4 tháng 5, 2012

NHỮNG NGÀY NÓNG BỎNG CỦA THÁNG BA


            
              Liên Tỉnh lộ 7B,
 một đoạn đường kinh hoàng, một góc bi thảm của chiến tranh.


                                                           
Sông Ba, đoạn qua Thành Hội, 
nơi đoàn di tản chờ bắc cầu phao vượt sông năm 1975

               36 năm sau, 09-7-2011, có dịp về Phú bổn (Ayun Pa-Gia Lai), ghé lại thăm bờ sông Ba. Ngày ấy (17-3-1975) từ Pleiku về Tuy Hoà bằng tỉnh lộ 7B (nay là Quốc lộ 25 nối Gia Lai và Phú Yên), suốt 9 ngày đêm, nằm lại bờ sông Ba 1 tuần, chờ làm cầu phao để qua sông. 
             Những địa danh cầu sông Bờ, Tô na, Lệ Bắc (cầu Ea Nu), bến Thành Hội...gợi nhớ lại những ký ức kinh hoàng. Có rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại ở đây, trong đó có mấy người bạn từ BMT lên Pleiku dạy học.Tưởng chừng hai vợ chồng đã bỏ xác nơi nầy.


Bên bờ sông Ba
        
         Tháng 12 năm 1974, đang học năm 2 Cao học Hóa Hữu cơ (COSA) ở Trường Đại học Khoa học Saigon, nhận được Sự vụ lệnh của Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên phân bổ lên Pleiku  dạy học. Bốc thăm ở Sở Học chánh Pleiku, về trường Nữ trung học Pleime. Mướn một căn gác trong hẽm đường Nguyễn Thái Học ở chung với mấy người bạn của em trai; ăn cơm tháng ở một quán cơm trên đường Phó Đức Chính, gần Miếu Bà.
                   ...Ta đi xa tưởng chừng như quan ải,
                Lầu Biển Hồ không thấy bóng quê hương...

       Hai tháng sau, Thu và Khoa Nguyên, con thứ nhì mới 1 tuổi,  mới lên Pleiku , con đầu Khôi Nguyên vẫn còn ở với Ông Bà Nội ở Ban mê thuột. 
        Lúc đầu ở  tạm nhà anh Đổng, dạy Sinh vật cùng trường Nữ Pleime, trong khu tập thể nhà máy nước đường Trịnh Minh Thế, gần Bưu điện Pleiku, bây giờ là đường Trần Hưng Đạo. Tiếc thay chỉ vài năm sau đó, Đổng mất vì bịnh bao tử.
    Tuần sau thì mướn được  một căn phòng dưới căn gác cũ ở hẽm trên đường Nguyễn Thái Học. Lúc bấy giờ lãnh lương mỗi tháng cũng được 37.600đ, tiêu dùng cho cả nhà cũng chỉ hết hơn nửa tiền. Vàng cũng khoảng 15.000đ/ lượng.


          Trong những ngày đầu tháng 3-1975 sôi sục, qua radio nghe tin cuộc tiến công  vào Ban mê thuột.

               Ngày 4-3,QL 19 từ Pleiku đi Qui nhơn bị cắt đứt.

        Ngày 5-3, QL21 từ BMT về Nha trang  bị cắt đứt đoạn  giữa Phước an-Khánh dương.

               Ngày 7-3, đường từ BMT lên Pleiku bị cắt. 

          Ngày 10-3 năm 1975 , cánh Nam của Quân đoàn II (quân lực VNCH) ở Buôn Ma Thuột đã bị tan rã. Những nỗ lực tái chiếm Buôn Ma Thuột của Quân lực VNCH trong các trận phản công ngày 11 và 13 tháng 3 đều thất bại.

            Ngày 14 tháng 3, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời là Tổng tư lệnh Quân lực Saigon  quyết định rút quân trên toàn địa bàn Tây Nguyên để về giữ miền duyên hải Trung  bộ. Ba ngày sau đó, hầu như toàn bộ Quân đoàn II  bị tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn trên con đường số 7B định mệnh.
  
     Ngày 17-3, cả thị xã Pleiku đã bắt đầu chộn rộn. Nóng lòng về Ông Bà nội, em trai và Khôi Nguyên còn ở BMT.Tất cả thông tin , liên lạc đều mất. Lúc bấy giờ vùng Cao Nguyên gồm 4 tỉnh: Darlac, Pleiku, Kontum và Quảng Đức đều do Quân đoàn 2 ( Saigon) có bộ chỉ huy đặt ở Pleiku, đoạn qua khỏi Phi trường Cù Hanh. Trung đoàn 44 và 45 của Sư đoàn 23 được giao phòng thủ Pleiku. Phía Kontum có 5 liên đoàn  Biệt Động Quân,  sau đó Saigon lại tăng cường thêm 3 liên đoàn BĐQ 4, 6 và 7 nữa cho Pleiku.Thế nhưng với lực lượng như vậy, họ đã không thể làm được gì ngoài kế hoạch rút chạy.

     Thiếu tướng Phạm Văn Phú- Tư lệnh Quân đoàn 2 đã phải ra lệnh cho quân sĩ: “Mở đường máu mà thoát thân, xe không đi được thì phá xe, bỏ qua mọi tình huống mà chạy, lấy Củng Sơn làm tụ điểm”.

    Đây là con đường đá dài 300 km từ QL 14 đi Phú  bổn, có đèo Cheo reo. Đường gồ ghề, đá lởm chởm và bị bỏ hoang từ lâu không dùng đến. Chiếc cầu bắc qua sông Ba phía nam Củng sơn cũng đã bị phá hủy không thể sửa chữa được. Đoạn đường chót đến phía Tây Tuy Hòa thì những năm trước, quân đội Đại hàn hoạt động tại đây đã gài mìn dày đặc. 


    Đại tá Phạm duy Tất ( quân đội Saigon), chỉ huy BĐQ QK2, chịu trách nhiệm chỉ huy tổng quát cuộc rút quân: các liên đoàn BĐQ đi tiên phong và đoạn hậu có các đơn vi thiết giáp mở đường và bảo vệ, liên đoàn Công binh sữa chữa những đoạn đường và cầu cống hư hỏng. Liên đoàn 4 và 25 Biệt động quân  đang trấn giữ tuyến Pleime-Thanh an phía nam Pleiku rút sau cùng.  Hệ quả là nhiều người dân Pleiku trước những thông tin như vậy  cũng hoảng hốt bỏ nhà  cửa chạy theo .


   Lúc đó Thu có ông cậu họ  là cậu Quỳ, là hạ sĩ quan của Quân đoàn 2, đã cho xe Jeep đến đón 2 vợ chồng chạy vào Quân đoàn để tập trung cùng gia đình sĩ quan và binh lính di tản.Thu và Khoa Nguyên đi xe trước, Thanh và Toàn, một người bạn cũng ở BMT lên Pleiku dạy học, đi xe sau. Lúc đến nơi mới hay xe trước trong lúc quẹo cua, Thu lúc đó đang mang thai Quỳnh Thư, ngồi ở ghế trước, cánh cửa xe bật ra, Thu văng ra ngoài, lăn lóc trên cỏ. Cũng may làm sao ,hai mẹ con không việc gì.


       Cả 4 người lên một chiếc GMC chở đầy gia đình các binh lính. Hành lý  mang theo là một chiếc vali da lớn, một chiếc Samsonite nhỏ và một giỏ xách chứa những thứ linh tinh, trong đó có được 10 hộp sữa đặc dành cho Khoa Nguyên đang bú sữa bình.

         Ngày 18, 19-3, cá đoàn xe nối đuôi nhau chạy về hướng Hàm rồng, theo QL 14, tới ngã ba Cheo reo, rẽ trái đi về hướng  Phú bổn rồi theo Tỉnh lộ 7B  để tới Củng sơn. Tại đây cả đoàn xe vừa cả lính, vừa dân đã bị chặn lại.



Bến Thành Hội với đoàn người hàng cây số chờ qua sông Ba


     Không thể đi tiếp theo đường 7, cả đoàn lại dồn về Thạnh Hội (xã Sơn Hà), với ý định làm cầu phao vượt qua sông Ba, theo đường 5, chạy xuống Tuy Hòa. Trên đường di tản, có những cuộc nổ súng lẻ tẻ. Trên capot  của một chiếc xe Jeep lùn, thấy có cột cả xác người quấn trong ponchot màu nhà binh, có lẽ họ kỳ vọng sẽ mang được xác đồng ngũ về tới nơi cần tới. Ai cũng nghĩ với khoảng đường ngắn như vậy, chỉ hôm sau là tới nơi. Nhưng tất cả đều lầm. Cả đoàn người phải dừng ở đó mấy hôm nữa.

      Trước khi tới được bờ sông đã là hai ngày đói khát. Nước thì có khi phải lấy từ những vũng đọng có màu vàng nhờ nhờ, bỏ thêm viên thuốc khử trùng của quân đội, cứ thế mà uống và nấu cơm. Trên đường chạy, Khoa Nguyên bị bón, không đi cầu được, khóc la. May có mang phòng mấy ống glycerine. Uống sữa bình bằng cách lấy nước vũng khử trùng rồi đun sôi trong chiếc ca nhà binh. Tối ngủ thì xuống xe, kiếm mấy cây tre cắm 4 góc mắc mùng để tránh muỗi độc. Có lần thấy một số người  lội qua bờ sông bên kia, cũng tính thử. Kiếm một cây sào dài, cột đồ đạc vào giữa, mình cột Khoa sau lưng,Toàn và Thanh 2 đầu sào, Thu đi giữa. Lội ra một đoạn thấy rất sâu, không tin sẽ qua được, lại quay vào bờ, bỏ luôn ý định vượt sông.

      Sau nay mới biết số người qua được bên kia sông, trong đó vài người  bạn , đã gặp mìn và không bao giờ quay trở về nữa. Có cả bạn Chung, em Thầy Nhạc, là bạn cùng lớp SPCN ở Dalat năm 1970.


       Ông Cậu cho được mấy gói gạo sấy của lính, 3 anh em ăn hết, bắt đầu chạy quanh, tới nhưng nhóm lính đang nấu cơm trong những thùng đạn bằng sắt , chờ xin những miếng cơm cháy dưới đáy thùng. 

      Trong mấy ngày kế tiếp, ý định  vượt sông Ba của đoàn người đã không thể thành hiện thực khi hỏa lực của Bộ đội  bất ngờ và liên tục dội xuống dòng sông . Chứng kiến trong đợt pháo đầu tiên , đứng trên bờ sông nhìn xuống đám đông  đang tắm giặt dọc bờ nước, hàng loạt pháo rơi  rãi rác cùng những tiếng nổ đì đùng, những bóng người bật ngữa , rồi chìm xuống, máu loang trên sông. Mặc dù đã huy động tất cả lực lượng với các loại vũ khí mạnh nhất như máy bay ném bom, pháo tấn công vào phòng tuyến của bộ đội nhưng quân đội VNCH cũng không thể giải vây cho đoàn người ở Thạnh Hội.  
        Những ngày sau, mọi người phải chờ dứt một đợt pháo là vội vàng xuống sông lấy nước vào bình chứa để dành nấu cơm  uống, tranh thủ tắm, giặt.

       Ngày hôm sau nữa, xuất hiện những chiếc trực thăng HU1. Mọi người đều mừng rỡ. Chúng  bay là đà vứt xuống đám đông những thực phẩm như gạo sấy, bánh mì. Ai nấy đổ xô chạy  lượm lấy những thứ quý giá đó. Chạy ra nhặt được một ổ bánh mì dài khoảng 4 tấc nhưng đầu bên kia cũng có bàn tay nắm lấy rồi, giật mạnh, cuối cùng còn được nửa ổ. Vậy mà mừng quá chừng vì có nhiều người không lượm được thứ gì.

          Rồi những chiếc trực thăng HU1 Huey hạ cánh rãi rác trên những bãi trống xa đoàn người cả hai, ba trăm mét. Ai nhìn thấy sẽ chạy thật nhanh về phía chúng để có cơ may được  đón đi. Có cả mấy chiếc Chinook, loại trực thăng có 2 chong chóng ở 2 đầu, hạ xuống bốc được một số người rồi nhanh chóng bay lên vì nếu  chậm, cả đám người , lính có, dân thường  có, bu lại, máy bay quá tải  sẽ không bao giờ cất cánh được nữa.


(Trong chiến tranh Việt Nam,  5.086 chiếc HU-1 bị mất vì mọi lý do trong tổng số hơn 7000 chiếc từng hoạt động tại Việt Nam )




Trực thăng Chinook
         Thấy 2 chiếc Chinook bay lên, hướng về bên kia bờ sông Ba. Dưới bửng sau đuôi máy bay chưa kịp đóng lại là mấy người đang đu tòn ten vì không kịp leo vào máy bay. Ra tới giữa sông, có nhiều người không chịu đựng nổi sức gió trên cao, mõi tay, phải buông ra. Nếu mục kích thân người từ độ cao hàng trăm mét rơi tỏm xuống sông, chìm nghĩm, sẽ rất  ớn lạnh. Nhưng mấy ngày qua, chứng kiến quá nhiều cái chết, hình như ai cũng cảm thấy dửng dưng, cảm thấy bình thường. 

       Hôm sau, Thanh và Toàn đang tắm dưới sông, thấy mấy chiếc HU1 đáp xuống trảng cỏ , hai anh em chạy vội lên, chỉ kịp quơ quấn áo, đôi giày, chạy chân đất. Ngang qua chiếc xe GMC, gọi Thu xuống xe, không kịp mang theo bất cứ thứ gì.Toàn bế Khoa Nguyên chạy trước, mình dìu Thu đang có bụng, chạy sau.Toàn tới cửa máy bay rồi  mà Thu vẫn còn cách 10 mét, gió cánh quạt cứ đẩy lùi, máy bay thí đang dập dềnh cất cánh. Biết không còn kịp, đưa tay  ra hiệu cho Toàn đang bế Khoa Nguyên đã ngồi trong lòng máy bay và hét lớn: "Đi trước đi, đem Khoa về Nha Trang cho Bác Kim". Không biết có nghe được không nhưng vì đã bàn tính trước nên cũng biết Toàn phải làm gì.

      Máy bay bay rồi, Thu khóc như mưa, an ủi, con đi được như vậy là mừng rồi, ở lại không biết sống chết ra sao, Khôi Nguyên thì đang không biết thế nào.

    Hôm sau 2 vợ chồng gom những thứ quan trọng nhất, bỏ vào chiếc va li samsonite, còn bao nhiêu để lại trên xe. Đi ra bãi trống, nơi có 1 bụi cây lớn. Không thấy ai quanh đó. Nếu đứng ở đó , hy vọng máy bay thấy ít người  sẽ hạ xuống. Nhưng  khi ra phía sau bụi cây mới thấy một đám người mặc quân phục đang ở đó. Họ thấy 2 vợ chồng mình, xua tay đuổi đi. Thu trả lời "Tụi tui cũng đợi như mấy người, sao lại đuổi tụi tui". Một tiếng crắc vang lên, tay sĩ quan lên cò súng.Tôi hốt hoảng kéo tay vợ, chạy ngay ra chỗ khác. Hú hồn, may mà hắn chưa bắn.


       Tìm một chỗ trống khác, bỏ vali xuống cho Thu ngồi cho đỡ mõi, tìm môt cây tre ngắn, buộc chiếc khăn mặt đỏ vào rồi hễ thấy có chiếc trực thăng nào bay gần đó là phất lia lịa, hy vọng họ nhìn thấy và đáp xuống. Cả vô số lần như vậy mà không một chiếc nào hạ xuống, trời gần trưa, nắng như đổ lửa trên đầu mà vẫn cứ cố.


      May thay , không lâu sau, một chiếc HU1 hạ cách đó gần 10m,  kéo Thu chạy tới , gió  cánh quạt thổi ngược, kéo Thu khom xuống, đẩy lên trước. Một cánh tay thò xuống kéo mình lên, thả xuống sàn rồi chiếc trực thăng bốc lên. Tay phi công quay lại nhìn mình rồi kéo kính mũ bay lên. Thì ra hắn là Liên, một người  bạn thời Trung học ở BMT. Hắn cười, móc túi lấy gói thuốc Pall Mall mồi một điếu rồi đưa cho mình. Lúc bấy giờ rít hơi thuốc lá thấy ngon lạ lùng, mới thấy thật hạnh phúc và biết chắc mình còn sống và đang thoát ra khỏi cái chảo lửa dưới kia.


     Máy bay thả mọi người xuống một trại tiếp cư ở Tuy hòa. Ở đây mình được uống sữa, ăn bánh mì và cho ít tiền xe. Hai vợ chồng về tới Nha Trang, đến nhà các anh chị, gặp lại Toàn và Khoa Nguyên. Nghĩ một ngày, cho Khoa Nguyên đi bác sĩ vì bị tiêu chảy trên đoạn sông Ba. Hôm sau anh Kim, đang làm ở Phi đoàn trực thăng 215 ở sân bay Nha trang, xin được chỗ cho 4 người trên một chuyến DC10 bay về tới Saigon vào tối hôm đó. Toàn  về nhà ông Chú ở Cầu Bông, hai vợ chồng về nhà ông bà ngoại ở chợ Hòa Hưng. Gặp nhau, cả nhà ai cũng mừng mừng, tủi tủi.

        Mấy ngày sau, với sự yểm trợ của các Thiết vận xa M113 tăng cường, tiểu đoàn 34 BĐQ mới mở thông được đường, đoàn xe đầu tiên mới  về tới Tuy hòa. Tổng kết, trong số 1.200 xe lúc bắt đầu khởi hành từ Pleiku , khi về tới Tuy hòa  chỉ còn lại 300 chiếc mà thôi.
       Cuộc lui binh của Quân đoàn 2 trên liên tỉnh lộ 7B được xem là một cuộc lui binh bi  thảm nhất trong suốt cuộc chiến ở Việt Nam . Liên tỉnh lộ 7B từ đó được mệnh danh  là Hành lang máu, con đường đầy nước mắt, xương máu trong 9 ngày đêm.




BMT tháng 4-2012


( Bài có sử dụng một số hình ảnh trên Internet)


1 nhận xét:

  1. Một kỷ niệm buồn đau, nhưng quá khứ rồi, nhìn hôm nay thấy mình may mắn hơn nhiều người.

    Trả lờiXóa