và xôi mặn.Mà dù có là xôi mặn hay xôi ngọt thì đừng để nó vào hộp nhựa, hãy gói vào lá chuối-lá sen-lá dong khô, vừa giữ ấm lâu, vừa để quá bữa không hư, vừa tránh mấy thứ hoá chất có trời mà biết ở trong hộp tiết ra khi gặp nóng. Ăn thì đã nhất là ăn bốc từng chút một, nhưng có lẽ vậy không hợp phép vệ sinh nên ta ăn bằng cùi dìa vậy. Nhưng hỡi ôi, lá chuối giờ đâu rồi, cùi dìa của tôi nay đâu, ập thẳng vào mặt là hộp xốp-muỗng nhựa nhìn không vừa mắt chút nào.Tiếng rao xôi - chẳng hạn như “ai xôi d…i…ị hôn” - gần như tắt hẳn. Nhất là canh đêm. Người ta đang lo sợ sự xuất hiện kiểu“tụng” bằng loa phóng thanh, giải phóng được người bán nhưng tra tấn lỗ tai người nghe: Xôi Sài Gòn 2.000 1 gói thơm ngon…



         Nhắc đến lá chuối cùi dìa lại nhớ món xôi bắp, mà phải là món xôi bắp thuần túy miền Nam. Bắp phải là bắp nếp, hầm với nước dừa, tạo thành món ăn nửa xôi  nửa cháo. Hạt bắp hầm xong nở bung thật mềm, thậm chí hơi nhão, có màu trắng tươi, rắc thêm đậu xanh đánh cho tơi mịn, rồi lại thêm ít dừa nạo, muối mè, ăn quên thôi. Buổi chiều đến, dọc theo con đường Cao Thắng là những xe xôi xếp hàng dài, mỗi chiếc xe là một bức tranh lập thể nhiều màu sắc. Xôi gấc màu cam óng ả, xôi cẩm tím rịm mượt mà, xôi đậu xanh lại vàng nhã nhặn . Đặc biệt là xôi nếp than, hạt nếp cứ nổ lách tách trong miệng, lại thêm nhân đậu xanh mỡ hành vừa béo vừa ngọt.

Xôi bắp

                                                                                   


Xôi gói lá dong

Xôi gói lá bàng

Xôi gói lá sen

                                                                 Xôi bắp gói lá chuối


Xôi gói lá chuối
                                                                                                                                (Ảnh NET)