6 tháng 8, 2016

GIAI ĐIỆU PHÙ TANG

                     
         Haru no yuki ( Tuyết rơi mùa xuân) là bài hát trong bộ phim cùng tên của Nhật bản, nói về tình yêu thời phong kiến. Bài hát có giai điệu rất đặc trưng của xứ Phù tang, gần giống như bài Sakura (Hoa Anh đào), kết hợp với những hình ảnh tuyết rơi và 1 giọng nữ truyền cảm, nghe xong chỉ muốn đi Nhật chơi một chuyến.

                   
           
               

               Nhạc Nhật bản như bài Haru no yuki thuộc thể loại Enka 演歌 hiện đại, là một trong những thể loại âm nhạc hiện đại lẫn truyền thống của Nhật. đã được phát triển trong thời sau chiến tranh, những "nốt nhỏ không có điểm thứ bốn và thứ bảy". Haru no yuki được soạn theo âm giai ngũ cung (trưởng) hay còn gọi là pentatonic là một âm giai với 5 nốt nhạc Do Re Fa Sol La trong mỗi quãng támkhác với âm giai thất cung (heptatonic) gồm 7 nốt Do Re Mi Fa Sol La Si . Cũng khác với ngũ cung HÒ. XỰ. XANG. XÊ. CỐNG trong nhạc cổ truyền của Việt nam.

( Ngoài ra còn có các âm giai nhị cung, tam cung, tứ cung. Ví dụ: 
Hát Nói trong Hát Ả Ðào theo âm giai nhị cung chỉ dùng 2 nốt Fa và Do
Hồng hồng tuyết tuyết Fa Fa Do Do
Mới ngày nào chẳng biết cái chi chi Do Fa Fa Fa Do Do Do Do...)


Một bản nhạc khác thuộc thể loại Enka là bài  No Yume wa Yoru :

 

            
          Bài SAKURA SAKURA (Hoa Anh đào), một bản nhạc truyền thống của Nhật được trình tấu bằng Đàn Tranh cũng vậy:


                 

                 Hầu hết các ca khúc thịnh hành của Adamo đều được đặt thêm lời tiếng Nhật, nhưng không có bài nào có thể sánh bằng nhạc phẩm Tuyết rơi (Tombe la neige). Phiên bản tiếng Nhật thịnh hành đến mức, nhiều thế hệ người Nhật xem đây là một tình khúc của xứ hoa anh đào, một di sản văn hóa xứ Phù Tang, chứ không phải là nhạc nước ngoài.
          Theo lời của chính tác giả Adamo, sở dĩ bài Tuyết rơi được yêu chuộng đến như vậy là vì những câu hát mở đầu lại có nhịp ngũ thất (5-7), tức là gần giống với thơ bài cú (haïku) của người Nhật:
Tombe la neige,
Tu ne viendras pas ce soir.
Tombe la neige,
Et mon cur s'habille de noir.
Trong tiếng Nhật bài Tuyết rơi được tác giả Yasui Kazumi chuyển dịch thành Yuki ga Furu , người đầu tiên hát bài này trong tiếng Nhật là nữ ca sĩ Koshiji Fubuki.
           Nhưng phiên bản tiếng Nhật thịnh hành, được ưa chuộng nhất châu Á vào giữa những năm 1970 do ca sĩ người Đài Loan Đặng Lệ Quân (Teresa Teng) trình bày:

                  

                                                   
                                       Mùa hoa Anh Đào của Thanh Sơn

                

26 tháng 7, 2016

NHỮNG HÌNH ẢNH RẤT ĐẸP VỀ KHU TU VIỆN SERTHAR (thung lũng Larung Gar)TÂY TẠNG

Khu Tu Viện Phật Giáo Serthar Tây Tạng Với 40,000 Tăng Ni & Sinh Viên Lưu Trú

16 Tháng Mười Một 201416:37(Xem: 21492)
Khu Tu Viện Phật Giáo Serthar Tây Tạng Với 40,000 Tăng Ni & Sinh Viên Lưu Trú
Tọa lạc trên những dãy núi trùng điệp, lọt thõm trong thung lũng Larung Gar, hàng ngàn ngôi "già lam nhỏ" đã làm nên một trong những tu viện Phật giáo lớn nhất thế giới. Đó chính là khu tu viện Phật giáo Serthar, thuộc hạt Graze, Tây Tạng.
Khu tu viện có 40.000 Tăng Ni (1)Khu tu viện Phật giáo Serthar, thuộc hạt Graze, Tây Tạng 
Nhiếp ảnh gia người Nhật Bản, Shinya Itahana đã đến thăm thung lũng Larung Gar nhiều lần để thu vào ống kính của mình những hình ảnh đẹp của vùng này trong các mùa xuân, hạ.
Ông cho biết: “Đây là một nơi rất hiếu khách và thân thiện, miễn là bạn đừng “làm phiền” không gian bình yên và tĩnh lặng của nơi này. Nơi đây không chỉ là một địa chỉ hành hương mà còn là một danh thắng được người nước ngoài yêu thích”.
Để đến được nơi này cũng không phải dễ dàng, cách Thành Đô khoảng hơn 640km. Bạn đi bằng ô tô thì mất khoảng 13-15 giờ đồng hồ. Vào mùa đông, thời gian di chuyển sẽ dài hơn nhiều vì đừng sá xấu hơn. Nhưng điều này không làm ngăn cản dòng người đến Phật học viện này để học và nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng.
Khu tu viện này cao hơn 3.800m so với mực nước biển và là nơi cư trú của hơn 40.000 Tăng Ni và các sinh viên tôn giáo.
Các ngôi nhà nhỏ đa phần được làm bằng gỗ, có cấu trúc, kích thước và kiến trúc đồng bộ với nhau.
Mời bạn đọc tham quan tu viện bằng hình ảnh dưới đây:
Khu tu viện có 40.000 Tăng Ni (2)Cận cảnh nơi lưu trú của chư Tăng Ni, sinh viên học Phật tại tu viện
3.jpg
Mùa cây lá không còn
4.jpgMùa cỏ về xanh lại
5.jpgMột góc từ trên cao
6.jpgCao cao, hùng vĩ, những người con Phật nương náu nơi này để tìm cầu chân lý
7.jpgCon đường uốn quanh khu thung lũng
8.jpgHình ảnh không lẩn vào đâu được của các tu viện, nơi tu sinh học theo Phật giáo Tây Tạng quay về
9.jpgGóc học tập
10.jpgMột góc cận cảnh về tu viện
11.jpgMột buổi sinh hoạt tập thể, tự do giữa thiên nhiên
12.jpg
13.jpgSinh hoạt thường ngày của Tăng Ni, sinh viên tại tu viện
14.jpgVà cả của chú cừu này - Ảnh: Shinya Itahana/ Barcroft India
Trần Trọng Hiếu (Theo The dailymail.co.uk)Trần Trọng Hiếu (Theo The dailymail.co.uk)

1 tháng 7, 2016

Đại Học miền Nam trước năm 1975. (GS Lê Xuân Khoa)




Xin trân trọng giới thiệu một bài viết đặc sắc của Gs Lê Xuân Khoa về nền giáo dục đại học ở miền Nam trước 1975. Đây là bài viết sẽ xuất hiện trong Kỉ yếu Humboldt do Ts Nguyễn Xuân Xanh biên soạn. Giáo sư Lê Xuân Khoa là một "chứng nhân" của nền giáo dục đại học trước 1975, vì ông từng giữ những chức vụ quan trọng như giáo sư triết học phương Đông tại ĐH Văn khoa Sài Gòn, thứ trưởng Bộ Giáo dục (1965) và phó viện trưởng (như phó hiệu trưởng đại học ngày nay) của Viện Đại học Sài Gòn (1974-1975). Ông định cư ở Mĩ năm 1975, trở thành giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Ðại học Johns Hopkins.  Nay thì ông đã nghỉ hưu. Tôi từng có cơ duyên gặp ông ở Mĩ. Đó là một người đàn anh rất đáng kính, dù ở xa nhà nhưng lúc nào cũng đau đáu nghĩ về quê nhà. Ông là tác giả cuốn sách "Việt Nam 1945-1995, Tập I" rất có giá trị, và tác giả của nhiều tiểu luận đáng chú ý. Ông còn có nhiều hoạt động cộng đồng và thiện nguyện trong cũng như ngoài nước. Mời các bạn theo dõi bài viết của ông và những nhận xét của tôi trong một chuyến về quê gần đây. NVT


image


Gs Lê Xuân Khoa

Khi được một thành viên trong Ban chủ biên Kỷ yếu Humboldt 200, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, mời viết một bài về Đại học Miền Nam cho tập Kỷ yếu đánh dấu 200 năm Đại học Humboldt, tôi rất vui vì có cơ hội tham gia vào một công trình có ý nghĩa của một tập hợp trí thức trong và ngoài nước quan tâm đến sứ mệnh giáo dục Đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi đã rất ngần ngại nhận lời, không chỉ vì tôi đã rời xa ngành giáo dục Việt Nam trên 35 năm mà còn lo ngại ký ức của tôi không còn nhớ nhiều về tổ chức và hoạch định chính sách cho nền giáo dục Đại học Miền Nam trước 1975. Quả thật, ngoài 15 năm giảng dạy một môn học rất xa thực tế là “Triết học Upanishad” và “Thiền học Việt Nam” ở Đại học Sài-gòn (sau này có dạy thêm “Văn minh Việt Nam” ở Đại học Đà-lạt,) tôi chỉ tham gia vào bộ phận điều hành ở Bộ Giáo dục, Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Sài-gòn trong những thời gian rất ngắn, từ năm tháng tới một năm. Tôi cũng ít có dịp hợp tác trực tiếp với những nhà lãnh đạo Đại học, trừ bốn người là cố Giáo sư Nguyễn Quang Trình (ĐH Sài-gòn), cố Linh mục Nguyễn Văn Lập (ĐH Đà-lạt), Thượng Tọa Thích Minh Châu (ĐH Vạn Hạnh) và cố Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy (ĐH Sài-gòn). Nhưng tôi đã được TS Nguyễn Xuân Xanh thuyết phục khi anh nhắc nhở rằng một bài viết về Đại học miền Nam của một “người trong cuộc”, dù ít dù nhiều cũng là điều không thể thiếu trong tập kỷ yếu Humboldt 200, trong đó có phần lịch sử Đại học Việt Nam từ thời cổ, triết lý và quá trình phát triển của nó trong 30 năm chiến tranh (1945-1975) và 35 năm sau thống nhất, đặc biệt là những vấn đề của hiện tại và nhu cầu “đổi mới để nhanh chóng vươn lên với thế giới”.



Vì đã có nhiều tác giả viết về lịch sử, triết lý và hệ thống tổ chức của nền giáo dục miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) từ Tiểu học tới Đại học, tôi thấy không cần thiết phải mô tả lại hệ thống giáo dục này. Tôi sẽ chỉ trình bày một số nhận xét và kinh nghiệm riêng của tôi về chính sách và điều kiện sinh hoạt Đại học trong khung cảnh chung của nền giáo dục ở miền Nam trước 1975, sau khi đã kiểm lại một số dữ kiện với hai bạn đồng nghiệp cũ là Giáo sư Nguyễn Thế Anh và Giáo sư Lê Thanh Minh Châu, cả hai đều từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Huế. Tuyệt nhiên đây không phải là một bài nghiên cứu hay luận thuyết mà chỉ là một bài ghi nhận  một số sự kiện đáng được lưu ý trong lịch sử ngắn ngủi 20 năm của nền giáo dục đại học ở miền Nam, từ ngày đất nước chia đôi đến ngày thống nhất. Do sự suy giảm của trí nhớ, tôi có thể đã bỏ sót hay không nhớ đích xác một số sự kiện diễn ra trên dưới 50 năm về trước.


Từ trung ương tập quyền đến tự trị đại học 


Nói đến giáo dục Đại học hiện đại không thể không nói đến quyền tự trị của Đại học. Đó là xu thế chung của đại học ở các nước dân chủ như một điều kiện cho sự phát triển của con người và xã hội. Điều 10 trong Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa năm 1967 ghi rõ: “Nền giáo dục Đại học được tự trị”. Điều này phản ánh tinh thần khai phóng trong triết lý giáo dục miền Nam được xác định trong Đại hội giáo dục lần thứ nhất năm 1958, với ba nguyên tắc căn bản là “nhân bản, dân tộc, khai phóng”. Đại hội này được tổ chức với sự tham gia của đại diện giáo chức các cấp trên toàn quốc cùng một số trí thức độc lập bên cạnh các đại diện của Bộ Giáo dục. Mọi quyết định của hội nghị đều là kết quả của những cuộc thảo luận và biểu quyết hoàn toàn tự do không có bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền. Tinh thần khai phóng ở Đại học được thể hiện rõ rệt nhất trong việc tiếp thu những kiến thức khoa học tiến bộ và những giá trị văn hóa nhân bản của thế giới nhằm hiện đại hóa đất nước và phát triển toàn diện con người. Điểm này sẽ được đề cập chi tiết hơn ở một đề mục dưới đây.


Thật ra cho đến năm 1975 Đại học miền Nam vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt tình trạng chuyển tiếp từ truyền thống trí thức hàn lâm của Đại học Pháp sang truyền thống thực dụng của Đại học Mỹ. Năm 1955, trước khi Pháp hoàn tất việc chuyển giao tất cả các cơ sở công quyền cho Việt Nam, hai nước đã ký kết một bản thỏa hiệp có hiệu lực mười năm về hợp tác và trao đổi văn hóa. Lý do là chính phủ Pháp muốn duy trì sự hiện diện và ảnh hưởng của văn hóa Pháp ở Việt Nam trong lâu dài, trong khi chính phủ mới ở miền Nam cũng cần phát triển giáo dục từ một nền tảng đã có sẵn, nhất là vì các nhà lãnh đạo chính quyền và trí thức đại học đều được đào tạo bởi nền giáo dục Pháp. Trong mười năm đó, chính phủ Pháp cấp học bổng cho nhiều giáo sư trung học sang Pháp tu nghiệp ngắn hạn hay tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ. Nhưng dần dần ảnh hưởng Pháp mờ nhạt đi kể từ khi Việt Nam bắt đầu gửi công chức và sinh viên sang Hoa Kỳ, Úc, Tân-Tây-Lan và các nước khác vào những năm cuối thập kỷ 1950.


Truyền thống giáo dục cổ điển của Đại học Pháp bắt nguồn từ bản Hiến Pháp năm 1791 (hai năm sau Cách Mạng 1789) xác định vai trò của quốc gia trong giáo dục, bảo đảm mọi công dân có cơ hội đồng đều về giáo dục ở mọi cấp và mọi ngành. Những nghị định năm 1806 và 1808 dưới thời Napoléon I đặt toàn thể hệ thống giáo dục từ tiểu học tới đại học dưới sự điều hành và kiểm soát của Bộ Quốc gia Giáo dục. Chính sách trung ương hóa nền giáo dục toàn quốc có mục đích kiện toàn nền thống nhất của quốc gia và tinh thần đoàn kết trong nhân dân Pháp. Định chế toàn quốc ấy đã tồn tại cho đến tận ngày nay, nhưng qua nhiều lần cải cách, chức phận điều hành và kiểm soát của Bộ Giáo dục đã được nới lỏng để con người được phát triển đầy đủ và tự do hơn. Đặc biệt ở cấp Đại học, sự kiểm soát không nhắm vào các hoạt động hàn lâm mà chú trọng đến sự hợp lệ trong các thủ tục điều hành ngân sách và nhân viên.


Chịu ảnh hưởng truyền thống cổ điển của Pháp, giáo dục đại học ở miền Nam không được tự trị về cả ba phương diện ngân sách, nhân viên và học vụ. Quả thật các Viện Đại học Sài-gòn, Huế, Cần Thơ, Đại học Bách Khoa Thủ Đức, các trường Cao đẳng và Đại học Cộng đồng của chính phủ đều được đặt dưới quyền điều hành của Bộ Giáo Dục. Các quyết định quan trọng như tuyển dụng hay thăng ngạch trật của giáo sư, mua sắm vật liệu hay chi phí xây dựng đều phải trình cho Bộ trưởng duyệt ký. Riêng chức vụ Viện trưởng là do Tổng thống bổ nhiệm, nhưng dưới thời Đệ nhị Cộng hoà thì việc bổ nhiệm Viện trưởng phải được Quốc hội thông qua sau một buổi điều trần về đường lối và tổ chức Đại học. Tiếp theo đó, Thủ tướng bổ nhiệm các Phó Viện trưởng theo đề nghị của Viện trưởng nhưng không cần phải thông qua Quốc hội. Chữ ký của Viện trưởng trên các văn bằng Đại học luôn luôn theo sau dòng chữ “Thừa ủy nhiệm Bộ trưởng Giáo dục”. Các khoản viện trợ từ bên ngoài cho phảt triển Đại học cũng phải qua ngân sách của Bộ Giáo dục ngoại trừ dưới hình thức hiện vật như sách vở, dụng cụ, máy móc, hay giáo sư thỉnh giảng (visiting professors) không do chính phủ Việt Nam trả lương. Nguồn viện trợ thường là các chương trình ngoại viện của các chính phủ Pháp, Mỹ, Úc, Tân-Tây-Lan . . . Về học vụ, mặc dù nội dung chương trình giảng dạy thuộc thẩm quyền của Đại học, việc tổ chức các phân khoa, thi cử và văn bằng cùng với mọi sáng kiến thay đổi hay dự án mới đều phải được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục. Tóm lại, Bộ Giáo Dục giữ vai trò điều hợp tổng quát các đại học để thống nhất về mặt triết lý giáo dục, quản trị nhân viên và tài chánh (trừ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh huấn luyện công chức là trực thuộc phủ Tổng Thống).


Công bằng mà nói thì truyền thống đại học của Pháp không hẳn là một di sản xấu khiến cho đại học Việt Nam bị yếu kém về phẩm chất, như nhận xét của hai tác giả Thomas Vallely và Ben Wilkinson trong bản phúc trình của Đại học Harvard năm 2009. Nhận xét này đã bị Giáo sư Tạ Văn Tài phản bác rất đúng khi ông trả lời cuộc phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, nhấn mạnh rằng những giáo sư đại học Việt Nam do Pháp đào tạo đều là những trí thức ưu tú không thua kém gì những đồng nghiệp người Pháp hay ngoại quốc khác. Họ đã xây dựng vững chắc nền đại học miền Nam từ 1954 và hầu hết sinh viên của họ khi ra nước ngoài đi làm hay học lấy bằng cấp cao hơn cũng đều là những nhân tài xuất sắc. Có bậc thày không chỉ có công đào tạo ít nhất là hai thế hệ sinh viên mà còn là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp. Chẳng hạn, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, người có công gây dựng Đại học Văn Khoa từ những ngày đầu ở Hà Nội vào năm 1949-1950; bên Y khoa không mấy ai không biết đến Giáo sư Phạm Biểu Tâm là một vị thày thuốc điển hình của truyền thống Hippocrate.

Ở miền Nam, khi ghi trong Hiến pháp năm 1967 là “Nền giáo dục Đại học được tự trị,” các nhà làm chính sách giáo dục đã xác nhận sự cần thiết phải hội nhập với thế giới dân chủ, nhất là theo mô hình của Mỹ. Nhưng việc trao cho đại học quyền tự trị, nhất là về quản trị nhân viên và sử dụng ngân sách, từ những định chế lâu đời như Bộ Giáo dục, Tổng Nha Công vụ và Tổng Nha Ngân sách đòi hỏi những sự thay đổi hay điều chỉnh thích hợp về luật lệ và thủ tục, do đó cần phải có thời gian thực hiện theo một tiến trình chuyển tiếp.


image
Trụ sở Viện Đại Học Sài Gòn cạnh bên Hồ con rùa (góc đường Duy Tân - Trần Quý Cáp).


 Trước 1975, các trường ĐH công lập như Luật khoa, Văn khoa, Kiến trúc, Dược khoa và Y khoa v.v... đều là các Phân khoa thuộc Viện ĐH Sài Gòn. (Hình ảnh và ghi chú trích từ "flickrer" manhhai)
Dù sao trong tiến trình tự trị hóa, Đại học miền Nam đã được hưởng nhiều ưu đãi. Các đề nghị của Hội đồng đại học về nhân viên hay ngân sách thường được chính phủ chấp thuận mau chóng ngoại trừ những quyết định thật quan trọng. Do sự tín nhiệm sẵn có đối với lãnh đạo đại học, sự chấp thuận của chính phủ được căn cứ vào sự hợp lệ về hành chánh và khả năng ngân sách hơn là xét về nhu cầu và giá trị của đề nghị. Về mặt học vụ, sự chấp thuận của Bộ Giáo dục lại càng có tính hình thức hơn nữa vì không khi nào Bộ ra chỉ thị hay can thiệp vào việc ấn định nội dung các môn học, thể lệ thi cử và chấm thi, các công tác nghiên cứu và giảng dạy, miễn là không trái ngược với ba nguyên tắc căn bản là nhân bản, dân tộc và khai phóng. Chính sách uyển chuyển này đối với lãnh đạo đại học đưa đến thái độ mặc nhiên chấp thuận cho đại học thử nghiệm sáng kiến mới để rốt cuộc chính thức công nhận kết quả của thử nghiệm. Một thí dụ: khoảng giữa năm 1965, tôi được biệt phái từ Đại học Văn khoa Sài-gòn sang Viện Đại học Vạn Hạnh trong một năm để giúp tổ chức và soạn thảo chương trình cử nhân cho Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn.  Sau khi hội ý với Thượng Tọa Viện trưởng Thích Minh Châu và được sự đồng ý của Thượng Tọa, tôi bắt đầu soạn thảo các môn học theo hệ thống tín chỉ (credits) thay thế cho các chứng chỉ cử nhân nhưng vẫn duy trì chế độ niên khóa. Tôi trở về Đại học Sài-gòn khi xong công việc và được biết dự án cải cách dung hòa cũ-mới này sau đó được Hội đồng Viện hoàn chỉnh và lần lượt áp dụng vào các Phân khoa khác. Điều đáng chú ý là khi Viện ĐH Vạn Hạnh trình dự án này lên Bộ Giáo dục xin ý kiến, Bộ không chính thức chấp thuận hay bác bỏ, nhưng các văn bằng cử nhân của Đại học Vạn Hạnh đều được Bộ công nhận. Những buổi lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên luôn luôn có sự hiện diện của Bộ trưởng Giáo dục. Từ đầu thập kỷ 1970, hệ thống tín chỉ chính thức được áp dụng ở các Đại học Cộng đồng và Đại học Bách khoa Thủ đức của chính phủ.



image
Một buổi lễ tốt nghiệp của Viện Đại học Vạn Hạnh trước năm 1975. Trong ảnh Viện trưởng, HT Thích Minh Châu đang đọc thuyết văn


Sự nảy nở các đại học cộng đồng (hay đại học sơ cấp hai năm) từ 1971 đáp ứng nhu cầu thực tế về nhân lực của địa phương và thể hiện tinh thần dân chủ vì có sự tham gia trực tiếp về tài chính và quản lý của địa phương đó. Sự thành lập Đại học Bách Khoa Thủ Đức năm 1973 được phỏng theo mô hình California Polytechnic State University đích thực là một đại học đa khoa, không chỉ gồm những phân khoa thiên về nghiên cứu mà bao gồm cả các ngành thực tiễn như nông nghiệp, kỹ thuật cơ khí, điện tử . . . là những ngành cần thiết cho nền kinh tế tại Đô thành và các tỉnh lân cận. Một đặc điểm trong chương trình đại học cộng đồng hồi đó là chương trình giáo dục bổ túc dành cho những sinh viên do hoàn cảnh chiến tranh nên thiếu căn bản vững chắc để theo các lớp đại học. Chương trình này cũng nhắm vào những quân nhân giải ngũ, nhất là khi đất nước hòa bình, cần được cập nhật và bổ túc kiến thức sau một thời gian bị gián đoạn việc học. Như vậy, việc cải cách giáo dục đại học theo xu hướng thực dụng và dân chủ hóa đã thật sự bắt đầu từ năm 1971.

Tự do học thuật và phát triển con người


Mặc dù một phái đoàn của Đại học Michigan đã đến Sài-gòn từ năm 1954 để giúp cải tổ chương trình đào tạo cán bộ ở Học viện Quốc gia Hành chánh, ảnh hưởng giáo dục đại học Mỹ chỉ bắt đầu ba bốn năm sau và đến những năm đầu thập kỷ 1970 mới có sự tăng tốc trong tiến trình đổi mới, với sự nâng cấp một số trường Cao đẳng Chuyên nghiệp, sự ra đời của một loạt Đại học Cộng đồng và của trường Đại học Bách Khoa Thủ Đức. Thế hệ trí thức theo truyền thống cũ của Pháp cũng ý thức được nhu cầu đổi mới và lợi ích của tự trị đại học trong công cuộc phát triển xứ sở nên cũng sẵn sàng chuyển hướng theo triết lý giáo dục của Mỹ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực dân chủ hóa và thực tiễn hóa giáo dục đại học không có đủ thời gian thành tựu khi chế độ Cộng Hòa ở miền Nam sụp đổ năm 1975.


Tự trị học vụ trong qui chế tự trị đại học thường bị lẫn lộn với một chức năng liên hệ là tự do nghiên cứu và giảng dạy nay đã trở thành một truyền thống đại học ở các nước dân chủ. Đến đây, cần phải nhắc đến triết lý giáo dục của Đại học Humboldt nhấn mạnh vào sứ mệnh của trí thức đại học là phát triển toàn diện con người bằng khoa học và văn hóa, và điều kiện của phát triển là tự do nghiên cứu, sáng tạo và giảng dạy. Phát triển con người bằng khoa học là tinh thần khai phóng, phát triển con người bằng văn hóa là tinh thần nhân bản. Đó là hai nguyên tắc chính yếu đã được đưa vào triết lý giáo dục các cấp ở miền Nam cùng với nguyên tắc thứ ba là tinh thần dân tộc, theo thứ tự “nhân bản, dân tộc, khai phóng,” phù hợp với nhu cầu và sứ mệnh của một quốc gia đang mở mang muốn vươn lên và hội nhập thành công trong cộng đồng thế giới.


Giáo dục nhân bản lấy con người làm cứu cánh nên chú trọng vào việc xây dựng đạo làm người, phát triển mầm mống tốt ở con người, phục vụ nhân sinh để tiến đến một xã hội hoàn thiện, đúng như đã được định nghĩa trong sách Đại học của Nho giáo (Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện). Đạo Nho có những giáo điều phong kiến lỗi thời nhưng những nguyên tố để đào tạo mẫu người lý tưởng như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đều có giá trị phổ quát và vĩnh viễn. Người “quân tử” hay “kẻ sĩ” thời phong kiến khác với người “trí thức” thời dân chủ về trách nhiệm cụ thể, nhưng hoàn toàn giống nhau về tư cách đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Giáo dục dân tộc nhằm bồi dưỡng tinh thần hiếu hòa nhưng nhiệt tình yêu nước của giống nòi Hồng Lạc qua hơn hai nghìn năm lịch sử, bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Tinh thần dân tộc được thể hiện ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng Ba 1945 và trao trả độc lập cho chính quyền Bảo Đại/Trần Trọng Kim: nền giáo dục Việt Nam lập tức được Việt hóa với chương trình Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Giáo dục khai phóng tiếp thu những tri thức khoa học, kỹ thuật và tinh hoa văn hóa của các nước Tây phương một cách không định kiến. Rút kinh nghiệm mất nước vì chính sách tự cô lập với thế giới của vua chúa nhà Nguyễn, giáo dục khai phóng cũng du nhập những tư tưởng mới về triết học và chính trị, chuẩn bị cho học sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học hay trung học có điều kiện trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.


Tinh thần khai phóng được thể hiện đầy đủ nhất ở Đại học qua sự thành lập các trường đại học mới, bổ sung tính chất nghiên cứu hàn lâm bằng khuynh hướng thực dụng để gia tăng khả năng phát triển kinh tế và công nghệ hóa miền Nam. Trong hai năm đầu, miền Nam mở thêm hai đại học, một công là Đại học Huế và một tư là Đại học Đà-lạt, cùng thành lập trong năm 1957; từ 1964 đến 1972 có thêm một đại học công là Đại học Cần Thơ (1966) và năm đại học tư là ĐH Vạn Hạnh (1964), ĐH Phương Nam (1967), ĐH Hòa Hảo (1970), ĐH Cao Đài (1971) và ĐH Minh Đức (1972). Sự gia tăng con số đại học tư—tổng cộng sáu đại học tư đều do bốn tôn giáo chính ở Việt Nam thành lập—cho thấy một đặc tính dân chủ ở miền Nam, mặc dù sự phát triển tự do này có vẻ biểu hiện nhu cầu xác lập vai trò và ảnh hưởng của mỗi tôn giáo trong xã hội hơn là nhu cầu thật sự về giáo dục đại học. Một đặc điểm khác của tinh thần khai phóng là quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo và giảng dạy của các giáo sư. Các chứng chỉ, văn bằng và các môn học vẫn phải được Bộ Giáo dục duyệt y, nhưng nội dung các môn học và phương pháp giảng dạy đều do mỗi giáo sư tự ý quyết định.


Đáng tiếc là do tình hình chiến tranh, các hoạt động tự do học thuật này không phát triển được đến mức độ cao như mong đợi. Quả thật các giáo sư Đại học miền Nam được tự do nghiên cứu và giảng dạy, nhưng họ lại thiếu điều kiện để phát huy khả năng của họ. Trước hết là sự thừa kế truyền thống đại học cũ của Pháp từ thời Đại học Đông Dương. Trong những năm đầu chuyển tiếp từ 1954, Đại học Sài-gòn còn giảng dạy bằng tiếng Pháp ở các Phân khoa, trừ trường Văn Khoa, Cao đẳng Sư Phạm. (Ở trường Luật, nhờ những nỗ lực đặc biệt của GS Khoa trưởng Vũ Quốc Thúc và các đồng nghiệp của ông như Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Cao Hách, việc giảng dạy bằng tiếng Việt đã thực hiện được từ niên khóa 1955-56.) Ngay cả khi đã hoàn toàn Việt hóa, Đại học miền Nam vẫn theo mô hình cũ của Pháp về tổ chức học theo năm và thói quen giảng bài hay phát bài cho sinh viên học thuộc lòng, trừ một số bộ môn khoa học như Toán và Vật lý. Giáo sư ít có những công trình nghiên cứu riêng, giữ nguyên bài giảng hàng năm hoặc chỉ thêm bớt đôi chút, không hoặc ít hướng dẫn cho sinh viên đọc sách tham khảo và thảo luận trong lớp học. Điểm bài thi cuối năm cao hay thấp phần lớn là tùy theo mức độ thuộc bài của sinh viên. Cho đến những năm cuối thập kỷ 1960, truyền thống cũ mới bắt đầu được thay đổi do sự trở về nước của một số giáo sư sau thời gian du học hay tu nghiệp ở những quốc gia ngoài hệ thống của Pháp như Anh, Đức, Úc, Tân-Tây-Lan, Nhật và Hoa Kỳ. Thật vậy, số người đậu tiến sĩ ở những nước này về Việt Nam dạy học gia tăng từ những năm giữa thập kỷ 1960, nhưng trách nhiệm lãnh đạo về học vụ vẫn ở trong tay thế hệ chịu ảnh hưởng của Pháp, vừa có thâm niên vừa chiếm đa số. Hệ thống giáo dục Đại học vì thế vẫn còn khá bảo thủ. Sự kéo dài tình trạng chuyển tiếp được thấy rõ ở Đại học Y khoa vào những năm cuối cùng: thành phần giảng huấn gồm các giáo sư Việt, Pháp và Mỹ, nhưng một số giáo sư người Việt khi giảng dạy vẫn pha lẫn tiếng Pháp và các bài giảng được viết bằng Pháp văn, đem đánh máy và in ronéo cho sinh viên học thuộc lòng để làm bài thi cuối năm.


image


Trường Sư phạm, thuộc Viện ĐH Sài gòn




Trong thời gian chuyển đổi từ ảnh hưởng của Pháp sang ảnh hưởng của Mỹ, một số giáo sư do Pháp đào tạo được đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ và khi về nước đã cập nhật kiến thức và phương pháp mới vào việc giảng dạy. Mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng mới và cũ tan biến mau chóng ngay cả ở Y, Dược khoa và sinh viên rất thích thú được hướng dẫn tra cứu thêm những sách báo y học và khoa học của Mỹ. Bên Luật khoa, các giáo sư trẻ mới du học về đưa ngay vào học trình một số môn mới trong hệ thống đại học Mỹ như kinh toán học, thống kê, phương pháp các khoa học xã hội, chính trị, bang giao quốc tế. Từ nay, thay vì chỉ ghi chép bài giảng của thày và học thuộc lòng để cuối năm sẽ viết ra y hệt (cours magistral), sinh viên đã có dịp áp dụng các phương pháp  tự tìm kiếm tài liệu nghiên cứu, do đó tập được thói quen tự học suốt đời, và có dịp tranh luận  trong lớp để huấn luyện óc phê bình, sáng tạo. Bên Văn Khoa thì bất kể là giáo sư xuất thân từ đại học Pháp hay Mỹ, đều “trăm hoa đua nở”, tự do giới thiệu và phê bình các hệ tư tưởng triết học, các khuynh hướng văn học, nghệ thuật, tức là rất sát với trào lưu quốc tế. Thí dụ, hồi đó triết học hiện sinh  (existentialisme) của Kierkegaard, Heidegger, Sartre và Merleau-Ponty được thảo luận sôi nổi nhất, và những tiểu thuyết hiện sinh của Albert Camus hay Simone de Beauvoir là những tác phẩm thời thượng.  Lại có giáo sư không ngần ngại lập ra trường phái mới như Giáo sư Linh mục Kim Định viết cả ngàn trang sách về tư tưởng “Việt Nho”. Các giáo sư trong Tạp chí Đại học thì nghiên cứu và phê phán không thiếu vấn đề gì, từ triết học, văn học đến chính trị. `Đại học Văn Khoa còn có một sồ giáo sư là Thượng Tọa và Linh Mục, như TT Thích Mãn Giác, TT Thích Quảng Liên, LM Trần Thái Đỉnh, LM Hoàng Sĩ Quý. Nói chung, dù xuất thân từ bất cứ đại học nào và thuộc khuynh hướng nào, các giáo sư văn khoa và các ngành khoa học nhân văn đều áp dụng phương châm giáo dục của Kant là “không chỉ giảng dạy cho sinh viên các tư tưởng mà dạy cho họ biết tư tưởng.”




Một câu chuyện đáng ghi nhớ về tự do tư tưởng của trí thức Đại học miền Nam là vào năm 1965, ngay sau khi chính phủ quân nhân cầm đầu bởi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ được thành lập. Khi đó, Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, giao trách nhiệm đọc bài khai giảng niên khóa toàn trường cho Giáo sư Tạ Văn Tài, một trí thức trẻ mới ở Mỹ về,  xác nhận rằng ông có quyền tự do phát biểu. Giáo sư Tài đã trình bày tóm lược bản luận án tiến sĩ của ông ở Mỹ về vai trò của quân đội tại các nước Đông Nam Á, phân tích ưu khuyết điểm của chế độ quân nhân ở những nước láng giềng như Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, nhấn mạnh đến quyết định sáng suốt của một số chính quyền quân đội đã mau mắn trao trả quyền lực cho nhân dân qua bầu cử, tránh được những cuộc đấu tranh chính trị gây đau thương chia rẽ trong cộng đồng dân tộc và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cử Đại tá Dương Hồng Tuân đến tham dự và lấy bài giảng về làm tờ trình cho Hội Đồng Quân Lực. Sau đó, Tổng Thư ký Hội đồng Quân lực là Trung tướng Phạm Xuân Chiểu nhận trách nhiệm nghiên cứu bản luận án của Giáo sư Tài nhưng không thấy công bố kết quả hay phản ứng của Hội Đồng Quân Lực như thế nào.

10 tháng 3, 2016

BÚN BÒ XỨ HUẾ

Trần Đức Anh Sơn

Posted on 
Bun bo Hue 00
Bún gánh ở Huế. Ảnh: Đào Hoa Nữ
Năm 2001, sang Bỉ công tác, tôi được một gia đình “Huế kiều” mời đến nhà ăn tối. Gia chủ nghĩ tôi xa nhà đã lâu lâu chắc thèm món Huế, nên đãi tôi món bún bò – giò heo. Khi bún được dọn ra, tôi hơi ngạc nhiên vì trên tô bún bò – giò heo thơm phức chỉ có vài ngọn rau răm và dăm bảy lát hành tây xắt mỏng, kèm theo chén nước mắm, chanh và tương ớt, mà không có dĩa rau và giá sống quen thuộc. Như đoán được thắc mắc của tôi, gia chủ giải thích: “Bún bò chính hiệu Huế xưa là như rứa, chỉ có giò heo và bò bắp, không có bò nhúng và chả cua, có rau răm, hành tây làm gia vị và mấy lát bắp chuối xắc mỏng ăn kèm, không có xà lách và giá sống. Mấy thứ đó là do người đời sau thêm vô”. Tôi tin lời chủ nhân nồi bún bò hôm ấy, bởi bà là dân Huế chính gốc, rành nữ công gia chánh quá cở mấy nàng Tôn nữ ở Huế đô.
Về Huế, tôi đem chuyện tô bún bò xưa khác với nay như thế nào ra hỏi chị Rơi, người phụ nữ bán bún suốt 40 năm nay trên đất cố đô. Chị nói: “Bà bạn Việt kiều của cậu nói đúng rồi đó. Tô bún bò xưa và nay không giống nhau, cả nguyên liệu, gia vị nêm nếm và rau sống ăn kèm”. Kể từ lúc đó, tôi mới để tâm tìm hiểu về cái món ăn thân thuộc mà đã có lúc tưởng chừng như mình đã rất “am hiểu”.
Bun bo Hue 01
Bún bò nhúng của vợ tui. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Trước tiên là chuyện cái tên. Không người Huế nào gọi tô bún mình đang ăn ở Huế là bún bò Huế. Chỉ những người không phải Huế, hay những người gốc Huế rời quê hương đi xa mới gọi là bún bò Huế. Họ gọi như thế để nhấn mạnh rằng tô bún họ đang ăn, hoặc đang bán ra, là tô bún nấu theo lối Huế, để phân biệt với tô bún khác không phải do người Huế nấu hoặc không nấu theo lối Huế. Cũng như người Quảng gọi tô mì họ ăn hay bán ở xứ Quảng là tô mì, còn cái tên mì Quảng là do dân xứ khác hoặc do dân Quảng lưu hương đặt ra để nhớ về nguồn cội của tô mì ấy mà thôi. Hơn nữa, tuy gọi là bún bò nhưng trong tô bún ấy có cả giò heo và huyết heo, và sau này người ta còn thêm thịt bò nhúng, chả heo, chả cua, huyết vịt… vào tô bún bò ấy nữa. Chị Rơi giải thích: “Tô bún bò bán ở Huế thời nay có rất nhiều thứ, nhưng trước đây thường chỉ có thịt bò và thịt heo. Gọi đầy đủ phải là ‘bún bò – giò heo’, nhưng người ta hay gọi là ‘bún bò’ cho gọn. Bò được ưu tiên trong tên gọi vì hai lẽ: nước bún hầm từ xương bò và thịt bò luôn được coi là ngon hơn, quí hơn thịt heo”.
Bun bo Hue 02
Bún bò giò heo vợ tui nấu. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Linh hồn của tô bún bò cố đô chính là nồi nước bún. Nước bún nấu từ nước xương bò. Một nồi nước bún dùng cho 100 tô bún cần đến 10 ký xương bò. Xương bò mua về được rửa sạch, chần qua nước sôi rồi cho vào nồi hầm với lửa riu riu và không đậy vung. Sau vài lần lọc bỏ các lớp bọt bẩn, nước hầm xương trở nên trong dần, ngọt thanh, không có váng mỡ. Gia vị chủ lực của nước bún là sả và ruốc. Sả cho cả tép vào nồi, nấu cùng nước bún chừng 30 phút trước khi dùng. Ruốc Thuận An hòa trong nước lạnh để lấy loại bỏ phần xác sau đó mới nấu sôi, để nguội và chỉ gạn lấy phần nước trong ở bên trên để nấu bún. Nếu nêm quá nhiều ruốc thì nước sẽ nặng mùi, nhưng nếu thiếu ruốc thì tô bún sẽ trở nên nhạt nhẽo, lửng lơ vì thiếu vị. Sả có tác dụng khử bớt mùi đặc trưng của bò, khiến cho thịt bò thơm ngon, mỹ vị.
Bun bo Hue 03
Ăn tô bún Huế ni mới đã nì. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Giò heo chặt thành từng khoanh, thịt bò bắp cắt thành cục, cùng bỏ vào nấu trong nồi nước xương bò đã tinh lọc. Nước bún Huế ngọt thanh là nhờ nước xương bò và vị ngọt tự nhiên của ruốc. Tô bún Huế ngày trước thường có một khoanh giò heo, thường là “giò búp” với lớp da mỏng mềm bao quanh các thớ thịt săn chắc, hoặc là miếng thịt heo ba chỉ, kèm một miếng huyết heo đỏ sậm. Trên cùng là những lát thịt bò bắp xắt mỏng màu nâu có những đường gân màu vàng như hoa văn điểm tô trên nền gấm.
Ngày nay, ngoài thịt bò và giò heo, trong tô bún bò Huế còn có thịt bò nhúng, chả heo, chả cua, gân bò… Cua mua về lột vỏ, bỏ yếm, lóc thịt, trứng và gạch đem quết thành viên. Cua nấu bún thuở trước là cua gạch thịt chắc, nên viên chả cua ăn miếng nào là nhớ miếng đó, nói như mấy mệ Huế là “ăn vô ngậm mà nghe”. Nay thì do cua khan hiếm và đắt đỏ nên viên chả cua chỉ còn 50% thịt cua, 50% còn lại được thay thế bằng thịt heo nạc quết nhuyễn, rồi trộn lẫn với bột điều để tạo màu như cua gạch. Chả cua và bò nhúng chỉ được cho vào nồi nước bún trước khi dùng chừng mười phút.
Sợi bún thì có nhiều nơi ở Huế làm, nhưng bún ngon có tiếng phải là bún làng Vân Cù, cách Huế chừng 10 km. Làng này làm ba loại bún: bún con, bún lá và bún mớBún con là những sợi bún quấn với nhau thành lọn, rất tiện để ăn với nước mắm, nước cá ngừ. Bún lá là bún được rải thành một lớp mỏng trên những mảnh lá chuối cắt thành hình tròn, mỗi lá bún vừa cho một tô. Bún mớ thì được bán theo ký, là thứ bún mà các bà hàng bún thường mua về để bán cho thực khách. Loại bún này pha nhiều bột lọc nên sợi bún trong và dai hơn. Các quán bún chuộng các loại bún này vì nếu dùng bún toàn làm bằng gạo thì sợi bún sẽ ít dẻo, lúc chan nước sẽ mau bở. Sợi bún ở Huế lớn hơn sợi bún ở xứ Quảng và xứ Bắc.
Rau sống ăn kèm với bún ngày trước chỉ có bắp chuối xắt mỏng, một ít rau thơm, hành ngò…, nhưng nay thì chủ yếu là xà lách và giá sống.
Bún bò chính hiệu ở Huế cay và ít ngọt. Ngoài cái cay bởi tinh dầu sả và ớt màu trong nồi nước bún, còn cay do tương ớt và ớt trái xắt lát dầm trong chén nước mắm ăn kèm. Dân Huế là “người Việt gốc ớt” mà. Đó là chưa kể bà hàng bún còn quen tay rắc thêm tiêu bột lên tô bún còn bốc khói trước khi bưng ra cho thực khách.
Huế có nhiều gánh bún dạo. Từ tờ mờ sáng cho đến xế chiều, nơi nào ở Huế cũng dễ dàng bắt gặp những gánh bún dạo của các mẹ, các chị từ ngoại thành đổ vào. Mỗi gánh bún, ngoài những dụng cụ phổ biến như bao gánh hàng rong khác như tô, đũa, muỗng, bếp lò… cần phải có một cái nồi nấu bún. Đó là chiếc nồi có dung tích khoảng 10 lít, dáng tựa cái niêu đất nhưng được làm bằng nhôm. Theo lời những bà hàng bún kỳ cựu ở cố đô thì cái nồi nấu bún ngày trước được làm bằng đất nung, đáy tròn, cổ eo, miệng loe. Nồi này sâu lòng nhưng nhỏ miệng nên giữ nhiệt rất tốt. Đáy nồi tròn để khi bán gần hết, người ta nghiêng nồi cho dễ, khỏi chông chênh trên bếp và đặc biệt là rất dễ múc nước bún, cho dù đó là tô cuối cùng. Đầu thập niên 1960, ở Huế xuất hiện loại nồi tròn làm bằng nhôm, hình dáng tương tự chiếc nồi đất ngày trước. Nhôm dày nhưng nhẹ và bền, nên loại nồi này nhanh chóng trở thành loại nồi nấu bún chuyên dụng và không gì thay thế được, và được mẹ con bà hàng bún “truyền thừa” từ đời này sang đời khác. Nhiều cái nồi dùng lâu đã thủng, nhưng vẫn được gò vá để dùng, chứ không ai muốn dùng loại nồi khác. Vài khách sành ăn bún còn cho rằng tô bún được múc từ một loại nồi khác sẽ không ngon, nên họ luôn cố tìm gánh bún nấu trong chiếc nồi xưa để ăn.
Cảm giác được ngồi gần bếp lửa hồng trong một sáng mùa đông, mắt dõi theo bàn tay thoăn thoắt của cô hàng bún, đang đảo chiếc vá múc bún liên hồi để tìm cho được miếng thịt vừa ý khách hàng trong chiếc nồi tưởng chừng là nhỏ nhưng múc hoài vẫn không hết, mới thực là thú vị. Đôi lúc, ánh mắt thực khách rời khỏi nồi bún, bất chợt liếc ngang đường chân ngực căng đầy nhựa sống của cô hàng bún. Lòng dạ tự nhiên rối bời, nhất là khi ánh mắt nhìn trộm đó bị cô nàng bắt gặp, khiến đôi bên cùng đỏ mặt, dẫu trời đông xứ Huế lạnh đáo để. Bún bò xứ Huế ngon, còn là vì vậy!
Box: Còn bún bò Huế ở xứ Quảng thì sao?
Cách nhau chỉ một con đèo Hải Vân nhưng bún bò xứ Huế và bún bò xứ Quảng cũng rất khác nhau. Người Quảng thường không dùng ruốc khi nấu nước bún như người Huế. Trong khi người Huế chỉ hầm xương bò để lấy nước nấu nước bún thì người Quảng có món bún xương, nghĩa là xương bò không chỉ dùng để nấu nước bún mà còn để ăn như món chính. Nếu người Huế dùng thịt heo nạc quết nhuyễn, viên thành từng viên chả, thả vào nồi bún đang sôi, thì người Quảng lại dùng chả đòn, khi ăn thì xắt lát, sắp lên mặt tô bún rồi chan nước bún vào.
Bun bo Hue 04
Bún bò xứ Quảng ăn kèm bánh mì. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Cũng vì lẽ này mà khi tô bún bò cố đô theo chân lưu dân xứ Huế vượt Hải Vân vào xứ Quảng thì cũng có sự biến đổi cho “hợp người, hợp cảnh”: nước bún nêm rất ít ruốc và cho thêm bột điều để tạo màu như cách dân Quảng nấu… mì Quảng. Bên cạnh dĩa rau sống ăn kèm như kiểu ăn bún bò của người Huế còn có thêm chén hành tím chẻ nhỏ dầm với dấm để phục vụ người Quảng. Người Quảng có món chả bò là đặc sản, nên trong tô bún bò Huế ở xứ Quảng đôi lúc cũng có những viên chả bò cho hợp khẩu vị người Quảng. Tô bún bò Huế ở xứ Quảng cũng đầy đặn hơn, nhiều thịt hơn tô bún bò cố đô. Đã thế, người Quảng ăn bún thường kèm theo một ổ mì nóng giòn. Đúng như nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân từng nhận xét lúc sinh thời: “Dân Huế ăn uống cảnh vẽ, chứ không thiệt tình như dân Quảng”.    
T.Đ.A.S.