17 tháng 9, 2012

Ngộ nhận về H-T-Ngọ trong bàì thơ Ngày xưa Hoàng thị


             Bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của thi sĩ Phạm Thiên Thư  được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát cùng nhan đề vào năm 1971,  được nhiều ca sĩ lần lượt thể hiện, tạo sức lan toả sâu rộng.  Cũng từ đó, đề cập đến nữ nhân vật trong tác phẩm Ngày xưa Hoàng Thị,  vì lắm lý do, có những ngộ nhận đã xảy ra khá nực cười.
                             ( Bài nhận qua email của bạn bè, chưa có bình luận nào)

Thơ bay bằng cánh nhạc
 
          Phần đầu ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị do Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư  
với chữ viết của nhạc sĩ trong tập bài hát Con đường tình chúng ta đi 
                                       (NXB Gìn Vàng Giữ Ngọc, Sài Gòn, 1974) 



               Phần đầu bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị trong thi tập Ngày xưa người tình 
                       của Phạm Thiên Thư (NXB Văn Chương, Sài Gòn, 1974) 


  
                                                              Thi sĩ Phạm Thiên Thư.  
                                                                Ảnh: Phanxipăng 

               Phạm Thiên Thư có họ tên Phạm Kim Long, chào đời năm Canh Thìn 1940 tại Hải Phòng trong một gia đình Đông y mà cha gốc Thái Bình, mẹ gốc Bắc Ninh. Giai đoạn 1943 - 1951, Phạm Thiên Thư sống ở Hải Dương, rồi theo gia đình vào Nam, cư ngụ tại Sài Gòn từ năm 1954. Lớp đệ tam (tương đương lớp 10 hiện thời), Phạm Thiên Thư học trường Trung học tư thục Văn Lang ở khu Tân Định, quận 1, chung lớp với một nữ sinh gốc Hải Dương là Hoàng Thị Ngọ tuổi Nhâm Ngọ 1942. Phạm Thiên Thư kể:
             - Hoàng Thị Ngọ dáng người thanh mảnh, tóc thả ngang vai. Xếp hàng vào lớp, nàng đứng đầu hàng nữ, tôi đứng cuối hàng nam. Vào lớp, nàng ngồi bàn đầu, tôi ngồi bàn cuối. Ngọ học giỏi, còn tôi thì giỏi... đánh lộn. Thế mà tôi yêu nàng. Yêu đơn phương. Nhà tôi ở đường Trần Khát Chân. Nhà Ngọ ở đường Trần Quang Khải. Mỗi lần tan trường, nàng ôm cặp đi bộ về nhà, tôi cứ lẽo đẽo theo sau.
            Phạm Thiên Thư thi đỗ tú tài bán phần (1) rồi trở thành sinh viên phân khoa Phật học thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh (2). Từ năm 1964, Phạm Thiên Thư trở thành tu sĩ Phật giáo với pháp hiệu Thích Tuệ Không, trải qua các chùa Kỳ Quang(3), Từ Vân (4), Vạn Thọ(5). Mặc dầu ăn chay và khoác nâu sồng, những mỗi lần đi về khu Tân Định, Phạm Thiên Thư lại bâng khuâng luyến nhớ mối tình đơn phương thuở học trò. Xúc cảm, Phạm Thiên Thư sáng tác bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị, âu yếm gọi rõ tên nàng trong khung cảnh mây đỏ, cây đỏ, hoa đỏ, bụi đỏ:
          Em tan trường về Cuối đường mây đỏ Anh tìm theo Ngọ Dáng lau lách buồn (...)Mười năm rồi Ngọ Tình cờ qua đây Cây xưa vẫn gầy Phơi nghiêng dáng đỏ

  
                                                    Hoàng Thị Ngọ  
                                                qua nét vẽ của Etcetera 
            Phạm Thiên Thư cho biết:
- Năm 1968, tôi ấn hành cuốn sách đầu tay Thơ Phạm Thiên Thư(6) với số lượng ít ỏi, chỉ 500 bản. Lúc đó, tôi là tu sĩ, ngại bất tiện nên chỉ in bài thơ Ngày xưa Hoàng Thịtheo dạng trích. Đến năm 1971, gặp nhạc sĩ Phạm Duy, tôi trao trọn vẹn bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị. Ít lâu sau, Phạm Duy phổ bài thơ này thành bài hát. Năm 1974, tôi in đầy đủ bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị trong thi tập Ngày xưa người tình (6).
         Phạm Duy viết trong hồi ký Nhớ (NXB Trẻ, 2005): "Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư - mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi với một đám mây - là do hai chúng tôi vô tình cùng đi thăm một người quen đang nằm trong một bệnh viện. Gặp Phạm Thiên Thư ở đó, tôi yêu mến anh ngay. Sau đó, thi sĩ luôn luôn tới nhà tôi đàm đạo. Lúc bấy giờ, tôi đang soạn những bài ca cho tình yêu và tuổi học trò như Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi. Đọc được bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị mà anh bạn trao cho, tôi như bắt được viên ngọc quý và xin phổ nhạc ngay."
         Trong "nhạc tập 2" Đưa em tìm động hoa vàng (NXB Trẻ, 2006), trước ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, Phạm Duy ghi: "Sài Gòn 1971. Tôi gặp Phạm Thiên Thư vào lúc tôi đang soạn những bài ca cho tình yêu và tuổi học trò như Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi. Tôi được vị tu sĩ vừa cởi áo nâu sồng đưa cho một bài thơ cũng nằm trong đề tài này để phổ nhạc, chỉ khác có một điểm là cô bé trong bài thơ không mang những cái tên diễm lệ như Tuyết Nhung hay Dạ Thảo, mà mang một cái tên rất bình dị là Ngọ, Hoàng Thị Ngọ. Tôi dùng một âm giai ngũ cung và một thể nhạc kể truyện để đưa ra tình khúc rất bụi đỏ đường mơ này."
           Ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị được Phạm Duy soạn nhịp ¾, tiết tấu valse (7), âm giai chủ chuyển từ si thứ trưởng sang đô trưởng, tôn vinh kỷ niệm tình yêu học trò tương ứng mạch thơ của Phạm Thiên Thư. Thế nhưng, khi trở thành ca từ trong bài hát cùng nhan đề, lời thơ Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư đã được Phạm Duy linh hoạt chuyển biến khá nhiều về từ ngữ và bố cục.
         Với ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, thoạt tiên, Phạm Duy ghi: "Allegro" (8). E rằng thuật ngữ tiếng Ý kia chưa diễn tả đủ sắc thái cần thiết, nên nhạc sĩ chua nghĩa: "Nhanh mà buồn". Sau này, nhạc sĩ chỉnh lý: "Kể chuyện".
         Giữa năm 1971, nhạc phẩm Ngày xưa Hoàng Thị liền được in rời với bức ảnh Rừng thu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Tính, rồi tái bản ngay với tranh màu nước tươi trẻ sinh động của hoạ sĩ ViVi (9). Năm 1974, Phạm Duy ấn hành tập nhạcCon đường tình chúng ta đi (NXB Gìn Vàng Giữ Ngọc) gồm 16 ca khúc, trong đó có Ngày xưa Hoàng Thị.
         Cũng từ năm 1971, qua làn sóng phát thanh và truyền hình, đồng thời qua băng từ, ca sĩ Thái Thanh ngân vang Ngày xưa Hoàng Thị. Sau đó, trên các nền hoà âm phối khí khác nhau, Ngày xưa Hoàng Thị được lần lượt thể hiện bởi bao chất giọng: Thái Hiền, Julie Quang, Thanh Lan, Hoạ Mi, Hương Lan, Quang Linh, Đức Tuấn, Quốc Đại, Nguyễn Hoàng Nam, Thái Hạnh Quyên, Thu Hiền, Thu Thuỷ, Mai Hương, Quỳnh Hương, Đoan Trang, Phương Vy, Kim Ánh, Khánh Linh, Thuỳ Dung, Mỹ Huyền, Thanh Ngọc, Thanh Thuý, v.v.

                             Đừng đổi thay nguyên mẫu Hoàng Thị Ngọ!
          Tìm hiểu về nguyên mẫu nhân vật trong các tác phẩm văn nghệ (thơ, văn, nhạc, hoạ, múa, điêu khắc, nhiếp ảnh, điện ảnh, v.v.) là nhu cầu của đông đảo công chúng cùng các nhà nghiên cứu tự ngàn xưa đến mai sau. Tác phẩm càng nổi tiếng, nhu cầu đó càng cao. Bài hát phổ thơ Ngày xưa Hoàng Thị được phổ biến rộng khắp, trở thành "hiện tượng", tất nhiên thiên hạ càng muốn biết nguyên mẫu người phụ nữ mang họ tên mộc mạc chân chất Hoàng Thị Ngọ. Tôi hỏi: - Hoàng Thị Ngọ đang ở đâu?
- Nàng hiện định cư tại Hoa Kỳ, Phanxipăng ạ.
            Phạm Thiên Thư đáp thế, đoạn tiếp:
- Báo chí miền Nam trước đây, gồm tờ Bách Khoa và tờ Sống, đã thực hiện đề tài: nhân vật chính trong Ngày xưa Hoàng Thị là ai? Hình như giai đoạn đó, đồng bào quá hoang mang vì chiến sự ác liệt nên ít đọc, hoặc đọc xong thì quên béng, bởi thế sau này mới xảy ra những ngộ nhận nực cười.
Hà Đình Nguyên ghi chép lời của Phạm Thiên Thư rồi đăng báo Thanh Niên 6-6-2011, sau đưa vào tập 1 Những bóng hồng trong thơ nhạc (NXB Thời Đại, 2011): "Sau khi bản nhạc ra đời, ca sĩ Thái Thanh là người hát đầu tiên. Không những thế, bài hát còn lan rộng trong quảng đại quần chúng, đi đâu cũng nghe người ta hát, nhất là trong giới sinh viên học sinh. Rồi có vài ba cô gái tự nhận mình là cô Ngọ trong Ngày xưa Hoàng Thị. Nổi đình nổi đám nhất là cô bạn gái của nhà thơ Du Tử Lê tên là Thảo nhưng nhất quyết "đòi" quyền làm... Hoàng Thị Ngọ, đến đỗi nhạc sĩ Phạm Duy phải đến gặp tôi để hỏi cho ra nhẽ."
Kỳ thực, Thảo chẳng phải tên thật, mà tắt hoá bút hiệu / bút danh: Hoàng Dược Thảo, chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Sài Gòn Nhỏ, toà soạn đặt tại California, Hoa Kỳ. Hoàng Dược Thảo có họ tên tiếng Việt là Huỳnh Thị Châu, họ tên tiếng Pháp là Brigitte Lauré Huỳnh. Năm 1971, tại Sài Gòn, học lớp đệ nhị (tương đương lớp 11 hiện thời), Châu lấy nhà thơ Du Tử Lê (10), rồi sinh 2 con. Năm 1975, Du Tử Lê sang Hoa Kỳ. Năm 1978, nhờ có quốc tịch Pháp, Châu đi Pháp rồi qua Hoa Kỳ. Ly dị Du Tử Lê năm 1980, sau đó Huỳnh Thị Châu mấy lần tái giá. Viết văn và làm báo, Huỳnh Thị Châu ký các bút danh Hoàng Dược Thảo, Đào Nương, Thuỵ Châu, Nghé Ngọ, v.v.
   
                                                 Hoàng Dược Thảo tức Huỳnh Thị Châu  
                                                           do Etcetera hí hoạ

             Dư luận gần xa vụt râm ran khi Hoàng Dược Thảo tuyên bố rằng bản thân mình chính là nguyên mẫu nhân vật Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ lẫn bài hát Ngày xưa Hoàng Thị. Phản ứng với vụ việc này, tuần báo Việt (11) số 24 phát hành ngày 9-7-2005 tại California, Hoa Kỳ, đăng bức thư của thi sĩ Phạm Thiên Thư do nhạc sĩ Phạm Duy chuyển. Thư nọ cho biết: Hoàng Dược Thảo tức Huỳnh Thị Châu chẳng phải là Hoàng Thị Ngọ.
            Mọi chuyện tưởng đã hai năm rõ mười, ai ngờ vừa qua, tháng 3-2012, tập san Đồng Khánh - Hai Bà Trưng do trường trung học phổ thông cùng tên ở Huế ấn hành dịp kỷ niệm 95 năm thành lập cơ sở giáo dục này có đăng bài Ngày xưa Đồng Khánh của Bạch Lê Quang trình bày những suy tư quá ư sai lệch: "Không hiểu sao, cứ mỗi lần nghe Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Duy phổ nhạc), tôi cứ nghĩ hình như khúc thánh ca tình yêu tuổi học trò nầy là riêng dành cho Đồng Khánh, cho Huế và cho nhữngÁo tà nguyệt bạch của một thời niệm khúc ngày xưa. Nhưng cũng không thể nghĩ khác hơn. (...) Và nữa, ngoài cái đường mưa nho nhỏ ướt rượt cả không gian Huế, lại còn Áo tà nguyệt bạch / Ôm nghiêng cặp sách / Vai nhỏ tóc dài... Chao ơi, ai cũng có thể ôm nghiêng cặp sách nhưng với style vai nhỏ tóc dài thì đó là hàng độc của một made in Đồng Khánh ngày xưa trong tâm thức Huế. (...) Rồi thì, sau cái vai gầy rất Đồng Khánh kia đó là dáng. Dáng Ngọ. Ngọ của Phạm Thiên Thư. Và Ngọ của Huế, của lau lách Vĩ Dạ buốt lạnh cả thơ Hàn trong một đêm trăng sông mộng mị. Anh đi tìm Ngọ / Dáng lau lách buồn / Tay nụ hoa thuôn / Vương bờ tóc suối. (...) Vâng, đường mưa nho nhỏ, áo tà nguyệt bạch, vai nhỏ, dáng gầy lau lách... là hình, là diện. Đồng Khánh nhất trong Ngày xưa Hoàng Thịcủa Phạm là cái tình ơi, tình ơi. Đồng Khánh là vậy. Tan trường, biết có người theo sau vẫn Bước em thênh thang / Áo tà nguyệt bạch. Quá lắm là cả một lặng im với cái mím môi rất chi là Huế. Em tan trường về / Đường mưa nho nhỏ / Trao vội chùm hoa / Ép vào cuối vở / Thương ơi! Vạn thuở / Biết nói chi nguôi / Em mím môi cười / Anh mang nỗi nhớ. Biết làm sao được. Hoàng Thị là vậy. Muôn đời vẫn có một Đồng Khánh ẩn mình trong tâm hồn Huế để cho đời một thứ tình mà Hà Huyền Chi gọi là tình... nấp. (...) Chàng Tư Mã họ Phạm (mà không riêng gì họ Phạm) trước thứ tình nấp đó chỉ biết Anh đi theo hoài / Gót giày thầm lặng rồi Anh đi theo Ngọ / Dáng lau lách buồn. (...) Đến đây thì không thể nghi ngờ gì nữa, có một Ngày xưa Hoàng Thị dành riêng cho Huế, cho Đồng Khánh."(12)
           Nhắc một bài hát quen thuộc, nhưng Bạch Lê Quang không dẫn ca từ mà dẫn thơ, trong khi hai khoản này có những khác biệt nhất định. Dẫu khác biệt, song nữ nhân vật duy nhất trong thơ lẫn ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị vẫn cùng một người là Hoàng Thị Ngọ. Oái ăm thay, với lối gán ghép cực kỳ khiên cưỡng và trá mị của Bạch Lê Quang, nguyên mẫu Hoàng Thị Ngọ gốc Hải Dương ở Sài Gòn bị biến thành nữ sinh trường Đồng Khánh có liên quan hoặc cư ngụ nơi thôn Vĩ, bây giờ là phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Mà sao lại làng Vĩ Dạ, chứ không phải làng Nguyệt Biều, bây giờ thuộc phường Thuỷ Biều, thành phố Huế, nổi tiếng với bao giai nhân dòng Hoàng Trọng, nhỉ? Cụm từ "cái vai gầy rất Đồng Khánh" thể hiện thói tật ba hoa một tấc đến trời. Vai nhỏ tóc dài há lẽ "là hàng độc của một made in Đồng Khánh ngày xưa trong tâm thức Huế", chứ không thể mô tả phần nào vóc dáng nữ sinh của mọi trường trung học thuở trước lẫn bây giờ trên toàn đất nước Việt Nam ư? Còn Tình ơi! Tình ơi! (ghi đúng theo nguyên tác của Phạm Thiên Thư) chẳng chất chứa đặc điểm gì "Đồng Khánh nhất", nếu gắn chặt với bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị chắc chắn phải "Văn Lang nhất", bằng không thì bất kỳ nơi chốn nào trong cõi-người-ta cũng được.
           Tại quận 10, TP.HCM, đọc xong bài Ngày xưa Đồng Khánh, nhà thơ Phạm Thiên Thư bị "sốc toàn tập". Không thể kìm nén nổi nỗi bất bình nên Phạm Thiên Thư nói lớn giữa quán cà phê Hoa Vàng:
- Tập san Đồng Khánh - Hai Bà Trưng ghi rõ rằng Bạch Lê Quang là giáo viên tổ trưởng tổ Văn trường trung học phổ thông Phan Đăng Lưu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thế thì đáng buồn thật! Chẳng rõ kiến thức đâu, tư duy đâu mà Bạch Lê Quang đổi trắng thay đen, tán rằng Hoàng Thị Ngọ là nữ sinh trường Đồng Khánh ở Huế, lại còn bốc rằngNgày xưa Hoàng Thị dành riêng cho Huế, cho trường Đồng Khánh, hả?

___________ (1) - Tú tài bán phần / tù tái đơn / tú tài I thi cuối lớp đệ nhị / lớp 11. Tú tài toàn phần / tú tài kép / tú tài II thi cuối lớp đệ nhất / lớp 12. Từ niên khoá 1971 - 1972, Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành Nghị định 939GD/KHPC/HV/NĐ bãi bỏ tú tài bán phần tại miền Nam Việt Nam.
(2) - Là đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam, Viện Đại học Vạn Hạnh được Phật giáo đầu tư và hoạt động từ năm 1964 đến năm 1975 do tỉ khâu Thích Minh Châu làm Viện trưởng, tỉ khâu Thích Mãn Giác làm Viện phó. Mới thành lập, Viện Đại học Vạn Hạnh tạm đặt tại chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội; tới năm 1966 thì dời đến cơ sở biệt lập tại 222 đường Trương Minh Giảng, nay là đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM. Với chủ trương "duy tuệ thị nghiệp", Viện Đại học Vạn Hạnh thuở ấy có các phân khoa: Phật học, Văn học và Khoa học nhân văn, Khoa học xã hội, Giáo dục, Khoa học ứng dụng.
(3) - Đây là chùa Kỳ Quang I, hiện có địa chỉ 22B Nguyễn Thị Huỳnh, P.8, Phú Nhuận. Trên địa bàn TP.HCM còn có chùa Kỳ Quang II tại 154/4A Lê Hoàng Phái, P.17, Gò Vấp; và chùa Kỳ Quang III tại 73 xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, Q.2.
(4) - Chùa Từ Vân còn được gọi chùa Bà Đầm, chùa Lý Dương Sanh, được Lý Thị Ly sáng lập năm 1932. Chùa này hiện có địa chỉ 62 Phan Xích Long, P.1, Phú Nhuận, TP.HCM.
(5) - Nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc, chùa Vạn Thọ hiện có địa chỉ 212/158 Nguyễn Văn Nguyễn, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM. Các vị hoà thượng trụ trì chùa này: Thích Huệ Nhựt giai đoạn 1942 - 1951, Thích Thiện Tường giai đoạn 1951 - 1966, Thích Bửu Tuyền giai đoạn 1966 - 1980, Thích Thanh Sơn từ năm 1980 đến nay. Chùa Vạn Thọ đang đặt văn phòng Ban Đại diện Phật giáo Q.1 và cơ sở chữa trị bong gân, trặc khớp xương.
(6) - NXB Văn Chương, Sài Gòn.
(7) - Tiếng Pháp: valse. Tiếng Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Na Uy: vals. Tiếng Bồ Đào Nha, Latinh: valsa. Tiếng Ý: valzer. Tiếng Hà Lan: wals. Tiếng Anh: waltz. Tiếng Ba Lan: walc. Thuật ngữ này bắt nguồn từ Walzen trong tiếng Đức cổ (tiếng Đức hiện đại ghi Walzer), nghĩa gốc là uốn, xoay, lướt đi. Tiếng Hoa: 圓舞曲 mà bính âm phát yuán​wǔ​qǔ , âm Hán-Việt phát viên vũ khúc.
(8) - Theo Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng do Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Thường, Đức Bằng hợp soạn (NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1984) thì thuật ngữ tiếng Ý allegro mang nghĩa: "Nhanh, vui, sôi nổi".
(9) - ViVi là một nghệ danh của hoạ sĩ Võ Hùng Kiệt, chào đời năm Ất Dậu 1945 tại Vĩnh Long, tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1968, vẽ bìa, vẽ truyện tranh cùng minh hoạ trên các tờ Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Ngàn Thông, Bạn Trẻ, Tinh Thần, Trái Tim Đức Mẹ, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Dân Chủ, Độc Lập, v.v., trình bày một số sách giáo khoa và vẽ tem bưu chính.
(10) - Du Tử Lê có họ tên Lê Cự Phách, chào đời năm Nhâm Ngọ 1942 tại tỉnh Hà Nam, di cư vào Nam năm 1954, từng làm thư ký toà soạn nguyệt san Tiền Phong, được trao giải Văn chương toàn quốc bộ môn thơ năm 1973, sang Hoa Kỳ năm 1975. Du Tử Lê có nhiều vợ. Với vợ kế Huỳnh Thị Châu / Thuỵ Châu, Du Tử Lê từng sáng tác các bài thơ Khúc Thuỵ Du(đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc cùng nhan đề), Khi trông thư Thuỵ Châu, v.v.
(11) - Việt Weekly.
(12) - Có thể đọc trọn bài Ngày xưa Đồng Khánh của Bạch Lê Quang khi truy cập http://www.thpt-haibatrung-tthue.edu.vn/?catid=95&id=524
 Đã đăng tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 790 (20-7-2012)

15 tháng 9, 2012

Rừng phong thay lá quyến rũ trong mùa thu Nhật Bản


Mùa rừng phong chuyển sắc tại Nhật Bản

Nguồn : VietNamNet

Rừng phong thay lá quyến rũ trong mùa thu Nhật Bản

Ở Nhật, khi mùa thu đến khoảng từ cuối tháng chín tới giữa tháng 11, là mùa rừng phong chuyển sắc từ xanh sang đỏ. Nhiều người gọi đó là mùa lá đỏ.
 Phần lớn người Nhật nói rằng đây là mùa đẹp nhất trong năm. Họ thích những khoảng thời gian này vì thời tiết ổn định, lý tưởng cho việc đi du lịch. Những bức ảnh này được chụp tại cố đô Kyoto của Nhật Bản.



Nước Nhật được nhuộm màu trong mùa lá đỏ

Những chiếc lá vàng bắt đầu rụng nhưng thay vào đó là một sắc màu rất riêng của những cây lá đỏ. Và khi đó không chỉ người Nhật mà cả những người nước ngoài sống tại Nhật sẽ không bỏ sót cơ hội để được đi ngắm vẻ đẹp của chúng.
Khi nói đến Nhật Bản thì không ai là không biết đến hoa anh đào (tiếng Nhật là Sakura), loài hoa đặc trưng cho mùa xuân ở đất nước mặt trời mọc. Nhưng ngoài mùa hoa anh đào ra thì không thể không nói đến mùa lá đỏ (tiếng nhật gọi là Momiji), nét đặc trưng rất riêng của mùa thu trên đất Nhật.

Nếu có dịp bạn hãy đến thăm đất nước Nhật Bản và ngắm lá đỏ vào khoảng từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11 nhé.

Lá trong lá.
Nền lá vàng càng tôn thêm vẻ đẹp của lá đỏ.
Lá đỏ và lá vàng khoe sắc.
Cùng nhau đi ngắm lá đỏ.
Lá đỏ ven hồ.
“Lá đỏ” - một nét riêng.

9 tháng 9, 2012

22 loại hoa, cây cảnh có độc tố


22 loại hoa, cây cảnh có độc tố 



Tiến sĩ Sinh học Bùi Văn Lệ, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết, những gia đình có trẻ nhỏ không nên trồng các loại hoa, cây cảnh. Vì có nhiều loại hoa và cây cảnh có chất độc mà bố mẹ không biết.
Ông nói: “Tốt nhất, các bố mẹ, ông bà, người trông trẻ nên cẩn thận, tuyệt đối không để các bé nghịch, cầm hay cho bất cứ loại lá cây nào vào miệng. Hơn thế, bé có thể nghịch đất trồng trong chậu rất bẩn, dễ nhiễm giun sán. Có những loại hoa cây cảnh không chỉ độc với bé mà còn độc với cả người lớn”.
Ngoài vạn niên thanh còn có 22 loại cây cảnh có độc khác đều được trồng phổ biến ở Việt Nam:
1. Trúc đào: Tên khoa học là Nerium oleander. Toàn thân trúc đào đều có chất cực độc Oleandrin, Neriin. Người ta có thể bị ngộ độc do chạm vào cây hoặc nuốt phải. Nhẹ thì gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, nặng thì có thể mất kiểm soát cơ thể, hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Việc phơi khô hoặc nấu chín cũng không làm mất tính độc của loài thực vật này. Không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước (giếng ăn, bể nước...) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước. Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc do mủ hoa cây trúc đào.
Hiện nay, trúc đào đang được trồng rất nhiều ở trên các tuyến phố, vườn hoa, nơi công cộng.
2. Thơm ổi: Tên khoa học là Lantana spp. Quả có chất độc Lantanin alkaloid Hoặc lantadene A gây bỏng rát đường ruột, giãn cơ, rối loạn tuần hoàn máu và có thể dẫn đến tử vong.
3. Ngoắt nghẻo: Tên khoa học là Gloriosa superba. Củ và hạt cây có chất kịch độc Colchicine và một số alkaloid khác mà nếu ăn vào sẽ gây tê lưỡi, làm cho cơ thể mất cảm giác, nặng thì hôn mê và nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
4. Cà độc dược, một số loại cà kiểng, hoa Lưu ly: Tên khoa học là Datura metel, thuộc họ cà Solanaceae. Tiếp xúc qua da với bất kì vị trí nào trên cây đều có thể gây nổi mẩn đỏ, ngứa, chóng mặt, nhức đầu, thấy ảo giác, hôn mê và có thể gây mù mắt hoặc tử vong.
Cũng chính nhờ độc chất có trong hoa lá thân cây, mà cà độc dược còn được dùng làm thuốc, nếu dùng với liều khống chế, có thể chữa ho hen, say sóng, trị mụn nhọt.
5. Đỗ quyên: Tên khoa học là Rhododendron occidentale. Tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc Andromedotoxin và Arbutin glucoside. Người bị ngộ độc do loại cây này thường có triệu chứng buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng. Một lượng 100 đến 225 gram lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em 25 kg.
6. Thiên điểu: Tên khoa học là Strelitzia reginae. Hoa và hạt của cây có các chất gây ngộ độc đường ruột. Tiếp xúc hoặc ăn hoa, hạt sẽ khiến buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt.
7. Môn kiểng: Tên khoa học là Caladium hortulanum. Tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc Calcium oxalate và Asparagine Khi ăn phải sẽ dẫn đến nguy cơ bị bỏng, ngứa rát vùng miệng, niêm mạc ruột.
8. Hoa loa kèn Arum/ Ý lan: Tên khoa học là Zantedeschia aethiopica. Lá và củ cây đều có chất độc đường ruột Calcium oxalate. Khi ăn phải loại thực vật này có thể bị ói mửa, bỏng rát bề mặt niêm mạc.
9. Xương rồng bát tiên: Tên khoa học là Euphorbia milii splendens. Nhựa cây gây bỏng rát da khi tiếp xúc.
10. Anh Thảo: Tên khoa học là Cyclamen persicum. Củ cây có chất độc Alkaloids gây khó tiêu, tiêu chảy, ói mửa nếu ăn phải.
11. Chuỗi ngọc: Tên khoa học là Sedum morganianum: Tất cả bộ phận có chất Glucosides gây mệt mỏi, khó thở, tiêu chảy nếu ăn phải.

2 tháng 9, 2012

CHƠI FACEBOOK - bài của Thầy Thân Trọng Sơn


                               

                           CHƠI FACEBOOK



     
        Cách đây mấy năm, khi mình đang chơi weblog có người rủ rê, anh chơi luôn facebook đi, vui lắm. Mình nghe lời, sắm được cái nhà nhưng không biết bày biện thế nào, cứ thấy trống hươ trống hoắc, lại gặp lúc mỗi lần vô nhà là đụng phải bức tường nóng bỏng, xém cháy mặt mũi chân tay. Bèn nản chí bỏ cuộc. Gần đây đi đâu cũng nghe giới giang hồ bàn tán về món này, mình lại tò mò muốn nhập cuộc trở lại. Mày mò ít bữa cũng len lỏi vô được và, ngạc nhiên chưa, gặp toàn là người nhà cả. Anh trai em gái, em rể chị dâu, cháu trai cháu gái, chuyện trò xôn xao, nói cười vui vẻ. Có khi xa nhau vạn dặm, có khi cùng xóm cùng làng nhưng đều không thấy mặt, không nghe tiếng, chỉ gặp nhau trên bàn phím. Đúng là vui thiệt, rứa mà lâu ni mình hờ hững. Rồi cũng bắt chước kết thêm nhiều bạn mới, tự dưng đang quen người ni lại kết thêm người tê chỉ vì người tê là bạn của người ni, rồi nhờ có người tê với người ni mà quen thêm người nớ. Riết một hồi thì dây thân ái lan rộng mọi miền.









                                       Đường về hun hút, bóng chiều rơi.
                                       Để lại sau lưng cả đoạn đời.
                                      Ta về thôi,  cố nhân ơi.
                                       Quay lưng nhìn lại một thời xuân xanh.
                                                      ( Đỗ Phước Thanh-Tiễn Thầy ra phi trường )


         Điều thú vị nhất là chỉ sau vài tháng, trong danh sách Friend mình có đủ các thế hệ học trò cũ, giúp mình nhớ lại cả quãng đời bốn mươi năm dạy học. Đây này: đầu tiên là thời gian mình tập tễnh vào nghề có Đỗ Phước Thanh, Long ĐP, Bùi Phương Thảo, Lê Nguyên Hòa, Võ Lan, Bùi Thanh Hải. Gần mười năm sau, khi mình tàm tạm quen nghề trở về trường cũ quê xưa thì có Chương Hoàng. Thêm một lần di chuyển, hai mươi năm sau khi ra trường, lúc mình đã tự tin dạy nghề thì có Nguyễn Đỗ Thiên Vũ. Cuối cùng là giai đoạn mình từ từ thôi nghề có Lâm Bảo Vy, Trần Thảo Ly, Nguyễn Ngân Hương. Trong số 11 người kể tên trên, theo thứ tự, số 1, 2, 3 đang ở thánh địa Ban Mai, số 4 và 5 ở Hòn Ngọc Viễn Đông, số 6 và 7 định cư ở xứ Hoa Nở Trên Cờ, số 8 ở Thành Phố Sương Mù, số 9, 10 và 11 du học tại Kinh Đô Ánh Sáng hay đâu đó tại Quốc Gia Hình Lục Giác. Cùng ngồi trên chiếu đồng môn nhưng có người chỉ thua mình 5 tuổi, có người kém trên bốn chục.


     Đó là chỉ kể những người đã chính thức vô nhà, chưa tính trong không gian FB thỉnh thoảng vẫn thấy thấp thoáng trước ngõ Trần Viết Tiến, Trần Khang Thụy ( thế hệ 1 ) và Thiên Tân ( thế hệ 4 ). À còn có một bạn nữa, qua vài thông tin mình biết chắc chắn tên là Mỹ ( cùng lớp với ĐPT ) nhưng lại thấy ký tên là Mai. Sau mới nghiệm ra rằng ở xứ người cái tên Mỹ bỏ dấu đi ai cũng đọc là Mai. Từ trường hợp này mới nhớ đến Ngô Bút, cũng chuyển qua xứ đó. Thời gian đầu, anh hay viết thư về tâm sự. Em đau khổ lắm thầy ơi, em học hành không tệ mà sao không xin được việc, chắc tại vì cái tên của em. Đúng rồi ở bển ai mà phát âm trúng được chữ Ngô. Sao không bắt chước chị Anh Nga, mấy lần sang Pháp tìm tư liệu viết hồi ký , chị phải đổi tên là Agnane ( từ gốc là agnê, tiếng Hy Lạp, nghĩa là trong trắng, ngây thơ ). Ngô em phải đổi thành George. Bút cũng khó đọc, hay là em đổi luôn là George Bush. Nghe đâu nhờ cái tên mới, anh kiếm được cái job kha khá, lại có nhà cao cửa rộng ở thành phố Hoa Sinh Tồn. Nhưng từ đó anh không còn liên lạc gì nữa. Hỏi thăm mấy đứa bạn thì được biết đúng là well-paid job nhưng chỉ được hợp đồng ngắn hạn, hết bốn năm phải làm thủ tục xin việc trở lại. Công việc nguy hiểm lắm, không dám đi đâu một mình mà phải có nhiều người vây quanh, che chắn. Cả đời không dám đi taxi hay bus mà ngồi trong chiếc xe bít bùng, đạn bắn không thủng. Cũng làm công việc đó trước anh có người đã bị ám sát. Còn cái nhà to thì to thật nhưng chán lắm, chỗ nào cũng toàn màu trắng, nhìn ảm đạm, buồn tẻ vô cùng. Mà chỉ là nhà công vụ, hết làm thì dọn đi nơi khác. Không sánh bằng nhà chị Chuong Hoang ở trên Vu Sĩ Ngã, bốn mùa cây cỏ xanh tươi, đi đâu cũng thấy hoa: hoa trên bồn, hoa trong chậu, hoa trong vườn, hoa trước ngõ, hoa bên hiên ngoài, hoa trong phòng ngủ, hoa trên cửa sổ, hoa dưới mái nhà, xanh đỏ tím vàng, rất đậm hương và rộn tiếng chim.
    Nghe chuyện Ngô Bút, không biết hư thực thế nào mình viết thư hỏi thăm, ngờ đâu hắn trả lời, ngao ngán : Sorry I don’t know who you are. The only one I can remember in Vietnam is Hồ Quát, a friend of mine, actually known as HOWARD, who is kangarooing somewhere in the world. Ai chứ Hồ Quát thì mình nhớ rõ. Có lần mình cho làm bài môn Expression écrite, đề tài tự do, hắn ngoáy đâu hơn nửa tiếng rồi nộp bài. Bài hắn viết :
               Histoire d’un amour.
           Elle était si jolie / Et je n’osais l’aimer / Un jour je l’ai rencontrée / Je lui ai demandé / Sais-tu parler vietnamien? / Elle m’a dit que oui. / Rứa thì cho tui làm quen nghe./ Em là cô gái hay nàng Tiên?/ Em ở xóm núi hay phố biển? /Sao em lạc bước đến nơi đây? / Khiến cho lòng tui ngất ngây/ Rượu Hồng Đào chưa uống mà say/ Vang Bordeaux nốc ly đầy chưa đã …( Hắn viết tiếp hơn hai trang nữa, toàn tiếng Việt ).
     Mình hỏi cái chi lạ ri. Hắn trả lời tỉnh bơ: Cổ biết tiếng Việt, em nói tiếng Việt, xài tiếng Pháp chi cho mỏi miệng. Không nhớ mình có la rầy chi không, chỉ biết là sau lần đó hắn bỏ lớp, bỏ trường, bỏ xứ, đi thật xa. Sau này đọc báo thấy ở thành phố Căn Bích La xứ Đại Thử có Thủ Tướng Howard là người gốc Việt, mình đã ngờ ngợ, ai dè…


    Làm thầy giáo có học sinh thành đạt thiệt hạnh phúc. Mà đâu phải đi xa mới lẫy lừng. Cứ ở trong nước mà được như anh T. ở thánh địa Ban Mai cũng khiến mình tự hào. Học đệ tam ban C, anh thi nhảy Tú Tài I ban A, rồi ở nhà tự học lấy luôn Tú Tài II ban B. Dạy học vài năm rồi chuyển làm việc khác, bây giờ anh vừa làm vừa chơi. Thích uống cà phê, biết uống rượu, khoái ăn ngon. Viết văn chút đỉnh, thỉnh thoảng làm thơ. Khá nhạc, biết đàn, ưa khiêu vũ. Hát và tự ghi âm, chuyển lên mạng cho nhiều người thưởng thức. Ham học hỏi, rành IT. Say mê vườn hoa, cây cảnh. Chuộng làm non bộ, giả sơn. Cũng có lúc tự lái xe rong chơi cuối trời phiêu lãng. Khen vườn hoa anh đẹp quá, anh tức cảnh thành thơ: Có đâu như xứ Đà La, Mấy kỳ phét-ti-van hoa, xấu òm! Hỏi sao cái gì anh cũng biết, anh chỉ cười nói: Đời Phải Thế !
     Lạ chưa, đang nói chuyện facebook tự nhiên nhảy sang kể chuyện học trò, thì cũng đúng thôi, ai có của thì khoe của tui không có chi, cho tui khoe học trò chứ! Mà nói rồi đó, chỉ sơ lược vài nét chấm phá thôi, kể đủ hết chuyện mười một người, có mà thâu đêm suốt sáng. Chờ đến khi trời quang mây rạng, rồi tui nói hết cho mà nghe. Còn bây chừ, cho tui nói nhỏ với học trò tui một chút: Ô mes élèves, je vous aime tous! Rứa cái đã, hein?

                                                              by Son Than on Sunday, September 2, 2012 at 7:54am