30 tháng 9, 2013

Trường xưa Dalat.


Tháng 8-1970 lên Dalat học trường Sư phạm  ở Viện Đại Học Dalat. 
Lần đầu tiên nhìn thấy Dalat trong trí tưởng tượng. 

                                       Trước cổng Viện Đại học Dalat lúc đó còn hai câu :

Thập niên chi kế, thụ mộc.
Bách niên chi kế, thụ nhân.

được lấy ra từ câu của Quản Trọng, thừa tướng nước Tề (cũng là nhà chính trị, tư tưởng lớn) thời Xuân Thu, Trung Quốc:

               Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; 
               Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; 
               Chung thân chi kế, mạc như thụ nhân. 
               Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã; 
               Nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã; 
               Nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã. 
               Ngã cẩu chủng chi, như thần dụng chi, 
               Cử sự như thần, duy vương chi môn.

               Kế hoạch 1 năm, không gì hơn trồng ngũ cốc; 
               Kế hoạch 10 năm, không gì hơn trồng cây;
               Kế hoạch cả đời, không gì hơn trồng người. 
               Trồng 1 thu hoạch 1 là ngũ cốc; 
               Trồng 1 thu thoạch 10 là cây; 
               Trồng 1 thu hoạch 100 là người. 
           Nếu ta chú trọng trồng người thì sử dụng như thần vậy,
          mọi sự đều thành công trôi chảy như thần, đây là cánh cửa duy nhất để làm vua. 


                                                           Cổng trường Đại học Dalat




                                    Cổng mới lần ghé thăm 2011

      Lịch sử Viện Đại học Đà Lạt bắt nguồn từ Trường Thiếu Sinh Quân Hỗn hợp Âu Á (École d’Enfants de Troupe de DaLat – thành lập năm 1939), Viện Đại học Đà Lạt ra đời năm 1957 và bắt đầu hoạt động từ năm 1958. Đây là trường đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam. Với mục tiêu trồng người, trường mang tên Thụ Nhân (Bách niên chi kế mạc như thụ nhân), dần dà hình thành nên năm khoa: Sư phạm, Văn khoa, Khoa học, Chính trị Kinh doanh, và Thần học.



Nhà A25, nơi có tháp Sao - trầm mặc giữa những đồi thông.
Tháp Sao sừng sững với thời gian và là biểu tượng của trường ĐH Đà Lạt.

Viện Đại học Đà Lạt tọa lạc trên ba ngọn đồi, mang tên A, B và C. Khu vực A ( Đường Phủ Đổng Thiên Vương ) rộng gần 40 hecta là khu chính có những tòa nhà nằm rải rác dọc theo những con đường nhỏ quanh co uốn khúc trong rừng thông.      
   



            Các tòa nhà được dùng làm giảng đường và cơ sở hành chính mang tên Minh Thành, Tri Nhất, Thụ Nhân, Thượng Chí, Đôn Hóa...với hàm ý giáo dục . Lúc ấy, nhiều người xem Viện Đại học Đà Lạt là một trong những trường đại học đẹp nhất Đông Nam Á.


Nhà A1 - Khu nhà văn phòng xây dựng cách đây gần 50 năm.


Hầu hết những ngôi nhà có "tuổi" trong trường thường duy trì được hoạt động từ những ngày xây dựng.

               Nơi đây còn là một trong những thắng cảnh thơ mộng, hữu tình của thành phố hoa Đà Lạt với những tòa nhà lớn nhỏ có kiến trúc đa dạng ẩn hiện dưới thông xanh, với những con đường uốn lượn quanh co xanh thắm màu tùng, bách hoặc rực hồng sắc anh đào. Không gian yên tĩnh, êm đềm trong khuôn viên Trường rất thuận lợi cho môi trường học tập, nghiên cứu.


                                                         
       Thời gian đầu lên Dalat cùng với bạn Cu Lương ( gọi thân mật), ở tạm nhà bà dì của Lương trên đường Phan Đình Phùng. Mỗi ngày đi bộ đến trường, ngang qua chùa Linh Sơn, trường nữ TH  Bùi Thị Xuân, qua ngã năm đại học rồi lên  Phù đổng Thiên vương để tới trường. Mãi đến tháng 2-1971 mới  xin được vào ở trong Đại học xá, nằm trong khuôn viên trường Đại học nên đi học cũng tiện. Mỗi phòng có 4 giường cho 4 Sinh viên. Mua một xấp phiếu cơm ngày hai bữa xuống nhà ăn gần đó. Cơm nước cũng đạm bạc nhưng như vậy là quá tốt rồi. May cũng có mấy anh em bạn cũng ở BMT lên ở chung ĐHX như Hải, Thanh, Chung, Nghiệm, Lộc nên cũng rất vui. Một số ở ngoài như Thái Tokyo, cu Lương,  Kim Thu, Hồ Ngọc Tuấn.v.v... Đám bạn bè  ở BMT chủ yếu học ở 2 trường : Chính trị-Kinh Doanh và Sư phạm.








Thư viện cũ


Giảng đường Thụ Nhân


Văn phòng Đôn Hóa

        Hồi đó Dalat rất lạnh nhưng cũng sớm thích nghi . Sức thanh niên nên nhiều hôm trời ít lạnh, ở Ký Túc xá , nửa đêm ra nhà tắm xối nước ào ào. Những ngày lạnh giá là phải xuống phố ghé mấy nhà tắm công cộng tắm nước nóng mới chịu nỗi.



Giảng đường Thượng Hiền



Giảng đường Hội Hữu

( Dãy này trước kia là Ký túc xá Sinh viên., người viết ở phòng gần nhất, lúc đó chưa xây thêm phòng vuông ở đầu dãy )

                     
Giảng đường Tri Nhất
          
         Thỉnh thoảng , vào buổi sáng mai nào đó, từ trường đi bộ ra tới bến xe Tùng Nghĩa, phía sau rạp hát Hòa bình, ghé quán cóc ngồi nhâm nhi một ly cà phê sữa nóng, vài chiếc bánh mì que nhỏ xíu còn nóng hổi, vàng ươm và  giòn rụm trong cái rét căm căm của buổi sáng Dalat mù sương, thêm một điếu PallMall nữa. Ui !  Một điều thú vị không thể nào quên. Cũng giống như năm 1974, lên Pleiku dạy học, ghé bến xe Kontum , quán nhỏ Dinh điền uống cà phê vậy. Gần đó có quán cà phê Tùng nổi tiếng  nhưng đối với Sinh viên xa nhà , vào đó là cả một sự xa xỉ.


         Những lúc rảnh rỗi, mấy anh em lại tụ họp với cây đàn ghi ta, nghêu ngao những bài hát của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên và cả Lê Uyên-Phương  Đêm Noel tụ tập lại ăn uống, hát hò .Nhớ lại thật là vui.


Đêm Noel 24-12-1970

         Năm đó học ở Dalat xong chứng chỉ  dự bị SPCN là về Saigon. Suốt năm cặm cụi với bài vở nên ít đi đâu chơi ngoài mấy góc phố Dalat, hồ Xuân Hương, đồi Cù. Những cái tên đã nghe nói tới như Hồ Than thở, Suối vàng và thậm chí như nhà thờ Con Gà, Lycée Yersin...cũng chưa từng ghé qua. Quanh quẩn trong khuôn viên  của Viện Đại học Dalat  nên sau này nhớ về Dalat, ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh những lối đi quanh co, những giảng đường quét vôi vàng buồn tẻ, những ngày lang thang trên đồi Cù tìm những loài thực vật với tên La tinh khó nhớ như Cucurbitacea, Amaranthaceae, Apocynacea ...mang về ép làm mẫu vật chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm. Lúc đó cũng lần đầu tiên thấy được những loài cây ăn thịt mọc rất nhiều trên đồi Cù như cây nắp ấm, cây bắt ruồi...


                             
                                                                         Đồi Cù Dalat

         Có lần anh Lê Cung Bắc , lúc đó đang học năm thứ 3 Chính trị - Kinh doanh, cùng ban văn nghệ  Thụ Nhân tổ chức buổi trình diễn vỡ kịch "Những người không chịu chết" của Vũ Khắc Khoan tại giảng đường Thụ Nhân. Cả trường có mặt để coi chật ních, thiệt là hoạt náo.


                                            Giảng đường Spellman

      Nhưng vui nhất vẫn là kỷ niệm khó quên về ngày công bố kết quả cuối năm. Cả lớp SPCN ngồi rãi rác trước văn phòng khoa , đã phải chờ thêm 30 phút nữa so với thông báo. Lý do là Hội đồng chấm thi đang cân nhắc có nên  chọn một cô SV khác có số điểm thấp hơn 1/2 điểm cho đỗ Thủ Khoa khóa này không vì anh chàng kia chữ viết quá là xấu. May quá, không có gì thay đổi. Con trai đầu đặt tên Khôi Nguyên.

       Sau này  có vài lần về Dalat , đi chơi nhiều nơi nhưng chỉ ghé lại trước cổng trường xưa, đã không còn như xưa, chụp một tấm hình rồi thôi. Chắc hẳn trong khuôn viên trường đã thay đổi nhiều và hiện đại hơn nhưng thà rằng không thấy để còn mãi giữ được trong lòng những hình ảnh cũ của trường xưa.

                                                                                                         (Một số ảnh: Net )

2 nhận xét:

  1. Đắc ý quá câu này, như cả một triết lý đầy kinh nghiệm sống :
    "Thà rằng không thấy để còn mãi giữ được trong lòng những hình ảnh cũ của trường xưa."

    Trả lờiXóa
  2. xin gioi thieu dia chi web https://www.facebook.com/tapchimongdu/

    Trả lờiXóa