23 tháng 5, 2013

Mấy con đường Saigon xưa.




        Những năm tháng học Đại học ở Saigon trước 1975, có những con đường thân quen vẫn thường hay qua lại. Nay một số đã thay tên. Góp nhặt vài tư liệu về những con đường đó như một hoài niệm của thời Sinh viên .

                               1/ Đường Lê Văn Duyệt:

        Tả quân Lê Văn Duyệt, như tên người dân thường gọi, là một công thần dưới triều nhà Nguyễn, người đã có công rất lớn giúp vua Gia Long xây dựng nên cơ đồ. Ông sinh năm Quý Mùi (1763), và mất vào ngày 1 tháng 8 năm Nhâm Thìn (30-8-1832), khi đang tại chức Tổng Trấn Gia Định Thành. Ở Saigon trước đây có 2 con đường mang tên Lê Văn Duyệt. Nếu tính từ trung tâm thành phố, đó là:

        - Đoạn đường từ Ngã Sáu Saigon đến ranh tỉnh Gia Định cũ được đặt tên là đường Lê Văn Duyệt từ ngày 22-3-1955, cho đến ngày 14-8-1975 , đổi thành đường Cách Mạng Tháng 8. Đây là một trong những con đường xưa nhất của Saigon, thoạt đầu được gọi là Đường Sứ. Chẳng phải là con đường chuyên bán đồ sứ, mà đây là con đường xưa kia các sứ thần Chân Lạp đi qua nước ta để giao hảo. Thời Pháp thuộc đường được chia ra từng đoạn đặt những tên tiếng Việt, rồi tên Pháp như Verdun (kỷ niệm trận đánh Pháp thắng Đức năm 1916). Chanson (đoạn từ Phan Thanh Giản bây giờ là Điện Biên Phủ đến Hòa Hưng)...

      Chính quyền Saigon cũ đặt tên đường này là đường Lê Văn Duyệt cũng có nguyên do của nó.Thứ nhất thời Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn Gia Định Thành, sứ thần Chân Lạp phải đi qua con đường này để đến dinh Tổng Trấn Gia Định (dinh Tổng Trấn Gia Định thời ấy nằm phía đường Lê Duẩn gần dinh Thống Nhất bây giờ). Thứ nhì là đường Lê Văn Duyệt chạy ngang qua công viên Tao Đàn, thời Pháp gọi là vườn Bờ Rô, trong dân gian quen gọi là vườn Ông Thượng (Ông Thượng chính là Thượng công Lê Văn Duyệt).


                                                                    Vườn Tao đàn

      - Đoạn đường từ Cầu Bông cho đến đường Phan Đăng Lưu quận Bình Thạnh bây giờ, từ ngày 22-3-1955 cũng được chính quyền Saigon đặt tên là đường Lê Văn Duyệt, tên cũ của nó được người Pháp đặt từ năm 1874 là Avenue de l'Inspecction. Dân chúng quen gọi là đường Hàng Thị vì có dãy cây thị trồng hai bên đường. Và sở dĩ đặt tên đường là Lê Văn Duyệt, như các bạn ở Saigon đã biết, vì đường chạy ngang qua bên hông lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, nơi có mộ phần của Ông và phu nhân, dân chúng quen gọi là Lăng Ông. Trước năm 1975 trên đoạn đường này cũng có một ngôi trường nữ Trung học công lập được mang tên ông, đó là trường Nữ trung học Lê Văn Duyệt, cùng hai ngôi trường nữ Trung học công lập khác ở Saigon là Gia Long và Trưng Vương, nơi đã đào tạo nhiều nữ sinh Saigon một thời, "có chất lượng" về học vấn và "công-dung-ngôn-hạnh".


                                            Cổng vào Lăng Ông ở Bà Chiểu

      Sau năm 1975 thì cả hai đoạn đường mang tên Lê Văn Duyệt kể trên đều không còn trên bản đồ của thành phố Saigon, đường Lê Văn Duyệt chạy ngang vườn Tao Đàn được đổi tên thành đường Cách Mạng Tháng 8, còn đường Lê Văn Duyệt chạy ngang Lăng Ông đổi tên thành đường Đinh Tiên Hoàng.

                                       2/ Đường Trương Tấn Bửu:

           Đây là một con đường khá lớn sầm uất nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận, bắt đầu từ ranh giới quận 3, giáp đường Trần Quang Diệu (Trần Quang Diệu là một võ tướng theo giúp nhà Tây Sơn chống lại Nguyễn Ánh), đến đường Chiến Thắng. Thời Pháp thuộc đường mang tên Capitaine Faucon, từ năm 1955 chính quyền tỉnh Gia Định đổi thành đường Trương Tấn Bửu. Ngày 4-4-1985, UBND TP. HCM đổi thành đường Trần Huy Liệu.

           Trương Tấn Bửu, một võ tướng quê ở Bến Tre đã theo giúp Nguyễn Ánh, ông đã có công khai khẩn vùng đất Nam bộ, và đã làm tới chức Phó Tổng Trấn Gia Định Thành. Lăng nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận nơi con đường bây giờ mang tên Nguyễn Thị Huỳnh. Đây là một con đường nhỏ gần sát đường Trần Huy Liệu bây giờ, trước năm 1975 đường Trần Huy Liệu là đường Trương Tấn Bửu. Vì thế nên tên của ông đã được đặt cho một trục đường chính của quận Phú Nhuận, gần kề nơi lăng mộ của ông, để tưởng nhớ công lao của một con người đã có công với miền đất mới Nam bộ, và với vùng Saigon-Gia Định.




                                                       Lăng Trương Tấn Bửu

          Con đường Trương Tấn Bửu quận Phú Nhuận đã không còn, nhưng tên của ông thoạt đầu được đặt cho một đoạn đường rất ngắn dài khoảng 100m và khá xô bồ tại quận 6, trước Bến xe Miền Tây. Nhưng rồi sau đó mặt tiền đường này cũng được nhập vào đường Lê Quang Sung, chỉ còn các số nhà trong hẻm là còn mang tên ông. Như vậy trên bản đồ thành phố cũng không còn con đường nào mang tên Trương Tấn Bửu.

                                              3/ Đường Võ Di Nguy:

         Đây là một con đường huyết mạch nối vào trung tâm thành phố, hình thành ngay từ khi có thành Gia Định. Đường bắt đầu từ cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận, sang đến đường Nguyễn Kiệm bây giờ thì gọi là Võ Di Nguy nối dài. Thời Pháp đường tên Blanchy, đến thời Bảo Đại (1954) được đổi thành Võ Di Nguy. Ngày 4-4-1985 được đặt là Phan Đình Phùng.


                                                            Lăng Võ Di Nguy

      Võ Di Nguy cũng là một võ tướng có tài về thủy quân theo giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn. Ông là người miền Trung sinh năm 1745, gốc ở huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên. Được truy tặng Bình Giang Quận Công. Ông mất năm 1801 trong trận chiến ở cửa Thị Nại Bình Định, trước khi Nguyễn Ánh chiến thắng quân Tây Sơn và lên ngôi. Sở dĩ con đường này trước năm 1975 được mang tên Ông, vì còn một khu lăng mộ của Võ Di Nguy nằm trên đường Cô Giang (quận Phú Nhuận), đường Cô Giang là một con đường nhánh nhỏ ăn thông ra đường Võ Di Nguy cũ.


                                                                                           Tư liệu : Internet


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét