27 tháng 4, 2012

Vĩnh Long đoản ký


          Miền Tây, với rất nhiều người , là  bình thường nhưng với chỉ một ngày qua 4 tỉnh thành đối với mình như vậy lại là một điều bất ngờ ngoài dự tính, một chuyến du lịch nhỏ với nhiều khám phá lớn. Mười mấy năm trước có dịp về thăm Chùa Bà ở Châu đốc, cũng là cưỡi ngựa xem hoa. Chạy một hơi về Châu đốc, chạy ngang ngoài Cần Thơ, băng qua Long Xuyên với những địa danh lạ lẫm mà sao thấy thân quen, nhưng lại không có nhiều dịp để hiểu thêm về vùng sông nước Nam bộ.          


                   Nhân dịp về dự đám cưới cậu em vợ ở Saigon, mấy anh chị em trong nhà  làm một chuyến du lịch tốc hành về Vĩnh Long và 3 thành phố lân cận là Cần Thơ, Bến tre,  Mỹ tho chỉ trong 1 ngày nhưng chủ yếu là Vĩnh long.Với thời lượng như vậy , cả đoàn khởi hành từ 5 g sáng , ghé Long Định uống cà phê 15’ rồi thẳng tiến.



        Tới Vĩnh Long, ghé bờ sông  đoạn Công viên Sông Tiền, bến phà An bình chừng 10’ để chờ  anh của chú  Thịnh là chú Tín ra cùng đi. Chụp mấy tấm hình  bên lan can bờ sông, cạnh mấy chiếc thuyền đang neo đậu, bên kia là Cù lao An bình, xa một chút , phía bên trái là cầu Mỹ Thuận.






        Sau đó  mấy anh chị em ghé quán Tài Có ở ngã ba Ông Me ăn sáng. 

        Điều thú vị qua chuyến đi không chỉ là những hình ảnh xinh đẹp của sông nước, của cây trái  mà còn hiểu thêm qua những câu chuyện với chú Tín về con người Vĩnh Long và nhất là những chuyện dính đến Lịch sử và Địa lý của vùng đất này.

      Đây là vùng đất đã sản sinh nhiều danh nhân dân tộc như Nguyễn Cư Trinh, Trương Phúc Du, Tống Phước Hiệp,Phan Thanh Giản, Phan Tôn, Phan Liêm Phạm Hùng, Phan Văn Đáng....

       Gác qua chuyện chính kiến, Vĩnh Long còn được coi là vùng đất sản sinh ra Thủ Tướng .Thật vậy, từ thập niên 1950 đến thập niên 1990 Vĩnh Long đã sản sinh cho Việt Nam năm vị Thủ tướng. Theo thứ tự, đó là các ông: Trần văn Hữu, Trần văn Hương, Nguyễn văn Lộc, Phạm Hùng và Võ văn Kiệt. Trong số này, xã Long Hồ đã có ba vị: Trần văn Hương, Nguyễn văn Lộc và Phạm Hùng. Đặc biệt là cả năm ông Thủ tướng cùng cư ngụ dọc theo liên tỉnh lộ Vĩnh Long – Trà Vinh, trên một khoảng đường dài không đầy 30 cây số, từ chợ Vĩnh Long nơi gần nhà ông Trần văn Hữu, đến xã Trung Ngãi (còn gọi là Giòng Ké) quận Vũng Liêm là quê hương của ông Võ văn Kiệt. Con lộ này trông giống như một con rắn khổng lồ, đang trườn trên mặt đất. Điều đặc biệt khác là, trong số năm vị Thủ tướng nói trên, có hai vị Nguyễn văn Lộc và Phạm Hùng là bà con ruột với nhau. Nhà cửa của thân sinh hai ông này chỉ cách nhau không đầy 50 thước.                                        
                                                        Ngã ba ông Me



       Món hủ tiếu mì, khô và nước ở quán Tài Có cũng có hương vị thật  khác lạ với những nơi khác.Ăn rất ngon lành nhưng rõ ràng những món ăn miền Nam , như đã từng nghe, đều ngọt hơn những nơi khác,vị ngọt của đường, kể cả món bún riêu mà buổi chiều đó cũng vậy. 



P1030409

      Ngồi ăn trong 15 phút mà có hơn chục người mời chào mua vé số, toàn là người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em.Tôi nói đùa, về đây nếu chỉ mua vé số dùm mỗi người bán một vé thì chỉ trong 1 ngày là hết vèo số tiền mang theo. Được biết thực tế đa phần dân Vĩnh long cũng còn gắn cuộc đời với khu vườn , mảnh ruộng và sông nước.Dân Vĩnh long cũng mang đậm tính chất Nam bộ, hiếu khách cực kỳ, sống thoải mái có khi không cần lo ngày mai, đàn ông chịu thương chịu khó nhưng khi đã ngồi xuống chiếu là coi như xong. Cuộc sống không sung túc nên phụ nữ , trẻ em lại phải bương chải bằng nhiều cách để phụ với chồng, cha.Tất nhiên ở đâu thì cũng như vậy nhưng cảm nhận hình như ở đây, phụ nữ và trẻ em có phần vất vả hơn.
       Ghé nhà chú Tín, nằm trên đường 14-9 ( trước đây là đường Công Thần) gần cầu Thiềng Đức bắc qua sông Long Hồ . ( Cái tên làng Thiềng đức năm xưa ở đây giờ chỉ còn giữ được tên  cũ Thiềng Đức  là một  ngôi trường và một cây cầu ). Nhìn bên ngoài chỉ là một căn nhà một lầu khiêm tốn nhưng bên trong, với thiết kế sàn lệch, cầu thang giữa nhà   nên cả nhà có tới 3  phòng trước và 3 phòng sau, được bài trí nội thất  rất hiện đại. Ai cũng tấm tắc: Ôi căn nhà nhỏ bé của tôi.


       Trên đường 14-9 , thuộc phường 5, Tp.Vĩnh Long có Công thần miếu Vĩnh Long, là nơi thờ các vị Nhiên thần và Nhân thần, là một di tích văn hóa cấp Quốc gia.Tiền thân là Miếu Hội đồng, bên trong thờ 85 đạo sắc, tượng trưng cho 85 vị Công thần các triều Nhà Lê, các Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn.                 
                     Miếu có câu đối:

         Phù Lê-Nguyễn bát thập ngũ nguyên huân, tráng khí tượng châu thiên dĩ Bắc.

          Bình Chiêm-Lạp bách thiên dư chiến trận, danh phiêu lân các hải nhi Nam



Tạm dịch:
     Phò Lê-Nguyễn tám mươi lăm vị công thần, tráng khí oai hùng vang trời Bắc;
    Bình Chiêm-Lạp hơn trăm ngàn chiến trận, danh thơm lừng lẫy khắp biển Nam.

     Từ thời còn cắp sách đến trường, cũng đã học qua lịch sử về thời Trịnh-Nguyễn phân tranh.Phải thấy rằng các đời  Chúa Nguyễn đã có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi về phía Nam
        Sách  kể rằng Tỉnh  Vĩnh Long xưa là đất Tầm Đôn -Xoài rạp.và tỉnh Vĩnh Long ngày nay là một phần của Long Hồ dinh, được hình thành từ năm 1732, bao gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và một phần của Cần Thơ. Năm 1732, Chúa Nguyễn thứ bảy là Ninh vương Nguyễn Phúc Trú (1696-1738) đã lập ở phía nam dinh Phiên Trấn đơn vị hành chính mới là dinh Long Hồ, châu Định Viễn, tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Lỵ sở của dinh Long Hồ lúc mới thành lập đóng ở thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng, được gọi là đình Cái Bè. Đến năm Đinh Sửu (1757) thì chuyển đến xứ Tầm Bào (thuộc địa phận thôn Long Hồ, nay là thành phố Vĩnh Long).Thành Long Hồ được xây dựng tại xứ Tầm Bào là thủ phủ của một vùng rộng lớn. Nhờ đất đai màu mỡ, giao thông thuận lợi, dân cư đông đúc, việc buôn bán thông thương phát đạt, địa thế trung tâm…, dinh Long Hồ trở thành một trung tâm quan trọng thời bấy giờ. Để bảo đảm an ninh quốc gia, Chúa Nguyễn đã thiết lập ở đây nhiều đồn binh như Vũng Liêm, Trà Ôn... Đến giữa thế kỷ 18, dinh Long Hồ là thủ phủ của vùng đất phía nam và là đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn có nhiệm vụ phòng thủ, ổn định và bảo vệ đất nước.
      Đọc Sử cũ thấy  còn ghi: vào năm Canh Dần 1770, tại vùng đất này, lưu thủ dinh Long Hồ đã chặn đánh tan tác quân Xiêm La do Chiêu Khoa Liên cầm quân, tiêu diệt 300 tên địch, làm tan vỡ âm mưu xâm chiếm nước Việt của chúng. Nơi đây cũng từng diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Năm 1784, tại sông Mang Thít (Vĩnh Long) nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh bại liên quân Xiêm La do Nguyễn Ánh cầu viện.
         Nhắc đến Long hồ dinh, không thể không nhắc đến  Tống Phước Hiệp.Ông người huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh hóa, được Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) phong làm Lưu thủ Long hồ dinh, được tiếng là giỏi trị an và biết thương dân.
      Đầu năm BínhThân 1776, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ mang quân theo đường thủy vào đánh Gia định, Tống Phước Hiệp chống cự được hơn một tháng thì lâm bệnh mất vào tháng 6 (âm lịch ) năm đó.

     Thương tiếc, Định vương Nguyễn Phúc Thuần truy tặng ông tước Hữu phủ Quốc Công,cho lập miếu thờ tại dinh Long Hồ, xã Long Châu (nay thuộc TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).

     Năm Gia Long thứ 9 (1810), nhà vua cho thờ ông nơi miếu Trung tiết công thần. Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng  thứ ba (1823), lại truy phong làm Trung đẳng thần, cho thờ tại Miếu Hội Đồng.



       Trước năm 1975, tên Tống Phước Hiệp được đặt cho trường trung học lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, nhưng sau đó trường đã bị đổi tên (nay là Trường Trung học phổ thông Lưu Văn Liệt tại phường 1), và con đường mang tên ông cũng bị xóa. Tháng 10-1982,ngôi miếu Quốc công Tống Phước Hiệp ở tại TP.Vĩnh Long  ngày nay cũng bị đập phá tan tành, vì "tội ông từng cầm quân đánh phá Tây Sơn" theo quan điểm của một số cán bộ lúc ấy.... Đến nay, công tội của ông đã rõ, tháng 7-2009, chính quyền địa phương đã long trọng tổ chức lễ vía Quốc công Tống Phước Hiệp, và cũng thống nhất lễ vía sẽ diễn ra hằng năm trong các ngày 23-24 tháng 7 âm lịch.

        Nói tới Long Hồ, dân Vĩnh long và rất nhiều dân miền Nam ghiền Cải lương thời đó không thể không biết tới tuồng  tâm lý , xã hội Tuyệt tình ca nổi tiếng từng làm rơi lệ hàng triệu khán giả được thực hiện công phu với thành phần nghệ sĩ ưu tú như Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Phượng Liên, Thanh Sang, Văn Chung..., trong đó có  nhân vật là  Ông Cò Quận 9, Lê Long Hồ và Lê Thị Trường An


       Vở Tuyệt tình ca được trình diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương vào giữa thập niên 1960. Thật vậy, vở tuồng Tuyệt Tình Ca, mà khán giả bình dân thường gọi nôm na là tuồng “Ông Cò Quận 9,” đã đánh giá tài nghệ của soạn giả Hoa Phượng (ít thấy nói đến Ngọc Ðiệp dù vở tuồng đề tên 2 người), và đã tạo cho soạn giả này một chỗ đứng khá cao trong hàng soạn giả cải lương. Sang đầu thập niên 1970 thì Tuyệt Tình Ca bước sang lãnh vực thoại kịch. Ban kịch Kim Cương đưa câu chuyện lên màn ảnh nhỏ truyền hình, với vai Lê Thị Trường An do chính kỳ nữ thủ diễn, và vai ông cò vẫn Út Trà Ôn. Có lẽ hình tượng ông cò quận 9 khó ai thay thế được, nên đệ nhất danh ca đã bỏ ca vọng cổ để nhận vai này.


                                                         “Ông Cò Quận 9” Út Trà Ôn 

      Buổi trưa, mấy anh em ghé Văn Thánh miếu Vĩnh Long trên đường Trần Phú , cập bờ sông Long hồ.Miếu được Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông chủ xướng xây dựng năm 1864-1866.Ở đây , gian nhà ngay bên phải cổng vào là Tụy Văn Lâu hay còn gọi là Văn Xương Các, là nơi thờ Văn Xương Đế Quân, vị Tinh quân chủ quản việc thi cử, học hành, Cụ Phan Thanh Giản và Gia định Xử sĩ Võ trường Toản.
      Ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, quê hương của Cụ Phan, cũng có đền thờ và Lăng mộ của Cụ.

      Trong Tụy Văn Lâu có bức tượng Cụ Phan Thanh Giản bằng đồng cao 85cm, nặng 250kg  do Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến.

Cổng Tam Quan:


Văn Xương Các:





     Nói về Phan Thanh Giản từ hơn 150 năm nay có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Không ít người cho rằng ông là người có tội trong việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay quân Pháp khi ông làm Chánh sứ toàn quyền đại thần ký hòa ước Nhâm Tuất 1862, từ đó có câu ca dân gian lên án Phan Thanh Giản “bán nước” “Phan, Lâm mãi quốc; triều đình khí dân”.

     Vua Tự Đức, ông vua “chủ hòa” đã cho rằng cụ đã làm mất Lục tỉnh Nam Kỳ, nên phán: ”xét phải tội chế, chưa đủ che được tội” và nghi án “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu”     Các nhà sử học cũng không đồng nhất quan điểm. Nhiều nhà sử học quê hương Nam Bộ hiểu nhân cách và khí tiết Phan Thanh Giản đã không đồng thuận với phán xét của vua Tự Đức và quan điểm của chính sử đương thời.


             Năm 1963, ở miền Bắc, kết luận tổng kết cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản trên Tạp chí Lịch sử,  một nhà sử học đã lại lên án Phan Thanh Giản phạm tội “bán nước”, “dâng thành hiến đất cho giặc”. Dù vậy, cũng không giải tỏa được băn khoăn của nhân dân và giới sử học. 
           Hơn ba chục năm qua, tất cả những đường phố, trường học mang tên Phan Thanh Giản  khắp cả nước đều bị gỡ bỏ. Tượng cụ ở Châu Thành, ở trường Trung học Cần Thơ cũng bị gỡ. 
Súng Thần công bảo vệ thành Vĩnh Long từ năm 1860:


        Nhưng quan niệm của đồng bào Nam Bộ lại khác. Ngay sau khi cụ
tuẫn tiết, nhân dân Vĩnh Long đã đưa linh vị của cụ vào thờ ở Văn Thánh
Miếu.  Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ, nhà yêu nước cùng thời, cùng sống ở Ba
Tri với Phan Thanh Giản lại có thơ điếu ca ngợi cụ: “Minh tinh chín chữ lòng
son tạc…”. Hẳn nhiên bức tượng nằm trong lòng dân mới là vĩnh cửu. 


                 Năm 2008, Cục Cục Di sản văn hóa có công văn gửi UBND tỉnh Bến Tre, cho biết Cục đã làm việc với Viện Sử học và cơ quan này có công văn nêu rõ, các nhà sử học đánh giá cao công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa. Ngày 10 và 11/4/2008) đã thông qua việc đổi tên trường THPT Ba Tri thành trường THPT Phan Thanh Giản từ năm học 2008-2009. 
     Phía cuối cùng  của Thần đạo, trong khuôn viên của Văn Thánh Miều là điện Đại Thành ,nơi chánh điện thờ Đức Khổng Tử , dưới đó có tượng thờ Chu Văn An , 


Tượng Chu Văn An :








Ông được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép 
        Chu Văn An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông làm Quốc Tử Giám tư nghiệp, dạy thái tử học.
      Dụ Tông ham chơi bời luời chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là " Thất trảm sớ". Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê.
     Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận. Hiến Từ Hoàng thái hậu bảo: "Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?". Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng.
     Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Vua sai quân đến tế, ban tặng tên thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn miếu

               Tạm rời Vĩnh Long, mấy anh chị em lại lên xe , qua  cầu Cần thơ vượt ngang dòng sông Hậu.



              Nhắc tới địa danh chợ  Cái Khế ở khoảng bến xe và cầu Bắc Cần thơ, là chợ lớn thứ nhì sau chợ Bến Ninh kiều, lại nhớ đến nhiều địa danh có chữ Cái khác ở đồng bằng sông Cửu Long,  chỉ được nghe tên mà chưa thấy từng thấy mặt :          Nào là cầu Cái Khế gần bến Ninh Kiều,  Kinh Cái Côn chảy về Phụng Hiệp gặp  6 con kênh khác  tại ngã bảy. Nhắc tới Ngã Bảy lại nhớ bài Vọng cổ Tình anh bán chiếu mà lúc còn nhỏ nghe Út Trà Ôn hát: Ghe chiếu Cà mau đã cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy, sao chắng thấy  cô em năm trước ra.... chào..từng... từng ...tưng... nghe chừng thật là tội nghiệp.Thiệt tinh, ai nói mình Hai Lúa cũng chịu, rất khoái nghe sáu câu Vọng cổ.
               Từ Cái Côn đi xuống sẽ gặp Cái  Cao, Cái Trâm, Cái Trưng, những địa danh này đều thuộc huyện Kế Sách



                Lại có Cái Nứa, Cái Đôi ở Mộc Hóa, Long an ; Cái Bát, Cái Môn, Cái Sách  ở Tân Hưng, Long an, kinh Cái Bát lại nhập với rạch Cái Cò chảy qua Campuchia,
         Tiền giang lại có huyện Cái Bè nổi tiếng với những vườn cây ăn trái.Nghe nói chuối Cái Bè mọc từ thân cây ra, ăn rất ngon, lại cũng là nghe nói, Cái Bè lại có 2 địa danh mang tên Cái Thia và Cái Nưa, Cù Lao Minh .Huyện chợ Lách tỉnh Bến Tre cũng có 2 địa danh mang tên Cái Mơn và Cái Nhum.
                      Buổi chiều quay về Saigon qua Bến tre lại thấy nhiều Cái nữa.Dưới bến đò Ðình Khao, có con Rạch tên là Cái Kè, khoảng từ Vĩnh Long đi chợ Lách. Cái Kè đi xuống một chút là tới Cái Muối, rồi qua gặp Cái Gà. Chợ Lách còn có một địa danh nữa tên là Cái Tắc thuộc Xã Hưng Khánh Trung, ngoài ra còn có cù lao tên là Cái Cát. 
                     Huyện Măng Thit, Vĩnh long cũng có Cái Nhum.Giồng trôm thì có Cái Đa trại, Cái Mít, Thạnh phú có Cái Cá, Mỏ Cày thì có Cái Gấm, Ba tri, nơi sinh ra cụ Phan Thanh Giản thì có Cái Bông, Châu Thành có Cái Nứa.Qua Tp. Bến tre cũng thấy có 2 cây cầu Cái Cối, Cái Cá.Huyện Bình Minh, Vĩnh Long thì có Cái Vồn, Tam bình thì có Cái Cui.
    Huyện Vũng Liêm có Cù Lao Cái Dứa.Vũng Liêm là quê hương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là quê của chú Thành, em cột chèo, gọi ông Kiệt bằng Cậu.Chú Thành ca Cải lương nghe cũng mùi lắm , tiếc là 
nay đã không còn. Tại Tp.Vĩnh Long có con sông Cái Ca  đổ ra sông Cổ Chiên rồi cùng chảy ra biển.     Đó là nói quanh quẩn  4 tỉnh đi thăm  lúc này chỉ là rất khái lược, cũng đã thấy nhiều chuyện thú vị. Nếu vòng qua Trà Vinh , Sa đéc, An giang , Kiên giang v.v…, cũng sẽ gặp thêm nhiều Cái nữa. Mấy lần nói chuyện với anh Võ Như Tố (PNJ), anh cũng thường nhắc tới mấy Cái này.


                    Bến Ninh Kiều-Cần thơ


                   Đã quá trưa nên không có dịp thăm Chợ Nổi Cái Răng, đành bằng lòng ghé qua Chợ Cần Thơ tham quan, ghé bến Ninh Kiều cho biết với người ta.Lại tiếc rằng không có thời gian để đi thêm nhiều nơi của Cần Thơ.



                Quay lại Vĩnh Long, không dừng  ăn cơm, anh chị em ăn đỡ  mấy thứ mua buổi sáng, ghé luôn Công viên sông Tiền, không qua phà mà mướn một chiếc ghe máy , chạy dọc dòng Cổ Chiên ngắm nhìn dòng nước  của một nhánh Sông Tiền đang cuồn cuộn trôi . 

                             
 Dập dềnh trên sông là những đám Lục bình.



              Bên này sông là Tp.Vĩnh long, bên kia  là Cù lao An Bình. Khúc đầu Cù lao thuộc tỉnh Vĩnh long có 4 xã An bình,Đồng phú, Hòa Ninh và  Bình hòa phước. Phần còn lại thuộc tỉnh Bến Tre, kéo dài  ra tới  biển, nơi những con rồng Cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba lai, cửa Hàm luông, cửa Cổ Chiên và cửa Cung hầu phun nước ra biển





     



                  Với người của vùng Tây Nguyên, cũng có con sông Sê Rê Pok nhưng ngắm nhìn  vùng sông nước ở đây là một điều kỳ thú. Sự hùng vĩ, sức mạnh của nó chắc hẳn phải hơn nhiều. Nếu về miền Tây sẽ nhớ bài Quê em mùa nước lũ, bằng giọng hát Hương Lan, quả tình khó cầm nước mắt. 

                

Qua lời anh Tín, người  đã sống nhiều năm ở đất Vĩnh long, cho rằng Chúa Nguyễn Phúc Chu thời lập nước đã khéo chọn Vĩnh long là thủ phủ của  dinh Long Hồ.







           Nằm giữa 2 con sông Tiền và Hậu nhưng  đất Tầm Bào (nơi đặt trị sở Long Hồ dinh ở Vĩnh Long) là một vùng đất màu mỡ do phù sa con sông Cổ Chiên bồi đắp, sông có nước đục nhưng ngọt quanh năm, rất thuận tiện việc trồng tỉa, chăn nuôi và sinh hoạt của cư dân, không lụt lội như các tỉnh miệt Tây Nam. Đặc biệt về mặt quân sự, ngoài những trận đối đầu ác liệt giữa quân chúa Nguyễn và quânTây Sơn, sử cũ còn ghi lại nhiều trận giao chiến dữ dội giữa quân Việt với quân Xiêm và quân Chân lạp ở những vùng đất mà Long Hồ dinh cai quản, và lần nào trụ sở Long Hồ dinh ở Vĩnh Long cũng đều đảm nhận vai trò là đại bản doanh, là đầu não của quân đội Việt ở phía cực Nam.


                  Mãi đến thời thực dân Pháp sang xâm lược Việt Nam vai trò này vẫn tiếp tục tồn tại mặc dù tên dinh trấn đã khác. Và nó chỉ thật sự chấm dứt kể từ khi lão thần nhà Nguyễn   Phan Thanh Giản tuẫn tiết và quân Pháp chiếm trọn Nam kỳ  năm 1867.







     Ghe máy chạy xuôi dòng  một đoạn dài lại ngược nước về hướng cầu Mỹ Thuận, tới tận gần đầu mõm cù lao An Bình , ghé vào  Khu Sinh thái An Bình. Nơi này có những nhà lều lợp tranh , ao hồ để khách du lịch ngồi ăn uống những đặc sản Nam bộ, vừa có thể câu cá, có cả câu cá sấu nữa. Phía sau là vườn đào mùa này nặng trỉu quả. 


                  Cũng chỉ đủ thời gian ngắm nhìn mà không thể hưởng hết những thú vui ở đây.Thật là đáng tiếc chỉ có thể nán lại ở đó thêm dăm phút để  quay từ xa một đoạn clip ngắn và đứng ngẩn ngơ nghe một cô gái Miền Tây trong ban nhạc đàn ca tài tử phục vụ đoàn khách du lịch khoảng 10 người trong một căn nhà tranh trên hồ , đang cất lên mấy câu Vọng cổ thật mùi mẫn, dễ thương.Thích quá !





Ngược dòng thêm một đoạn, ghe chạy vào một con  lạch nhỏ, ghé vào một vườn đào.


                   Trong vườn dày đặc những cây đào sai quả nằm bên những bờ ao.Có lẽ do độ ẩm quá cao nên thấy thật nóng bức, không thể ở lâu.Cũng chỉ ngắm những cành đào trỉu quả chứ không ăn được bao nhiêu nên khi ra về, chủ nhân tặng thêm một bịch đào to.





          Trên đường về gặp cơn mưa không to lắm nhưng ngồi trên ghe, có mái che và rèm nên không bị ướt, trái lại có dịp thưởng thức mưa trên sông Cổ chiên.




Lên bờ cùng lúc với chuyến phà An Bình.




            Trước khi rời Vĩnh long, mọi người ghé quán bún riêu trên đường Hưng đạo Vương .Tô bún riêu của ở đây cũng có vị ngọt gắt như tô mì buổi sáng nhưng lại có những miếng riêu cua có thể nói là nồng nàn  hương vị cua đồng nguyên chất, không như ở BMT hay Pleiku, thường pha thêm thịt bằm và có khi cả bột.Bún riêu ở đây  còn có rất nhiều miếng chả cá Thác lác chiên, mấy miếng huyết..Sức ăn một tô là không hết.
         Lại băng qua cầu Thiềng Đức , theo đường 14-9 chạy một đổi,quẹo trái về bến phà Đình Khao.Không có thời gian để quẹo phải ghé thăm Chi Nhánh Vinagas Vĩnh long để xem nó ra làm sao.



                   Trên phà, chú Hiển thấy có người đàn ông đi xe đạp chở những tảng tổ ong mật, hỏi bán bao nhiêu một lít, trả lời Tám tăm, ngẩn người, ủa sao rẻ vậy,có tám mươi lăm đồng một lít,chú Thịnh phải giải thích, tám trăm chứ không phải tám lăm, vỡ lẽ đa số người Bến tre không phát âm được chữ r trong vần tr. Chẳng hạn Nguyễn Trung Trực sẽ đọc là Nguyễn Tung Tực.
                Dọc theo quốc lộ 57 ,đường không rộng như QL1,lại quanh co nên không thể chạy nhanh nhưng hai bên đường rợp mát bóng cây,trong đó chủ lưc vẫn là những cây dừa, mọi người lại nhắc tới bài hát Dáng đứng Bến tre.

                 Qua một chiếc cầu nhỏ ngang qua kênh Chợ Lách, thấy ngay Nhà thờ Chợ Lách của tỉnh Bến tre phía bên phải.Quy mô rất rộng, với tháp chuông 10 tầng, dưới vuông ,trên cùng nhọn.Lúc đó Nhà thờ có rất nhiều xe máy của giáo dân đi lễ dựng trong sân. 

         

                Được biết nhà thờ đầu tiên xây dựng bằng lá do các Thầy giảng ở Cái Nhum lập bên bờ kênh Chợ Lách, sau đó năm 1930 làm lại bằng gỗ theo kiểu Gô Tích.Đến năm 1970 mới xây lại như hiện nay.

                Sắp tới Tp.Bến tre, ghé vào một quán bán các đặc sản của Bến Tre.Ở đây uống nước dừa thật ngon và rẻ, chỉ 5.000đ một trái..Hai mẹ con hỏi mua mấy bịch kẹo dừa.Hỏi sao gói này 35.000đ, gói khác 40.000đ.Cô bán hàng trả lời; gói này giá như dzậy dzì gói mái.Ngẩn người không hiểu, vài lần hỏi đi hỏi lại vẫn chỉ được câu trả lời loại nài gói tai, loại nài gói mái.Thấy vậy  nhảy vào  giải thích cho bà xã, loại này gói bằng tay, loại này gói bằng máy.Về tới nhà vẫn còn ôm bụng cười..

              Qua Tp.Mỹ Tho trời đã gần tối nên chạy ngang mà không ghé.Tới 20 giờ thì có mặt ở nhà. Như vây đã đi một vòng 4 tỉnh chỉ với 15 giờ đồng hồ.Nói là 4 tỉnh cho oai, thực ra Vĩnh Long là chính mà còn đi chưa hết.Dù không thể du lịch như thế với thời gian như thế nhưng dù sao chuyến đi thật sự vui vẻ, biết thêm nhiều thứ về con người, đất nước, văn hóa, lịch sử Việt nam.
                                      BMT 25-4-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét