5 tháng 8, 2012

Mấy ai còn nhớ mực mồng tơi.

                  
                 Ngày em về mướp vàng tươi bờ dậu.
                Mực mồng tơi nhuộm tím móng tay em.
                 Vườn cau mái rạ êm đềm...
                 Qua rồi mùa binh lửa..
                 Thơm thảo chút Tình quê.
                 Hồng lô nhất điểm tuyết hề.(M.Đ.Chi)  
                 Kim chi, ngọc diệp đã về mộng xưa.   

               Đã mấy mươi năm trôi đi, cuộc đời thay đổi biết bao nhiêu thứTiến trình Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Đồng ruộng, thôn làng dần dần mất đi. Tất nhiên những hình ảnh đẹp đẽ  của quê hương vẫn còn tìm thấy đâu đó trên những nẽo đường. Trong những bữa ăn gia đình hoặc trong những nhà hàng sang trọng mà chúng được coi như là đặc sản, chúng ta vẫn còn có thể vẫn còn được thưởng thức những đĩa  bông mướp, đọt mướp xào thịt bò  hoặc chỉ đơn giản hơn, xào tỏi.  Những tô canh tập tàng với nhiều loại rau hái trong vườn, hay chỉ đơn giản là một tô canh mồng tơi với vài con tôm khô. Nhưng có lẽ ngoài những người lớn tuổi thì những thanh niên, những đứa trẻ lớn lên trong lòng những đô thị lớn đã mất dần những khái niệm về giàn mướp vàng, về dậu mồng tơi, lũy tre làng, về mái tranh quê, về cánh đồng lúa, về ...

Trong cái choáng ngợp của những tòa cao ốc, những rừng người xe,người ta dựng lên những quán cà phê, những quán nhậu, nhà hàng mang hình ảnh của những làng quê xưa . Những nơi ấy thường đông khách, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Có lẽ ở đâu đó trong tâm hồn người Việt, luôn thấp thoáng hình ảnh quê hương xưa cũ của mình. Cũng mừng thay !


Ngày trước , phía sau nhà cũng có trồng  một dậu mồng tơi. Chuyện thích thú đối với những đứa trẻ lúc bấy giờ  không phải là tô canh  mồng tơi mà là ở những trái mồng tơi chín. Những chùm quả mồng tơi có quả màu tím sẩm được hái xuống, cho vào lon sữa bò dầm nát cho ra thứ nước cũng màu tím rất đẹp. Bọn trẻ lấy bút có ngòi bằng thép mỏng , đầu nhọn có khe dẫn mực, chấm vào thứ nước màu tím đó thay mực để viết, để vẽ lên bất cứ thứ gì bắt gặp. Nước trái mồng tơi dính đầy vào tay, vào quần áo. Màu tím thật dễ thương.



Có bài thơ  Cô hàng xóm của Nguyễn Bính được phổ thành nhạc là bài  Người Hàng Xóm (Bướm Trắng)
                        

"Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,

Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có dậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng."
"Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi...
Chả bao giờ thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Mắt nàng đăm đắm trông lên..."
"Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,
Tôi buồn tự hỏi: "Hay tôi yêu nàng?"
-- Không, từ ân ái lỡ làng,
Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao?
Tơ hong nàng chả cất vào,
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang."


"Mấy hôm nay chẳng thấy nàng,

Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong.
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng,
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa."
"Tầm tầm giời cứ đổ mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.
Cô đơn buồn lại thêm buồn,
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?



Hôm nay mưa đã tạnh rồi!

Tơ không hong nữa, bướm lười không sang.
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng... tôi gục xuống bàn rưng rưng...
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng.

 Lại nghe một số bài hát nhắc tới mồng tơi.
Có bài có câu; Anh nghèo rớt trái mồng tơi.
Sao lại nghèo rớt mồng tơi? Hỏi ai cũng không có câu  trả lời hợp lý. Sau nầy tôi mới hiểu đó chỉ là một sự hiểu lầm theo kiểu lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thật là oan cho cây mồng tơi, cái sự nghèo của con người nào có liên quan gì đến nó:
        "Tơi" là "áo tơi", loại áo này được làm bằng lá cọ, khâu thành từng lớp chồng lên nhau, phía trên cổ áo có dây rút. Loại áo này mùa đông mặc ấm, mùa hè mặc mát. Và vì làm bằng lá nên áo tơi rất rẻ . 
       "Mồng (hay còn gọi là "mùng") là cái cổ áo, cổ áo tơi được khâu kỹ. Khi mang "áo tơi" ra đồng, người nông dân thường đội kèm theo nón lá, cổ áo tơi ít tiếp xúc với mưa, nắng nên rất lâu hư.
        Chỉ có những người rất nghèo mới mang áo tơi rớt cả cổ áo, do đó mà có câu "nghèo rớt mồng tơi" 



       Nhà cũng có trồng giàn mướp. Mỗi độ ra hoa, những bông hoa mướp vàng  đâ quyến rũ những đàn ong, đàn bướm dập dìu. Khi mướp đậu trái , giàn mướp như oằn đi vì những quả mướp dai màu xanh non. Không kén vị như mướp đắng hay bí đao, không đòi hỏi tôm tươi, thịt nạc. Chỉ cần một ít dầu, một tí ruốc, một tí bột ngọt đã có ngay một nồi canh mướp. Mướp xào, mướp nấu canh, mướp nấu rau, mướp nấu bún. Đến bây giờ vẫn thích món mướp xào với giá, có một ít thịt heo thái mỏng. Những trái mướp ăn không kịp nên cứ già đi trên giàn. Người ta tiếc, hái mang về để tận dụng làm dụng cụ lau chùi nồi niêu, chén bát. Cái đó gọi là xơ mướp.





        Người ta thường nhắc đến những mái nhà tranh. Thực ra nhà ở những vùng nông thôn có thể được lợp từ nhiều vật liệu khác nhau tùy theo vùng miền đó có những thứ gì. Ngoài tôn, ngói, nhà có thể lợp tranh, có thể là lá dừa, lá cọ, thậm chí là những thứ cây cành bất kỳ nếu chúng che được mưa nắng cho con người. 

       Nhà nào sẵn tiền mua nứa về chẻ hom đan thành từng tấm gọi là đánh gianh. Cũng là mái gianh, ở vùng đồng bãi pha cát trồng mía, đánh gianh bằng lá mía. Ở đồng bể nước lợ, đánh gianh bằng cói, ở đồng rừng thì có cỏ tranh. Trung du có mái cọ, mái gội, mái kè… bền và đẹp hơn…

       Những tấm gianh được xếp lần lượt gối đầu buộc chặt từng lớp, phủ kín mái nhà. Còn có kiểu lợp đơn giản hơn, không phải đánh gianh chỉ giũ rối rạ, rồi rút ra cột từng bó bằng người ôm, dùng sào dài xóc chéo đưa lên rải đều từng lớp, thỉnh thoảng buộc một nút lạt vào đòn tay, cứ lợp được vài thước lại dùng sào khua đập cho phẳng. Lợp nhà kiểu này tuy nhanh nhưng phải kén người cẩn thận, khéo tay để tránh bị dột.





                                    Trong bài thơ nhắc đến mái rạ.
             Rạ vụ chiêm ngắn cứng chỉ để đun nấu. Riêng vụ mùa, rạ óng dài mới lợp nhà được. Khi gặt lúa tháng mười, người ta xén rạ lại, trải phơi ngoài đồng cho đến khô, bó tròn gánh về nhà.Nghe nói ở nhà mái rạ cũng nhiều cái hay, mưa to không ồn như mái tôn, tiếng mưa đêm vỗ lên mái rạ nghe êm mềm, nhè nhẹ đưa ta vào giấc sâu. Nắng hạ, nhà mái rạ cũng đỡ nóng bức hơn. Đông về, gió lạnh gầm gào trên nóc, nằm ổ rơm, dưới mái rạ, tường trát đất kín gió… cũng ấm áp như nhà có máy điều hoà nhiệt độ hôm nay. Chỉ khi gặp bão, nhà lợp theo kiểu giũ rối dễ bị tốc mái hơn lợp bằng tấm gianh. Mái rạ vài ba năm lại phải thay mới. Sau một hai mùa mưa nắng, mái ngả màu ghi xám, trông bàng bạc như vai áo người nông dân mồ hôi muối đã bợt bạt với nắng mưa.

      
                                                                                                     (Ảnh: Net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét