16 tháng 3, 2014

Daklak tháng 3 , mùa hoa cà phê

           Không phải ai cũng có may mắn đến Tây Nguyên đúng vào mùa  hoa nở vì vụ hoa cà phê thường nở 2 -3 đợt đến tận cuối mùa xuân . 

          Thời điểm mùa xuân cũng là thời gian đông khách nhất trong năm của Buôn Ma Thuột. Khách phương xa đến Tây Nguyên để hòa mình vào cùng phong cảnh thiên nhiên đặc trưng của miền nắng gió cùng rất nhiều lễ hội đặc sắc.
   
               

                  Những cánh rừng cà phê xanh chỉ qua một đêm đã chuyển thành hoa trắng bồng bềnh, khiến người ghé thăm không khỏi ngỡ ngàng.
                 Dưới bầu trời trong xanh và cái nắng nhẹ, màu trắng của loài cây kinh tế  miền sơn cước dệt nên những thảm trắng trải dài khắp các triền đồi, nhà vườn, nhà rẫy của người dân Ban Mê.

                       

                Những ngày tháng ba, cả đất trời Tây Nguyên thơm hương hoa cà phê.
  
          Mùi hương ngọt ngào của hoa cà phê quyến rũ bầy ong khắp nơi  bay về vờn phấn, hút mật để tạo ra những giọt mật thơm ngon, đặc sánh.
         Và trong khung cảnh thơ mộng ấy, từng đàn bướm đủ màu sắc cũng theo hương hoa cà phê đua nhau kéo đến bay lượn khắp trời Ban Mê, tạo nên một bức tranh ngây ngất lòng người. Loài hoa ấy, hương sắc ấy là một nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, đem lại cái hồn cho mùa hoa cà phê, khiến Ban Mê chưa xa đã nhớ.

                         

         Mỗi vụ hoa nở nhanh rồi tàn cũng nhanh như khi bừng nở, chỉ vài ngày là những thảm hoa chuyển thành những nụ quả xinh xinh. 


              


       Cuối mùa xuân, hoa cà phê đã ít hơn và những quả non đã nhú trên cành, báo hiệu một mùa cà phê bội thu. 

                     

                            Những hạt cà phê trước và sau khi rang :

               


                     

                                      Và cuối cùng là ly cà phê bốc khói:

                       

                Tản mạn  về ly cà phê :
       Daklak - “ thủ phủ ” cà phê của Việt Nam - hiện có khoảng 195.000ha trồng cà phê, sản lượng khoảng 450.000 tấn/năm - đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng. Toàn tỉnh Daklak hiện có hơn 100 cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan nhưng năng lực chế biến không quá 10% sản lượng cà phê nhân.

      Nhưng ngay ở thủ phủ cà phê, việc thưởng thức một ly cà phê nguyên chất cũng không phải dễ dàng. Có những thông tin mà ngay  cả những thương hiệu lớn cũng có chuyện trộn vào những chất phụ gia nhằm tăng cả hương và vị lẫn khối lượng như đậu nành , bắp rang,  caramel, gelatin, hương liệu, thuốc ký ninh ...và chuyện đa số mọi người  thấy bằng lòng với những loại cà phê như vậy và dần dần hình thành một dạng khẩu vị được cho là văn hóa cà phê; khác xa với phong cách chế biến cổ điển. Nhưng gì thì gì, ly cà phê Ban mê vẫn được thưởng thức ở dạng đậm đặc chứ không  pha loãng như nhiều nơi. Nếu uống không quen có thể bị say.  Nếu muốn uống loãng, hãy gọi: Làm ơn, cho một ly cà phê Saigon. 

            Hàng loạt các cơ sở chế biến cà phê tại Daklak. đều có hàm lượng  caffeine chỉ đạt 0,2- 0,3% , thấp dưới tiêu chuẩn 1% (theo TCVN 5251:2007).  Hàm lượng caffeine thấp có nghĩa là số lượng hạt cà phê  nhân được rang, xay thành phẩm chiếm tỉ lệ rất ít trong sản phẩm  cà phê bột. 
        Giá cà phê nhân đầu tháng 3-2014 khoảng 42.000đ/Kg. Sau khi chế biến, trọng lượng hao hụt  khoảng 20%. Không kể các chi phí cộng vào thành phẩm, giá một kg cà phê hạt  rang xong  đã trên 53.000đ. Nếu cà phê bột  với cái giá trên đó một chút, chắc chắn phải nhờ tới đậu, bắp.

      Cà phê hạt dùng cho các quán cà phê pha bằng máy ( Không gia vị - thuần mộc tự nhiên) bán ra bởi một thương hiệu uy tín có giá là:

                                          ROBUSTA (85.000đ/kg)
                                 ARABICA (105.000đ/kg)

                            CULI ROBUSTA (95.000đ/kg)   

                                    (giá tháng 3/2014 )
      Nếu thích uống một ly cà phê nguyên chất, tốt nhất chúng ta  nên uống loại xay liền tại chỗ.
                   ( Một số hình ảnh và số liệu Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét