CHƠI FACEBOOK
Cách đây mấy năm, khi mình đang chơi weblog có người rủ rê, anh chơi luôn facebook đi, vui lắm. Mình nghe lời, sắm được cái nhà nhưng không biết bày biện thế nào, cứ thấy trống hươ trống hoắc, lại gặp lúc mỗi lần vô nhà là đụng phải bức tường nóng bỏng, xém cháy mặt mũi chân tay. Bèn nản chí bỏ cuộc. Gần đây đi đâu cũng nghe giới giang hồ bàn tán về món này, mình lại tò mò muốn nhập cuộc trở lại. Mày mò ít bữa cũng len lỏi vô được và, ngạc nhiên chưa, gặp toàn là người nhà cả. Anh trai em gái, em rể chị dâu, cháu trai cháu gái, chuyện trò xôn xao, nói cười vui vẻ. Có khi xa nhau vạn dặm, có khi cùng xóm cùng làng nhưng đều không thấy mặt, không nghe tiếng, chỉ gặp nhau trên bàn phím. Đúng là vui thiệt, rứa mà lâu ni mình hờ hững. Rồi cũng bắt chước kết thêm nhiều bạn mới, tự dưng đang quen người ni lại kết thêm người tê chỉ vì người tê là bạn của người ni, rồi nhờ có người tê với người ni mà quen thêm người nớ. Riết một hồi thì dây thân ái lan rộng mọi miền.
Đường về hun hút, bóng chiều rơi.
Để lại sau lưng cả đoạn đời.
Ta về thôi, cố nhân ơi.
Quay lưng nhìn lại một thời xuân xanh.
( Đỗ Phước Thanh-Tiễn Thầy ra phi trường )
Điều thú vị nhất là chỉ sau vài tháng, trong danh sách Friend mình có đủ các thế hệ học trò cũ, giúp mình nhớ lại cả quãng đời bốn mươi năm dạy học. Đây này: đầu tiên là thời gian mình tập tễnh vào nghề có Đỗ Phước Thanh, Long ĐP, Bùi Phương Thảo, Lê Nguyên Hòa, Võ Lan, Bùi Thanh Hải. Gần mười năm sau, khi mình tàm tạm quen nghề trở về trường cũ quê xưa thì có Chương Hoàng. Thêm một lần di chuyển, hai mươi năm sau khi ra trường, lúc mình đã tự tin dạy nghề thì có Nguyễn Đỗ Thiên Vũ. Cuối cùng là giai đoạn mình từ từ thôi nghề có Lâm Bảo Vy, Trần Thảo Ly, Nguyễn Ngân Hương. Trong số 11 người kể tên trên, theo thứ tự, số 1, 2, 3 đang ở thánh địa Ban Mai, số 4 và 5 ở Hòn Ngọc Viễn Đông, số 6 và 7 định cư ở xứ Hoa Nở Trên Cờ, số 8 ở Thành Phố Sương Mù, số 9, 10 và 11 du học tại Kinh Đô Ánh Sáng hay đâu đó tại Quốc Gia Hình Lục Giác. Cùng ngồi trên chiếu đồng môn nhưng có người chỉ thua mình 5 tuổi, có người kém trên bốn chục.
Đó là chỉ kể những người đã chính thức vô nhà, chưa tính trong không gian FB thỉnh thoảng vẫn thấy thấp thoáng trước ngõ Trần Viết Tiến, Trần Khang Thụy ( thế hệ 1 ) và Thiên Tân ( thế hệ 4 ). À còn có một bạn nữa, qua vài thông tin mình biết chắc chắn tên là Mỹ ( cùng lớp với ĐPT ) nhưng lại thấy ký tên là Mai. Sau mới nghiệm ra rằng ở xứ người cái tên Mỹ bỏ dấu đi ai cũng đọc là Mai. Từ trường hợp này mới nhớ đến Ngô Bút, cũng chuyển qua xứ đó. Thời gian đầu, anh hay viết thư về tâm sự. Em đau khổ lắm thầy ơi, em học hành không tệ mà sao không xin được việc, chắc tại vì cái tên của em. Đúng rồi ở bển ai mà phát âm trúng được chữ Ngô. Sao không bắt chước chị Anh Nga, mấy lần sang Pháp tìm tư liệu viết hồi ký , chị phải đổi tên là Agnane ( từ gốc là agnê, tiếng Hy Lạp, nghĩa là trong trắng, ngây thơ ). Ngô em phải đổi thành George. Bút cũng khó đọc, hay là em đổi luôn là George Bush. Nghe đâu nhờ cái tên mới, anh kiếm được cái job kha khá, lại có nhà cao cửa rộng ở thành phố Hoa Sinh Tồn. Nhưng từ đó anh không còn liên lạc gì nữa. Hỏi thăm mấy đứa bạn thì được biết đúng là well-paid job nhưng chỉ được hợp đồng ngắn hạn, hết bốn năm phải làm thủ tục xin việc trở lại. Công việc nguy hiểm lắm, không dám đi đâu một mình mà phải có nhiều người vây quanh, che chắn. Cả đời không dám đi taxi hay bus mà ngồi trong chiếc xe bít bùng, đạn bắn không thủng. Cũng làm công việc đó trước anh có người đã bị ám sát. Còn cái nhà to thì to thật nhưng chán lắm, chỗ nào cũng toàn màu trắng, nhìn ảm đạm, buồn tẻ vô cùng. Mà chỉ là nhà công vụ, hết làm thì dọn đi nơi khác. Không sánh bằng nhà chị Chuong Hoang ở trên Vu Sĩ Ngã, bốn mùa cây cỏ xanh tươi, đi đâu cũng thấy hoa: hoa trên bồn, hoa trong chậu, hoa trong vườn, hoa trước ngõ, hoa bên hiên ngoài, hoa trong phòng ngủ, hoa trên cửa sổ, hoa dưới mái nhà, xanh đỏ tím vàng, rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Nghe chuyện Ngô Bút, không biết hư thực thế nào mình viết thư hỏi thăm, ngờ đâu hắn trả lời, ngao ngán : Sorry I don’t know who you are. The only one I can remember in Vietnam is Hồ Quát, a friend of mine, actually known as HOWARD, who is kangarooing somewhere in the world. Ai chứ Hồ Quát thì mình nhớ rõ. Có lần mình cho làm bài môn Expression écrite, đề tài tự do, hắn ngoáy đâu hơn nửa tiếng rồi nộp bài. Bài hắn viết :
Histoire d’un amour.
Elle était si jolie / Et je n’osais l’aimer / Un jour je l’ai rencontrée / Je lui ai demandé / Sais-tu parler vietnamien? / Elle m’a dit que oui. / Rứa thì cho tui làm quen nghe./ Em là cô gái hay nàng Tiên?/ Em ở xóm núi hay phố biển? /Sao em lạc bước đến nơi đây? / Khiến cho lòng tui ngất ngây/ Rượu Hồng Đào chưa uống mà say/ Vang Bordeaux nốc ly đầy chưa đã …( Hắn viết tiếp hơn hai trang nữa, toàn tiếng Việt ).
Mình hỏi cái chi lạ ri. Hắn trả lời tỉnh bơ: Cổ biết tiếng Việt, em nói tiếng Việt, xài tiếng Pháp chi cho mỏi miệng. Không nhớ mình có la rầy chi không, chỉ biết là sau lần đó hắn bỏ lớp, bỏ trường, bỏ xứ, đi thật xa. Sau này đọc báo thấy ở thành phố Căn Bích La xứ Đại Thử có Thủ Tướng Howard là người gốc Việt, mình đã ngờ ngợ, ai dè…
Làm thầy giáo có học sinh thành đạt thiệt hạnh phúc. Mà đâu phải đi xa mới lẫy lừng. Cứ ở trong nước mà được như anh T. ở thánh địa Ban Mai cũng khiến mình tự hào. Học đệ tam ban C, anh thi nhảy Tú Tài I ban A, rồi ở nhà tự học lấy luôn Tú Tài II ban B. Dạy học vài năm rồi chuyển làm việc khác, bây giờ anh vừa làm vừa chơi. Thích uống cà phê, biết uống rượu, khoái ăn ngon. Viết văn chút đỉnh, thỉnh thoảng làm thơ. Khá nhạc, biết đàn, ưa khiêu vũ. Hát và tự ghi âm, chuyển lên mạng cho nhiều người thưởng thức. Ham học hỏi, rành IT. Say mê vườn hoa, cây cảnh. Chuộng làm non bộ, giả sơn. Cũng có lúc tự lái xe rong chơi cuối trời phiêu lãng. Khen vườn hoa anh đẹp quá, anh tức cảnh thành thơ: Có đâu như xứ Đà La, Mấy kỳ phét-ti-van hoa, xấu òm! Hỏi sao cái gì anh cũng biết, anh chỉ cười nói: Đời Phải Thế !
Lạ chưa, đang nói chuyện facebook tự nhiên nhảy sang kể chuyện học trò, thì cũng đúng thôi, ai có của thì khoe của tui không có chi, cho tui khoe học trò chứ! Mà nói rồi đó, chỉ sơ lược vài nét chấm phá thôi, kể đủ hết chuyện mười một người, có mà thâu đêm suốt sáng. Chờ đến khi trời quang mây rạng, rồi tui nói hết cho mà nghe. Còn bây chừ, cho tui nói nhỏ với học trò tui một chút: Ô mes élèves, je vous aime tous! Rứa cái đã, hein?
by Son Than on Sunday, September 2, 2012 at 7:54am
by Son Than on Sunday, September 2, 2012 at 7:54am
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét