27 tháng 8, 2012

Thu Ngo hát ở sàn Ấn Tượng Trầu Cau-Pleiku

   Không phải ở chỗ giọng hát rất mỏng mà là giao lưu văn nghệ với bạn bè, rất là vui. Lần đầu Thu Ngo  hát ở sàn nhảy cùng ban nhạc cho người ta khiêu vũ. 



24 tháng 8, 2012

Phiếm luận về Facebook


        Facebook có thể được xem như một trang nhật ký mở của mỗi cá nhân. Trên đó mọi người có thể ghi lại những giây phút đáng nhớ của mình, gọi chung là kỷ niệm, thậm chí ghi lại hàng ngày và  không ngại ngần gì mấy khi chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của mình về mọi vấn đề, cùng nhau tán gẩu. Qua FB, tính cách, trình độ, sở thích của từng người hầu như có thể thấy được. Có người trang nghiêm, đạo mạo lại có người hài hước, dí dỏm; có người lãng mạn, hay suy tư về cuộc đời, cũng có người rất thực tế, có người hời hợt, cũng có người rất sâu sắc, có người hay càu nhàu về chuyện này chuyện nọ, có người lại suốt ngày nghe nhạc, ca hát. Nhưng bỏ qua hết những điều đó, là bạn bè trên FB có thể dễ dàng chia sẻ  cho nhau nhiều thứ. Ở góc độ vui vui, có thể ví việc mở một trang Facebook cũng giống như mở một một nhà hàng. Trang FB cần người đọc là những friends cũng như một  cửa hàng cần có khách mua hàng ra vô. Mở một trang FB mà không cần có friends thì mở làm quái gì. Có khi mở toang cửa ai vào cũng được nhưng có khi chỉ he hé cửa để giao lưu với một số rất hạn chế trong gia đình và một ít bạn bè rất thân.

         Nhà hàng phải xác định mình sẽ trưng bày, buôn bán  những mặt hàng gì là chủ lực, đối tượng phục vụ là những ai. Cũng không khó mấy. Đầu tiên chọn những người quen để chào hàng. Nên bán những mặt hàng dành cho đúng đối tượng mình chọn. Khách hàng thì chọn cửa hàng bán những thứ mình thích. Cũng có khi mình biết có thứ không ai thích cả nhưng mình thích. Vậy thì cứ mạnh dạn chưng ra, không nhất thiết phải có người mua ngay. Có thể nay mai có người thấy thích thì sao.

        

                                         FB như một  nhà hàng ẩm thực:

    - Chủ nhân muốn trang facebook của mình có sức hấp dẫn, nhiều người quan tâm, bấm nhiều nút like và có khi chia sẻ bài vở của mình, họ phải như là một đầu bếp giỏi. Dự tính sẽ bán món gì, đối tượng khách hàng là ai. Những món ăn, thức uống phải được chế biến thế nào cho ai cũng cảm thấy hài lòng, không những ghé vào thường xuyên mà còn khen ngợi hết lời. Nhưng không dễ chút nào.Thế nào cũng gặp những người khách cực kỳ khó tính hoặc khách hàng vào lầm nhà hàng không như ý thích. Đành vậy thôi. Chỉ cầu đừng gặp khách hàng bất lịch sự vào ăn, chê bai thì thôi, còn chưởi bới, đập phá ì xèo, buồn lắm. Tốt nhất nên mời người khách đó ra khỏi cửa hàng. Nhưng đã mở cửa hàng thì phải cố mà nấu nướng. Ngon dở là chuyện của thực khách. Làm dâu trăm họ mà. Nhưng ai cũng vậy, sẽ rất mừng nếu cửa hàng mình mua may, bán đắt.

    - Nếu là thực khách đơn thuần. Cũng đơn giản. Ăn uống thấy thế nào đó thì khen, chê, chủ khách góp ý rôm rã. Dễ tính một chút thì thôi, sao cũng được, ăn xong rồi về, không nói câu nào. Hôm sau lại vào ăn tiếp. Dù sao vẫn là khách tốt. Nếu cực kỳ kén chọn thì có khi mới bước vào, nhìn quanh, ngó quất một chút rồi quay ra, không hẹn ngày trở lại. Vậy cũng tốt. Thà như vậy còn hơn cố ăn để chuốc sự bực mình. 

     Hãy cố tránh chuyện chỉ trích nhau,  săm soi những tiểu tiết vụn vặt như lỗi chính tả, chuyện quên ghi trích dẫn, chuyện comment lâu lâu lại lọt vào một chữ tiếng Anh hay tiếng Pháp gì đó. Rồi chuyện đúng sai, chuyện quan điểm v.v...có khi giữa những người không quen biết, làm không khí FB trở nên căng thẳng, có khi mất tình cảm và mất cả bạn bè. Sở thích mỗi người có khác nhau thì mặc kệ họ, cứ mĩm cười độ lượng. Thấy thích thì bấm nút like, không thì lơ. Chẳng nên phê phán nhiều. Vì vậy nên khi cố tìm trên facebook đến mỏi mắt cũng chẳng thấy nút dislike. Ông chủ của facebook, Mark Zuckerberg  không muốn vậy. 

            Âu Dương Tu có câu thơ: 
                                                  Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,

Thoại bất đầu cơ bán cú đa.

Uống rượu gặp người tri kỷ, nghìn ly vẫn ít;
 Nói chuyện không hợp nhau, nửa câu cũng thấy nhiều. 
        Thà rằng như vậy còn hơn lên facebook cãi nhau cho cả làng nghe. Nhưng đáng trách là người gây chuyện trước, thậm chí còn có lời thô tục, chưởi bới, trù ếm nhau. 

         Buôn có bạn, bán có phường. Không phải kết bạn chỉ biết lấy số lượng friends làm số đo hay chỉ biết bán hàng kiếm like mà phải biết quan tâm đến nhau. Chỉ biết nói cho người khác nghe mà không cần biết người ta nói gì, tâm tình ra sao thì tệ quá. Đó không phải là friend đúng nghĩa. 

      Một điều nên tránh là việc tùy tiện gắn tên(Tag) của ai đó vào hình ảnh hoặc status riêng tư của mình dù những thứ đó không có chút liên quan đến người bị gắn tên. Chúng sẽ nằm chểm chệ trên trang cá nhân của họ. Mọi thứ đăng lên sẽ có mặt ở bảng tin. Ai thấy thích thú thì đọc và like và bình luận và share và......, tại sao phải ép người khác đọc và lưu giữ bài của mình.  Đó chẳng qua  là biểu hiện tâm lý sợ cô đơn, muốn mọi người phải chú ý tới mình mà quên rằng có những chuyện đối với mình là quan trọng nhưng với người khác nó chẳng là cái gì cả. Giống như phòng riêng của mình mà cứ bị treo hình của người khác vào vậy.Thiệt là mất công khi phải xóa tên mình trên bài đó, dù đã có biện pháp ngăn chận. Có những bài không đâu vào đâu nhưng được gắn tên hàng trăm người. Nếu dễ tính thì không sao nhưng quả tình nếu không chịu nổi nữa thì biện pháp cuối cùng là xóa tên người đó ra khỏi danh sách bạn bè.

           Đôi khi khách hàng cũng có người rất đãi bôi. Có thể vì cả nể quen biết hoặc tính họ như vậy. Họ thường ca ngợi những mặt hàng của nhau một tấc tới trời. Chẳng hạn hay dùng câu Cặp đôi hoàn hảo, trẻ đẹp như gái 18 (dù đối tượng không còn trẻ đẹp tí nào nữa)...Cũng vui thôi nhưng cảm thấy thiêu thiếu một chút chân thành.

           Cửa hàng FB rất đa dạng.Theo nghiên cứu rất là ngẫu nhiên cho thấy các cửa hàng đã có thương hiệu, của những VIP, những Star... có lượng khách hàng đông vô số kể. Chủ nhân chắc cũng không thể biết hết hoặc thậm chí hỏi thăm cho hết số khách hàng đó. Những cửa hàng trưng bày những chủ đề liên quan đến thời sự, lịch sử, kinh tế, chính trị, văn học, nghệ thuật.v.v...thì không phải nói. Không thể ghen tị với họ được.
          Có những cửa hàng dành cho tuổi teen, có cửa hàng dành cho người lớn tuổi, có khi tuổi nào cũng được miễn là hợp gu.
       Quan trọng là nếu thích ăn phở thì vào hàng phở, thích ăn ốc thì vào hàng ốc.Thích ăn buffet thì vào nhà hàng buffet, chớ vào cửa hàng bún riêu. Nói như vậy không có nghĩa là phân biệt sang hèn. Cái đó là khẩu vị. Cũng có không ít nhà hàng mà hầu hết khách ghé vào  đều hài lòng vì ai cũng chọn được món ăn mình thích.
       Nếu vô nhầm cửa hàng thì nên đi ra, đừng nên đứng đấy, không mua, cũng không bán, làm cửa hàng chật chội. Nhưng nhiều cửa hàng cũng thích như vậy. Cứ đông là vui rồi . Được cái nhìn vào ai cũng cảm giác cửa hàng này làm ăn phát đạt quá.
       Nhiều món hàng rất giá trị nhưng thấy sao ít người mua. Vì giá trị đó được thẩm định từ chính những vị khách hàng chứ không phải đánh giá chủ quan của chủ nhân.
Thấy có một số mặt hàng được quảng cáo rất bí hiểm. Chỉ thấy ghi vắn tắt trên nhãn một chữ Chán hoặc Buồn. Ôi, vậy mà xúm năm, xúm bảy lại : Chuyện gì vậy? Tại sao? Sao lại thế? Nói nghe đi.....Kể ra cũng vui.

         Nhìn qua hàng họ trưng bày, có thể thấy được tính cách, sở thích của ông bà chủ :

         Người thì chuyên bày các chủ đề về âm nhạc, về hội họa, về du lịch, về hoa cây cảnh, tranh chuyện hài hước, cả về chính trj nữa. Thường thấy có rất nhiều cửa hàng mà chủ nhân của nó có ngoại hiệu là Thích Đủ Thứ. Như vậy cũng đỡ nhàm chán, miễn sao đừng mang tất tần tật ba thứ tào lao xịt bộp chất đầy cửa hàng.
       Có người chỉ trưng bày toàn hình  tự sướng (selfie). Không sao. Miễn đừng quá tự tin vào nhan sắc đôi khi rất phù thủy của mình. 
      Không hiếm gặp những cửa hàng trưng bày "thường xuyên" các buổi họp mặt bạn bè mà trên bàn tiệc đầy nhóc thức ăn, rượu bia., mặt mày ai cũng đỏ gay vì phấn khích; thể hiện một tâm hồn ăn nhậu cực kỳ. Tất nhiên những bức ảnh về những món ăn ngon lạ không có lý do gì mà không thể chưng lên giới thiệu với mọi người.
       Cũng có những ông bà chủ là người rất Toàn diện: Sáng diện, trưa diện, chiều diện và có khi khuya lắm rồi cũng diện. Chóng cả mặt.
         

         Niềm vui dễ góp, nổi buồn khó chia. Một số ít cửa hàng bước vào đã thấy toàn màu bi lụy. Họ than thân trách phận, khóc lóc hay phẩn nộ vì những chuyện tồi tệ đã xảy ra cho họ về tiền bạc, tình cảm. Cũng ráng mà thông cảm dù không ai có thể giúp gì được ngoài một lời khuyên, an ủi. Thiệt tình không ai muốn ghé những cửa hàng này quá 30 giây.
        Nhiều ngươi mở cửa hàng như một mode thời thượng, nếu không có e rằng mang tiếng lạc hậu. Cửa hàng mở ra, khách viếng chỉ thấy chưng bày lơ thơ vài thứ không đâu vào đâu, mạng nhện giăng đầy, chủ nhân thì đi đâu đó không hẹn ngày giờ trở lại. 
         Nhiều người không thích bán hàng mà chỉ thích mua sắm. OK, chỉ cần lang thang mấy cửa hàng mình đã chọn, coi có gì hay thì xem chơi, bàn cãi vài câu cho đỡ buồn, thích thì share về, không cần phải tâm sự với ai. Chắc hẳn họ phải có lý do. Có khi vào cửa hàng quen, không thấy mình thích hay mua được thứ gì nhưng mà thôi, quen biết không lý vào rồi đi ra, bấm like một vài cái gì đó cho chủ nhân vui lòng. Như vậy cũng được.
          Nếu khách hàng vào một cửa hàng như siêu thị, việc mua sắm cũng dễ dàng nếu chịu khó đi vòng vòng khắp siêu thị.Thích món nào, bỏ món đó vào giỏ hàng. Có điều hơi mỏi chân và mất thời gian; có khi bực mình vì những thứ rất vớ vẩn.

        Nếu chủ nhân là một em xinh đẹp, duyên dáng nào đấy thì khách viếng thăm nườm nượp như bướm, như ong. Cái cảnh đó thì đâu cứ phải cửa hàng FB mới thấy.
         
        Dù thế nào đi nữa, các cửa hàng vẫn mọc ra như nấm vì thực sự nó là một nhu cầu trong mối quan hệ xã hội.  Một phương tiện giao tiếp, cung cấp và nắm bắt thông tin của người thân và bạn bè cực kỳ nhanh và sinh động. Ở góc độ tâm lý, nó còn giúp cho mọi người giải stress. Tất nhiên chứng nghiện FB là rất phổ biến dẫn đến tình trạng mất quá nhiều thời gian vào đó và cả vấn đề sức khỏe thể chất và tâm lý.
       Nói chung, mỗi ngày mở cửa hàng thấy khách đông lũ lượt, ai mà không khoái . Mở ra thấy cửa hàng mình vắng như chùa Bà Đanh cũng buồn chớ.


                              Theo một bài báo của tác giả Cú Mèo:

       Tương tự với tính cách ngoài đời thực, mỗi người trên Facebook đều có một phong cách sử dụng mạng xã hội này theo kiểu riêng . Có 20 kiểu người dùng sau đây chắc chắn không đủ để lột tả hết được sự “muôn màu tính cách” trên Facebook nhưng nó cũng sẽ phần nào làm bạn cảm thấy thú vị :

1. Kiểu “sâu rượu”:
Thường thì mọi thứ đến với kiểu người dùng Facebook này sẽ bắt đầu bằng việc check-in địa điểm ăn uống, tiếp sau đó là trạng thái... khoe tửu lượng và cuối cùng có thể là các nội dung thông báo việc mình đã say.
2. Kiểu “chính trị gia”:
Chính trị luôn là một yếu tố nhạy cảm nhưng không ít người lại có sở thích kì lạ là liên tục chia sẻ các bài viết về vấn đề này trên Facebook hàng ngày hay thậm chí là hàng giờ..
3. Kiểu “nghiện tự sướng”:
Kiểu tự sướng truyền thống bằng việc chụp ảnh chủ yếu bao gồm phần mặt và “chu môi” nay đã trở thành một điều gì đó lỗi thời khi kiểu nhân vật nghiện tự sướng đã nâng tất cả lên một tầm cao mới. Họ có thể đăng lên những bức hình chụp lại cảnh mình đang uống cà phê sáng cùng dòng chữ “Vừa mới ngủ dậy.” nhưng mắt lại có dấu hiệu trang điểm quá rõ ràng không phù hợp chút nào đối với bất kì ai còn đang... ngái ngủ..
4. Kiểu “cặp đôi”:
Kiểu “cặp đôi” liên tục đăng nội dung lên tường của nhau và thường xuyên thêm các sự kiện trong đời nhưng chỉ bình thường kiểu như... “người ấy hôm nay nấu bữa sáng cho mình” chẳng hạn. Kiểu “cặp đôi” cũng thường xuyên đăng những bức ảnh họ bên nhau từ đẹp trau chuốt đến... kì dị..
 5. Nhà quảng cáo:
Liên tục thấy các bài đăng thông tin về sản phẩm, dịch vụ ai đó đang kinh doanh trên News Feed, đích thị là bạn đã kết bạn với một “nhà quảng cáo”. Nhũng tài khoản này tận dụng chính tài khoản cá nhân để quảng bá cho hoạt động kinh doanh của mình. Tin tôi đi, đây là một trong những chiêu marketing dở tệ nhất và bạn có thể bị unfriend bất cứ lúc nào nếu mọi việc đi quá giới hạn!
6. Kiểu “cập nhật liên tục”:
Kiểu “cập nhật liên tục” dường như sử dụng Facebook theo phong cách nhanh, gọn, càng nhiều cập nhật càng thú vị của Twitter.
7. Kiểu "người già":
Hiện nay, độ tuổi trung bình của người dùng Facebook đang ngày càng tăng lên và đó là lí do tại sao kiểu “người già” lại có dấu hiệu xuất hiện nhiều đến vậy.
8. Kiểu “người làm việc tốt”:
Tất nhiên khi làm việc tốt, bạn có quyền tự hào và nói về điều đó. Thế nhưng, quá nhiều bất kì thứ gì đều không tốt, việc liên tục đăng các cập nhật về việc bạn đang đi tình nguyện như thế nào, giúp được những ai ra sao... sẽ biến bạn thành một người tốt nhưng hay khoe khoang đấy! Đừng làm những việc bạn làm mất đi phần nào ý nghĩa chỉ vì Facebook nhé! 
9. Kiểu “dân du lịch”:
Kiểu “dân du lịch” thường xuất hiện nhiều nhất ở hai biểu hiện: Hoặc là bạn đang học ở nước ngoài và liên tục đăng ảnh chụp bản thân mỗi ngày trong 4 tháng liên tiếp, hoặc là bạn đang phượt theo đúng phương châm... “xách ba lô lên và đi”.
10. Kiểu “bà mẹ và những đứa con”:
Bạn đang cần một cuốn sách dạy chăm sóc em bé, hãy quên nó đi và tìm đến người dùng Facebook theo phong cách “bà mẹ và những đứa con”. Tất cả mọi thứ từ cách thay tã, cho con ăn đến làm sao để “tự sướng” cùng em bé một cách đẹp nhất đều được đăng tải đầy đủ và khách quan tại đây.
11. Kiểu “hôn phu”:
Khi kết bạn với kiểu người dùng này, bạn sẽ được chứng kiến từng trang trong câu chuyện tình yêu của họ được hé mở: từ chuyện cầu hôn ra sao, đeo nhẫn trên tay trông như thế nào và cuối cùng là lễ cưới. Sau lễ cưới, những câu chuyện của kiểu “hôn phu” sẽ được chuyển sang một chiều hướng khác không thể dự đoán như “bà mẹ và những đứa con” hay kiểu “cặp đôi” chẳng hạn.
12. Kiểu “liên tục kêu cứu”:
Việc kêu cứu hay kêu ca của họ dường như diễn ra không ngừng nghỉ và họ muốn cho cả thế giới biết mình đang gặp khó khăn như thế nào.
13. Kiểu “nghiền tập thể thao”:
Liên tục đăng cập nhật về tình hình tập luyện thể dục thể thao của mình đồng thời cùng những tấm ảnh với cơ bắp cuồn cuộn (hoặc không) trong phòng gym là kiểu người dùng "nghiền tập thể thao”.
14. Kiểu “phóng viên thể thao”:
Từ cập nhật nhanh đến bình luận chuyên sâu, từ thông báo kết quả cuối cùng đến liên tục đăng trạng thái về diễn biến trận đấu, nếu là bạn của kiểu người dùng này, hãy từ bỏ các trang tin về thể thao và liên tục F5 trang cá nhân của họ.
15. Kiểu “nghiền đồ ăn”:
Chắn hẳn bạn cũng đã từng phát bực khi nửa đêm vào Facebook và thấy rất nhiều hình ảnh về đồ ăn xuất hiện trên News Feed. Đó là “hậu quả” về mặt ẩm thực bạn phải chịu khi có bạn bè thuộc kiểu “nghiền đồ ăn”. Theo nghiên cứu... của các nhà khoa học, người dùng Facebook thuộc kiểu này thường nấu ăn rất ngon và có biệt tài chọn bộ lọc Instagram siêu phù hợp cho hình ảnh đồ ăn trước khi đăng lên Facebook.
16. Kiểu “bị hack”:
Đừng quên đăng xuất sau khi mượn điện thoại đứa bạn thân để vào Facebook và cũng không nên cho người khác mượn điện thoại với những mục đích không rõ ràng nếu bạn không muốn Facebook cá nhân tự nhiên xuất hiện những tuyên ngôn gây shock.
17. Kiểu “nửa còn lại hoàn hảo”:
Tương tự với kiểu “cặp đôi” và “hôn phu”, mọi thứ dường như còn ngọt ngào hơn nếu ai đó trong danh sách bạn bè của bạn đang dùng Facebook theo kiểu “nửa còn lại hoàn hảo”.
18. Kiểu “người rón rén”:
Người dùng thuộc kiểu này có thể là ai đó bạn quen nhưng đã rất lâu rồi không nói chuyện. Họ liên tục thích những gì bạn đăng để nhắc nhở bạn rằng họ vẫn ở đây, âm thầm theo dõi bạn. 
19. Kiểu “giáo viên”:
Bạn đừng nghĩ giáo viên nào cũng theo đuổi phong cánh “thanh niên nghiêm túc”. Để tìm ra bộ mặt thật của họ, hãy trở thành bạn bè trên Facebook. Có thể bạn sẽ thấy rất thoải mái khi phát hiện ra rằng bên cạnh sự nghiêm túc trên lớp học, giảng đường, thầy cô cũng có cuộc sống với nhiều niềm vui, nỗi buồn, nghịch ngợm, nhí nhố... như chúng ta.
20. Kiểu “yêu chó mèo”:
Những biểu hiện của kiểu người dùng “yêu chó mèo” gần như tương tự với kiểu “bà mẹ và những đứa con” đã nêu trên, có điều chỉ khác đối tượng.

                             Bạn và bạn của bạn thuộc kiểu nào?
                       Dù sao cũng chỉ có tính tham khảo vui vui 

                  Sau một thời gian khai trương, chủ tài khoản trang FB có thể thấy được thêm một số vấn đề sau:

         + Nguồn hàng trên facebook:


                                                      Có 3 nhóm hàng:
            - Nhóm mặt hàng thứ nhất là hàng cây nhà lá vườn. Đó là những sản phẩm do chính chủ nhân cửa hàng làm ra, dạng như hàng nội địa. Số lượng hàng này nhiều hay ít phụ thuộc vào nội lực của chủ cửa hàng. Có thể đã được 
tích lũy từ trước, có khi là đồ cổ, bây giờ mang ra rao bán. Loại này vậy mà đôi khi lại rất được hoan nghênh vì không thể làm lại được y như vậy. Hiếm hoi mới có loại này. Còn lại là hàng mới sản xuất.Tất nhiên chất lượng tùy thuộc vào khả năng của chủ nhân.

           Nhóm mặt hàng thứ nhì là hàng nội địa hóa. Để hổ trợ cho mặt hàng tự sản xuất, có khi chủ nhân cửa hàng phải lấy hàng từ nguồn bên ngoài, gia công lại .Tỷ lệ nội địa hóa tùy theo mặt hàng. Nhìn chung loại này bán cũng được.

            Nhóm mặt hàng thứ ba là mặt hàng hoàn toàn nhập khẩu. Nhập khẩu hàng cũng là một phương thức đa dạng hóa nguồn hàng. Hàng nhập về rõ ràng có nhiều nguồn gốc và chất lượng khác nhau. Nếu biết khống chế tỉ lệ loại này ở một chừng mực nhất định, thì cửa hàng sẽ phong phú hơn đồng thời nổi bật cá tính của chủ nhân. Nhập hàng phải khéo chọn, hàng phải chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu khách hàng mới họa may có khách vì có khi trùng mặt hàng với nhiều cửa hàng khác. Dạo qua một số cửa hàng, thấy nhiều mặt hàng rất tệ, kém chất lượng. Cái này cũng phụ thuộc vào gu của chủ nhân. 


          Nhiều của hàng chỉ bày bán hàng ngoại nhập. Thật ra nhiều mặt hàng loại này có thể tìm  thấy dễ dàng trên nhiều trang báo. Chúng khiến những người hay ngao du trên Net thấy nhàm chán, không buồn để mắt tới. Rõ ràng, chủ nhân cửa hàng thiếu óc sáng tạo , cũng muốn có nhiều mặt hàng để chưng nhưng không thể tự sản xuất. Thôi, cũng không sao, miễn là hàng tốt. Nhưng thường thì những Cửa hàng chuyên hàng Ngoại nhập ít được mọi người quan tâm. Nhớ đừng bao giờ kéo hàng giả (fake news) về rao bán, hại bạn hàng mà cửa hàng mất uy tín trầm trọng.
          Tóm lại, mặt hàng trưng bày càng độc đáo, các cửa hàng khác không có thì khả năng được chào đón càng cao.



           Giống như chuyện kinh doanh ngoài đời, cửa hàng FB cũng có chuyện lời lỗ, có khi phá sản.Tùy theo tài nghệ của chủ nhân, một cửa hàng mở ra cũng có rất nhiều thu hoạch. 

           Có rất nhiều người mở trang FB như một gian hàng thực sự nhằm giới thiệu những mặt hàng có thật họ muốn mua bán. Đó là một hình thức kinh doanh qua mạng. Họ có thể sẳn sàng kết bạn và đề nghị được kết bạn với bất kỳ người nào họ gặp. Thường thì kết quả kinh doanh thực tế cũng rất khả quan nhưng họ cũng gây phiền toái không ít cho người khác.

         Nếu kinh doanh ngoài đời, lợi nhuận tính bằng tiền thì một cửa hàng FB thu được những thứ quý giá khác. Nhiều người thân, bạn bè tìm gặp lại nhau nhờ trang FB. Từ cửa hàng FB, chủ nhân của nó có thể có thêm nhiều người bạn tốt, hiểu thêm về tính cách của từng người thân, người bạn. Chia sẽ với nhau những vui, buồn trong cuộc sống v.v... Nhiều người xem trang FB như nhật ký mở của mình. Ai muốn khen chê tùy, chỉ cần mình thích là đủ. Chúng lưu lại những hình ảnh, những câu chuyện và  những sinh hoạt hàng ngay cho bản thân chủ nhân trang FB và thậm chí cho con cháu ngày sau. Nhưng cũng không ít trường hợp mất đi tình cảm và mất cả mối quan hệ vì bất đồng ý kiến hay xúc phạm nhau.

           Nhưng cẩn thận, cửa hàng có thể bị giả mạo Thương hiệu nhằm mục đích thường là lừa gạt bạn bè của chính chủ. Nặng hơn, có thể bị chiếm đoạt cũng với mục đích đó. Lúc đó Chủ nhân cửa hàng có thể mất trắng chủ quyền cũng như tất cả hàng họ quý giá tom góp bấy lâu. Hãy tìm hiểu và có những biện pháp ngăn chận. Nên khóa cửa hàng bằng hai lớp khóa để phòng mất trộn. Cẩn thận hơn nữa thì  thỉnh thoảng nên sao lưu (backup)  toàn bộ dữ liệu của mình, nhỡ có bị chiếm đoạt mà không lấy lại được thì mình vẫn còn tất cả hàng họ, mở cửa hàng khác mà bày lại. Có khi có người chào mời một món hàng lạ, ta chớ có đụng vào. Đó là một ổ vírus hoặc thứ gì đó làm tan hoang cả cửa hàng.
            
          Nếu lập ra một cửa hàng mà không quan tâm đến nó vì coi nó như là một chuyện phụ, lúc nào rảnh thì mở cửa chơi, không rảnh thì thôi. Hoặc thấy chán việc này hoặc có khi vì không có khiếu kinh doanh nên không màng tới nó nữa .Tất yếu cửa hàng sẽ đìu hiu, có khi nhện giăng, gián bò không thèm nhìn nữa. Đó chính là khởi nguồn của việc phá sản. Chủ nhân có khi bỏ đi mà quên cả việc đóng cửa hàng. Tiếc lắm thay.

16 tháng 8, 2012

Nguồn gốc vài quán Phở nổi danh.

                                                 (Nguồn: Tạp chí Lớp học vui vẻ -số 11)

 
           Phở từ Nam Định ra Hà Nội và trở thành “văn hóa phở” từ khi nào, chưa ai xác định. Trong tác phẩm Cát bụi chân ai của nhà văn Tô Hoài có đoạn viết: “Gánh phở ông Tàu Bay xưa đỗ cạnh dốc bên gốc cây thị đầu sân vào sở Văn Tự…có lẽ cũng như chỉ tình cờ một câu bông đùa cái mũ da lưỡi trai hơi dài khác thường của ông hàng so sánh với chiếc mũ phi công mà thành tên phở Tàu Bay, một hàng phở gánh buổi sáng”.
          Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy lại có đoạn: “Tại Hậu Hiền - Thiệu Hoá, có gia đình nghệ sĩ khác, người con trai là Đỗ Thiếu Liệt chơi violon, bố mở quán phở Tàu Bay rất nổi tiếng. Trên vách tường bên ngoài quán phở ghi mấy câu thơ quảng cáo theo lối hài hước:
                     Những ai quá phố Hậu Hiền
                     Hễ có đồng tiền đến phở Tàu Bay
                     Giá tuy đắt đắng đắt cay,
                     Ngon chẳng đâu tày, nức tiếng gần xa.

       Theo tài liệu mà chúng tôi có được thì gánh phở Tàu Bay trong Cát bụi chân ai của Tô Hoài và quán phở Tàu Bay trong hồi ký của Phạm Duy là của hai con người ở hai không gian khác nhau nhưng lại bắt đầu từ một câu chuyện tình người, tình bạn khá ly kỳ và cảm động. Gánh phở Tàu Bay mà Tô Hoài mô tả là của ông Phạm Đăng Nhàn, tức người chủ đích thực của quán phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ - Sài Gòn ngày nay, còn quán phở Tàu Bay trong hồi ký của Phạm Duy là quán phở của ông Đỗ Phúc Lâm, thân sinh của nhạc sĩ Việt kiều Đỗ Thiếu Liệt, hiện sinh sống ở Canada. Ông Nhàn xuất hiện với gánh phở ở vườn hoa Hàng Kèn, trước cổng sở hưu bổng Đông Dương từ năm1938. Phở của ông ngon nổi tiếng nhưng khách qua đường không biết ông tên gì, chỉ thấy ông đội chiếc mũ cát két cũ của phi công nên gọi ông là Tàu Bay, và nổi tiếng khắp Hà Nội với biệt danh phở Tàu Bay. Mỗi sáng, khách từ chợ Ngọc Hà, bến xe Kim Mã, thậm chí từ chợ Mơ cũng kéo tới ăn phở Tàu Bay làm ồn ào trước sân công sở, viên chánh sở người Pháp nổi giận bèn ra lệnh đuổi ông. Người chủ sự của sở hưu bổng Đông Dương lúc bấy giờ là ông Đỗ Phúc Lâm, vốn mê ăn phở Tàu Bay nên năn nỉ viên chánh sở cho ông Nhàn được bán. Từ đó, ông Lâm trở thành người ơn của ông Nhàn. Sau tháng Tám năm 1945, ông Lâm mất việc, lại phải nuôi một đàn con, ông Nhàn giúp ông Lâm mở quán phở tại số 20 Nguyễn Trãi, cho lấy thương hiệu Tàu Bay và cho đứa cháu sang hướng dẫn cách làm phở. Nhờ đó mà quán phở Tàu Bay của ông Lâm sớm nổi tiếng, có hôm khách phải ngồi cả ở vỉa hè.


         Năm sau, kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông Lâm theo dân tản cư về chợ Chồ, Thiệu Hoá, gần làng Ngò, căn cứ của những văn nghệ sĩ và trí thức nổi tiếng. Từ đó mà phở Tàu Bay của ông Lâm cũng nổi tiếng trên xứ Thanh và đi vào ký ức của nhạc sĩ Phạm Duy như đã kể trên. Riêng ông Nhàn vẫn tiếp tục gánh phở cho đến năm 1954, di cư vào Sài Gòn và mở quán phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ. Ông mất năm 1976, phở Tàu Bay trở thành gia sản của bốn người con và gần mười người cháu nội, cháu ngoại giữ gìn và phát triển thương hiệu đến bây giờ. 
           Theo đạo diễn Thế Ngữ thì phở chính hiệu gốc Hà Nội có mặt ở Sài Gòn, sau phở Tàu Bay là phở Dậu nằm trong con hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gần ngã tư Lý Chính Thắng và phở Bắc Hải trên đường Hồng Hà, gần sân bay Tân Sơn Nhất. 
            Riêng phở Thìn, một thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội cũng có mặt ở Sài Gòn qua nhiều năm với những chuyện thật giả khác nhau. Cách nay vài năm, chúng ta thấy có vài quán phở Thìn ở Sài Gòn, nhưng theo chị Bùi Thị Thanh Mai, con gái út của ông Bùi Chí Thìn, người sáng lập ra thương hiệu phở Thìn Hà Nội thì chẳng qua đó là sự mạo danh.Chị Mai nói, phở Thìn không đăng ký nhãn hiệu độc quyền nên bị mạo danh ở nhiều nơi, nhưng dường như sự mạo danh ấy không tồn tại được bao lâu vì người ta không thể tạo được cái hương vị như phở Thìn chính hiệu.Theo chị Mai thì phở Thìn xuất hiện ở Hà Nội từ những năm 40. Cha chị, ông Bùi Chí Thìn bắt đầu từ một gánh phở ở chợ Hom, về sau mua nhà mở quán tại 61 Đinh Tiên Hoàng, bên hồ Hoàn Kiếm.Thời ấy, muốn ăn phở Thìn phải xếp hàng, trả tiền rồi bưng tô phở tự tìm chỗ ngồi ăn, có khi hết bàn ghế phải ra ngồi chồm hổm ngoài vỉa hè. Năm 1978, ông Thìn vào Sài Gòn mở thêm chi nhánh ở 235 Cách Mạng Tháng Tám, tuy đông khách nhưng chỉ tồn tại khoảng chín năm thì giải tán. Lý do, theo chị Mai,ông Thìn có chuyện gia đình, buộc phải trở về Hà Nội. Ông mất năm 2001, để lại chín người con, trong đó năm người con trai đều nối nghiệp ông với năm quán phở mang thương hiệu Phở Thìn Bờ Hồ nổi tiếng ở các phố Đội Cấn, Lê Văn Hưu, Nghi Tàm,Hàng Mắm, Đinh Tiên Hoàng . Năm 2009, chị Bùi Thị Thanh Mai, con gái út của ông Thìn vào Sài Gòn mở quán phở Thìn ở 170 Nguyễn Đình Chiểu, coi như đây là “cuộc Nam tiến lần thứ hai” của phở Thìn.

        Tốt nghiệp cao đẳng Ẩm thực trường Kỹ thuật tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Tiến Dũng vào SàiGòn mở quán phở Hà Nội Nhớ trên đường Trần Nhật Duật.Quán nằm trên con đường yên tĩnh, khách cũng không nhiều, nhưng Dũng bằng lòng với công việc của mình.Cái bảng hiệu Hà Nội Nhớ đã tạo ngay ấn tượng, cảm xúc cho những người Hà Nội ở SàiGòn, rồi đến hương vị của phở Hà Nội. Dũng kể, có một cụ già người Hà Nội ngay từ lần đầu tiên đến ăn đã bồi hồi thốt lên:“Đúng là phở Hà Nội !”.Từ đó, ông cứ đến thường xuyên, có khi dắt theo người nhà, có khi là bạn bè cùng quê Hà Nội. Rồi một hôm, ông mang đến tặng cho Dũng mấy hộp thiếp quảng cáo Hà Nội Nhớ, ông nói ông đã tặng cho rất nhiều người quen để giới thiệu cho Dũng.Chưa ai thống kê xem Sài Gòn có bao nhiêu quán phở Hà Nội, và trong hàng chục, hàng trăm quán phở mang tên Hà Nội ở Sài Gòn, cũng khó mà xác định đâu là phở Hà Nội thật, đâu là sự mạo danh. Nhưng, cho dù là sự mạo danh chăng nữa thì tự thân cái sự mạo danh ấy cũng đã minh chứng cho sự lừng danh của phở Hà thành.
            Đạo diễn Thế Ngữ là hội viên câu lạc bộ văn hoá ẩm thực của Unesco, thường được mời đi nói chuyện về phở. Là người chính gốc Nam Định, ông từng nghe cha ông và các cụ già ở đây kể lại rằng, những năm đầu thế kỷ 20, người làng Vân Cù, bên kia sông Đò Quan, thuộc huyện Nam Trực xuất hiện tại khu nhà máy dệt Nam Định với những gánh hàng ăn rất lạ để bán cho công nhân: một bên là bếp lửa với nồi nước dùng nấu xương bò, một bên là gióng hàng gồm thịt bò, hành lá, bánh tráng thái nhỏ từng sợi.Những sợi bánh ấy cho vào bát cùng với thịt bò thái mỏng, hành lá cũng thái mịn rồi rắc lên, sau đó châm nước dùng đang sôi vào tô bánh, cho ra một loại thức ăn vừa nhanh, vừa lạ, vừa ngon. Ban đêm, ánh lửa bập bùng từ những gánh hàng trên phố, thấy lạ, người Pháp ngạc nhiên vừa chỉ chỏ, vừa bảo : Au feu ! Au feu !. Người Việt đặt tên cho những gánh hàng ấy là phơ, rồi dần dà đổi âm thành phở.


                Ảnh 1: Đặc trưng phở Bắc -Phở Dậu Sài Gòn - Trần Văn Chi.
          Địa chỉ: 288/M1, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q3 - Quán không bảng hiệu nằm trong cư xá 288 gần cầu Công Lý. Bạn quẹo vào đi đến cuối hẻm thấy một quán Phở đông nghẹt người (nhất là vào buổi sáng) thì chính là nó.


                                                             Ảnh 2:
           Một quán phở khác nấu theo kiểu nam, ít người biết nhưng bản quyền công thức nấu nước lèo được bà chủ quán đòi tới 13 cây vàng. Đó là phở 76 Nguyễn Văn Đậu. Có một người ở ngay con đường này sắp sang Mỹ định cư, đến gặp bà chủ quán xin học nghề, thì được ra giá như thế, trong khi ông ta chỉ có bảy cây. Đành ngậm ngùi.
                                       Nguồn: Diadiemanuong.comvà SGTT.vn

Món ăn chắc dạ: Bánh bao Vì sao Cả Cần ?

                      
                                  Khắc Huy       (Bài đăng trên Tạp chí Lớp học vui vẽ số 11)


          "Bánh bao Cả Cần” là thứ bánh bao đặc chất của người miền Nam (sản xuất ở Sài Gòn), khác với bánh bao của người Hoa. “Bánh bao Cả Cần” không trắng như bánh bao gốc của người Hoa, mà hơi hẩm, vì không dùng bột tẩy. Vị bánh bao bùi hơn, ăn không dính răng, nhân bánh bao hoàn toàn là thịt băm, không pha lẫn cá và dầu mỡ như bánh bao của người Hoa. “Bánh bao Cả Cần” nổi tiếng ở Sài Gòn từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước xuất hiện ở vài quán nhỏ tại khu vực đường Nguyễn Tri Phương (quận 5 - Chợ Lớn cũ), sau đó, bánh bao mang tên Cả Cần trở thành một quán độc lập, nằm trọn trên khoảng khuôn viên sát cạnh ngã 4 Nguyễn Tri Phương- Hùng Vương, phía trước công viên Văn Lang.
          Người đầu tiên sản xuất thứ bánh bao này là ông Trần Phấn Thắng (đã qua đời từ lâu). Từ nhiều năm nay, Sài Gòn có nhiều nơi sản xuất bánh bao (không kể bánh bao của người Hoa), với những thương hiệu không thể nhớ hết. Bên canh những xe bán bánh bao mang biển hiệu:bánh bao Singapore, bánh bao Đài Loan, bánh bao Malaysia... nhưng bánh bao Cả Cần vẫn cứ đông khách như mọi khi. Và ngày nay, thương hiệu“Cả Cần” đã đi vào lịch sử ẩm thực của Sài Gòn.

                                        VỀ CÁI TÊN ÔNG CẢ CẦN:
           Theo anh Trương Thanh Liêm, một người có quen biết với gia đình ông Thắng, Người ta chỉ suy đoán chữ CẢ CẦN dựa theo cái nghĩa đen của nó để thêu dệt rằng: Ông Thắng có cha làm ông Cả tên Cần, thật ra thì Ông Thắng là người gốc Mỹ Tho là người thứ ba trong nhà, có ông anh tên Trần Phấn Phát, sĩ quan chế độ cũ. Cha ông gốc Tàu Minh Hương,không có làm Hương Cả gì cả.Cả hai anh em rất thích văn chương văn nghệ và có một nhóm bạn rất là văn nghệ sỹ trong đó phải kể đến Nhạc Sỹ Lê Thương (tác giả Hòn Vọng Phu) cũng như nhà báo và dân biểu đối lập đương thời là Lý Quý Chung chẳng hạn.
           Ông Thắng tâm sự: Cần là tên một người bạn thơ ấu của hai anh em chẳng may mất sớm.Chữ Cả ông ghép vào vì cá tính của ông thích những chữ cùng phụ âm như kiểu Tin -Tình - Tiền - Tù - Tội. Và ông tâm đắc câu quảng cáo của ông dùng bao năm nay toàn bằng chữ C: “Có Cả Cần Cần Chi Có Cả”. 


                          VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA QUÁN ÔNG CẢ CẦN:
           Cũng theo anh Liêm, Ông Bà Cả Cần xuất thân từ công chức chế độ cũ. Bà người gốc Bến Tre, nấu ăn rất ngon. Ông có tài ăn nói duyên dáng và khả năng ngoại giao bạn bè rất rộng. Từ sự kết hợp đó, ông bà quyết định bỏ nghề công chức ra mở quán Hủ Tiếu và Bánh Bao Mỹ Tho. Tên Cả Cần được ông chọn đầu tiên cho Quán đầu tiên nằm ở ngã tư Công Lý (nay là Nguyễn Văn Trỗi) - Trương Quốc Dung.Trước năm 1975, nếu ai đi lại con đường ra sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không thể không thấy cái Bánh Bao To Tướng trước khi băng qua đường rày xe lửa. Sau thời gian ngắn thì Quán Ông Cả Cần thành công rất nhanh nhờ tài nấu ăn của bà và tài ngoại giao của ông. Cũng vì quen biết giới văn nghệ sỹ thời đó nên ông Thắng mượn nghệ danh của cô Năm Sa Đéc (vợ của ông Vương Hồng Sễn) làm tên quán thứ hai ở Ngã Tư Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Trãi (ChợLớn) .
         Đến đây thì nãy sinh một vài đồn đoán rằng:
- Ông Cả Cần gốc Sa Đéc không phải gốc Mỹ Tho.
- Bà Năm Sa Đéc có quan hệ với ông Cả Cần.
- Bà Năm Sa Đéc có phần hùn trong quán Cả Cần.
          Cả ba điều này đều là đồn đoán và không có thật. Ai có đến quán Bà Năm Sa Đéc (của ông Trần Phấn Thắng) thì đều biết quán này nằm giữa đường gần như chắn ngang con đường Nguyễn Trãi chạy từ Sài Gòn ra. Vì thế khoảng thập niên 70, ông Thắng bị Đô Trưởng lúc đó là Đỗ Kiến Nhiễu (nghe đâu cũng gốc Mỹ Tho) bắt tháo dỡ. Ông theo vụ kiện đến cùng, kết cục thì ông Thắng thắng và quán vẫn còn tồn tại như ngày nay. Nhưng vì vụ kiện này mà Bà Năm Sa Đéc rút tên ra, quán đổi tên thành Mỹ Tiên. Mỹ Tiên là tên cô con gái lớn của ông Thắng. Sau 1975,quán vẫn mang tên Mỹ Tiên.

                                                    ( Không phải bánh bao Cả Cần)

                         GIA ĐÌNH CẢ CẦN NAY ĐÂU?     
      Sau năm 1975, gia đình ôngThắng còn giữ được một số tài sản và quyết định ra đi. Vì gia đình có gốc Hoa nên đi cả nhà, thậm chí những người đầu bếp giỏi, phụ bếp và cả phục vụ bàn. Giá vàng ông phải trả lúc đó khoảng 12 cây vàng cho một đầu người. Cuối cùng thì định cư tại Montreal, Canada. Đến đất tạm dung Montreal chẳng bao lâu thì với số vốn và nhân lực mang theo , ông bà đã mở được hai quán để tên Ong Ca Can: một ở dưới phố trên đường St Catherine gần trường Đại Học McGill, một ở Côte des Neiges. Cũng vẫn với khiếu chữ nghĩa bẩm sinh của mình, ông Thắng đã dí dỏm gọi quán ở Côte des Neiges là Trên Dốc Tuyết, Montreal là Mộng Lệ An. Hai ông bà thành công rất nhanh ở xứ Canada cho nên khi Việt Nam mở cửa thì năm 90 cô con gái lớn ông đã thực hiện chuyến về Việt Nam đâu tiên và ông bà cũng lần lượt về sau đó để tìm lại cơ hội làm ăn cũng như lấy lại nhà hàng cũ.
          Sau khi ông bà ra đi thì nhà hàng cũ do một người bà con xa cai quản. Ông bà cũng thường gởi tiền về giúp đỡ. Nhưng về phẩm chất nấu ăn thì không giữ được như trước cho nên nhà hàng dần dần mất tiếng và suy sụp. Đây là điểm yếu của đa số nhà hàng Việt Nam nói chung và nhà hàng Ông Cả Cần nói riêng. Bà Cả Cần là người giỏi giang quán xuyến,nhưng nhà hàng là phương tiện sống của đại gia đình cho nên bà giữ bí quyết rất kỹ. thậm chí ở Canada, chưa chắc con bà lúc ấy nấu được như bà.
          Khi công cuộc điều đình mua lại đất đai nhà hàng cũ còn đang được tiến hành thì bà Cả Cần đột ngột bị tai biến mạch máu não và nằm bất động. Tội nghiệp cho bà.Bà nằm thế đến gần 2 năm trời và bà qua đời năm 1995.
         Sau khi bà qua đời thì ông Thắng về Việt Nam thường hơn để làm ăn. Nhà hàng bên Canada thiếu bà không còn đông như trước. Các cô các cậu lập gia đình chỉ còn vài người theo nghề cha mẹ. Chỉ vài năm sau đó thì Ông Cả Cần Trần Phấn Thắng cũng qua đời tại Việt Nam . Nhà hàng Trên Dốc Tuyết đóng cửa. Giờ chỉ còn nhà hàng dưới phố St Catherine. Bảng hiệu sau này của nhà hàng trên đường Nguyễn Tri Phương là Ông Cả Cần, có thể nhà hàng đổi tên lại sau khi ông Cả Cần về nước, vì sau năm 75 quán vẫn trưng bảng hiệu Mỹ Tiên. 
Bánh Bao Cả Cần bây giờ ở Sài Gòn:
-bán buổi sáng do anh bồi bàn Tư Lô và con cháu bán. Tư Lô là một bồi bàn cũ của quán Ông Cả Cần, chế ra bánh bao đề tên bánh bao Cả Cần. Do đó, bánh bao này không phải bánh bao Cả Cần.
-Bánh bao bán chiều: Do một người bà con của ông bà Cả Cần bán, đây mới chính là bánh bao Cả Cần vì được chính bà Cả Cần chuyển giao bí quyết. Hiện nay tại quán Cả Cần củ có bảng đề rõ: Bánh bao Sáng khác, Chiều khác.

Bài khác:


banhbaocacan0607
Người Sài Gòn hầu như ai cũng biết đến thương hiệu hủ tiếu và bánh bao “Cả Cần” nằm ở góc tiểu đảo ngay ngã tư Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương này (phía trước công viên Văn Lang và khá gần với bùng binh Ngã Sáu). Cũng có nhiều người thắc mắc sao cái quán đề bảng “hủ tiếu Cả Cần” có phần cũ kỹ, xập xệ đó lúc nào cũng đông khách, nhất là từ giấc trưa đến tối khuya. Nhưng nếu biết được lịch sử thú vị cũng như những câu chuyện xung quanh nó, có thể bạn cũng sẽ rất ngạc nhiên.

Đầu tiên là cái tên trứ danh “Cả Cần”. Chủ của thương hiệu hủ tiếu này là ông Trần Phấn Thắng (nay đã mất). Theo lời tâm sự của ông khi còn sống, thì “Cần” là tên của một người bạn thân chẳng may mất sớm. Chữ “Cả” được ghép thêm vào vì ông thích những chữ có cùng phụ âm theo kiểu “Tin-Tình-Tiền-Tù-Tội”. Và cũng từ cái tên “Cả Cần” đó mà ông rất tâm đắc với câu quảng cáo toàn chữ “c” của quán : ”Có Cả Cần Cần Chi Có Cả”.
Vợ chồng ông Cả Cần xuất thân từ công chức dưới thời VNCH. Bà là người gốc Bến Tre và nấu ăn rất ngon, còn ông thì khiếu ăn nói khéo léo và tài giao thiệp rộng rãi. Từ sự kết hợp trên họ đã quyết định từ bỏ công việc hiện tại và mở quán hủ tiếu và bánh bao Mỹ Tho. Cái tên “Cả Cần” được ông chọn cho quán đầu tiên nằm ở ngã tư Công Lý (Nguyễn Văn Trổi bây giờ) – Trương Quốc Dung. Năm 1969, khi mở quán thứ hai thì ông Thắng mời bà Năm Sa Đéc (nghệ sĩ cải lương và thoại kịch nổi tiếng một thời, vợ của học giả Vương Hồng Sển) đứng tên hộ như  một cách mượn danh người nổi tiếng để quảng cáo. Cách làm này rất hiệu quả khi những người hâm mộ cải lương và bà Năm Sa Đéc kéo đến nườm nượp để vừa thưởng thức món ăn ngon cũng như chiêm ngưỡng thần tượng của mình bằng xương bằng thịt.
Sự kết hợp này cũng làm nảy sinh nhiều đồn đoán : ông Cả Cần gốc Sa Đéc chứ không phải Mỹ Tho, hoặc bà Năm Sa Đéc có quan hệ với ông Cả Cần, hoặc bà Năm có phần hùn trong quán… Thậm chí còn có nguồn thông tin cho rằng thương hiệu “Cả Cần” do bà Năm tạo dựng ra, và ông Thắng đã hợp thức hóa thương hiệu này trước qua các văn bản pháp luật để chính thức sở hữu nó. Tuy nhiên, thông tin chính xác nhất vẫn là bà Năm chỉ là người đứng tên như một hình thức khuyếch trương thương hiệu. Tiếp theo đó có một vụ thưa kiện giữa quán và chính quyền về việc giải tỏa mặt bằng mà cuối cùng là ông Thắng đã thắng kiện. Bà Năm Sa Đéc sau đó đã rút tên ra. Quán được đổi tên thành ”Mỹ Tiên”, là tên cô con gái lớn của ông Thắng.
hutieucacan0607
Sau năm 1975 gia đình ông Thắng định cư ở Montreal, Canada và mở một số nhà hàng mang thương hiệu “ONG CA CAN” khá thành công. Rồi những năm 90 mở cửa, ông cùng gia đình về lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn. Quán hủ tiếu nức danh ngày xưa nay đã xuống cấp và mất dần khách. Gia đình ông thương lượng lại mặt bằng, để rồi ngày nay quán có đến 2 chủ : bữa sáng do người quản lý cũ bán, từ chiều đến tối là của gia đình ông. Khách đến đây sẽ thấy dòng chữ Việt – Anh trên tờ menu: “Sáng và chiều khác nhau” (Morning and afternoon different) như một cách làm rõ về những khác nhau trong chất lượng tô hủ tiếu, cũng như khẳng định buổi chiều mới là chính hiệu hủ tiếu và bánh bao Cả Cần.
Tô hủ tiếu Cả Cần theo nấu trường phái hủ tiếu Mỹ Tho, món ăn được “Việt hóa” từ hủ tiếu của người Tiều (Triều Châu). Chủ các tiệm hủ tiếu Mỹ Tho thường là người Việt gốc Hoa, tuy nhiên chủ các lò sản xuất bánh hủ tiếu lại thường là người Việt chính gốc.
Bánh hủ tiếu
Mỹ Tho là loại bánh khô được chế biến từ các loại gạo thơm địa phương như Nàng Thơm, Nàng Út hoặc thậm chí là loại cao cấp như Nàng Thơm Chợ Đào. Ngày nay có 2 trung tâm sản xuất bánh hủ tiếu khô nổi tiếng : một ở Mỹ Tho và một ở Gò Công, sản xuất hầu hết hủ tiếu khô cung cấp cho cả nước. Nhờ vậy mà sợi hủ tiếu Mỹ Tho có mùi thơm của gạo, trụng với nước sôi thì mềm nhưng không bở, nhai thì nghe dai dai nên gọi là hủ tiếu dai, ăn không có mùi chua.
Cách thưởng thức món hủ tiếu Cả Cần cũng theo 2 cách là khô và nước. Để thấy hết cái đặc biệt của tô hủ tiếu này tôi nghĩ bạn nên gọi một tô khô. Cái khác biệt và độc đáo của món khô so với nước là ẩn dưới lớp thịt bằm, sườn non, xá xíu và con tôm luộc kia là một loại nước sốt chua ngọt rất đặc biệt. Chính vị chua ngọt này hòa với vị mặn của lớp tôm khô cháy tỏi phía trên tạo nên hương vị đậm đà của tô hủ tiếu khô. Nêm thêm một chút chanh, ngắt thêm vài cọng giá sống, rau cần, hòa lẫn với bánh hủ tiếu mới thấy hết cái ngon của tô hủ tiếu
Cả Cần trứ danh qua bao thập kỷ này.
Hủ tiếu Cả Cần ngày nay có cải biên thêm một chút, ngoài các thành phần sườn non, thịt bằm, xá xíu, tôm còn có thêm chả cây và dồi chiên (như trong món cháo lòng). Phiên bản đặc biệt này được bán với giá 67,000 hẳn sẽ làm bạn hơi bất ngờ. Tuy nhiên với thành phần đặc biệt và đa dạng như vậy, cũng đáng để thử qua.
Ngoài ra còn có món bánh bao đã làm nức lòng bao thế hệ khách hàng. Bạn sẽ sửng sốt thêm một lần nữa khi biết một cái bánh bao đặc biệt có giá đến 32.000đ (nhân tôm, thịt, trứng muối và nấm đông cô). Bánh được hấp trên một bếp lớn với kỹ thuật bí truyền, tạo ra độ thơm ngon mà hiếm quán nào sánh bằng. Rất nhiều thực khách khi ăn hủ tiếu xong còn gọi một cái bánh bao đặc biệt ăn thêm, vì như vậy mới trọn vẹn một lần đến ăn ở Cả Cần.
Hơn 40 năm trôi qua cùng với bao biến cố và sự kiện, tô hủ tiếu cùng cái bánh bao vẫn giữ đúng hương vị từng làm mê đắm bao thế hệ người Sài Gòn. Sẽ không quá lời nếu cho rằng hủ tiếu Cả Cần là một phần của di sản ẩm thực Sài Gòn.
Phú Lê

5 tháng 8, 2012

Mấy ai còn nhớ mực mồng tơi.

                  
                 Ngày em về mướp vàng tươi bờ dậu.
                Mực mồng tơi nhuộm tím móng tay em.
                 Vườn cau mái rạ êm đềm...
                 Qua rồi mùa binh lửa..
                 Thơm thảo chút Tình quê.
                 Hồng lô nhất điểm tuyết hề.(M.Đ.Chi)  
                 Kim chi, ngọc diệp đã về mộng xưa.   

               Đã mấy mươi năm trôi đi, cuộc đời thay đổi biết bao nhiêu thứTiến trình Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Đồng ruộng, thôn làng dần dần mất đi. Tất nhiên những hình ảnh đẹp đẽ  của quê hương vẫn còn tìm thấy đâu đó trên những nẽo đường. Trong những bữa ăn gia đình hoặc trong những nhà hàng sang trọng mà chúng được coi như là đặc sản, chúng ta vẫn còn có thể vẫn còn được thưởng thức những đĩa  bông mướp, đọt mướp xào thịt bò  hoặc chỉ đơn giản hơn, xào tỏi.  Những tô canh tập tàng với nhiều loại rau hái trong vườn, hay chỉ đơn giản là một tô canh mồng tơi với vài con tôm khô. Nhưng có lẽ ngoài những người lớn tuổi thì những thanh niên, những đứa trẻ lớn lên trong lòng những đô thị lớn đã mất dần những khái niệm về giàn mướp vàng, về dậu mồng tơi, lũy tre làng, về mái tranh quê, về cánh đồng lúa, về ...

Trong cái choáng ngợp của những tòa cao ốc, những rừng người xe,người ta dựng lên những quán cà phê, những quán nhậu, nhà hàng mang hình ảnh của những làng quê xưa . Những nơi ấy thường đông khách, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Có lẽ ở đâu đó trong tâm hồn người Việt, luôn thấp thoáng hình ảnh quê hương xưa cũ của mình. Cũng mừng thay !


Ngày trước , phía sau nhà cũng có trồng  một dậu mồng tơi. Chuyện thích thú đối với những đứa trẻ lúc bấy giờ  không phải là tô canh  mồng tơi mà là ở những trái mồng tơi chín. Những chùm quả mồng tơi có quả màu tím sẩm được hái xuống, cho vào lon sữa bò dầm nát cho ra thứ nước cũng màu tím rất đẹp. Bọn trẻ lấy bút có ngòi bằng thép mỏng , đầu nhọn có khe dẫn mực, chấm vào thứ nước màu tím đó thay mực để viết, để vẽ lên bất cứ thứ gì bắt gặp. Nước trái mồng tơi dính đầy vào tay, vào quần áo. Màu tím thật dễ thương.



Có bài thơ  Cô hàng xóm của Nguyễn Bính được phổ thành nhạc là bài  Người Hàng Xóm (Bướm Trắng)
                        

"Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,

Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có dậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng."
"Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi...
Chả bao giờ thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Mắt nàng đăm đắm trông lên..."
"Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,
Tôi buồn tự hỏi: "Hay tôi yêu nàng?"
-- Không, từ ân ái lỡ làng,
Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao?
Tơ hong nàng chả cất vào,
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang."


"Mấy hôm nay chẳng thấy nàng,

Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong.
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng,
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa."
"Tầm tầm giời cứ đổ mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.
Cô đơn buồn lại thêm buồn,
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?



Hôm nay mưa đã tạnh rồi!

Tơ không hong nữa, bướm lười không sang.
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng... tôi gục xuống bàn rưng rưng...
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng.

 Lại nghe một số bài hát nhắc tới mồng tơi.
Có bài có câu; Anh nghèo rớt trái mồng tơi.
Sao lại nghèo rớt mồng tơi? Hỏi ai cũng không có câu  trả lời hợp lý. Sau nầy tôi mới hiểu đó chỉ là một sự hiểu lầm theo kiểu lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thật là oan cho cây mồng tơi, cái sự nghèo của con người nào có liên quan gì đến nó:
        "Tơi" là "áo tơi", loại áo này được làm bằng lá cọ, khâu thành từng lớp chồng lên nhau, phía trên cổ áo có dây rút. Loại áo này mùa đông mặc ấm, mùa hè mặc mát. Và vì làm bằng lá nên áo tơi rất rẻ . 
       "Mồng (hay còn gọi là "mùng") là cái cổ áo, cổ áo tơi được khâu kỹ. Khi mang "áo tơi" ra đồng, người nông dân thường đội kèm theo nón lá, cổ áo tơi ít tiếp xúc với mưa, nắng nên rất lâu hư.
        Chỉ có những người rất nghèo mới mang áo tơi rớt cả cổ áo, do đó mà có câu "nghèo rớt mồng tơi" 



       Nhà cũng có trồng giàn mướp. Mỗi độ ra hoa, những bông hoa mướp vàng  đâ quyến rũ những đàn ong, đàn bướm dập dìu. Khi mướp đậu trái , giàn mướp như oằn đi vì những quả mướp dai màu xanh non. Không kén vị như mướp đắng hay bí đao, không đòi hỏi tôm tươi, thịt nạc. Chỉ cần một ít dầu, một tí ruốc, một tí bột ngọt đã có ngay một nồi canh mướp. Mướp xào, mướp nấu canh, mướp nấu rau, mướp nấu bún. Đến bây giờ vẫn thích món mướp xào với giá, có một ít thịt heo thái mỏng. Những trái mướp ăn không kịp nên cứ già đi trên giàn. Người ta tiếc, hái mang về để tận dụng làm dụng cụ lau chùi nồi niêu, chén bát. Cái đó gọi là xơ mướp.





        Người ta thường nhắc đến những mái nhà tranh. Thực ra nhà ở những vùng nông thôn có thể được lợp từ nhiều vật liệu khác nhau tùy theo vùng miền đó có những thứ gì. Ngoài tôn, ngói, nhà có thể lợp tranh, có thể là lá dừa, lá cọ, thậm chí là những thứ cây cành bất kỳ nếu chúng che được mưa nắng cho con người. 

       Nhà nào sẵn tiền mua nứa về chẻ hom đan thành từng tấm gọi là đánh gianh. Cũng là mái gianh, ở vùng đồng bãi pha cát trồng mía, đánh gianh bằng lá mía. Ở đồng bể nước lợ, đánh gianh bằng cói, ở đồng rừng thì có cỏ tranh. Trung du có mái cọ, mái gội, mái kè… bền và đẹp hơn…

       Những tấm gianh được xếp lần lượt gối đầu buộc chặt từng lớp, phủ kín mái nhà. Còn có kiểu lợp đơn giản hơn, không phải đánh gianh chỉ giũ rối rạ, rồi rút ra cột từng bó bằng người ôm, dùng sào dài xóc chéo đưa lên rải đều từng lớp, thỉnh thoảng buộc một nút lạt vào đòn tay, cứ lợp được vài thước lại dùng sào khua đập cho phẳng. Lợp nhà kiểu này tuy nhanh nhưng phải kén người cẩn thận, khéo tay để tránh bị dột.





                                    Trong bài thơ nhắc đến mái rạ.
             Rạ vụ chiêm ngắn cứng chỉ để đun nấu. Riêng vụ mùa, rạ óng dài mới lợp nhà được. Khi gặt lúa tháng mười, người ta xén rạ lại, trải phơi ngoài đồng cho đến khô, bó tròn gánh về nhà.Nghe nói ở nhà mái rạ cũng nhiều cái hay, mưa to không ồn như mái tôn, tiếng mưa đêm vỗ lên mái rạ nghe êm mềm, nhè nhẹ đưa ta vào giấc sâu. Nắng hạ, nhà mái rạ cũng đỡ nóng bức hơn. Đông về, gió lạnh gầm gào trên nóc, nằm ổ rơm, dưới mái rạ, tường trát đất kín gió… cũng ấm áp như nhà có máy điều hoà nhiệt độ hôm nay. Chỉ khi gặp bão, nhà lợp theo kiểu giũ rối dễ bị tốc mái hơn lợp bằng tấm gianh. Mái rạ vài ba năm lại phải thay mới. Sau một hai mùa mưa nắng, mái ngả màu ghi xám, trông bàng bạc như vai áo người nông dân mồ hôi muối đã bợt bạt với nắng mưa.

      
                                                                                                     (Ảnh: Net)