23 tháng 3, 2012

Phi trường Phụng Dực-Ngày ấy.

                Hình này chụp năm 1961, lúc mình mới được 10 tuổi, là nhà đi và đến của Phi trường Phụng Dực, nằm cách Ban Mê thuột (lúc đó là Thị xã) khoảng 8km về phía đông. Phía trên là đài kiểm soát không lưu. Lúc bấy giờ từ BMT đi các nơi bằng đường bộ khá nguy hiểm, khó khăn, dân số cũng không nhiều, đường hàng không với giá khá mềm nên mỗi ngày cũng có mấy chuyến bay.Thủ tục An ninh không chặt như bây giờ, thậm chí còn có thể đưa người thân ra tận phi cơ. Năm 61-62, Ba Má trúng thầu Căng tin bán điểm tâm, giải khát phục vụ cho khách chờ đi và cho cả phi hành đoàn và cho cả những chuyến bay quân sự đáp xuống sân bay.
       Những hôm nghỉ học, vẫn được ra phi trường chơi, coi máy bay lên xuống.Thường là đi bằng xe Lam, loại xe máy 3 bánh chở được 8-10 khách.

           

              Có một lần không bao giờ quên, Ba chở ra Phi trường bằng xe đạp, lúc đi ngang gần tới rừng Sao, đường lên dốc khá cao nhưng Ba , lúc đó đã 48 tuổi, vẫn cố đạp lên dốc.Mình thấy thật tội nghiệp, nhẹ nhàng nhảy xuống, chạy theo đẩy xe nhưng Ba biết được, lại bắt ngồi lên để tiếp tục chở đi hết cả một đoạn dốc dài. Mỗi lần đi ngang đây lại nhớ đến những hình ảnh đó , thương Ba biết bao nhiêu. Mấy chục năm gian khó với bao nhiêu tình thương yêu của Ba qua đi thì Người không còn nữa. 



                                                    Phi trường BMT hiện nay-2013


14 tháng 3, 2012

Chuyện chiếc nỏ thần ( st và xào nấu)

           Trong giờ Sử, cô giáo kể về sự tích chiếc nỏ thần của vua nước Âu lạc ( nhà nước thứ nhì sau Văn Lang của 18 đời vua Hùng ) là An dương vương Thục Phán .Tương truyền nỏ thần bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.
       Triệu Đà, vua nước  Bách Việt vì muốn thôn tính nước Âu lạc nên dùng kế thông gia, cho con trai là Trọng Thủy lấy Công chúa Âu lạc là Mỵ Nương.Trọng Thủy lấy cắp lảy nỏ thần mang về nước.Khi quân triệu Đà kéo sang, vì nỏ thần mất lảy , nguyên là móng của Rùa thần tặng An Dương Vương, nên An Dương Vương không thể chống cự được, phải cưỡi ngựa chở theo Mỵ nương bỏ thành chạy trốn.Khi thần Kim qui cho biết chính vì Mỵ nương tin chồng mà mất lảy nỏ, An Dương Vương đã chém chết Mỵ Nương.
               Đang giảng bài, thấy một số học sinh lơ đãng làm việc khác, Cô giáo gọi một em  hỏi:
           -Em hãy cho biết ai đã đánh cắp chiếc lảy nỏ thần của An Dương Vương ?
              Em học sinh đang lơ mơ ngủ gật vì tối qua chơi trò chơi điện tử tới khuya, giật mình đứng lên trả lời:
          -Thưa Cô, em không lấy cắp nỏ thần đâu ạ.Cô hỏi thử các bạn khác xem.
             Cô giáo giận quá, không nói gì .Buổi chiều Cô ghé nhà học sinh đó, gặp Bà mẹ.Cô kể lại chuyện em học sinh không chịu nghe bài giảng và câu trả lời của em đó. Bà mẹ nghe xong lấy làm ngạc nhiên:
         -Thưa Cô giáo, thằng bé ở nhà ngoan lắm, không khi nào cháu nói dối. Con tôi , tôi biết mà. Chắc chắn nó không lấy chiếc nỏ thần đâu. Cô giáo hết ý kiến, cáo về.
            Chiều tối , bố đi làm về. Mẹ kể lại cho Bố nghe.Suy nghĩ một chút, Bố nói :
         -Thằng bé nhà mình thì tốt thôi, có thể nó không cố ý nhưng có khi trẻ con, thấy lạ,  thích nên lấy để  chơi. Thôi , để mai bố vào trường hỏi cô giáo xem nỏ thần bán ở đâu, bao nhiêu, bố mua lấy  một cái đền cho họ.
        Sáng hôm sau, bố đến lớp gặp Cô giáo trình bày với Cô như vậy. Không biết phải nói thế nào, Cô lập tức lên phòng Giám hiệu gặp Thầy hiệu trưởng. Suy nghĩ vài giây, Thầy Hiệu trưởng nói:
       -Thôi , chuyện này ta rút kinh nghiệm, không để xảy ra như thế nữa.Trường ta là một trường điểm, không thể  để chuyện mất mát đồ dùng dạy học lộ ra ngoài, sẽ mất thi đua chứ không đùa đâu.
                            Cô giáo không nói được tiếng nào .
                Không biết truyền thông rĩ tai hay vĩa hè gì đó loan tin như thế nào nhưng  một ngày sự việc lên tới bàn làm việc của Bộ trưởng Bộ Học.Sau đó Bộ ra thông tư gửi xuống các Sở, yêu cầu  nghiêm túc chấn chỉnh lại việc bảo quản và sử dụng đồ dùng dạy học trong tất cả các trường học.