14 tháng 5, 2012

Đất Thiên đường

         

             Trên hành trình tha phương cầu thực, một ngày  vào năm 1941,  Ba  tôi cùng với rất nhiều người Việt  ở miền Trung lúc đó rủ nhau theo cửa khẩu Lao bảo qua Lào làm ăn và dừng chân ở Savannakhet ( tiếng Lào Savannakhet có nghĩa là Thiên đường), Thị xã Savẳn được xem như thủ phủ miền Trung và Hạ Lào của đất nước Hoa Chăm pa . Một năm sau, Mẹ và anh Kim cùng một người chị con Bác tôi là chị Diệp mới qua theo.
          Đó là những năm nước Lào còn trong khối Đông dương và mãi tới năm 1945  Lào mới  tuyên bố độc  lập sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh. Tôi không rõ lắm trong những ngày đầu tiên trên xứ người, gia đình tôi sinh sống như thế nào vì mãi 10 năm sau tôi mới ra đời và phải 3 đến 4 năm nữa tôi mới hiểu và nhớ được những  gì đang diễn ra chung quanh mình.
             Lúc bấy giờ người Việt qua đây sinh sống làm ăn rất đông, chiếm tới hơn nửa dân số.Toàn cảnh thị xã Savannakhet gần giống như thị xã Ban Mê Thuột lúc tôi mới lên năm 1957, đường xá nhỏ hẹp, nhà cửa  thưa thớt , người Kinh nhiều hơn người Thượng ( tên gọi các dân tộc thiểu số ở vùng cao nguyên lúc đó). 

                    Gia đình chúng tôi sống trong một căn nhà gỗ có gác rộng 5-6m, dài khoảng 20m gì đó, ngay một ngã tư đường. Nhà cũng là một cửa hàng bán tạp hóa, tạp phẩm, lúc bấy giờ có thể đươc xem là một cửa hàng lớn ở thị xã Sa vẳn này. Nếu từ nhà ra quẹo trái, đi thẳng  một đổi là ra tới bờ sông Mê kông. Bên này sông là đất Lào, bên kia sông là Mukdahan, một tỉnh nhỏ vùng Đông Bắc của xứ sở Chùa Vàng Thái Lan..
        Giữa dòng sông , nhìn từ bến đò Savẳn sang Mukdahan , là một cồn hoang  không có ai cư ngụ vì là khu vực phên dậu nhạy cảm của hai quốc gia láng giềng, vậy nên nghe nói có rất nhiều loài chim đến tá túc.

              Có lần chị Kim Anh, lớn hơn tôi 8 tuổi,  dẫn tôi qua đất Thái lan chơi.  Hai chị em lên một chiếc ghe máy cùng một số khách nữa. Lần đầu tiên đi trên sông  bằng ghe, ghe cứ nghiêng bên này rồi lại nghiêng bên kia, tôi sợ lắm, cứ ghe nghiêng bên này, tôi lại dợm bước qua phía bên kia, chỉ sợ ghe lật.Tới đất Thái, hai chị em ghé nhà một người quen chơi rồi đi lòng vòng thăm thú ,mua sắm. Đến chiều lại lên ghe máy về lại Savẳn.


           Bây giờ ở đây đã có một cây cầu lấy tên cầu Hữu Nghị , nối liền hai vùng đất Mukdahan-Savannakhet..



         Bên bờ sông là những cây Hoa sứ (Hoa Chăm pa), quốc hoa của Lào :


            Cũng trên dòng sông này cũng đã được xem  Lễ hội Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10, cũng hao hao như lễ hội đua thuyền của vùng Nam bộ VN ta.  
           
               Phía đối diện , chéo qua ngã tư nhà  là một ngôi chùa Lào rất lớn (đối với tôi lúc bấy giờ ) nhưng theo hình dung,có lẽ cũng khoảng 1 hecta, chung quanh rào bởi những cây cọc gỗ cao  dựng sát nhau. Ngôi chùa này đối với tôi cũng có nhiều kỷ niệm.Chiều nào tôi và mấy bạn nhóc tì cũng rũ nhau qua chùa chơi banh vì sân chùa rất rộng.
            Tôn giáo chính của Lào là Phật giáo nên ở đây có rất nhiều chùa mang motif đồng nhất về những hình tượng của rắn thần naga, của những mái đao cong vút, ánh vàng rực của những cánh cửa gỗ được chạm khắc tinh vi nhưng lúc đó còn nhỏ nên tôi cũng chỉ được quanh quẩn trong một khu vực hạn chế và cũng chỉ biết đến ngôi chùa trước nhà là Chùa lớn nhất.Cũng như Campuchia, dân Lào rất sùng đạo Phật, mỗi gia đình, đều có ít nhất 1 người, nhất là những thanh niên, đều vào Chùa tu học một thời gian nào đó rồi mới hoàn tục, lập gia đinh.


                                                                SAVANNAKHET-LAOS 1956

                    Mỗi tối, anh Cu, người con nuôi thứ hai của Ba Mẹ , thường qua nhà một người hàng xóm phía bên kia đường,mặc áo chùng xám  của những người tu tại gia, ngồi trước bàn Phật tụng kinh .Thì thoảng theo qua, anh Cu gõ mõ, đọc kinh, nhờ  ngồi bên cạnh gõ chuông .Trên cuốn kinh in bằng tiếng Việt chữ to, anh dặn lúc nào anh đọc tới đâu có một vòng tròn nhỏ bằng nửa hạt gạo, cứ thế mà gõ một tiếng chuông., hết bài kinh có hai dấu tròn là gõ một hồi dài. Vui mới chịu ngồi gõ chuông  thôi chứ không thích nữa là trốn.
        Một ngôi chùa Lào :


Những thiếu  nữ Lào dâng nước thơm tắm Phật.


       Còn nhớ được dự một lần lễ hội Bun VisakhaPuya (Phật Đản) vào tháng 4.Những hôm đó, trong ba ngày liền, các Tượng Phật lớn nhỏ trong Chùa đều được thỉnh ra sân , sân rất rộng,được  đặt lên những chiếc bàn chưng những lọ hoa. Tất cả tín đồ Phật giáo đều chuẩn bị những nồi, bình nước ngâm các loài Hoa thơm, nhiều nhất vẫn là Hoa Sứ. Đây là ngày Lễ Tắm Phật. Gia đình cũng chuẩn bị nước thơm mang qua chùa Tắm Phật. Nước thơm cùng những cánh hoa được dội lên những bức tượng Phật, chảy xuống. Mọi người hứng lấy , mang về nhà tắm gội , xem như được hưởng những phước lành của đấng Từ Phụ. 

                Dịp lễ hội đó , Nhà chùa còn tổ chức những loại hình giải trí khác  như rước xe hoa, múa Lăm vông. Rất ấn tượng về một chú voi giấy to bằng chú voi thật ngất ngưỡng trên một chiếc xe hoa, trên mình voi dán đầy những đồng Kip giấy do Phật tử cúng dường. (Một triệu đồng Việt   Nam thời điểm hiện nay đổi được 382 đồng Kip). Lại mê mẩn đi bộ theo chú voi đến lúc xe quay trở lại về chùa mới thôi.
            Trong sân Chùa có đặt mấy chiếc bàn, có mấy vị Thầy  phục vụ việc xin xăm của mọi người. Những lá xăm được in bằng hai thứ chữ Lào, Việt vì lúc đó, Việt kiều cũng khá đông ở Savannakhet. Dù tin hay không vào những lá xăm nhưng mọi người đều vui vẻ vì đây xem như công đức cho Chùa.. Mới 6 tuổi, biết gì là số mạng, vậy mà cũng quỳ lắc bình xăm xin một quẻ.
                  Buổi tối trong sân chùa  tổ chức ca hát và múa Lăm Vông,( Lăm là múa, vông là vòng tròn ) là điệu nhảy múa truyền thống của người Lào; nam,nữ bắt cặp , nối nhau đi theo một vòng tròn rộng, Lăm Vông rất phổ biến trong nhân dân Lào. Nó trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hoá, vừa là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, vừa có tác dụng giáo dục thẩm mỹ. Lăm Vông có đội hình vòng tròn, chuyển động theo hướng ngược với kim đồng hồ theo tiếng ca, điệu nhạc của khèn, một nhạc cụ ghép từ nhiều ống tre, dài ngắn khác nhau, xuyên qua một lõi gỗ hình  cái trống, to gần bằng lon sữa bò, giữa có lỗ để thổi. Thường nhạc Lăm Vông có nhịp điệu như Chachacha.

          Động tác của nữ là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xoè rộng và uốn cong. Chân thì cứ ba bước tới, một bước lùi. Còn phía trai thì lắng nghe những lời ca, những tiếng nhạc để “tự điều chỉnh mình” cho nhịp nhàng từng động tác. Và, nếu như không nghĩ tới công việc của ngày mai thì những cuộc Lăm Vông như thế kéo dài suốt đêm.


                  Ở Lào điệu vũ Lăm vông có mặt trong tất cả các buổi Lễ Hội và dạ vũ lớn nhỏ. Với người Lào điệu vũ  Lăm vông dường như không có giai cấp xã hội, ở đâu có tiệc tùng, đình đám, ở đó có Lăm vông

               Đường xá ở Savannakhet lúc ấy cũng đã được trải nhựa khá tốt .Ba mẹ tôi mở cửa hàng bán  tạp hóa ngay tại nhà. Cửa hàng xem ra cũng khá lớn so với một  tỉnh lỵ không đông đúc lắm thời bấy giờ.Ba Mẹ và các anh chị nói rất tốt tiếng Lào nên 
không gặp khó khăn nhiều khi giao tiếp với người bản địa. Dù 5-6 tuổi cũng lỏm bỏm được ít nhiều vì cũng chơi với bạn bè người Lào. Vẫn biết đếm số Nừng, soỏng, xăm , xì, hạ, hốốc , chết , pẹt, cậu , xịp; cũng biết kinh khậu là ăn cơm, kinh nạm là uống nước. Không biết ai đó dạy cho câu "Kinh khậu bò mi nhăng cắp, non bò lắp bò mi xáo cọp", về nhà đọc, bị la quá chừng.Té ra câu đó có nghĩa ăn cơm mà không có đồ ăn cũng như đi ngủ mà không có gái đẹp.Thiệt là trời ơi.
             Lại còn thuộc cả bài Ô đuồng Chăm pa tức là bài Hoa đẹp Chăm pa, sau này về Việt nam, những lúc có dịp ca hát như hội hè, đám cưới lại mang ra hát làm .thiên hạ vỗ tay rần rần, cũng vui .


 

 Lời Việt: Nguyễn Viêm

                               1–Hoa đẹp chăm-pa đã bao đêm ngày, hoa đây người đấy
Hoa vẫn ngạt ngào thơm ngát mùi hương tháng năm còn vương
Ô hoa chăm-pa, bao đời em khoe sắc tươi trong vườn
Đã bao lâu rồi mà hoa vẫn đẹp nhất trong bản mường
Hoa đẹp xinh ơi, hay bóng hình ai thiết tha yêu thương.
2–Ngạt ngào hương thơm, giữ trong tâm hồn, sắc hoa đẹp mãi
Hương ngát làm tôi trăm nhớ ngàn thương bóng ai thầm yêu
Ôi hoa chăm-pa tuyệt vời toả lan mãi trong tim này
Cắt chia phương trời mà hương vẫn còn vấn vương lòng đây
Hoa đẹp chăm-pa, em chính người tôi mến yêu trọn đời.

                 Có là hai người anh gốc  Việt , đều là con mà Ba Mẹ  nhận nuôi lúc mới từ Việt Nam qua, thêm một người anh ruột, một người chị và dưới nữa là hai em gái, hai em này đều mất vì bịnh lúc còn nhỏ và một em trai. Có khá đông người Việt nam cũng sống ở Savannakhet, họ sống rãi rác nhưng những hoạt động tinh thần , đoàn hội vẫn không thiếu.
             Bước ra khỏi nhà, quẹo phải, đi một đổi,quẹo trái rồi quẹo phải thêm một lần nữa là đến ngôi Đình do cộng đồng người Việt lập ra để có nơi sinh hoạt hội đồng hương, bên cạnh có một trường hoc, thật ra là một căn nhà của hội người Việt , cũng do những người đã xây dựng ngôi đình làm ra để con em người Việt có nơi học hành, nơi tôi học  lớp mẫu giáo. Ở đó được học chữ  Việt nam dù mỗi sáng chào cờ vẫn phải chào cờ Lào  màu đỏ có hình đầu 3 con voi và hát bài Xạt Lao, quốc ca Lào lúc ấy. Không nhớ hết lời bài hát đó, đại khái mở đầu là : "Xạt Lao tặng tè đay ma, Lao thúc thuộn nạ xợt xu sút chay ..." , nhưng giai điệu bài quốc ca Lào thời đó đến giờ vẫn nhớ.
           Được biết Luang Prabang  (Vạn tượng- ý nghĩa  đất nước Triệu voi vì Lào lúc đó có rất nhiều voi, gọi triệu voi đúng hơn là vạn voi vì trong tiếng Lào, Lang Xang có nghĩa là triệu voi) là Thủ đô của Lào dù cho đên bây giờ tôi cũng chưa bao giờ thấy nó. Vua Lào lúc đó là ngài Sisavang Vong và gọi nước Lào là Vương quốc Lào, sau 1975, chế độ Quân chủ Lào bị xóa bỏ và thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Cờ Lào trước và sau 1975:


         Một lần trên đường đi học, tôi gặp một đoàn người diễn hành, không biết là lễ hội gì nhưng đoàn người xe cờ phướn rực rỡ, nhiều người vừa đi vừa biểu diễn múa đủ các loại binh khí. Có người còn mang cả que dài , nhỏ, không biết là thép hay gì đó, xuyên từ má này sang má bên kia, hoặc qua môi, trên ngực, trên tay. Lạ là không thấy chảy máu.Trong mắt  một đứa trẻ như tôi, thật sự là huyền bí, lạ lùng.
                    Vui nhất vẫn là Tết Lào, ngày xưa tết Bunpymay diễn ra vào đầu tháng giêng nhưng về sau do thời điểm còn là mùa đông  không thích hợp với phong tục tạt nước nên ngày tết này được chuyển đến tháng Tư  với những ngày nóng nhất trong năm.

             Ngày Tết Bunpimay ở Lào, tất cả người Lào đều  phải đến viếng 9 cái chùa mới “đủ tiêu chuẩn” để cầu may mắn. 
                Những cái Tết tạt nước đối với tất cả dân Lào, từ già tới trẻ, ai cũng thích thú. Được tạt nước nhiều chừng nào càng mừng vì đó như những lời Chúc Tết đầu năm. Người lớn thì dùng xô, chậu, trẻ nhỏ thì dùng ca nhựa, cứ đứng trước cửa nhà mình, bất kỳ ai đi ngang qua, đi bộ, đi xe đạp hay xe hơi, đều được tạt tất. Hết nước , chạy vào nhà lấy , ra tạt tiếp.Tôi và nhiều lõi tì khác lại khoái dùng súng bắn nước, không làm ướt người nhiều như dụng cụ  khác nhưng được cái lâu hết nước, ai đi ngang xịt xịt mấy cái là vui rồi. Nhưng bị ướt nhiều nhất vẫn là những thiếu nữ, luôn bị đám thanh niên chúc Tết nhiều nhất.

Hình ảnh trong một Tết tạt nước ở Lào ngày nay :




Không chỉ té nước mà bột ngũ cốc và nhọ đen cũng được sử dụng để chúc phúc:


                   Tiếp xúc với người Lào dù chỉ một thời gian ngắn,  dễ dàng nhận ra những đặc sắc của một tâm hồn Lào: hồn nhiên, sôi nổi, nhiệt tình và có tài ca hát. Họ hát rất nồng nhiệt những điệu dân ca muôn vẻ của mình như: Lăm Tơi vui tươi tình tứ, Lăm Loóng Khoóng man mác thiết tha, Khắp Ngưm dịu dàng êm nhẹ, Khắp Thùm sôi nổi rộn ràng…


Một góc phố ở Savannakhet:



Một góc đường trong lòng thành phố Kaysone Phomvihane, tên cũ là Savannakhet, (tiếng Việt còn gọi là Xa Vảnh) là một thành phố của tỉnh Savannakhet. Thành phố có dân số là 120.000 người 

         Người Lào hiếu khách, nhận định đó có là do những nhận xét rất trẻ con của tôi lúc đó nhưng chắc hẳn là đúng.Chúng tôi có những hàng xóm là ngươi Lào, .Bên trái nhà tôi có mấy căn nhà sàn của họ, cũng gần giống như nhà sàn ở Tây Nguyên.Con nít như tôi cũng dễ lân la làm quen, leo lên cầu thang, vào tận bếp chơi..Bếp cũng giống như bếp của đồng bào Tây Nguyên VN.Trên giàn bếp lúc nào cũng treo tòn ten mấy xâu thịt bò hoặc trâu , thái thành thỏi dài, xâu với nhau thành chuổi dài bằng sợi lạt tre, khói bếp mỗi ngày làm thịt khô lại,.Mỗi lần ăn lại lấy xuống một ít, nướng lại trên lửa. Tôi vẫn còn hình dung được mùi thịt  khô nướng lại ,thơm vô cùng, lại được chủ nhà cho ăn kèm với xôi nếp  nấu sẳn trong những hộp tròn đan bằng tre đường kính khoảng 12-15 phân ,dài cũng 3 tấc, có nắp đậy sâu xuống 1/3 hộp.Có khi lại được ăn với cơm Lam, giống như cơm lam thường thấy ở vùng Tây Nguyên VN nhưng dùng ống tre to hơn.
              Nếu hên, lò mò qua chơi gặp lúc nhà họ đang ăn Sụm, một món gỏi bằng đu đủ xanh gọt thành sợi bằng nắp chai bia gắn vào một thanh gỗ vừa tay cầm.  Sợi đu đủ được giả nhẹ trong cối với rất nhiều ớt, tỏi, cuối cùng trộn với hành ngò, tiêu và không thể thiếu Pà đẹt, là một loại mắm gần như mắm nêm của Việt nam.Không thể tả cảm giác chua, cay, ngọt , mặn nằm trong món Sụm của Lào.Ở nhà ăn món Việt, lúc nào thèm món Lào lại chạy qua nhà hàng xóm.Mới 6 tuổi mà sao lém như vậy.      Một lần, nghe có cuộc thao diễn nhảy dù của quân đội Lào phía cánh đồng cỏ bên kia con suối, chị tôi thích qua nên dẫn tôi và em trai kế tôi, lúc đó là chú út (sau này về VN, lên BMT, ba mẹ tôi sinh thêm một em trai nữa đặt tên An nhưng không lâu thì mất), theo đám đông vượt qua con huội (suối) rộng.Bắc ngang dòng suối chảy xiết là cây cầu khỉ bằng tre, ba chị em vịn tay cầu bằng thân tre, may sao cũng vừa tầm tay với của những đứa trẻ như tôi, dắt díu nhau qua suối. Chưa bao giờ thấy cảnh tượng những người lính nhảy ra từ những chiếc phi cơ, có lẽ là loại DC3. Những cánh hoa dù tròn bung ra lơ lững giữa trời , hạ từ từ xuống cánh đồng cỏ rộng thênh thang.Cả ba chị em vô cùng thích thú, đi khắp cánh đồng  theo những cánh dù rơi xuống để tận mắt nhìn thấy những người lính nhảy dù với trang bị súng ống, ba lô đầy đủ. 
            Lúc quay về nhà, phải vượt suối qua một đoạn khác , không có cầu nhưng nước cạn.Lềnh bềnh trên suối là những mảng tranh lợp nhà không biết ai vất ra đấy mà nhiều vậy.Chị tôi dẫn hai em dẳm lên những mảng tranh  đó ra tới gần giữa suối.Bất ngờ cả mảng tranh lún xuống rất sâu làm cả ba bị hụt chân.Không biết bơi, chị chỉ còn biết la chói lói.Cũng may có mấy người đi cùng lội ra , kéo về bờ bên kia, nếu không chắc chết. Về nhà im thin thít không dám nói , nếu Ba Mẹ biết chắc chắn ăn đòn cả ba chị em.
               Trên đường từ nhà ra bờ sông Mê kông, phía bên trái có một rạp xi nê mọi người vẫn gọi là rạp xi nê Ông Mít, có lẽ chủ rạp là một ông Tây nào đó mà trong tên gọi của ông có chữ Mít nên gọi như vậy cho tiên.Quẹo phải một đổi lại có một rạp nữa có tên rạp xi nê Cô Cảm. Rạp Cô Cảm có vẻ lớn sang trọng hơn rạp Ông Mít, cũng giống như trước 1975 ở BMT có rạp Lodo, đẹp hơn rạp Tường hiệp, ở Pleiku có rạp Diệp kính, đẹp và đông khách hơn Rạp Diên hồng vậy. 

                      Có một buổi tối, anh tôi dẫn tôi đến rạp Cô Cảm xem một bộ phim thần thoại, trong đó có một nhân vật nữ, ăn phải một loại trái nào đó không biết, đột nhiên có phép biến hình. Mỗi lần bị kẻ thù vây đánh, không lại, cô ta chỉ cần kêu lên Ca Na, vậy là một tiếng bùm vang lên, cô ta biến mất trong làn khói trắng.Với trẻ thơ, những khái niệm về kỹ xảo điện ảnh là hoàn toàn không biết đến.Thán phục vô cùng.
             Chẳng may đang xem đến đoạn hấp dẫn , tôi lại bị chột bụng, không thể chịu được.Rạp lại không có nhà cầu, cuối cùng anh Kim phải dẫn tôi ra khỏi rạp, ra bên hông rạp, tìm chỗ vắng để đi, lại phải lấy khăn tay chùi cho tôi nữa.Cả hai anh em mất  nguyên đoạn phim dài hấp dẫn, ky cóp mãi mới mua được chiếc vé xem phim. Nhớ lại thật tội nghiệp cho ông anh của tôi. Nhưng về nhà là cứ luôn miệng ca na ...bùm, ca na ...bùm... 

                     Sau này do những biến động chính trị ở Lào, gia đình tôi bán tất cả nhà cửa, gom tiền, vàng  mua vé máy bay của hãng Air Laos về Saigon năm 1957 , bấy giờ tôi mới 6 tuổi. Hai người anh nuôi là anh Sớm và anh Cu ở lại Savannakhet, bẳng đi một thời gian, không còn liên lạc được nữa.
         Ghé Saigon đâu chừng một tháng ở nhà Anh Em cột chèo của Ba tôi là TT-T. Q.H (  vì nhà Ông Bà ngoại tôi có 2 ông rể cùng tên Hoàng nên gọi Ba tôi là Hoàng Lào, gọi ông kia là Hoàng tướng ) rồi lên BMT, rồi cả gia đình ra Huế , nơi đã ra đi năm nào, mướn 1 căn nhà cổ rất rộng ở đường Duy Tân, chung quanh trồng rất nhiều chuối.Từ đó chạy qua nhà Ông Bà ngoại , làm Thầy thuốc ở góc đường Phạm Hồng Thái - Trần Quang Khải, bây giờ là đường Bến Nghé, chỉ vài trăm mét.Từ góc đường Phạm Hồng Thái có thể nhìn qua thấy cả  An Cựu vì lúc đó ở giữa  là một cánh đồng lúa bạt ngàn. Thỉnh thoảng theo chị K.A , chạy chiếc Velosolex của cậu Ba qua nhà thuốc Dân Thiên Đường bên An Cựu lấy thuốc cho Ôn Ngoại. Cánh đồng đó bây giờ  nhà cửa xây lên kín đặc.Tôi  đi học lớp 5 (lớp 1 bây giờ) ở trường Thầy Bộ Mẫn, qua khỏi trường Bồ đề một khoảng nữa. Đi thêm chút nữa là sân vận động Tự do. 
         Lúc đó thị xã Huế ( là đơn vị hành chính ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên, tuy tỉnh lị Thừa Thiên đặt ở Huế) vẫn còn xài loại máy nước công cộng của Pháp được đặt rãi rác dọc đường phố. Nước được lấy từ Giả viên và hồi đó người dân Huế xài nước thoải mái mà không phải trả tiền.Trên đỉnh trụ bơm (giống như trụ nước cứu hỏa bây giờ nhưng cao hơn một chút ) có tay nắm quay tròn theo chiều ngang trên đỉnh trụ , mọi nhà cứ đem thùng nước để dưới vòi, quay tay quay là nước chảy ra. Đầy cặp thùng, gánh về nhà. Văn hóa xếp hàng vẫn còn rất tốt. Rất tiếc là tìm khắp trên mạng không có hình ảnh về trụ bơm nước nầy và cũng không biết ở TP Huế bây giờ còn sót lại di tích của chúng hay không.
       Trong khoảng thời gian này có dịp theo Mạ về làng quê Nội. Ngày đó về làng Lê xá chưa có đường nhựa tốt như bây giờ mà phải đi ghe.Trong lúc chờ ghe khởi hành ở bến đò sát bên cầu An Cựu, Mạ dẫn lên chợ An Cựu mua ít quà về làng. Qua hàng tạp hóa, cứ nằng nặc đòi mua cho được một hộp màu nước, cuốn vở và cây bút chì. Lên ghe, hí hoáy gấp đôi một trang giấy, lấy bút chì vẽ 1 đường cong như hình số 3, dưới to, trên nhỏ sát nếp gấp. Lúc mở trang giấy ra, tô lại theo vết hằn của nét bút chì in trên phần bên trái trang giấy. Vậy là có hình của một quả lê. Vẽ thêm cuống vào, pha màu nước mới mua, có ngay một bức tranh quả lê màu vàng, có cuống màu nâu, có mấy cái lá màu xanh. Điều tệ hại là không biết nghe cái tên gọi Colombo từ lúc nào, ở đâu đó, thấy hay hay, bèn ký tên dưới bức vẽ : Họa sĩ Colombo.
Lại còn lấy giấy gấp lại thành chiếc ghe có mái và chèo nữa. 
Những "tác phẩm" đó lúc bấy giờ như là những kỳ công vĩ đại. Mừng và thích lắm.
   Được chừng một năm, làm ăn không ra gì,  lại vào Đà Nẳng mướn nhà ở gần bãi biển Thanh bình. Ở Thạch Than - Đà Nẳng cũng có một bà Dì, chị của Mẹ là Dì Thông. Chừng đươc hai tháng, lại vào BMT rồi định cư ở đó cho đến nay.  Sở dĩ gia đình chọn chốn gọi là " rừng thiêng nước độc " này làm chốn dung thân vì lúc bây giờ ở đây có Dì Dượng Lý Trần Lý- Sử Thị Khánh Cương vào trước và thấy làm ăn tốt nên rủ vào. Không uổng đất lạ đãi người lành, mấy mươi năm qua  anh em chúng tôi vẫn gắn bó với núi rưng Tây Nguyên.
      Tuổi đời dài theo năm tháng  nhưng tôi vẫn mang trong lòng về những  kỷ niệm  những năm tháng ấu thơ trên đất Thiên đường, một ấn tượng tốt đẹp về con người, nhân cách, cách sống đơn giản nhưng chân thật rất tình cảm như người Lào. Và điều đặc biệt là ở họ có một cuộc sống quá gần gũi với thiên nhiên,  một môi trường sống quá lý tưởng khi mà trong thời đại công nghiệp hóa, khi chúng ta đang sống trong một môi trường bị ô nhiễm và do chính tay con người tàn phá. Có lẽ thiên nhiên đã ban tặng cho dân tộc Lào với số dân ít ỏi quá  nhiều tài nguyên thiên nhiên quý như thủy điện, gỗ, vàng v.v… để đền bù cho bản tính hiền lành và mến khách của họ 


                                                    Đường từ VN qua Savannakhet: 



Camry, cửa ngỏ vào Savannakhet:

            Tôi mơ ước , rất nhỏ nhoi nhưng vẫn chưa thực hiện được, đó là có một ngày tôi về thăm lại miền đất tuổi thơ của tôi. Bao nhiêu thay đổi, chắc rằng không còn nhận ra những gì trong quá khứ nhưng  sẽ có được nổi mừng vui vì Savannakhet của tôi bây giờ chắc chắn giàu đẹp hơn.  
                              
                                      BMT ,13-5-2012
                                     
                                          (Nguồn ảnh-Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét