9 tháng 7, 2012

Bạn tôi, BS Mai Băng Thanh.

           Tôi có nhiều người bạn chơi với nhau từ thời thơ ấu. Một số không biết hiện nay ra sao, ở đâu, làm gì, còn hay mất. Nhiều người vẫn còn ở lại với mảnh đất Tây Nguyên này , thỉ thoảng gặp nhau, loáng thoáng nhắc lại vài kỷ niệm ngày xưa rồi lại quay về với cuộc sống của từng người . Một số khác mãi vài mươi năm sau mới gặp lại, mừng rỡ, kể nhau nghe về cuộc sống mấy mươi năm qua. Mỗi người một hoàn cảnh: giàu nghèo, hạnh phúc, tan vỡ, thành công, thất bại, con cháu, khỏe mạnh, bệnh tật... Sau đó là những lần nếu có dịp ,dù cách xa hàng trăm cây số và thậm chí hàng nghìn cây số cũng tìm cách ghé thăm nhau, cùng ăn uống, vui chơi rồi lại tạm biệt.Thỉnh thoảng điện thoại hoặc Email thăm hỏi nhau.Ở tuổi lục tuần, ai cũng đã có cháu Nội, cháu Ngoại , vậy mà sao lúc gặp nhau vẫn cứ ngỡ như mình còn là học trò.

         Trong số bạn cũ có Mai Băng Thanh, cùng học với tôi từ lớp Đệ Thất  (lớp 6) năm 1963 ở trường Trung học Tổng hợp Ban Mê Thuột. Băng Thanh học lớp Thất 4 (toàn Nữ) cùng một số bạn như Lưu Lựu Hà, Nguyễn Thu Hương, Ngọc Diệp, Ngọc Hà, Thu Thủy... tôi học lớp Thất 2 (toàn Nam) cùng một số bạn thân như Hồ Quốc Vũ, Lưu Đình Triều, Phạm Tấn Phát và mấy chục bạn khác. Bốn đứa bạn trai chúng tôi thân nhau vì luôn nằm trong Top Bốn của lớp. Đến giờ Sinh ngữ, hai  lớp Thất 2 và Thất 4 lại chia thành 2 lớp, một lớp sinh ngữ chính là Pháp văn, lớp kia học Anh văn. Vì vậy tôi và B.T  cùng lớp trong những giờ Pháp văn. Đến Đệ Tam( lớp 10), chúng tôi mới học thêm sinh ngữ phụ là Anh Văn .Qua hết năm Đệ Lục, vài người bạn thân chuyển trường, Lưu Hà, Đình Triều về Biên Hòa học, Thu Hương theo ba mẹ là Chuẩn tướng Mạnh lên Dalat. Năm Đệ Tam bắt đầu học phân ban, tôi mới chuyển từ Trường Võ Tánh Nha trang về lại BMT. Do trể không còn chỗ nên không thể vào Ban B ,tôi phải 'bị " vào lớp Tam C ( văn chương), Băng Thanh vào Ban A ( Vạn Vật).Từ đó chúng tôi không còn học chung với nhau những giờ Pháp Văn nữa. Trong năm học Đệ Tam, tôi  học song hành chương trình Đệ Nhị ở  nhà , cuối năm đăng ký  thi Tú Tài I ban B. Năm sau tự học ở nhà, lần này lại là ban A, thi  Tú Tài phần II.
     Vì lý do đó, hết năm đệ Tam, tôi đã rời trường nên ít biết đến tin tức bạn bè cũ. Năm đệ Nhất, nghe Băng Thanh theo gia đình, ba mẹ ra Huế học. Ba của B.Thanh là bác Bảo, hồi đó làm Trưởng Ty Lao động Darlac. Mãi đến năm 1996, về Saigon mới gặp lại bạn và chồng là anh Dũng, cả hai vợ chồng đều là Bác sĩ  tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế.


       Cuối năm 2011, Lưu Lựu Hà từ Mỹ  và sau đó là Hồ Quốc Vũ ở Canada gọi về báo tin Băng Thanh bị bệnh  nặng.Tôi thật sự bất ngờ vì thỉnh thoảng  tôi vẫn ghé nhà Băng Thanh ở Lê Văn Sĩ, Saigon, lâu lâu lại email hoặc điện thoại, vậy mà tôi lại nhận được tin trể nhất. Điện thoại về mới biết tin đó là chính xác

.      Đã nhiều tháng trôi qua, mới thấy một nghị lực phi thường, một tình yêu mãnh liệt với gia đình, với  chồng , với con cháu, với những người thân, với bạn bè và  với cuộc sống trong con người Băng  Thanh.

       Tôi chỉ muốn trích dẫn ở đây một số trong những bài viết của BS Mai Băng Thanh trong những tháng ngày chống chọi với căn bịnh Ung thư và không thể nói gì thêm vì từ đó mỗi người đọc có thể cảm nhận  được tất cả những gì tôi nói ở trên và hơn thế nữa. Chỉ cầu mong cho Băng Thanh những gì tốt nhất có thể.


           Tiếng lòng (BS Mai Băng Thanh)
Vụn vỡ, hụt hẫng, tất cả hình như vừa sụp đổ trong anh. Anh vùi mặt vào đôi cánh tay yếu đuối của tôi mà khóc ngất không thành tiếng.
Chị Mai Băng Thanh trong những ngày du lịch tại Hoa Kỳ, tháng 9, 2011. (Hình: Mai Băng Thanh)
Chị Mai Băng Thanh trong những ngày du lịch tại Hoa Kỳ, tháng 9, 2011. (Hình: Mai Băng Thanh)
Tôi thu chút can đảm còn sót lại trong con người mình, đưa tay vuốt mái tóc đã ngả sang màu muối nhiều hơn tiêu, “Anh phải bình tĩnh chứ. Bây giờ anh là chỗ dựa vững chắc của em mà.”

Rồi nghẹn ngào, rồi cố nuốt nước mắt lặng thầm ngược vào trong để an ủi chính anh, chứ không phải tôi là người cần được an ủi.
Vừa đi du lịch Mỹ về chưa được hai tuần, cảm xúc lâng lâng của tình bạn tha phương vẫn còn dào dạt trong tôi. Các bạn và các anh chị em một thời áo trắng của hai ngôi trường Ðồng Khánh và Y Khoa Huế nồng nhiệt chào đón làm tôi có một cảm giác hạnh phúc mà khó có ngôn từ nào chuyển tải hết được. Tôi chia sẻ hàng ngày với chồng tôi cái hạnh phúc mênh mang ấy và cứ tiếc rằng anh đã không thể song hành cùng tôi trong chuyến du lịch tuyệt vời này.
Chồng tôi chỉ dịu dàng nói, “Nghe em vui vẻ là anh cảm thấy hạnh phúc rồi.”
Nhưng cái hào quang chói lòa chưa tan biến thì mây đen vần vũ kéo đến che lấp cả bầu trời. Sấm sét hãi hùng vang lên. Cơn mưa lũ cuốn phăng đi tất cả.
Tôi không tin, không muốn tin vào những gì đang diễn ra trước mắt mình. Chồng tôi khóc, con trai tôi quẹt thầm những dòng nước mắt, con dâu tôi nức nở, con gái tôi khóc vùi. Chàng rể nước ngoài ở cách một phần tư vòng trái đất cũng không kềm được những dòng nước mắt. Ðứa cháu ngoại thân yêu thì khóc nấc. Ðứa cháu nội ngây thơ nhìn tôi rơm rớm lệ.
Tôi như hóa đá.
Căn bệnh ung thư quái ác của thế kỷ đã xâm nhập vào cái cơ thể vui tươi, lành mạnh của tôi. Ác tính hơn, nó lại âm thầm di căn vào gan.
Tôi không phải là người chủ quan trước mọi vấn đề. Vẫn thường xuyên lắng nghe diễn biến trong cái cơ thể phù du của tạo hóa ban tặng, đồng thời thỉnh thoảng vẫn kiểm tra bằng các phương tiện y học hiện đại. Vậy mà có ngờ đâu, lúc hạnh phúc đang chan hòa trong cuộc sống của tôi thì...
Nhớ lại ngày xa xưa ấy, xa quá là xa, tình yêu đến với vợ chồng tôi như một dấu chấm của định mệnh. Yêu nhau, cương quyết vượt qua tư tưởng cổ hủ phong kiến là tuổi tác xung khắc, chúng tôi đến với nhau vào buổi giao thời của đất nước. Anh là một sinh viên ưu tú của trường Y Khoa Huế, tôi cũng chẳng kém cạnh gì. Vậy mà hoàn cảnh đưa đẩy chúng tôi vào tận cùng của cái khổ. Nhớ những lúc ngồi bên nồi cơm độn đầy khoai và sắn, nuốt nước mắt vào trong để nhường cho con vài miếng cơm, hai vợ chồng chia nhau nuốt những miếng sắn khô đến chai cả miệng. Hoàn cảnh của một gia đình thượng lưu trí thức mà như vậy đó. Chúng tôi nuốt hết những mặn chát, đắng cay của cuộc đời, cố gắng sống, cố gắng tồn tại thì đúng hơn, để nuôi dạy hai con nên người hữu dụng. Không mơ ước xa xôi, chỉ mong con sau này sướng hơn cha mẹ nó, để nhìn thấy thành quả của tình yêu thương đôi lứa.
Yêu anh, lấy anh, tôi không hề ngại khó khăn, vất vả. Nhớ khi hai vợ chồng chỉ có tiền mua đủ một chiếc xe đạp, mỗi lần thấy anh còng lưng đổ mồ hôi vì chở tôi, tôi lại thấy lòng đau như muối xát. Cô tiểu thư đài các ngày nào đâu còn hiện hữu. Cha mẹ tôi cũng rơi vào tận cùng của vực thẳm rồi. Mẹ tôi là một quý phu nhân, nay phải chạy chợ từng bữa để nuôi chồng trong trại học tập, nuôi bầy con dại ăn chưa no, lo chưa tới. Tôi xót xa nhìn cha tiều tụy, mẹ vất vả. Quý phu nhân ngày nào đâu mất rồi? Bầy em ngơ ngác, nháo nhác như những chú chim non chưa đủ lông đủ cánh. Bản thân tôi được nuôi ăn học thành một bác sĩ, mà nay không giúp đỡ cha mẹ và em út... Trời ơi, còn gì đau đớn hơn.
Lương không đủ sống, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Vợ chồng còn phải chia lìa như Ngưu Lang Chức Nữ theo cái gọi là sự phân công của tổ chức. Những cám dỗ đời thường vây chặt quanh tôi. Nhưng tôi là một người con gái được nuôi dạy trong một gia đình thế gia vọng tộc. Và quan trọng hơn nữa là tôi yêu chồng tôi. Tôi đã nguyện thầm trong lòng khi tôi lấy anh là cuộc đời tôi chỉ muốn được biết một người đàn ông. Và bây giờ thì ước nguyện đó đã thành sự thật rồi.
Tôi không chịu nổi sự vất vả. Cái khổ dằn vặt tôi cả tinh thần lẫn thể xác. Tôi không thể nào có thể có cơ hội vươn lên dù tôi là một bác sĩ giỏi. Tôi như con thú hoang bị dồn đến đường cùng. Tôi trở nên chai lì, bướng bỉnh, cố ý không làm theo ý kiến của những người đang gọi là lãnh đạo của tôi. Tôi chỉ chú trọng về chuyên môn, cố gắng giới hạn đến mức tối đa những sai sót, vì tôi yêu thương đồng loại của mình, những người dân nghèo, bần hàn, đang sống một đời sống mà tôi không biết phải gọi như thế nào mới đúng.
Rồi việc gì đến cũng phải đến. Tôi quyết định bỏ việc sau một trận cãi vã kịch liệt với tập thể lãnh đạo bệnh viện tôi đang làm việc với một lý do hết sức khôi hài không dính dáng đến chuyên môn của một bác sĩ. Anh không ủng hộ quyết định táo bạo này của tôi, nhưng cũng không phản đối. Tôi cương quyết ôm hai con vào Sài Gòn.
Ngày lên ga tiễn đưa gia đình nhỏ của tôi, mẹ và các em tôi khóc ngất. Cũng chẳng biết cuộc chia ly này đến ngày nào mới gặp lại nhau, và tương lai chúng tôi như thế nào. Nhưng chúng tôi vẫn muốn tìm đến một tương lai rất đỗi xa vời và mờ mịt, mà chưa biết những gì đang chào đón chúng tôi ở phía trước.
Tôi vào Sài Gòn, ngơ ngác như con nai vàng giữa cảnh phồn hoa đô hội, khác hẳn cái trầm lặng êm đềm của Huế. Tôi nhào ra thương trường như một con thiêu thân, làm bất cứ việc gì, nhưng phải là việc lương thiện để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con. Anh hàng ngày đạp xe đi xin việc, nhưng có nơi nào ghé mắt nhận lấy một bác sĩ thân cô thế cô như chúng tôi không? Cái cạnh tranh khốc liệt của thương trường giữa hàng hàng hàng lớp lớp thành phần làm tôi thường tủi thân khóc thầm trong đêm vắng. Tôi sợ anh biết anh sẽ buồn nên cố gắng nuốt nước mắt vào trong.
Các con đến tuổi ăn học. Chúng tôi phải sớm ổn định cuộc sống phù du này. An cư mới lạc nghiệp. Thời may, chúng tôi được một người giới thiệu đến phòng Y Tế Quận 3. Chẳng hiểu có quý nhân phù trợ hay không mà chúng tôi được nhận vào làm việc ở bệnh viện quận. Anh không còn mang mặc cảm của một người đàn ông thất nghiệp nên lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng như trút bỏ gánh nặng ngàn cân. Cũng nhờ bệnh viện quận đó mà chúng tôi nương náu một thời gian. Sau cùng, cũng không chịu nổi cảnh bon chen, ganh tỵ, đố kỵ của cuộc sống nhiễu nhương, chúng tôi lại một lần nữa bỏ ra ngoài, tự kiếm sống bằng cái phòng mạch nhỏ của mình. Bù lại, chúng tôi sống tự do, thanh thản, quan trọng hơn là tự làm chủ bản thân mình. Nhờ vậy, chúng tôi trở lại với nghiệp Y, cái nghiệp gắn liền với chúng tôi như định mệnh của cuộc sống. Nhờ vậy, chúng tôi kiếm tiền lương thiện bằng trí tuệ của mình.
Vợ chồng chị Mai Băng Thanh cùng cháu. (Hình: Mai Băng Thanh)
Vợ chồng chị Mai Băng Thanh cùng cháu. (Hình: Mai Băng Thanh)
Cuộc sống dần dần ổn định. Tôi bắt đầu thu gom những đồng tiền còm cõi của mình, gửi về nuôi cha mẹ già hai bên, và giúp cha mẹ tôi nuôi bầy em ăn học thành tài. Chúng tôi không giàu có như những người bạn đồng trang lứa, có công việc tốt đẹp hơn chúng tôi, nhưng chúng tôi sống êm đềm, sung túc hơn. Mục đích nuôi dạy con cái thành người hữu dụng được đặt lên hàng đầu. Tôi tằn tiện, tiết kiệm chi tiêu đến mức tối đa cho cá nhân, không màng đến những cám dỗ của đời thường. Hạnh phúc không mang màu tiền bạc, không mang màu phù phiếm.
Cho đến ngày hôm nay. Từ khi bước vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, rồi bước dần đến tuổi lục tuần, sau khi đã gầy dựng cho con cái xong xuôi, tôi vẫn thường tâm sự với chồng tôi rằng, giá như đến lúc này, trời bắt tôi phải ra đi, tôi cũng không còn gì để hối tiếc. Vui buồn sướng khổ có nhau cũng đã quá đủ với một người đàn bà bình thường và không có nhiều tham vọng như tôi.
Thế nhưng mọi chuyện đến rất bất ngờ, và chính anh là người sụp đổ. Bản thân tôi, bình thản đón nhận tất cả, nhưng không thể đón nhận gương mặt thất thần của anh.
Anh khóc lặng bên tôi, níu kéo tôi như sợ tôi sắp biến mất trên cõi đời này. Tôi vẫn thường hay nói rằng, nếu tôi bị ung thư, thì hãy để tôi tự quyết định. Tôi không muốn mổ, không muốn hóa trị, không muốn xạ trị. Tóm lại là tôi không muốn tự hành xác mình.
Thân xác này là phù du, cát bụi sẽ trở về với cát bụi.
Tôi muốn tự AN TỬ mình.
Vậy mà bây giờ tôi phải đầu hàng anh.
Tôi phải mổ, phải chịu đau đớn. Rồi mai đây còn phải qua hàng loạt hóa và xạ trị. Vì anh muốn tôi hiện hữu, dù với thân xác bệnh hoạn rã rời.
Tôi muốn sống để còn trổ tài nấu ăn cho các anh chị em Y Khoa Huế. Tôi muốn sống để vào kỳ Ðại Hội Y Khoa Huế Hải ngoại năm tới, tôi được các anh chị em ưu ái mời tham gia. Tôi muốn sống để làm tròn lời ước hẹn với bạn bè Ðồng Khánh là hẹn ngày trở lại Hoa Kỳ. Tôi muốn sống để sẽ viết bài Ngẫu Hứng Cali cho trọn lời hứa với bạn bè hải ngoại.
Tôi chưa viết được dòng chữ nào cho chuyến du lịch đầy ý nghĩa vừa qua.
Và tôi phải sống!
                                                                                      Tháng 11 năm 2011

      Thổn thức (BS Mai Băng Thanh)
                                 Cập nhật: 10h57' 06/02/2012 (GMT+7)

     Mấy hôm nằm trên giường bệnh, lòng đã dặn lòng không được suy nghĩ mông lung, nhưng nhìn qua khe cửa, thấy ánh nắng mặt trời rạng rỡ thì lòng tự hỏi lòng, mình còn có bao nhiêu ngày để nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa.
     Một trận mưa chiều, bầu trời u ám, những hạt mưa tí tách rơi, tôi lại buột miệng sao mưa buồn quá, rồi lại chạnh lòng tự hỏi, đến một ngày nào thì sẽ không thấy mưa buồn nữa ????
     Từ khi tôi ngã bệnh, chồng tôi không rời xa tôi nửa bước. Anh dịu dàng dành tất cả phần chăm sóc tôi, cương quyết không mướn người giúp việc. Nhìn anh tự tay chăm sóc cả những phần dơ bẩn nhất, rồi đến cả những phần tế nhị nhất, nhiều lần tôi đã không kềm được cảm xúc. Tôi òa lên khóc như một đứa trẻ lên ba, nức nở: Em không muốn sống thêm nữa .… Anh đã nhẹ nhàng an ủi tôi, vì anh biết tôi đang rất mong manh.
     Tôi là một người đàn bà nhiều nghị lực. Việc đổ một giọt nước mắt đối với tôi rất khó khăn. Nhiều khi đối diện với nhiều trái ngang của cuộc sống, tôi đã muốn khóc cho lòng nhẹ nhàng bớt, nhưng vẫn không thể nào khóc được.
     Vậy mà giờ đây tôi trở nên mong manh như hạt sương mai. Tôi dễ khóc, không phải vì buồn hay hối tiếc cho số phận mình ngắn ngủi, mà vì tình yêu thương của những người chung quanh tôi.
     Tôi đã sẵn sàng đón nhận điều xấu nhất xảy ra cho cuộc đời tôi. Bởi vì tôi vẫn hiểu rằng, cuộc sống là quy luật Sanh, Lão, Bệnh, Tử của tạo hóa. Bây giờ tôi đang ở trong quy luật thứ ba, rồi sẽ đến dấu chấm tận cùng của sự lạnh lùng. Cát bụi sẽ trả về cát bụi. Từ lâu tôi vẫn quan niệm rằng: Hãy sống như thế nào mà lúc tôi sinh ra mọi người cười khi tôi cất tiếng khóc chào đời, và khi tôi ra đi, tôi sẽ mỉm cười thì những người chung quanh tôi đều khóc.
     Tôi không phải là một thánh nhân, mà là một người đàn bà bình thường trong cuộc sống. Tôi chỉ đem tấm chân tình đối đãi với tất cả mọi người. Tôi chỉ biết phải làm người con hiếu thảo với cả tứ thân phụ mẫu, làm người vợ đúng nghĩa đối với chồng, làm người mẹ hiền đối với con cái. … Tôi sống chan hòa với tất cả mọi người. Lúc nào tôi cũng muốn đem niềm vui đến cho bạn bè chung quanh mình. Tất cả đắng cay, mặn chát của cuộc đời, tôi thường nuốt ngược vào trong. Tôi muốn mọi người xung quanh tôi được vui. Ở nhà chỉ có hai vợ chồng, tôi thường tíu ta tíu tít kể cho anh nghe nhiều chuyện trên trời dướii đất. Lúc nào anh cũng lắng nghe tôi nói. Có khi tôi lại nghêu ngao hát, những bài hát không đầu, không đuôi. Tôi muốn cuộc sống vui vẻ, không tham vọng nhiều tiền tài hay danh lợi, chỉ cần một cuộc sống bình dị, không xa hoa phù phiếm. Với tôi như vậy đã là quá đủ cho một đời người.
     Vậy mà nay tạo hóa trêu ngươi. Người muốn thử thách tôi, hay muốn trừng phạt tôi, vì tôi thường tỏ ra rất bình thản khi đón nhận căn bệnh nan y của thế kỷ. Tôi vẫn thường nói với chồng tôi một cách rất tự nhiên rằng, nếu tôi mắc bệnh, hãy để tôi tự xử. Nhưng nay, tôi đâu có quyền làm theo ước nguyện của mình. Chồng tôi níu kéo tôi hằng giây, hằng phút. Anh luôn lo sợ cái ngày mà tôi không còn hiện hữu. Anh sợ mất tôi. Ôi, cái nghĩa tào khang sao mà nó thiêng liêng đến như vậy? Bên anh đâu còn hình ảnh người phụ nữ trong ngọc trắng ngà, vui tươi, sinh động. Bây giờ là một cơ thể bệnh hoạn rã rời, với vết mổ chằng chịt. Tôi xót xa nhìn lại chính mình, nghẹn ngào cho sự thay đổi đột ngột. Rã rời thân xác, trí tuệ của tôi có còn chăng sự minh mẫn của ngày nào?? Ước nguyện tự AN TỬ không thành, tôi phải chấp nhận sự hành xác. Ngay phút giây được đưa ra khỏi phòng mổ, tôi đã cảm nhận được cơn đau muốn xé nát cả con người mình. Tôi không khóc, không đổ một giọt nước mắt cho cơn đau thể xác, nhưng tâm hồn tôi gào thét đớn đau như sóng thần cuồn cuộn. Tôi cắn chặt răng, cố mỉm cười với gương mặt của chồng tôi đang cúi sát nhìn tôi vì lo lắng. Anh không thể tự mình đi xe được . Dắt xe ra khỏi nhà, anh vấp té mấy lần. Quá nguy hiểm nên con tôi bắt anh phải đi xe taxi để lên Bệnh Viện thăm tôi. Tôi cố nói với anh rằng tôi khỏe, tôi không sao, nhưng nhìn trong ánh mắt của anh, tôi biết rằng anh không thể tin rằng tôi nói thật. Hình ảnh tôi sinh động, ham công tiếc việc vẫn còn nguyên vẹn trong anh mà. Tất cả đều xảy ra quá đột ngột, nên làm sao anh có thể tin rằng người đang nằm trên giường bệnh là tôi, người đang níu kéo cuộc sống vì anh là tôi??? Những gương mặt thân yêu lần lượt cúi xuống nhìn tôi với nhiều thương cảm. Những giọt nước mắt của các em từ Huế bay vào, và từ trên Dalat đi xuống rơi trên gương mặt tôi. Những giọt nước mắt của tình anh chị em, nồng nàn, nhưng mặn chát. Rồi những gương mặt bạn bè thân quen, nhạt nhòa những giọt lệ ân tình. Các bạn khóc cho tôi, cho cuộc đời ngắn ngủi của tôi. Những gương mặt thân tình yêu thương nhiều quá !!!!!!!!! Tôi đếm sao hết được, kể sao hết được khi trang giấy thì ngắn mà tình cảm bạn bè thì quá dài. Đằng sau xa xa, hình ảnh những cô bạn thân thương đang khóc ngất. Tôi cảm thấy hạnh phúc trào dâng, nhưng trong lòng thì nước mắt tràn lên như những cơn sóng trong những ngày biển động mạnh, cuốn phăng tất cả chút tàn hơi còn sót lại trong cơ thể bệnh hoạn rã rời của tôi. Nhìn xuống thấy Mỹ Hạnh đang chăm chút cho thân thể của tôi, tôi cảm động không thốt được nên một lời nào. Hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, năng động nay đâu rồi ???? Tôi muốn gào thét lên thật to, cho tiếng gào vang đến tận Trời cao, tại sao ??? tại sao ??? nhưng tôi đành bất lực.
     Rồi các bạn ở khắp nơi: Huế, Dalat, cả nửa vòng trái đất …và nhiều nhiều nữa, gọi điện thoại về từ rất nhiều nơi. Các bạn cũng khóc ngất cho số phận của tôi. Tôi không còn chút hơi tàn để trả lời điện thoại. Con gái tôi thay mặt gia đình cám ơn sự quan tâm của các bạn. Nhiều lúc tôi nghe tiếng sụt sùi của con khi đang tiếp chuyện điện thoại. Tôi quay mặt vào trong, cố che dấu những giọt nước mắt đang chực trào thành dòng suối trên khóe mắt.
     Những viên thuốc mang nặng ân tình được các bạn gửi trao cho tôi chống chọi với căn bệnh ác tính. Những chén cháo ly sữa …….. gói gọn yêu thương được các bạn thay nhau mang đến cho tôi. Tôi uống từng viên thuốc, ăn từng muỗng cháo, uống từng ngụm sữa …….mà như nuốt trọn tình cảm yêu thương của các bạn dành cho tôi.
     Như vậy đó, cuộc sống vô thường nhưng tràn ngập yêu thương. Tôi không biết tôi sẽ kéo dài cuộc sống như thế nào, khi chỉ thị của thần chết đã xem mặt, đặt tên ??? một tháng, một năm hay vài năm nữa ??? Điều tôi không thể nào biết được. Tôi chỉ biết những ngày tháng sắp tới, tôi phải chiến đấu với bệnh tật bằng những đợt thuốc hóa trị tàn phá tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng sẽ tàn phá cơ thể tôi. Cầm trên tay cái đầu tóc giả do bạn bè trao tặng, tôi cảm thấy thật ngậm ngùi.
     Tứ thân phụ mẫu đều đã quy tiên. Đó là hạnh phúc của tôi, khi tôi đã làm tròn chữ hiếu, lo cho cha mẹ hai bên mồ yên mả đẹp. Nếu cha mẹ tôi còn sống, ông bà sẽ rất đau đớn và vật vã khi đứa con yêu thương mắc vào căn bệnh ác tính này. Vì vậy, ơn Trời, tôi không phải chứng kiến những giọt nước mắt của cha mẹ, vì chắc chắn rằng điều đó sẽ làm tôi đau khổ nhất. Tôi chỉ muốn nói với người bạn đời yêu thương rằng: Em xin lỗi, em đã không thể theo anh đến tận ngày răng long đầu bạc để cùng nhau chia xẻ vui buồn trong cuộc sống mà em phải ra đi trước. Chỉ mong anh đón nhận nghịch cảnh, chấp nhận hoàn cảnh không thể nào thay đổi được. Chỉ ước mong anh sống thật bình yên trong những ngày không có em …. Tôi muốn nhắn nhủ với con cái rằng: Hãy yêu thương nhau khi còn có thể. Hãy xây dựng hạnh phúc gia đình bền chặt, dạy dỗ con cái thành người hữu dụng cho gia đình và cho xã hội. Tôi muốn nhắn nhủ với các em tôi rằng: Chị được chào đời trước thì ra đi trước là chuyện đương nhiên . Hãy sống thật tốt và bảo vệ gia tộc từ đường như truyền thống của gia đình được cha mẹ hun đúc từ khi chúng ta còn trẻ dại.
     Lời cuối cùng, tôi muốn nói với bạn bè và những người quen biết hay không quen biết, nhưng đã quan tâm, chia xẻ nỗi đau của tôi bằng email, điện thoại, hay lời thăm hỏi từ khắp nơi: Tôi xin tri ân tất cả những gì các bạn đã gửi trao cho tôi. Tôi sẽ chiến đấu như mong ước của gia đình và bạn bè, nhưng nếu lực bất tòng tâm thì xin các bạn nghĩ cho rằng: Tôi luôn luôn hiện hữu trong lòng của các bạn. Khi lật những hình ảnh trong album, các bạn sẽ vẫn thấy tràn ngập hình ảnh của tôi với nụ cười rạng rỡ. Khi mở blog Tiengsonghuong ra, các bạn cũng vẫn nhìn thấy tôi sống động với nhiều bài viết từ tâm tư trong cuộc sống đời thường của tôi. Chiếc thuyền nhỏ chở cuộc đời tôi đã vượt qua nhiều thác ghềnh, bão táp, vượt qua nhiều sóng gió, phong ba, nay sắp đưa tôi đến một bến bờ bình yên vĩnh cữu. Đừng khóc vì thương tiếc tôi, mà hãy vui mừng cho tôi, vì tôi đã sống một cuộc sống có ý nghĩa. Và tôi sẽ bất tử trong lòng những người yêu thương tôi.
                                            BS MAI BĂNG THANH



 
Băng Thanh on billboard in NewYork City



Đoản khúc yêu thương (BS Mai Băng Thanh)

Mai Băng Thanh (Tokyo tháng 4 năm 2009)

                  Mai Băng Thanh (Tokyo tháng 4 năm 2009)

     Mỗi buổi sáng mở mắt thức dậy, thấy ánh bình minh e ấp qua khung cửa sổ, tôi biết mình vẫn còn đang hiện hữu trên cõi đời này.
     Chợt nhớ một câu tình cờ đọc trên net:
     Cám ơn đời cho tôi thêm một ngày để sống.
     Tôi có thêm một ngày nữa để yêu thương.
     Một ngày để sống !!!!! Thật là một câu có quá nhiều ý nghĩa đối với riêng tôi. Thời gian gần đây tôi suy kiệt, tàn tạ vì hóa chất. Những chất thuốc độc hại lần lượt được bơm vào cơ thể của tôi theo định kỳ, đã khiến tôi trở thành một con người hoàn toàn khác. Làn da trắng hồng mịn màng, nay xạm ngắt và sần sùi lên. Từ một con người năng động, tháo vát, lo toan tất cả mọi chuyện trong ngoài, thì nay tôi chỉ còn là một cành hoa chùm gửi không hơn không kém. Mọi việc tôi không thể tự mình làm được mà phải nhờ đến sự trợ giúp của chồng con. Ngày qua ngày, ít khi nào tôi rời được chiếc giường trừ khi có những nhu cầu cần thiết. Nhiều lúc tôi muốn vùng dậy, và tôi vùng dậy thật. Tôi ra sân, cầm cây chổi để quét, nhưng vừa hết một khoảnh sân nhỏ là tôi cũng vừa hết sinh khí trong người. Tôi cố gắng hít thở chút không khí trong bầu trời cao trong xanh, nhưng những hơi thở ngắn và dồn dập chỉ làm tôi mệt thêm. Vậy là tôi lại phải trở về chiếc giường quen thuộc của mình trong mấy tháng vừa qua.
     Cứ mỗi ba tuần, tôi lại phải trở vào bệnh viện. Mỗi lần vào bệnh viện, thấy mọi người đông đúc, qua lại nườm nượp như đi hội chợ khiến tôi không thể không chạnh lòng. Những nét mặt lo lắng của thân nhân, nét tiều tụy, xơ xác của bệnh nhân mang những căn bệnh nan y của thế kỷ làm tôi tiêu tan hết nghị lực, tiêu tan hết những ý nghĩ lạc quan mà tôi cố gắng tạo ra trong thời gian dưỡng bệnh sau mỗi lần hóa trị. Những chiếc đầu trọc vì rụng hết tóc, có khi được che dấu dưới một chiếc khăn hay cái mũ, nhưng cũng có người để trần trụi như chẳng thèm quan tâm đến thế giới bên ngoài. Qua lại trước mặt tôi là những hình dáng xanh xao, võ vàng, làn da xạm ngắt . Tôi cố nén tiếng nấc trong cổ họng, và che dấu cảm xúc của gương mặt mình dưới chiếc khẩu trang. Những dòng nước mắt cứ ngập ngừng nơi khóe mắt, chỉ chực có dịp là sẽ tuôn trào ra như dòng thác lũ, không gì ngăn cản được. Tôi không muốn khóc nữa. Tôi phải đè nén tất cả cảm xúc của mình. Bạn bè tôi khi điện thoại về thăm tôi, họ không cho phép tôi khóc. Mấy cô bạn nói với tôi rằng: " Mi không được khóc, mi phải cười lên vì mi là người luôn muốn đem niềm vui đến cho mọi người mà" Rồi có người lại nói bằng một giọng nghẹn ngào: "Ráng lên Thanh, ráng lên". Vậy làm sao tôi có quyền khóc được.
     Chờ đợi để được vào phòng vô hóa chất là thời gian đầy cực hình. Bao nhiêu thủ tục phiền toái hình như vẫn không bao giờ sửa đổi được tiếp tục làm cho những bệnh nhân như chúng tôi bị hành xác.
Tôi đứng vật vạ nơi hành lang trước phòng khám, chờ đợi y tá gọi đến tên mình để được vào tái khám. Không có được một ngoại lệ hay ưu tiên nào cho bất cứ ai trừ những người thân thuộc của những người có chức quyền hay sự gửi gắm nào đó. Các bệnh nhân mang căn bệnh thế kỷ như tôi có nhiều người không chịu đựng nổi phải ngồi bệt xuống đất. Những chiếc ghế ít ỏi sắp theo vài hàng trước phòng khám không thể nào đủ cho những bệnh nhân như chúng tôi ngồi. Nhiều người ngồi lên bậc cầu thang, luôn luôn bị những người bảo vệ đuổi. Nhưng đuổi rồi thì chúng tôi biết ngồi đâu, đứng đâu ??? Tôi không ngồi bệt được vì vết thương ở bụng đang kèm theo cái túi hậu môn nhân tạo lúc nào cũng kè kè bên tôi như một phần thân thể của mình. Nhiều lúc may mắn, được một người nào đó nhìn thấy vẻ đau đớn của tôi dù tôi đã che dấu dưới cái khẩu trang, họ đã chủ động nhường cho tôi cái ghế họ đang ngồi và như vậy là họ tiếp tục đứng thay tôi. Tôi lí nhí cám ơn người tốt bụng đó.
     Chưa hết, khi đã được kêu tên vào khám, tôi không thể nào được phép quên "thủ tục đầu tiên" ( các bạn cứ nói lái 2 chữ đầu tiên, có nghĩa là "tiền đâu") . Chiếc phong bì được tôi nhẹ nhàng đưa vào túi áo blouse cho người đồng nghiệp, và sự bình thản đón nhận nó của người đồng nghiệp làm tôi thoáng bàng hoàng. Thật ra sự việc này tôi nhờ sự mách nước của người đi trước, nhưng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng khi nó trở thành thông lệ rất đỗi bình thường trong cuộc sống này. Y đức ???!!!! Chúng tôi được đào tạo thành những Bác sĩ, cũng chẳng Thầy Cô nào nhắc nhở chúng tôi về lời thề Hippocrates, nhưng trong lòng mỗi chúng tôi, ai nấy đều tâm niệm về y đức là phải như thế nào, và tất cả chúng tôi đều rất hãnh diện về cái nghề rất đỗi cao quý này. Cũng chẳng bao giờ cần thiết phải hô hào khẩu hiệu suông: Lương y như từ mẫu, thì chúng tôi cũng đã làm hết sức mình rồi. Vậy mà .....
     Khám xong, tôi lại phải tiếp tục chờ đợi. Chờ đợi người y tá phát toa thuốc, để xuống đóng tiền ở khoa Dược rồi lãnh thuốc. Con dâu tôi lại phải tiếp tục ngoại giao về cái gọi là "thủ tục đầu tiên" để sớm nhận toa thuốc, cho tôi kịp vào thuốc trong ngày.
     Chờ đợi, tiếp tục chờ đợi .... Những phút giây trôi qua chầm chậm, chầm chậm như trêu ngươi. Tôi mệt mỏi, muốn nhắm mắt, muốn buông xuôi tất cả, nhưng rồi ánh mắt người bạn đời dõi theo bước chân tôi, tiếng khóc nấc của đứa cháu ngoại nói chưa tròn tiếng Việt: "Nhại không chết nha", tiếng bạn bè khắp bốn phương trời: Ráng lên Thanh, ráng lên, Thanh phải ráng, phải chịu đựng nhé, không được buông xuôi ..... làm lòng tôi mềm nhũn ra. Tôi như muốn tan vào không gian đậm đặc mùi hóa chất độc hại. Cái không gian quanh tôi không có màu trắng sáng, mà là một màu xỉn của nhiều chất dơ bẩn đọng lại từ ngày này qua tháng nọ. Mùi của thuốc độc, mùi của chất thải, của những hình hài nằm trên giường bệnh không được vệ sinh đúng mức làm tôi buồn nôn. Tôi cố gắng kềm nén mọi cảm xúc để hòa nhập vào cái thế giới của căn bệnh nan y này ........
     Rồi cũng qua được thời gian chờ đợi. Tôi bước vào phòng bệnh để vào hóa chất. Lại cái "thủ tục đầu tiên" Nhẹ nhàng đưa tay vào túi mấy người y tá chuẩn bị thuốc cho tôi, tôi thấy lòng mình trĩu nặng. Trách ai bây giờ ?? Trách mình ư ??? Không, dù muốn hay không tôi vẫn phải theo guồng máy của xã hội. Mọi người đều phải làm thủ tục như tôi mà !!! Tôi đâu thể một mình đi bên lề cuộc sống được.
     Mỗi lần vào hóa chất, tôi được ngồi trên một cái ghế. Chung quanh tôi mọi người đều an vị trên chiếc ghế giản đơn đó. Nghe tiếng nôn ọe của những bệnh nhân cùng phòng, tôi thoáng rùng mình và tự hỏi: Mình sẽ ra sao đây ???
     Chiếc kim tiêm được người y tá ghim vào cánh tay yếu đuối của tôi. Bàn tay tôi run rẩy, chất thuốc chảy vào cơ thể làm tôi đau buốt dọc theo đường tĩnh mạch của cánh tay. Tôi mím môi, cắn chặt hai hàm răng lại, không muốn nghĩ đến bất cứ điều gì, chỉ mong hai tiếng đồng hồ này trôi qua cho nhanh.
     Chuyền xong chai thuốc, tôi đứng dậy không vững. Con tôi dìu tôi ra khỏi bệnh viện. Bước chầm chậm trên từng bậc thang, tôi cố gắng để khỏi nhìn thấy sự lo lắng của con. Tôi cố cười với con: Mẹ khỏe, không sao đâu, để mẹ tự bước đi. Cho đến lúc bước chân được lên chiếc taxi, tôi mới buông ra một tiếng thở dài mà tôi cố nén. Quai hàm tôi bị cứng lại, cánh tay đau buốt do những tác dụng phụ của hóa chất. Tôi nói không tròn chữ, nhưng ơn Trời, vậy là qua thêm một lần nữa rồi ....
    Chồng tôi đón tôi ở cửa nhà rồi dìu tôi vào chiếc giường quen thuộc. Anh luôn miệng hỏi tôi: Có sao không, có mệt không ?? Tôi cố trả lời bằng chiếc quai hàm cứng ngắc và tiếng nói không tròn chữ: Không, không sao, em khỏe mà .... Và sau tiếng khỏe là tôi nhắm chặt đôi mắt lại để không phải nhìn thấy nét mặt lo lắng của người thân.
     Tôi cố tự an ủi rằng, tôi còn hạnh phúc hơn hàng ngàn, hàng triệu người khác mắc phải căn bệnh như tôi. Trong thời gian nằm bệnh, tôi nhận được biết bao nhiêu lời thăm hỏi khắp bốn phương trời. Email, điện thoại, ghé thăm tận nhà .... nhiều nhiều nữa. Bạn bè thay nhau nấu cháo, soup, mang đến cho tôi .... Rồi những món quà đầy ân tình của các bạn gửi trao cho tôi, làm sao tôi không cảm động ?? Mail viết của các anh chị Y Khoa Huế hải ngoại: EM PHẢI SỐNG VÌ CHÚNG TÔI MUỐN NHƯ VẬY. Làm sao tôi quên được ân tình sâu nặng đến như vậy. Rồi tác giả bài ĐỒNG CẢM đăng trong trang web Y Khoa Huế hải ngoại: TÔI CẢM THẤY THƯƠNG CHỊ TỪ ĐÓ ...
     Lá thư viết tay của một vị Giáo Sư Bác sĩ đã giảng dạy về chuyên môn cho tôi của thời áo trắng Y khoa Huế như tiếp thêm cho tôi những liều thuốc bổ, đánh bật khỏi cơ thể tôi những tế bào ung thư ác tính.
Ôi , những tình cảm của gia đình , của Thầy Cô , bạn bè , của anh chị em đồng môn ... như tiếp thêm cho tôi những luồng sinh khí , nghị lực giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời này .
    Tôi muốn mượn lời của người đàn anh đồng môn đã gửi gắm :
     "Mình cũng đã kinh qua đoạn đường các bạn đang đi , đã biết những cơn đau xé ruột , những suy trụy tinh thần , những nỗi cô đơn , và vị mặn của nước mắt . Không vị thuốc nào cao quý bằng một nụ cười , một cái vỗ vai nhè nhẹ , một ánh mắt nhìn , một lời thăm hỏi ... Và bây giờ mới biết được ý nghĩa của hai tiếng cám ơn , cám ơn còn được cho sống , cám ơn cuộc sống hàng ngày , cám ơn bè bạn từ những cử chỉ , từng tiếng nói , và cám ơn còn có cơ hội chia xẻ nỗi đau . Cũng qua cơn đau , mới biết được không gì tàn nhẫn bằng sự lãng quên , sự hờ hững ...."
    Cho nên tôi muốn thêm vào câu nói tình cờ đọc trên net :
    "Cám ơn đời cho tôi thêm một ngày để sống .
    Tôi có thêm một ngày nữa để yêu thương
    Và để được yêu thương .
                                                 BS MAI BĂNG THANH
                                                   Tháng 1 năm 2012



                                   HỒI SINH

     Bảy tháng, dài như bảy thế kỷ chầm chậm trôi qua. Thật chậm ..... Thời gian gần như ngưng đọng lại. Những tháng ngày vô hóa chất, chất độc tàn phá cơ thể của tôi, như những con vật ký sinh lần lượt hút dần chút sức sống còn lại trong con người tôi. Tôi cảm nhận được cơ tim tôi gào thét, nhịp tim đập loạn xạ lên làm tôi gần như muốn đứt hơi. Hai quả thận cũng suy kiệt theo thời gian. Rồi gan, rồi tủy xương, tất cả những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể tôi lần lượt bị tàn phá một cách không thương tiếc.
     Tôi cố gắng chống chọi một cách tuyệt vọng. Ý thức muốn sống, muốn chiến thắng bệnh tật làm tôi vùng vẫy, cố thoát ra khỏi cái định mệnh đã giáng đòn sinh tử xuống cuộc đời tôi.

     Những ngày phải vào bệnh viện để điều trị, tôi mới cảm nhận được một thế giới kinh hoàng, cái thế giới mà tôi gọi là Địa Ngục Trần Gian cũng chưa đủ ý nghĩa để diễn tả hết. Vừa vui chơi ở xứ Đẹp Thiên Đường với muôn vàn tình bằng hữu, về đến quê nhà, tôi sụp bước ngay xuống địa ngục trần gian. Nói làm sao hết những cảm nghĩ của tôi lúc bấy giờ. Nhân phẩm bị chà đạp, trí thức cũng không bằng một con vật nếu không kịp đưa cái gọi là " thủ tục đầu tiên ". Không có ngôn từ nào đễ diễn tả hết tâm trạng và hoàn cảnh của tôi. Mỗi lần về đến nhà, vừa nằm xuống chiếc giường quen thuộc, là tôi lại khóc vùi. Khóc như chưa bao giờ được khóc, để mong những giòng nước mắt gột rửa sạch những ấm ức, những khổ đau mà tôi phải chịu đựng. Tôi không trách những con người khoác lên mình chiếc áo trắng, đang hành nghề Y, nơi cần những tấm lòng nhân ái để an ủi cho những bệnh nhân không may gặp những căn bệnh ác tính như tôi. Mà đó chẳng qua là những sản phẩm sản sinh từ một nền giáo dục lạnh lùng, cứng nhắc và thực dụng, không được đào tạo bằng căn bản đạo đức và tình người.

     Một niềm đau khác cũng gần như quật ngã tôi. Một cô bạn học chung trường Đồng Khánh, chơi với nhau trong nhóm đã nhân lúc tôi mắc bệnh nan y là quay lưng phản bội tôi. Đau không thể nào tả xiết, vì đó là người mà tôi chia ngọt xẻ bùi về cả tinh thần lẫn vật chất. Lòng đố kỵ ngấm ngầm trong lòng cô ấy đã từ lâu, mà vì tình yêu thương che mắt nên tôi không thể nào nhận ra. Nay khi tôi nằm xuống, chiếc mặt nạ bấy lâu nay cô ấy xử dụng đã rơi xuống !!!! . Tôi đau đớn vì tôi đã trải lòng ra mà sống, nhưng đáp trả lại là một trái đắng !!!

     Nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần làm tôi suýt gục ngã. Tôi khóc vùi, khóc như chưa bao giờ được khóc. Nỗi đau quá lớn làm tôi chết lặng.

     Nhưng .....
Cuộc đời bao giờ cũng có một chữ NHƯNG !!!!!
      Các bạn bè khắp nơi trên thế giới, cả người quen lẫn người chưa quen, khi biết được hoàn cảnh của tôi đều ra sức an ủi, yểm trợ, khuyến khích tôi vượt qua nghịch cảnh.
      Bảy lần chemo đã trôi qua, bảy lần ra vào cửa tử rồi lại trở về cõi trần gian. Chỉ còn một lần nữa mà thôi, theo như lời người đồng nghiệp đang theo dõi và điều trị cho tôi. Tôi gắng gượng đứng lên bằng chính nghị lực, bằng chính đôi chân của mình. Và tôi đã HỒI SINH ...

     Tôi đã hồi sinh nhờ sự chăm sóc tuyệt đối của người bạn đời, đang cùng tôi chấp nhận sự nghiệt ngã của định mệnh. Cũng có những lúc tôi thoáng nhìn thấy vẻ mệt mỏi, chán nản trong ánh nhìn của anh, nhưng chỉ thoáng qua. Không mệt mỏi, không chán nản sao được khi phải chăm sóc tôi một thời gian quá dài như vậy. Nhưng rồi đó chỉ là một nét chấm phá thoáng qua trong cuộc đời của tôi, rồi tất cả lại trở về guồng máy bình thường. Anh vẫn chăm sóc tôi ân cần như ngày nào ...

     Tôi đã hồi sinh nhờ sự quan tâm đặc biệt của con cái, nhất là con gái và con dâu. Đứa con gái xa tôi phần tư vòng trái đất, luôn luôn theo dõi, nghe ngóng từng bước chân. Đứa con dâu trăm công nghìn việc để kiếm sống trong cuộc sống khó khăn này, nhưng vẫn luôn kề vai gánh vác tất cả những việc cần thiết để tôi được sống vui và điều trị tốt đẹp.

     Tôi đã hồi sinh nhờ các em tôi, luôn luôn cầu nguyện, luôn luôn lo lắng cho tôi. Thấy tôi khỏe hơn , các em vui mừng, thấy tôi mệt, các em cũng kém vui.
Tôi đã hồi sinh nhờ quý Thầy Cô của hai ngôi trường tôi từng theo học: Y Khoa Huế và Đồng Khánh Huế. Quý Thầy Cô ghé thăm tôi, an ủi, yểm trợ tinh thần cho tôi. Những Thầy Cô ở xa thì viết thư, email cho tôi để tôi có thêm nghị lực chống chọi với căn bệnh.

     Tôi đã hồi sinh nhờ những viên thuốc quý mà các bạn cựu nữ sinh trường Đồng Khánh đã gửi về cho tôi. Tôi uống những viên thuốc diệt tế bào ung thư, nhưng đồng thời cũng uống luôn tất cả tình yêu thương mà các bạn đã ân cần trao gửi. Những giọt nước mắt của các bạn như những dòng suối tươi mát, dịu ngọt , rửa sạch trong tôi những muộn phiền, cay đắng mà tôi phải gánh chịu trong thời gian này.
     Tôi đã hồi sinh nhờ những ân tình của các anh chị em đồng môn Y Khoa Huế. Những người đã được giáo dục bằng tình thương, bằng y đức, đã hết lòng yểm trợ cho người đồng môn xấu số này. Các anh chị em đã ghé thăm, an ủi, chia xẻ với tôi rất nhiều. Những giọt nước mắt long lanh trên khóe mắt của người đàn anh khóa một, nay đã trở thành một vị Giáo Sư đọng lại trong lòng tôi những cảm xúc mà không có lời văn nào diễn tả hết được.Ôi !! Làm sao tôi trả được hết những món nợ ân tình này. Cho nên tôi đã tự nguyện với lòng mình, khi bình phục, tôi sẽ giúp đỡ cho các bệnh nhân chẳng may mang căn bệnh như tôi, trong khả năng có thể của mình, đề phần nào như sự đền đáp đối với nghĩa tình của các anh, các chị, các em ....
     Tôi đã hồi sinh nhờ những chén cháo, ly sữa, những chiếc bánh, trái cây, những lẳng hoa, những món ăn đầy ắp ân tình của bạn bè tôi, bạn chồng tôi, của đứa cháu dâu gọi tôi bằng thím ...Những món ăn gói gọn yêu thương mà mọi người muốn ân cần trao gửi tôi như những lời cầu nguyện chân thành nhất đến Thượng Đế, để mong Ngài ban phúc lành cho tôi.

     Và như vậy, tôi ngụp lặn trong tình yêu thương của tất cả mọi người. Vườn hoa TÌNH BẰNG HỮU tràn ngập những cánh hoa đủ mọi sắc màu, tập trung nhiều loại hương thơm ngào ngạt. Trong vườn hoa bằng hữu yêu thương ấy, có những con sâu, thì tôi ước mong rằng những con sâu ấy sẽ hóa thân thành loài bướm, để mang thêm hương sắc cho đời. Rồi những con bướm ấy sẽ bay đi, trả lại sự thanh khiết ngọt ngào cho Tình Bạn, để vườn hoa Tình Bằng hữu trong tôi là một điểm tựa tinh thần, tiếp thêm nghị lực cho tôi để chống chọi với định mệnh khắc nghiệt.

     Cuộc đời phải có ĐƯỢC và có MẤT. Kiểm chứng lại trong cuộc đời mình, tôi đã ĐƯỢC nhiều hơn là MẤT đi. Như vậy, tôi vẫn cảm thấy mình thật hạnh phúc, cho dù định mệnh có khắc nghiệt với tôi thế nào đi nữa.
Vậy là chỉ còn một lần chemo nữa, rồi tôi sẽ được phẫu thuật lại để đưa ruột trở về vị trí ban đầu. Tôi sẽ sống, và sống một cuộc sống thật bình thường như bao nhiêu người khác. Có khác chăng là những vết sẹo chằng chịt còn lại trên cơ thể tôi, là chứng tích cho một nghiệp chướng mà tôi phải đeo mang đến cuối cuộc đời.

     Kính xin quý Thầy Cô, quý anh chị và các bạn hãy góp lời cầu nguyện cho tôi được sống những tháng ngày còn lại thật an lành và hạnh phúc. Cuối cuộc đời rồi ai cũng sẽ ra đi, nhưng tôi sẽ mỉm cười khi từ giã cõi trần gian để về một thế giới khác, thế giới không có sự đố kỵ nhỏ nhen ...
     Hãy chúc phúc cho tôi, và tôi cũng muốn chúc phúc cho tất cả mọi người, để không một ai trong chúng ta phải bước đến nơi địa ngục trần gian như tôi cả .

                                                   Tháng 5 năm 2012
                                               BS MAI BĂNG THANH


Thăm bạn Băng Thanh ngày 29-9-2012


         Đến ngày 20-11-2012,  Băng Thanh vẫn dự buổi họp mặt của Cựu Học sinh Trường Trung học Tổng hợp Buôn Mê Thuột tổ chức thường niên tại Saigon. Nếu không biết , khó ai có thể nói rằng Băng Thanh hôm đó đang mang theo mình chứng nan y .
         Đây là Clip hình ảnh Băng Thanh đang trình diễn tặng Thầy Cô và các bạn bài "Ngàn Thu áo tím"  trong ngày hôm đó:

             

       Và hơn một năm sau, ngày 16-10-2013, lúc 20g30, bạn Băng Thanh đã đi về cõi vĩnh hằng để lại nhiều tiếc thương cho gia đình , các Thầy Cô giáo,  bạn bè và những người quen biết.